Ngày chúa nhật 5 tháng 2, Đức Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi trên máy bay từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan về Rôma. Đức Phanxicô, Nhà lãnh đạo Giáo hội Scotland và tổng giám mục Justin Welby | © EPA/TIZIANA FABI / POOL/Keystone
cath.ch, I.Media, 2023-02-05
Đồng tính, Đức Bênêđictô XVI, chuyến đi Marseille nước Pháp kết hợp với chuyến đi Mông Cổ, thăm Ấn Độ, việc khai thác châu Phi… Trong 55 phút, bên cạnh tổng giám mục anh giáo Canterbury Justin Welby và Nhà lãnh đạo Giáo hội Scotland Greenshields, Đức Phanxicô trả lời các câu hỏi của các nhà báo tháp tùng ngài trong chuyến đi nước ngoài lần thứ 40 này.
1- Về việc hình sự hóa đồng tính
“Việc hình sự hóa những người có khuynh hướng đồng tính là một bất công,” Đức Phanxicô trả lời câu hỏi của một nhà báo hỏi về các quốc gia cấm đồng tính, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Ngài đã lên tiếng về vấn đề này trong một phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Mỹ AP, ước tính hiện nay có 50 quốc gia đang ở trong tình trạng này.
Ngài cho rằng, việc hình sự hóa đồng tính là “vấn đề mà chúng ta không được bỏ qua. Kết án một người theo cách này là một tội,” ngài nhấn mạnh, giáo lý Giáo hội công giáo kêu gọi không để người đồng tính luyến ái bị “đặt ra ngoài lề”.
Tuy nhiên, ngài phân biệt giữa “những người” đồng tính là những người “con cái Thiên Chúa” và “các nhóm” bảo vệ những người đồng tính, các hành lang là một cái gì đó khác.
Tổng giám mục Justin Welby đồng ý với giáo hoàng, ngài nhớ lại vấn đề này là một trong những điểm đã làm Giáo hội của ngài chia rẽ trong hội nghị Lambeth mùa thu 2022 vừa qua. Ngài nói: “Tôi những muốn nói rõ ràng như giáo hoàng”, ngài muốn trích dẫn lại lời của giáo hoàng trong thượng hội đồng tiếp theo của Giáo hội Anh trong vài ngày tới.
2- Về Đức Bênêđictô XVI và những căng thẳng ở Vatican
Khi được hỏi về những chỉ trích trong giáo triều nổi lên chống lại ngài sau cái chết của Đức Bênêđictô XVI, ngài chỉ trích sự thiếu “đạo đức” của những người chỉ trích. Ngài nói: “Tôi nghĩ một số người đã công cụ hóa cái chết của Đức Bênêđictô XVI vì họ muốn có lợi cho họ. Đây là những người từ các đảng phái, không phải từ Giáo hội,” ngài lấy làm tiếc nhưng không nhắc đến tên ai. Ngài tiếc về việc công cụ hóa “một người quá tốt, quá thành kính với đạo, tôi có thể nói ngài là ‘Đức Thánh Cha của Giáo hội’”. Đức Phanxicô cho biết Đức Bênêđictô XVI luôn ủng hộ khi ngài đến hỏi ý kiến giáo hoàng danh dự và ‘không có vấn đề’ giữa hai người.
Trước những lời chỉ trích này, Đức Phanxicô tự tin, ngài nghĩ “những lời này tự nó sẽ sụp đổ”. Ngài cũng nhấn mạnh giáo hoàng danh dự không phải là “người bực tức”.
Đức Phanxicô cũng nhắc lại, sau một trong những tuyên bố trước đây nói ‘tôi ủng hộ các kết hợp dân sự cho người đồng tính’, một người “nghĩ mình là nhà thần học vĩ đại” đến phàn nàn với Đức Bênêđictô XVI. Giáo hoàng danh dự sau đó đã tham khảo ý kiến với các hồng y thần học gia, họ giải thích tuyên bố của tôi và “câu chuyện đã kết thúc”.
3- Về chuyến đi Marseille, nước Pháp – Mông Cổ và Ấn Độ.
Khi được hỏi về những chuyến đi tiếp theo, Đức Phanxicô xác nhận ngài dự định đi Marseille vào tháng 9 sắp tới – ngày chính xác sẽ xác định sau (Văn phòng báo chí Tòa thánh xác nhận ngày 23 tháng 9). Nhấn mạnh mong muốn ưu tiên đến “các quốc gia nhỏ hơn của châu Âu”, giống như chuyến đi trước đây đến Strasbourg năm 2014, đó sẽ là chuyến đi “đến Marseilles, không phải đến Pháp”.
Ngài đề cập đến khả năng chuyến đi này được kết hợp với chuyến đi… Mông Cổ! Ngài nhấn mạnh: “Các chuyến đi không dừng lại, nếu có thể!”. Cuối cùng ngài nhắc chuyến đi Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon tháng 8 và cho biết ngài đang lên kế hoạch cho chuyến đi quan trọng đến Ấn Độ “năm tới”.
4- Về sức khỏe
Vào cuối cuộc phỏng vấn, ngài trả lời câu hỏi về sức khỏe. Ở tuổi 86, ngài vừa hoàn thành chuyến tông du nước ngoài thứ 40 kể từ năm 2013. Ngài dùng câu nói đùa điển hình của người Tây Ban Nha “cỏ dại không bao giờ chết!”. Nhưng ngài mỉm cười thú nhận đầu gối của ngài vẫn còn vấn đề. Ngài nói: “Sức khỏe của tôi không còn như lúc bắt đầu triều, đầu gối làm tôi khó chịu nhưng tôi đi về phía trước một cách chậm rãi và chúng ta sẽ thấy…”.
