Đức Phanxicô đi Congo và Nam Sudan mối quan hệ đặc biệt của ngài với Phi châu

36

Đức Phanxicô đi Congo và Nam Sudan mối quan hệ đặc biệt của ngài với Phi châu

Đức Phanxicô sẽ đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 2023. Dù ngài chỉ có một vài chuyến đi đến đó, nhưng ngài có mối quan hệ với lục địa châu Phi rất khác so với các tiền nhiệm của ngài.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-01-29

Hình ảnh: Giáo dân đón Đức Phanxicô khi ngài đến Kololo ở Kampala, ngày 28 tháng 11 năm 2015. Giuseppe Cacace/AFP

Trong các hành lang của tầng ba Dinh tông tòa có hai bản đồ địa lý khổng lồ. Một bên là châu Mỹ, bên kia là châu Âu và châu Phi. Toàn thế giới bị cắt làm đôi, bản đồ vẽ khoảng năm 1580, dưới thời giáo hoàng Gregory XIII, các nhà ngoại giao của bộ Ngoại giao ngày ngày đi qua trước bản đồ này.

Có phải để nhớ không có phần nào trên thế giới xa lạ với Giáo hội công giáo không? Dù sao đó là điều Đức Phanxicô muốn chứng tỏ qua chuyến tông du ngày thứ ba, 31 tháng 1 trong sáu ngày, đến hai quốc gia quan trọng của lục địa châu Phi: Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Chương trình chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan

Đây là lần thứ 21 lục địa châu Phi đón giáo hoàng, kể từ chuyến đi lịch sử của Đức Phaolô VI tới Uganda tháng 7 năm 1969. Những người kế vị thánh Phêrô chưa bao giờ ngừng các chuyến đi Phi châu của họ, và Đức Phanxicô cũng không ngoại lệ, dù mối quan hệ của ngài với châu Phi bắt đầu trễ  hơn. Ngài đến đó lần đầu tiên năm 2015, trong chuyến đi Kenya, Uganda, và đặc biệt là tại Cộng hòa Trung Phi đang chìm trong nội chiến. Một chuyến đi đánh dấu sâu đậm đến  giáo hoàng, người đã duy trì mối quan hệ thường xuyên với lục địa mà ngài đã trở lại hai lần.

Đi Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Phanxicô đi trên bãi mìn

Năm 2016, ngài nói với nhà ngoại giao châu Phi khi tiếp ông: “Châu Phi, tôi không chỉ thích mà còn yêu nó.” Nhà ngoại giao này nhớ lại: “Khi nghe ngài kể cho tôi chuyến đi Cộng hòa Trung Phi, tôi thấy mặt ngài sáng lên. Tôi cảm thấy, đây đúng là một người miền Nam bán cầu đang ở trước mặt tôi. Một loại gần gũi giữa hai người ngoài châu Âu mà tôi chưa bao giờ cảm thấy với các giáo hoàng khác.”

Hiện thân của các vùng ngoại vi

Sự nhạy cảm của ngài với châu Phi cũng là điều mà linh mục  Dòng Tên người Nigeria Agbonkhianmeghe Orobator nhận thấy. Giữ trách nhiệm lo cho toàn bộ lục địa tại Tổng Giáo triều Dòng Tên ở Rôma, linh mục nhắc lại, dưới mắt Đức Phanxicô, châu Phi hiện thân cho những vùng ngoại vi thế giới mà ngài luôn mong muốn thế giới chú ý đến, kể từ đầu giáo triều của ngài.

Linh mục Orobator giải thích: “Đó là lục địa bị gạt ra bên lề và trở nên dễ bị tổn thương vì ngày càng bị khai thác tài nguyên. Đức Phanxicô ý thức rất rõ điều này, vì ngài ý thức được những khủng hoảng đang ảnh hưởng đến lục địa, như hiện tượng di cư hay biến đổi khí hậu. Theo linh mục Orobator, chuyến tông du của ngài đến hai quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này, cũng là đi theo hướng này.

Giáo hoàng không đến đó như nhà truyền giáo mang Tin Mừng đến

Nhà thần học người Burkinabé Paul Béré giải thích: “Giáo hoàng không biết châu Phi, nhưng với ngài, châu Phi là lục địa bị bóc lột. Và âu lo của ngài là đảm bảo người nghèo không bị bóc lột. Ngài đặt người nghèo vào trung tâm huấn quyền Giáo hội. Và điều đó ảnh hưởng đến Châu Phi.”

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Phanxicô sẽ gặp nạn nhân của các vụ thanh trừng

Thực tế Đức Phanxicô cũng là giáo hoàng không phải người châu Âu có thể thiết lập mối quan hệ mới với châu Phi. Một nhà quan sát am tường Giáo triều nhận xét: “Đức Phanxicô không đến đó như nhà truyền giáo mang Tin Mừng đến. Như thế ngài sẽ nói gì ở đó? Là người Nam bán cầu, quan điểm của ngài sẽ như thế nào?” Người tu sĩ biết rõ về lục địa châu Phi mong được thấy Đức Phanxicô mời gọi chúng ta thoát khỏi logic đối đầu giữa Bắc và Nam: “Từ đó, mô hình phát triển được Giáo hội thúc đẩy sẽ là gì? Kitô giáo đưa ra giải pháp thay thế nào cho logic săn mồi? Đây là hai câu hỏi mà Đức Phanxicô phải trả lời.”

