Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Canada: tuổi của ngài là một lợi thế
cath.ch, Raphael Zbinden, 2022-07-13
Đức Phanxicô, 85 tuổi, ngài đi đứng đã khó khăn | © KEYSTONE / DPA / Stefano Spaziani
Đức Phanxicô sẽ đến Canada từ ngày 24 đến 29 tháng 7 – 2022 trong chuyến đi hành hương chữa lành và hòa giải. Đối với chuyến đi này, tuổi cao của ngài (85 tuổi) sẽ là điểm mạnh với người dân bản địa, nền văn hóa của họ kính trọng trí tuệ của các “người lớn tuổi”.
Tại Canada, ngài sẽ rong ruỗi trên một đất nước rộng gần 10 triệu cây số. Với khả năng di chuyển hạn chế, chuyến đi này sẽ là một thử thách cho ngài. Ở Edmonton, Québec và Iqaluit, chắc chắn ngài sẽ chống gậy đi.
Nhưng những gì bị cho là “điểm yếu” với người phương Tây thì lại là điểm mạnh với những người Quốc gia đầu tiên ở Canada. Thầy phó tế Harry Lafond, cựu giám đốc Muskeg Lake Cree First Nation (Saskatchewan) nói với hãng tin Hoa Kỳ Catholic News Service, CNS: “Trong tâm trí và trong thế giới quan của chúng tôi, càng già đi, chúng tôi càng trở nên có giá trị hơn với cộng đồng”. Thầy Lafond cũng là nhà nghiên cứu giáo dục Bản địa tại Đại học St. Thomas More ở Saskatoon, Saskatchewan, thầy nói thêm: “Chúng tôi nghĩ tuổi tác giúp chúng ta hiểu cuộc sống từ một góc độ khác. Chúng ta mang điều này đến cho những thế hệ tiếp nối. Và mọi người phụ thuộc vào điều đó. Họ dựa vào những người lớn tuổi này để có khả năng lãnh đạo tinh thần cách khôn ngoan về cuộc sống”.
Vết thương mở của các trường nội trú
Vị thế “khôn ngoan” này chắc chắn sẽ hữu ích cho Đức Phanxicô trong sứ mệnh “chữa lành” của ngài ở Bắc Mỹ. Sự hòa giải giữa Giáo hội, Nhà nước Canada và các dân tộc bản địa sẽ được chuyển qua sự tín nhiệm ngài trong cương vị “người đứng đầu” của một Giáo hội quyết tâm thay đổi hướng đi. Những người bản xứ sẽ bị thuyết phục bởi lời nói, cử chỉ và thái độ xác nhận rằng tinh thần “thuộc địa” bây giờ là di tích của quá khứ.
Thành phố Edmonton, tỉnh bang Alberta là một trong những nơi Đức Phanxicô đến thăm | © bcl869 / Pixabay
Hình ảnh của Giáo hội ở đất nước này thực sự đã bị tổn hại nghiêm trọng trong những năm gần đây với những vấn đề được gọi là “trường nội trú của người dân bản địa”. Việc phát hiện những ngôi mộ ẩn giấu chung quanh một số cơ sở do Giáo hội công giáo điều hành đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ cả ở trong nước và trên thế giới. Trong nhiều thế kỷ qua, hàng ngàn trẻ em bản địa bị tách khỏi gia đình để đưa vào các trường này trên khắp đất nước. Nhiều người đã chết ở đó vì thiếu thốn, bị bỏ rơi và bị lạm dụng.
“Các giám mục phải nhảy vào cuộc chiến, họ phải dấn thân” – Harry Lafond
Những tiết lộ này đã kích động phong trào thù địch lớn lao với Giáo hội công giáo ở Canada, kèm theo các cuộc biểu tình và hành động phá hoại. Gần 45 nhà thờ đã là mục tiêu phá hoại trên khắp đất nước, bốn nhà thờ bị đốt thành tro ở các khu vực của người bản địa.