Trong chuyến đi châu Phi, Đức Phanxicô ngồi xe lăn. Như trong những chuyến đi nước ngoài trước đây, ngài dùng thang máy để lên xuống máy bay.
Trong một phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn AP, ngài giải thích chứng đau túi thừa đại tràng đã mổ năm 2021 đã quay trở lại. Ngài nói: “Tôi có thể chết vào ngày mai, nhưng mọi thứ đều nằm trong kiểm soát. Tôi có sức khỏe tốt.”
5- Về Ukraine, Vladimir Putin và sự tự hủy diệt
Đức Phanxicô nhắc lại việc ngài đến tòa đại sứ Nga tại Tòa thánh ngày 25 tháng 2 năm 2022, ngày thứ hai của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ngài giải thích: “Tôi sẵn sàng gặp các tổng thống Ukraine và Nga, tôi muốn đến Matxcova để nói chuyện với Putin, nếu có một khoảng thời gian nhỏ để thương thuyết.”
Ngài nói: “Nhưng hôm nay không phải đây là cuộc chiến duy nhất: tôi muốn công bằng,” ngài đưa ra những tình huống bi thảm khác ở Yemen, Syria và Miến Điện. Ngài nói: “Có những cuộc chiến lớn hơn vì tiếng ồn do chúng tạo ra, nhưng cả thế giới đang có chiến tranh. Đó là sự tự hủy diệt,” ngài mời gọi chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về chuyện này.
Giáo hoàng nghiêm trọng cảnh báo: “Hãy dừng lại đúng lúc. Vì một quả bom sẽ đòi một quả bom khác lớn hơn, chúng ta không biết sự leo thang sẽ kết thúc ở đâu.” Ngài đưa ra sự tương phản được thấy ở Nam Sudan giữa hành vi của các ông “đi gây chiến tranh” và phụ nữ “tiến về phía trước” để chăm sóc con cái đông đảo của họ. Ngài nêu bật “sức mạnh của phụ nữ”, bày tỏ lòng kính trọng đặc biệt với các nữ tu bị giết ở châu Phi.
Đức Phanxicô biện hộ cho quyền của phụ nữ ở Nam Sudan
Ngài cũng cho biết cử chỉ hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan năm 2019 là cử chỉ tự phát, thiếu suy nghĩ. Ngài nhấn mạnh: “Tôi là công cụ của một sức mạnh nội tâm nào đó, đó không phải là một điều gì đó đã được dự trù trước”.
6- Thúc đẩy tuổi trẻ và đấu tranh chống bóc lột châu Phi
Một lần nữa Đức Phanxicô lên án việc các cường quốc thuộc địa cũ đã bóc lột châu Phi, ngài nhắc lại buổi gặp các nạn nhân của miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài nhấn mạnh: “Người bị thương, người bị cụt tay chân, họ chịu bao nhiêu là đau khổ, tất cả là nạn nhân của việc chiếm đoạt của cải. Điều đó không đúng. Châu Phi có phẩm giá riêng của mình, và Congo có trình độ cao”, đồng thời ngài lấy làm tiếc về sự tham lam của các thế lực bên ngoài trước các nguồn tài nguyên hiếm quý như coltan và lithium của Congo.
Ngài nhấn mạnh “việc buôn bán vũ khí là bệnh dịch lớn nhất hiện nay”, vì hoạt động buôn bán này “gieo mầm chiến tranh từ bên trong” các quốc gia châu Phi. Khi được hỏi về chủ nghĩa bộ lạc, ngài thừa nhận các dân tộc này đều có “lịch sử riêng với những thù hận cũ, với một văn hóa khác”. Ngài công kích: “Nhưng cũng đúng là chúng ta kích động sự cạnh tranh giữa các bộ lạc bằng việc mua bán vũ khí”, ngài mô tả tình trạng này là “ma quỷ”. Ngài cũng lên án bi kịch của trẻ em bị bắt đi lính.
Trở lại với cuộc đối thoại gần đây của ngài qua hội nghị truyền hình với các sinh viên châu Phi, Đức Phanxicô nhấn mạnh những sinh viên này “có trí thông minh vượt trội, rất, rất thông minh”, ngài thấy tuổi trẻ là một trong những “tài nguyên phong phú” của Phi châu. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta phải hỗ trợ các người trẻ để họ học tập và tiến lên phía trước, và phải nhường chỗ cho họ chứ không đóng cửa lại với họ.”
7- Cùng đi với giáo hoàng?
Nhà lãnh đạo Giáo hội Scotland Greenshields, tổng giám mục anh giáo Canterbury Justin Welby và Đức Phanxicô
Câu hỏi dành cho tổng giám mục anh giáo Justin Welby và Nhà lãnh đạo Giáo hội Scotland Iian Greenshields: Quý vị sẽ cùng đi với giáo hoàng trong một chuyến đi khác chứ?
Justin Welby
Chắc chắn đây là hãng hàng không tốt nhất mà tôi đã đi cùng! Ngài để câu nói đùa qua một bên, tôi sẽ rất vui, nếu giáo hoàng cảm thấy trong tương lai chúng ta có thể bổ túc giá trị cho nhau, thì được ở bên ngài là một đặc ân lớn.
Iian Greenshields
Tôi sẽ rất vui được đi cùng với ngài, nhưng giới hạn duy nhất là nhiệm kỳ của tôi sẽ hết ngày 20 tháng 5 và một phụ nữ sẽ thay thế tôi, người rất có năng lực, và tôi chắc chắn bà sẽ rất vui khi được cùng đi với ngài.
Chuyến đi đến Nam Sudan: một “hợp tác đại kết chưa từng có”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giám mục Ngumbi: Đức Phanxicô đã làm cho thế giới thấy được sự đau khổ của người dân Congo