Quyền lực châu Phi yếu trong Giáo triều

Nhưng mối quan hệ giữa giáo hoàng Argentina và lục địa biểu tượng của các vùng ngoại vi mà ngài yêu mến lại bị đánh dấu bằng một điểm yếu: sự vắng mặt thực sự của người châu Phi trong Giáo triều Rôma, nơi mọi người dường như đã quên rằng Giáo hội có người châu Phi đầu tiên đứng đầu. giáo hoàng Victor I, từ thế kỷ thứ 2.

Kể từ khi hồng y người Ghana Peter Turkson, đứng đầu Bộ Phát triển Con người Toàn diện, buộc phải từ chức vào năm 2021, vài tháng sau khi hồng y Robert Sarah, cựu trưởng bộ Phụng tự về hưu, thì không còn người châu Phi nào đứng đầu  một bộ nữa. Và kể từ đó, chỉ có khoảng hai mươi công dân của lục địa làm việc trong chính quyền giáo hoàng.

Một trong số họ hỏi: “Tại sao chúng tôi lại quá ít? Đừng nói với tôi là không có người có khả năng ở châu Phi.” Vị giáo sĩ đã ở Rôma nhiều năm kể những nhận xét phân biệt chủng tộc mà đôi khi ngài phải đối mặt với một số linh mục người Ý làm việc tại Vatican: “Một số người cho rằng chúng tôi đã thoát khỏi cảnh khốn cùng. Về cơ bản, đây là hình ảnh mà mọi người có về châu Phi. Ở đây, ai cũng xem chúng tôi như những kẻ ăn xin.”

“Có bao nhiêu cái chết ở châu Phi đã phải làm cho giáo hoàng phẫn nộ?”

Nhận xét u buồn này làm cho chính linh mục này cũng phải chấp nhận, dù có bao nhiêu chuyến tông du của giáo hoàng đến lục địa này thì “lục địa này cũng không được đánh giá đúng với giá trị hợp lý của nó.” Ngài hỏi: “Có bao nhiêu cái chết ở châu Phi đã phải làm cho giáo hoàng phẫn nộ?”, ngài  bối rối trước sự khác biệt đối xử giữa cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc xung đột ảnh hưởng đến lục địa. Tuy nhiên, ở châu Phi, giáo hoàng vẫn được xem là nhà hòa giải tiềm năng, bằng chứng trong thỉnh cầu gần đây ở Nhà Thánh Marta, một tổng thống châu Phi xin ngài hành động để chấm dứt chiến tranh ở một nước láng giềng.

Trong vòng những người rất thân cận của ngài, Đức Phanxicô không có cố vấn nào từ châu Phi, ngài ít tạo mối quan hệ cá nhân với lục địa này, kể cả khi ngài là tổng giám mục giáo phận Buenos Aires. Nhưng cũng phải biết, ngài thường xuyên gọi điện thoại cho một nữ tu người Congo sống ở Rôma, nữ tu được ngài mời đi trên chuyến bay đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan với ngài.

Khi Đức Phanxicô hôn chân các lãnh đạo thù nhau của Nam Sudan

Nhưng một nghịch lý, trên thực tế, sự hiện diện của châu Phi nơi Đức Phanxicô lại diễn ra bên ngoài Rôma. Ngài dựa vào hồng y Fridolin Ambongo, tổng giám mục giáo phận Kinshasa, Congo được ngài bổ nhiệm năm 2020 làm thành viên của Hội đồng các Hồng y do ngài thành lập vào đầu triều để hỗ trợ ngài trong việc ra quyết định, và họp bốn lần một năm tại Vatican.

Hồng y Ambongo là một trong số những người châu Phi được Đức Phanxicô phong, củng cố đáng kể cho sự hiện diện của các quan chức cấp cao từ lục địa này của thế giới. Cũng chính Đức Phanxicô, năm 2016 đã phong hồng y cho tổng giám mục trẻ Dieudonné Nzapalainga của giáo phận Bangui, thủ đô Trung Phi, ngài đã gặp một năm trước đó trong chuyến thăm đất nước này. Hồng y Nzapalainga là biểu tượng cho thế hệ giám mục trẻ do ngài phong, tham dự vào thực địa hơn là trong các trận chiến thần học.

Vì, khi đặt những người bị thiệt thòi nhất vào trọng tâm chú ý, chắc chắn ngài muốn mọi người chú ý đến châu Phi, nhưng ngài cũng gởi một thông điệp mạnh mẽ đến hàng giáo sĩ công giáo của lục địa. Nhà thần học người Burkinabé Paul Béré giải thích: “Ngài đến để làm lung lay quan niệm về Giáo hội của các giám mục tại đây, những nhân vật không thể chối cãi là họ mô phỏng theo quan niệm của các lãnh đạo bộ lạc. Bằng thái độ và lời nói của mình, giáo hoàng gốc latinô mời họ thay đổi mô hình.”

Các chuyến tông du châu Phi của Đức Phanxicô trước đây

Trong tổng số 40 chuyến tông du, Đức Phanxicô đã đến châu Phi:

2015: Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Tại thủ đô Bangui, Trung Phi, Ngài đã khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

2018: Ai Cập.

2019: Maroc. Sau đó, là chuyến đi thứ tư của ngài tới Mozambique, Madagascar và Mauritius.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Vì sao Đức Phanxicô đi Nam Sudan?