Nhà Thánh Marta, phòng 201, một văn phòng khác của Đức Phanxicô

128

Nhà Thánh Marta, phòng 201, một văn phòng khác của Đức Phanxicô

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên tại Rôma, 2022-08-01

Nhà Thánh Marta, phòng 201, một văn phòng khác của Đức Phanxicô (1/5)

Đầu tháng 8, báo La Croix có loạt bài Cỗ máy Vatican, đưa độc giả vào ngõ ngách thâm cung của Vatican, nơi có những hoang tưởng và âm mưu, Giáo triều la-mã là một hộp đen với những bí mật được giữ kín, hỗ trợ giáo hoàng điều hành Giáo hội hoàn vũ. Đắm mình trong Cỗ máy này, vừa là một tổ chức guồng máy cực mạnh, vừa là một tổ chức phi chính phủ nhỏ. Ngày nay, Nhà Thánh Marta, nơi Đức Phanxicô ở tiếp rất nhiều khách.

Lời nói dí dỏm được đưa ra vào cuối một trong những bữa ăn trưa đánh dấu cuộc sống ở Vatican Rôma. “Tôi cá, ở Nhà Thánh Marta, có một phòng kiểm soát với những màn hình và micrô để xem và nghe những gì đang nói ở đây! Ngài biết tất cả về tất cả mọi người.” Người đối thoại của chúng tôi rất sành sỏi với các bí ẩn của Tòa Thánh, ông diễn giải một cách hài hước cảm giác được chia sẻ rộng rãi: không có gì thoát khỏi con mắt của Đức Phanxicô, ngài cai quản với bàn tay sắt đá.

Trong tiệm ăn ở Borgo, khu phố giáp ranh với Vatican, hay kín đáo hơn ở trung tâm Rôma, các quyết định của giáo hoàng hay đời sống Giáo triều là chủ đề của những bình luận bất tận. Và trong điệp khúc của những xì xào này, luôn trở đi trở lại một ghi nhận, giống như bản hòa ca. Khác xa với hình ảnh vui vẻ và tươi cười trước công chúng, giáo hoàng Argentina trước hết là người có uy quyền. Nhiều người đã có kinh nghiệm này. Các lựa chọn của ngài, một khi được đưa ra, sẽ không được tranh cãi. Đến mức một tính từ xuất hiện một cách có hệ thống để nói về phong cách của ngài: theo chiều dọc.

Có một nghịch lý ở đây. Vì hiếm khi nào trong lịch sử gần đây có một giáo hoàng trước khi đưa ra quyết định đã hỏi ý kiến nhiều như vậy. Nhưng phương pháp của ngài là độc nhất vô nhị. Dĩ nhiên ngài nghe các ban dịch vụ của mình. Nhưng ngài cũng có – và đây là tính độc đáo của Đức Phanxicô – rất nhiều tin cá nhân. Một mạng lưới không chính thức duy trì các mối quan hệ trực tiếp với ngài và nuôi dưỡng suy nghĩ của ngài, vượt qua bộ lọc của Phủ Quốc vụ khanh cực mạnh, được cho là đóng vai trò của tháp kiểm soát.

Giáo hoàng đã quen với những cuộc điện thoại trực tiếp và ngẫu hứng. Điều này không phải là không tạo ra một số sự cố. Một trong những người ngài có liên hệ – công dân của một quốc gia đang có chiến tranh sống ở Rôma – nhớ lại sự ngạc nhiên của ông, khi một buổi sáng, điện thoại của ông reo: “Ông có rảnh để đến gặp tôi ở Nhà Thánh Marta 5 giờ chiều mai không?” Đích thân Đức Phanxicô gọi. Ngày hôm sau ông đến, nhưng khi ông báo cho Hiến binh gác ở cửa  Porta del Perugino, không ai biết cuộc hẹn này. Họ phải gọi cho ban thư ký riêng của giáo hoàng để thông báo cho ngài.

Trong văn phòng nhỏ ở phòng 201, Đức Phanxicô làm việc và tư vấn: sau các tiếp kiến chính thức buổi sáng ở Dinh Tông Tòa, buổi chiều, ngài tiếp các cuộc hẹn làm việc. Danh sách những người ngài gặp ở đó không bao giờ được công khai. Trong những cuộc gặp với các chính trị gia, nhà kinh tế, nhà báo hay nhà hoạt động, ngài ít nói, ít ghi chép.

Khi nghiên cứu hồ sơ, Đức Phanxicô nghiên cứu các nguồn tin và không để cho giáo triều độc quyền thông báo cho ngài. Sự độc quyền này chấm dứt ngay sau khi ngài được bầu chọn, khi ngài quyết định đến ở Nhà nguyện Thánh Marta. Ngày đó, nơi mà cho đến lúc đó chỉ là nơi dành cho các công chức Vatican đã thành nơi quyền lực theo đúng nghĩa của nó.

Tại Dinh Tông Tòa nơi các thành viên phủ Quốc vụ khanh làm việc, nhưng cũng tại các cơ quan còn lại hầu hết ở xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, cảm giác bị “chập” dấy lên sự bối rối khó chịu. Những người ở các văn phòng này đã quen với việc tham dự một cách có hệ thống vào các quyết định của giáo hoàng. Kể từ bây giờ, người ta thường nghe họ công kích “các khách mời của Nhà Thánh Marta”. Họ phàn nàn nhiều cũng như họ ganh nhiều với họ, như người dân thành phố Paris phàn nàn về ảnh hưởng của các “khách ban đêm” của Điện Élysée.

