Hồng y Gambetti: “Tôi ủng hộ việc tăng lương”

159

Hồng y Gambetti: “Tôi ủng hộ việc tăng lương”

ilmessnticro.it, Franca Giansoldati, 2022-06-03

Hồng y Mauro Gambetti

Một thông báo chỉ có thể được các nhân viên của Đức Phanxicô hoan nghênh. Hồng y Mauro Gambetti, đại diện giáo hoàng cho Thành phố Vatican đã phát biểu trong Lễ hội Kinh tế Trento: “Tôi ủng hộ việc tăng lương. Các khoản tăng phải được đưa ra theo hướng ghi nhận sự dấn thân chứ không quá nhiều vào kết quả. Quý vị nhận được trên cơ sở những gì quý vị mang lại.” Cuộc họp mang tên “Doanh nghiệp xã hội để phát triển kinh tế bền vững” đã nối kết việc tăng lương với thành tích cá nhân để được đánh giá một cách hài hòa và toàn diện. Trong những năm không tốt này của Vatican, với tình trạng thâm hụt ngày càng gia tăng, các nhà lãnh đạo đã thiết lập các quy tắc về thâm niên, đi lại, làm thêm giờ dù giáo hoàng luôn nhấn mạnh, công việc không bị ảnh hưởng dù có những dự báo thực sự tiêu cực trong hai năm vừa qua do tác động của đại dịch.

Trong những ngày này, Tông hiến Praedicate Evangelium sẽ có hiệu lực, trong đó một văn phòng đặc biệt về nhân sự đã được thành lập dưới quyền của Ban Thư ký Kinh tế, đó là một chuyện mới. Có khoảng 4.000 nhân viên làm việc trong các văn phòng của Tòa Thánh.

Sau đó, hồng y Gambetti đã đưa ra một suy tư rộng hơn liên quan đến các hướng dẫn chung ở cấp độ quốc tế: “Nền kinh tế phải tạo thứ trật cho các hoạt động của con người, nhưng thay vào đó, nó đã trở thành kinh tế tự quy, đặt cá nhân vào trung tâm. Một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến một dân tộc: nó mang tính toàn cầu”.

Hồng y nói tiếp: “Đức Bênêđíctô XVI trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, Deus caritas est đã nói, các hoạt động kinh tế phải có khả năng phát triển tinh thần kinh doanh chung quanh những điều hợp lý chứ không chỉ vì mục đích lợi nhuận. Hãy cho tôi biết ý tưởng của bạn về con người, tôi sẽ cho bạn biết bạn nên làm loại kinh tế nào: kitô giáo mang khái niệm kinh tế “người nghèo” chứ không phải của người thông thái hay người kinh tế. Người nghèo không phải là người không có của cải nhưng là người tách khỏi của cải đến mức không xem nó là cùng đích hay đó là sự mở ra với thế giới, họ có thể vượt lên nó”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch