Tôi là người công giáo “truyền thống”. Đó chính là lý do vì sao tôi yêu mến giáo hoàng Phanxicô

140

Tôi là người công giáo “truyền thống”. Đó chính là lý do vì sao tôi yêu mến giáo hoàng Phanxicô

americamagazine.org, Terence Sweeney, 2022-01-28

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 26 tháng 1-2022 tại hội trường Phaolô VI, Vatican. (Ảnh CNS / Paul Haring)

Tôi là người công giáo “truyền thống”. Đó chính là lý do vì sao tôi yêu mến giáo hoàng Phanxicô (và bị các người phê bình ngài làm tôi bối rối)

Tháng 3 năm 2013, tôi xem trên truyền hình khi một người, ít được biết đến trong giới chúng tôi, đã xin chúng tôi làm một cái gì đó cho họ. Người đó cúi đầu và xin chúng tôi cầu nguyện. Tháng 3 năm 2020, cũng chính người này đến Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, bên cạnh là  tượng Đức Mẹ Maria và Thánh giá Chúa Giêsu. Trong một thế giới đầy lo âu, cô lập và bệnh tật, người đó dâng lên lời cầu nguyện.

Nhiều điều đã diễn ra trong triều giáo hoàng Phanxicô – những giây phút vui mừng và thất vọng – nhưng chúng ta nên ghi nhớ những hình ảnh này. Đó là chìa khóa cho triều giáo hoàng của ngài và cho sự đổi mới của Giáo hội. Ngài là giáo hoàng xin cầu nguyện; ngài là giáo hoàng dâng lời cầu nguyện.

Tôi thuộc loại người công giáo được cho là kẻ thù của giáo hoàng Phanxicô. Tôi nghĩ đạo công giáo phớt nhẹ của những năm 1970 là một thảm họa, làm mất đi một phần lớn di sản của Giáo hội, khi phớt lờ câu chữ và tinh thần của Công đồng Vatican II. Tôi không nghĩ Giáo hội nên “thích ứng với thời của mình”; Giáo hội là chuyên gia về nhân đạo và thánh thiêng. Tôi tin chắc nịch đây không phải là thích ứng với thời, nhưng để đổi mới Giáo hội, chúng ta phải trở về với cội nguồn đức tin của mình: truyền thống được huấn quyền và toàn thể dân Chúa truyền lại.

Và cũng chính vì những lý do này, tôi ủng hộ Đức Phanxicô.

Không phải là thích ứng với thời, nhưng để đổi mới Giáo hội, chúng ta phải trở về với cội nguồn đức tin của mình: truyền thống được huấn quyền và toàn thể dân Chúa truyền lại.

Đức Phanxicô làm xáo trộn mong chờ của chúng ta, vì mong chờ của chúng ta có xu hướng để cho thế giới định hình. Đối với nhiều người thuộc cánh tả, nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài là thời điểm để tạo ra một Giáo hội mới phù hợp với thời đại, trong cương vị một cơ quan thiêng liêng phi lợi nhuận. Thay vì thấy các đường lối Đức Phanxicô vạch ra, nhiều người tuyên bố những sáng kiến của ngài là “những bước đi” đúng hướng, những bước đi vượt qua những lằn ranh giáo huấn công giáo.

Đau đớn cho tôi là phản ứng của nhiều đồng nghiệp công giáo có tinh thần truyền thống của tôi. Một thần học gia đã bảo tôi là “Traditionis Custodes”, quy định của Đức Phanxicô cấm các dạng quá đáng của nghi thức cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng là một phản ứng không thể chấp nhận đối với những người ủng hộ hăng hái nhất. Tin vui theo họ là giáo hoàng Phanxicô sẽ sớm qua đời.

Điều này phù hợp với một mô hình thảo luận của các nhà phê bình qua việc họ dùng từ mỉa mai khi gọi ngài là “Bergoglio”, cách tiêu cực cho những gì Đức Phanxicô nói, và việc coi thường các sáng kiến của ngài trong các trường hợp khác sẽ làm cho những người theo chủ nghĩa truyền thống hài lòng – như sáng kiến vinh danh nhà thơ triết gia Ý, Dante, phong Thánh Irênê là tiến sĩ Giáo hội, tổ chức Năm Thánh Giuse. Tôi đã học được tầm quan trọng của việc tận tâm với ngai giáo hoàng này từ những người người theo chủ nghĩa truyền thống công giáo, nên tôi quá choáng váng và khó chịu khi nghe những lời cay độc nhắm vào giáo hoàng đương vị của chúng ta.

