Ronald Rolheiser, 11 Tháng Giêng 2016
Đôi khi, không có gì hữu ích cho bằng một ẩn dụ tốt.
Trong quyển sách Bản năng Thiên Chúa (The God Instinct) của mình, Tom Stella đã chia sẻ câu chuyện này: Một ngày nọ, vài phu khuân vác được thuê vận chuyển một khối lượng lớn hàng tiếp tế cho một nhóm thợ săn. Các gói hàng này nặng bất thường và đường mòn qua rừng già lại rất khó đi. Sau vài ngày đi đường, họ dừng lại, dỡ hàng xuống và không chịu đi nữa. Không một lời nài nỉ, đe dọa nào có thể thuyết phục họ tiếp tục hành trình. Khi được hỏi vì sao không thể đi tiếp, họ trả lời: ‘Chúng tôi không thể đi tiếp, chúng tôi phải chờ cho linh hồn mình bắt kịp đã.’
Chuyện này cũng có xảy ra trong cuộc sống chúng ta, ngoại trừ việc hầu như không bao giờ chúng ta chờ đợi cho linh hồn bắt kịp mình. Chúng ta cứ tiếp tục mà không có linh hồn, có khi là suốt nhiều năm ròng. Vậy nghĩa là gì? Gần như là chúng ta nỗ lực để ở trong thời khắc hiện tại, để thoải mái với chính mình, để ý thức được sự phong phú trong cảm nghiệm của bản thân. Gần như là các cảm nghiệm của chúng ta không thuộc phần hồn cho lắm, bởi chính chúng ta không hiện diện với nó. Ví dụ như:
Trong 20 năm vừa qua, tôi viết hằng ngày, kiểu như nhật ký vậy. Ý tôi là muốn giữ thói quen này để ghi lại những sự thâm sâu mà tôi nhận thức ngày qua ngày, nhưng cuối cùng, những gì tôi thực sự viết ra lại giống như một biên niên sử đơn giản của ngày sống, một quyển đơn thuần kể lại những gì tôi đã làm hết giờ này đến giờ khác mà thôi. Nhật ký của tôi chẳng giống gì với nhật ký Anne Frank, quyển Marking của Dag Hammarskjold, quyển Một cuộc đời rối loạn của Etty Hillesum, hay Nhật ký Genesee của Henri Nouwen. Bút ký của tôi giống với những gì mà một cậu bé trung học viết ra mô tả một ngày ở trường hơn. Nhưng khi lật giở và đọc lại một bài, tôi luôn luôn kinh ngạc thấy ngày sống hôm đó thật phong phú và trọn vẹn, ngoại trừ một việc là lúc viết ra nó tôi đã không nhận ra điều này. Trong khi đã thực sự sống qua những ngày như thế, vậy mà hiện nay tôi vẫn vất vả cố gắng để hoàn thành công việc, để được lành mạnh, để theo kịp các kỳ vọng, để có được những thời khắc thân ái và sáng tạo giữa các áp lực thường nhật, và để đi ngủ cho đúng giờ giấc. Trong phong cách này, không có nhiều phần hồn cho bằng một đống lịch trình, công việc và vội vã.
Tôi ngờ rằng điều này không phải là không điển hình chung. Tôi ngờ rằng hầu hết chúng ta, sống hầu hết ngày sống mà không nhận ra cuộc sống của mình phong phú biết bao, và như thế cứ luôn mãi để cho linh hồn bị tụt lại phía sau. Ví dụ như, nhiều phụ nữ mất 10 hay 15 năm cho việc nuôi dạy con cái, luôn mãi chăm lo cho nhu cầu của một người khác, nửa đêm thức giấc để lo cho đứa con, 24 tiếng một ngày luôn trong tình trạng túc trực, hi sinh hết thời gian vui thú của mình và tạm gác sự nghiệp cùng sáng tạo của mình qua một bên. Và cũng rất thường là người phụ nữ đó, khi nhìn lại những năm tháng này và mong mỏi có thể lấy lại. Nhưng khi nhìn theo một cách xúc cảm phần hồn hơn, người đó nhận thức rõ rệt rằng thật tuyệt vời và đặc ân khi được làm những gì mình từng làm với sự chán chường và bức xúc. Nhiều năm về sau, nhìn lại, cô sẽ thấy cảm nghiệm này của cô thật phong phú và quý báu, và cũng sẽ thấy thời đó cô đã để quá ít phần hồn vào những gì mình đã thực sự trải qua.
Điều này có thể có hàng ngàn ví dụ. Chúng ta tất cả đều từng đọc đâu đó những chia sẻ về việc mình sẽ sống khác đi nếu được sống lần nữa. Hầu hết câu chuyện như thế để có cùng một môtíp chung. Nếu có cơ hội khác, tôi sẽ cố gắng tận hưởng cuộc đời hơn, nghĩa là tôi sẽ cố gắng để hồn hơn và ý thức hơn vào chuyện đó.
Tôi e là với hầu hết chúng ta, linh hồn sẽ chỉ bắt kịp chúng ta khi tuổi già, khi sức khỏe sinh lực và cơ hội làm việc dần tan biến. Có vẻ như trước hết chúng ta cần phải mất đi điều gì đó trước khi trân trọng nó cho trọn vẹn. Chúng ta có khuynh hướng xem sức khỏe, sinh lực và công việc là chuyện mặc định, cho đến khi chúng xa rời chúng ta. Chỉ sau khi đó, chúng ta mới nhận ra cuộc sống của mình thật phong phú biết bao, và nhận ra rằng thời đó, chúng ta đã kín múc sự phong phú đó ít ỏi dường bao.
Linh hồn của chúng ta cuối cùng cũng bắt kịp chúng ta, nhưng sẽ thật tốt nếu chúng ta không để cho đến khi vào viện dưỡng lão mới có được điều này. Cũng như các phu khuân vác đã để các thùng hàng xuống và dừng bước, thì chúng ta cũng cần đều đặn dừng lại và chờ cho linh hồn bắt kịp mình.
Khi mới làm linh mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đảm trách một trường học. Và mỗi ngày, một thời điểm nào đó, ngài lại có một vài lời qua loa phóng thanh, chen ngang vào những việc đang diễn ra trong từng lớp học.
Hãy biết ơn.
Định hình tầm nhìn của mình.
Hãy dùng ngày sống của mình.
Tất cả chúng ta, ai cũng cần để cái gánh nặng xuống trong một phút, để cho linh hồn có thể bắt kịp mình.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch