Tại sao lại có gì thay vì không có gì?
Ronald Rolheiser, 2022-07-25
Thần học gia người Bỉ, Jan Walgrave, người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ là nhà trí thức đích thực và hiếm có. Đích thực là vì suy nghĩ của giáo sư tự nhiên và theo bản năng hướng về những chất vấn triết học to lớn về bản chất và hiện hữu. Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta thật sự là gì? Hơn nữa, thầy còn là một nhà trí thức hiếm có, vì thầy là sự kết hợp lạ thường giữa sự kiểm xét trí thức cứng rắn và lòng sùng đạo ngây thơ. Thầy có uy lực cả trong sự tinh vi tri thức và sự ngây thơ như trẻ con của mình.
Trong một lần chúng tôi gặp nhau, thầy hỏi tôi: “Cha có bao giờ ngồi ở ghế đá công viên và tự hỏi mình: tại sao lại có gì đó thay vì không có gì không?” Tôi thành thật trả lời: “Thật tình, con chẳng nhớ nổi có khi nào con nghĩ chính xác như thế hay không. Như mọi người khác, con thường tự hỏi chúng ta phát xuất từ đâu và làm sao có một Thiên Chúa ẩn sau tất cả mọi sự này, nhưng con chưa hề suy ngẫm chính xác câu hỏi này”. Thầy bảo tôi: “Vậy cha không phải là triết gia rồi! Tôi nghĩ về câu hỏi này suốt, nó là câu hỏi quan trọng nhất trong mọi câu hỏi” (Thầy cũng an ủi tôi về chuyện tôi không bao giờ có thể thành triết gia thực thụ, bảo rằng tôi có “trí óc phong phú”, một ơn riêng của tôi).
Tại sao lại có gì đó thay vì không có gì? Chắc chắn nó là câu hỏi tận cùng. Mọi sự khởi đầu như thế nào? Người nào hay cái gì đã có lúc ban đầu và khởi đầu tất cả? Hơn nữa, người hay sự này từ đâu mà ra, ai tạo nên khởi đầu?
Khoa học đương thời không thể trả lời câu hỏi này. Nó có thể cho chúng ta biết đã có chuyện gì khi vũ trụ này khai sinh, là vụ nổ Big Bang, nhưng nó không cho chúng ta câu trả lời nào cho câu hỏi lớn hơn, cụ thể là ai hay sự gì đã khởi đầu cho vụ nổ ban đầu cách đây gần 15 tỷ năm đó, vụ nổ đã khai sinh vũ trụ chúng ta và hàng tỷ thiên hà khác? Lực này tự hiện hữu như thế nào?
Là người có đức tin, chúng ta tin chính Thiên Chúa là khởi đầu đó, và tin rằng Thiên Chúa không có khởi đầu. Tuy nhiên, đây là chuyện chúng ta không thể khái niệm hóa hay hình dung nổi. Điều gì khai sinh Thiên Chúa? Dù tin Thiên Chúa hay không, chúng ta đều có một câu hỏi, câu hỏi của thầy Walgrave, “tại sao lại có gì đó thay vì không có gì?” Hơn nữa, câu hỏi đó còn bị phức tạp hơn bởi sự thật rằng sự tạo dựng, ít ra là phần lớn trong đó, có một thiết kế thông minh rõ ràng. Với sự thật đó, định đề khả tín nhất về chuyện ai hay sự gì khởi đầu vạn vật, đòi buộc rằng sự này hay người này không phải là một lực thô bỉ mù quáng mà là một lực thông minh và riêng tư.
Thánh Tôma Aquinô, người có tâm thức triết học đích thực, từng đề xuất một vài lập luận lô-gích để cố chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Trong số đó, có lập luận này: Cứ hình dung chúng ta đang đi trên đường, thấy một hòn đá nằm trên mặt đất và hỏi: “Ai đặt viên đá ở đây?” Chúng ta có thể đơn giản kết luận, hòn đá luôn ở đó và không suy nghĩ gì thêm. Tuy nhiên, cứ hình dung chúng ta đang đi trên đường, thấy một cái đồng hồ đeo tay vẫn đang chạy và tự hỏi: “Ai đặt cái đồng hồ ở đây?” Trong trường hợp này, chúng ta không thể đơn giản cho rằng nó luôn nằm ở đó. Tại sao lại thế? Bởi vì cái đồng hồ có một thiết kế thông minh rõ ràng cần có trí tuệ thiết kế ra nó. Hơn nữa, nó vẫn chỉ giờ, chứng tỏ không phải nó nằm ở đó bao lâu nay rồi. Có ai để nó ở đó, ở một lúc nào đó. Do vậy, Thánh Aquinô kết luận vì nhiều thứ trong vũ trụ có thiết kế thông minh, hẳn phải có một nhà thiết kế thông minh khởi đầu nó.
Ngày nay, hầu hết mọi người xem lô-gích đó là hơi ngây thơ, nhưng có lẽ họ mới ngây thơ. Chính nhà bác học Albert Enstein đã khẳng định: Sự hòa hợp của luật tự nhiên cho thấy một thông minh thượng đẳng mà so với nó, mọi suy nghĩ và hành động mang tính hệ thống của nhân loại chỉ là những phản ảnh tầm thường.
Ông nói đúng, và sự hòa hợp mà ông nói đến không chỉ là sự hòa hợp sinh thái không thể hiểu thấu vốn có nơi mọi yếu tố của thế giới vật chất và sự tái sinh kỳ diệu của tự nhiên bất chấp mọi việc chúng ta làm để phá hủy sinh thái của nó. Hơn cả thế, sự hòa hợp của luật tự nhiên (theo cách nói của Enstein) còn bao gồm một sự thống nhất không thể chối bỏ giữa luật tự nhiên và luật luân lý. Luật của nghiệp và luật tự nhiên là như nhau, là một, cũng như luật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần. Vật chất và tinh thần là những phần của một hòa âm duy nhất. Không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta hít vào – cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi hiếm khi ngồi trên ghế đá công viên và tự hỏi, “tại sao lại có gì đó thay vì không có gì?” Nhưng mà như thầy Jan Walgrave nói, tôi không phải là triết gia. Tôi chỉ hy vọng cuộc dạo chơi nhỏ này vào triết học không phải là bằng chứng cho chuyện đó!
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Các cám dỗ của người tốt