Lời xin lỗi của Đức Giáo hoàng
Một tình huống mà Đức Phanxicô đã thực hiện đầy đủ các biện pháp. Vì vậy, chuyến hành hương Canada sẽ là cao điểm của một quá trình nhìn nhận và đền tội trước quá khứ nặng nề này. Điểm mốc quan trọng là lời xin lỗi lịch sử ngày 1 tháng 4 năm 2022 tại Rôma trước phái đoàn người bản địa đến từ Canada. Tổng Giám mục Richard Smith, giáo phận Edmonton, Alberta, điều phối chuyến tông du cho biết: “Ngài đã gặp họ ở Rôma để lắng nghe họ, lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ, tiếp cận họ, nghe trái tim họ và kết hiệp với họ. Chuyến thăm lần này là dịp để ngài biết các thực tế lịch sử và những chấn thương cũ cũng như hiện nay luôn có tác động trên các dân tộc bản địa.”
Chuyến thăm làm “sáng tỏ”?
Những cử chỉ cuối cùng này của giáo hoàng và thông báo về chuyến đi Canada vào tháng 5, chắc chắn đã làm thay đổi bầu khí tại chỗ. Trong mọi trường hợp, không có hành động quy mô lớn nào chống lại các biểu tượng của Giáo hội được ghi nhận trong những tháng gần đây. Chính chuyến đi của giáo hoàng là dấu hiệu mà nhiều người mong chờ. Ngài chỉ đến được ba nơi cũng đã làm một số người thất vọng. Họ tiếc là ngài không đến Saskatchewan, vì chính tại bang này, nơi sinh sống của nhiều đại diện của Quốc gia Thứ nhất là nơi đã khám phá khu mộ quan trọng nhất (751 mộ) được tìm thấy gần trường nội trú Marieval.
Trong hơn một thế kỷ, trẻ em thuộc các Quốc gia Thứ nhất ở Canada bị ép phải vào học ở các trường nội trú | © Thư viện Lưu trữ Canada / Flickr / CC BY 2.0
Chương trình “giảm nhẹ” được giải thích vì tình trạng sức khỏe của Đức Phanxicô, dù một chuyến tông du kéo dài 6 ngày thường được xem là một chuyến đi quan trọng. Dù sao đủ để khởi động một chu kỳ mới với cộng đồng bản địa.
“Không phải vì giáo hoàng không thể đến tất cả các địa điểm mà ngài không thể giải đáp tất cả các câu hỏi”, Giám mục Smith nhấn mạnh khi đối diện trước các tranh cãi. Các chỉ trích là do các tổ chức bản địa quốc gia đã không được trực tiếp hỏi về ba địa điểm quan trọng cho chuyến tông du.
Các giám mục được kêu gọi dấn thân
Dù có những khiếm khuyết nhỏ này nhưng các nhà lãnh đạo bản địa tin tưởng vào thành quả của chuyến đi. Bà Cassidy Caron, chủ tịch National Rally of Metis cho biết trong một thông cáo báo chí: “Ưu tiên của chúng tôi vẫn là đảm bảo để các nạn nhân nhận được những gì họ cần nhất để tiếp tục hành trình chữa bệnh, gồm cả lời xin lỗi chính thức trực tiếp từ giáo hoàng”. Phó tế Harry Lafond nói: “Tôi thực sự có cảm giác hy vọng vào tương lai.”
Nhưng theo phó tế Lafond, những lời khôn ngoan mà giáo hoàng đọc ở Canada sẽ chỉ là bước khởi đầu: “Người Canada, dưới nhiều khía cạnh, đã được đánh thức về một lịch sử ẩn giấu lâu đời. Sau thời kỳ này, nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào các giám mục. Họ sẽ phải lên tàu và họ sẽ phải dấn thân”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Canada dành 35 triệu đô la cho các học sinh sống sót trong các trường nội trú