Một linh mục làm việc tại giáo triều từ hơn mười năm nay cho biết: “Chúng tôi không hiểu ngài đưa ra quyết định như thế nào”, linh mục hơi mất định hướng. Một linh mục khác vừa cười vừa nói: “Đó là những ngạc nhiên của người sếp!” Ngạc nhiên nuôi dưỡng một hình thức nghi ngờ qua về.

Danh sách chập-mạch còn dài. Chúng ta không còn có thể đếm được những quyết định mà Giáo triều biết khi đọc tin tức trên báo chí. Điều này đặc biệt đúng với rất nhiều cuộc phỏng vấn được đưa ra trong những tháng gần đây trên các phương tiện truyền thông Ý và Argentina. Trên nguyên tắc, bộ Truyền thông cơ quan phụ trách việc thông báo hoạt động của Đức Phanxicô chưa bao giờ liên quan đến các cuộc phỏng vấn của ngài với báo Corriere della Sera tháng 5 vừa qua, cũng như buổi phỏng vấn truyền hình được phát trên RAI ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và phỏng vấn với nhà vatican học của hãng tin Reuters hồi đầu tháng 7.

Tháng 10 năm ngoái, trong một tiếp kiến dành cho các nhà thần học công giáo và chính thống, ngài đưa ra quyết định phong tiến sĩ Giáo hội cho Thánh Irénée của Lyon, bộ Phong thánh phụ trách hồ sơ đã không được thông báo.

Về cuộc chiến Ukraine, người cầm lái đơn độc này tạo nhiều câu hỏi nhất. Ngày 25 tháng 2, một ngày sau cuộc xâm lược, Đức Phanxicô đã đến đại sứ quán Nga gần Tòa Thánh, một mình với tài xế. Một chuyến đi gần như không một ai ở Vatican được thông báo, kể cả các nhân viên cao cấp của bộ Ngoại giao.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, mỗi tuần ngài điện thoại nhiều lần cho bà Elisabetta Piqué, phóng viên đặc biệt của báo La Nacion Argentina tại Ukraine – và là người bạn lâu năm của ngài – để có tin tức về cuộc chiến đang diễn ra… ngoài thông tin do sứ thần Tòa thánh tại Kyiv cung cấp, người đầu tiên có nhiệm vụ thông báo cho giáo hoàng.

Đỉnh cao của hoạt động theo chiều dọc này là ngày 19 tháng 3 năm 2022. Ngày thứ bảy đó, thật bất ngờ, giáo hoàng công bố một tài liệu mà ngài đã làm việc trong bảy năm: tân hiến chế tông đồ. Tài liệu cải tổ Giáo triều được cho là đã đóng băng, một trong những điểm chính của “chương trình” mà giáo hoàng được các hồng y bầu chọn ngài tháng 3 năm 2013 giao cho ngài. Không ai ở Rôma được biết về công bố này. Một cuộc họp báo đã được lên kế hoạch, nhưng chỉ hai ngày sau đó. Khi tài liệu dài 54 trang được gởi đến các nhà báo vào 12 giờ trưa, đó là cả một ngạc nhiên toàn thể.

Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, đang đi Dubaï dự lễ khánh thành gian hàng của Tòa thánh tại Triển lãm Thế giới cũng chỉ được thông báo không đầy một giờ trước đó.

Còn các người phụ trách truyền thông, họ chỉ biết hai mươi phút trước buổi trưa… đủ thì giờ để họ về nhà và bắt đầu làm việc, không có thì giờ để đọc văn bản. Một nguồn tin Rôma cho rằng: “Giáo hoàng muốn ngăn chặn bất kỳ sự ngăn chặn nào của Phủ Quốc vụ khanh”, một số người trong văn phòng có thể chặn văn bản, cho rằng điều này điều kia như vậy sẽ không thể áp dụng được.

Những người, ở Rôma, tìm cách giải thích “tính chiều dọc” này của Đức Phanxicô, xem đó là điều cần thiết. Cách làm này cho phép ngài phá vỡ sự phản kháng của một phần Giáo triều, cơ quan quản trị mà về bản chất là không muốn thay đổi. Vào cuối triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, ngài đã chống lại, đặc biệt là trong vụ bê bối VatiLeaks. Các tài liệu bị rò rỉ đã góp phần vào việc ngài từ nhiệm.

Một cựu nhân viên có trách nhiệm trong một bộ kể: “Tôi nhớ một cuộc hẹn với Đức Bênêđíctô XVI, giữa ngày ngài loan báo từ nhiệm và ngày ngài thực sự rời bỏ. Khi đó chúng tôi là cả một nhóm. Trong cuộc thảo luận, chúng tôi đưa ra một vấn đề mà chúng tôi đã viết thư cho ngài. Sau đó ngài nói với chúng tôi ngài đã trả lời cho chúng tôi vài ngày trước. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ nhận được thư trả lời! Sau đó, chúng tôi hiểu ai đó đã chặn thư và thư chưa bao giờ được gởi đi.” Một vài năm sau, một trong những người thân của giáo hoàng sáng suốt ghi nhận: “Nếu ngài không chống lại, ngài không cai trị được. Nếu không có độ thẳng đứng này, ngài sẽ bị dẫn dắt.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô, giáo hoàng của tôi