Giáo hoàng cầu nguyện cho chúng ta; chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài. Chúng ta chia sẻ lòng tin của ngài vào Chúa Kitô.

Cả những người chỉ trích và ủng hộ đều không nhìn thấy chủ nghĩa truyền thống nơi Đức Phanxicô. Tôi xin phép được nhấn mạnh ba hình thức chủ nghĩa truyền thống của ngài. Thứ nhất, để thực sự là người công giáo truyền thống, là ủng hộ và thực hiện những cải cách của Công đồng Vatican II. Đức Phanxicô bảo vệ truyền thống này với những người trong chúng ta nghĩ rằng Công đồng Vatican II là tùy chọn hoặc đáng tiếc. Không phải; đó là một hướng dẫn thiết yếu để trở thành người công giáo trong thế giới hiện đại và là chìa khóa thông diễn để hiểu được toàn bộ truyền thống 2.000 năm lịch sử của chúng ta.

Thứ nhì, một trong những nhiệm vụ của giáo hoàng là gởi những nhà truyền giáo ra thế giới. Gregoria đã gởi Âugutinô đến Anh, Honorius đã gởi các tu sĩ Đa Minh đến Ba Lan, Phaolô III gởi những nhà truyền giáo đến châu Mỹ và Phanxicô gởi chúng ta “tiếp cận các ngoại vi của nhân loại”. Nhiều người trong chúng ta ở trung tâm Giáo hội miễn cưỡng làm. Chúng ta có thể quá quan tâm đến những cánh cửa đóng kín, đến bản sắc dân tộc hoặc tầm nhìn của lạc thuyết Đônatô (không nhận là thành sự các bí tích do các thừa tác viên bất xứng cử hành) của một Giáo hội nhỏ hơn và thuần khiết hơn. Nhưng bản chất của Tin Mừng là truyền bá Tin Mừng. Theo Đức Phanxicô, đời sống bên trong của Giáo hội là đến với những người bên ngoài Giáo hội. Chúng ta phải làm gì? Mời họ vào Giáo hội, vì chính bên trong mà chúng ta gặp gỡ trọn vẹn với Chúa Kitô. Điều này nghe có vẻ không mới, nhưng Đức Phanxicô khá truyền thống.

Thứ ba, trọng tâm của chủ nghĩa truyền thống của Đức Phanxicô là những hình ảnh tôi đã nói khi mở đầu bài này: một giáo hoàng xin cầu nguyện và một giáo hoàng dâng lời cầu nguyện. Đây là luật cầu nguyện, lex orandi, triều giáo hoàng của ngài, luật cầu nguyện định hình sự việc và giáo huấn của ngài. Trong bài diễn văn hàng năm “Urbi et Orbi”, ngài kêu gọi chúng ta “cầu nguyện và phục vụ trong im lặng”. Ngài nhắc chúng ta hãy tin vào “khí cụ chiến thắng này”. Đối diện với đại dịch toàn cầu, ngài tin tưởng lời cầu nguyện và việc làm của lòng thương xót là con đường dẫn đến thành công.

Cũng như Thánh Phêrô tin vào Chúa Giêsu, giáo hoàng dạy chúng ta phải trông cậy vào Chúa.

Sự tin tưởng này là thiết yếu với sứ mệnh của Thánh Phêrô. Cũng như Thánh Phêrô tin vào Chúa Giêsu, giáo hoàng dạy chúng ta phải trông cậy vào Chúa. Đức Phanxicô dạy “tự chúng ta, chúng ta lội bì bõm: chúng ta cần Chúa, như các nhà hàng hải thời cổ đại cần các vì sao.”

Đúng, tôi lo lắng cho Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Tôi lo vì có nhiều người xem đây là cơ hội để Giáo hội thay đổi tận căn (như trong Thượng hội đồng Đức thảm hại), và Thượng hội đồng sẽ khuếch tán quyền lực của giáo hội theo những cách làm suy yếu sự thống nhất về mặt giáo lý. Những gì chúng ta cần không phải là một Giáo hội khác mà là một Giáo hội hiện thực hóa đầy đủ hơn. Và đúng, tôi phải đấu tranh với những gì có vẻ như thiếu ưu tiên về sự tôn kính phụng vụ và sự rõ ràng về giáo lý. Nhưng khi chú ý đến giáo huấn của ngài, tôi thấy hết lần này đến lần khác, ngài luôn nói: “Hãy ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch