Ukraine, Vatican và Công đồng Vatican II

87

Ukraine, Vatican và Công đồng Vatican II

Cuộc chiến ở Ukraine đặt ra những thách thức cho Giáo hội.

commonwealmagazine.org, Massimo Faggioli, 2022-04-29

Đức Phanxicô hôn lá cờ Ukraine khi gặp một nhóm giáo dân Ukraine trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 27 tháng 4-2022 tại Vatican (Ảnh CNS / Vatican Media).

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tàn bạo của Nga chống lại Ukraine, Giáo hội công giáo dường như đã gặp khó khăn trước những thách thức ngoại giao đưa ra. Chúng ta đang ở đây, giữa một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng và nguy hiểm nhất (nếu không muốn nói là nguy hiểm nhất) kể từ năm 1945. Nhưng Vatican – thay vì dựa vào gương can đảm của Đức Gioan XXIII trong việc khéo léo hỗ trợ các cuộc đàm phán hai bên để xoa dịu Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 50 năm – dường như thiên về biểu tượng. Điều này được thấy rõ trong việc nhấn mạnh các hình ảnh chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Rôma.

Năm 1962, chỉ vài chữ được Vatican tập trung và cân nhắc đưa ra; chính sách ngoại giao của Vatican không tuân theo các yêu cầu của giới truyền thông. Nhưng lựa chọn của Đức Phanxicô đưa một phụ nữ Nga và Ukraine cùng vác thánh giá ở chặng thứ 13 ngày 15 tháng 4 đã đưa đến tranh cãi không cần thiết và có thể tránh được. Đúng, cử chỉ này có thể xem như một cử chỉ ngôn sứ. Nhưng về ngôn ngữ hòa giải – ban đầu vốn được xem là “kịch bản” cho sự kiện, với sự đóng góp của hai phụ nữ – có thể bị cho là áp đặt lên Ukraine khi các ngôi mộ tập thể và bằng chứng về tội ác chiến tranh đã được phát hiện ở Bucha và những nơi khác. Điều này dường như phản bội trước sự thiếu hiểu biết về cách dùng từ ngữ “tình anh em” giữa người Nga và người Ukraine mang âm hưởng của thời kỳ xô viết. Cuối cùng hai phụ nữ – làm việc tại một bệnh viện ở Rôma – cùng đi bên nhau vác thánh giá, trong khi các người tham dự cầu nguyện cho hòa bình thế giới “trong thinh lặng”.

Ngày hôm sau, hồng y ngoại trưởng Pietro Parolin tái lập thứ trật trong quan hệ giữa Tòa thánh và các đại diện Ukraine. Nhưng thiệt hại đã xảy ra, nó làm tăng khoảng cách giữa giáo hoàng và phần lớn người công giáo ở Đông Âu cũng như cộng đồng hải ngoại của họ. Đúng là Vatican phải thắt chặt ngoại giao, nhưng khi làm như vậy, Vatican có nguy cơ đánh đồng đạo đức giữa người Nga và Ukraine. Có lẽ đây là điều xảy ra khi ngoại giao bị định hình theo cách của các trang mạng xã hội và khi các quan chức – hoặc những kẻ cơ hội – hành động giống như những người có ảnh hưởng hơn là các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của Vatican không thể chỉ đơn giản là do vấn đề liên lạc. Cuộc chiến của Putin đòi hỏi Tòa thánh phải đưa ra một học thuyết mới cho các mối quan hệ quốc tế, một học thuyết không tuân theo chủ nghĩa Ostpolitik (chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1970). Thời kỳ Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ chứng kiến một cuộc xung đột ở châu Âu như cuộc xung đột này, trong đó kẻ xâm lược đã có ý định diệt chủng khi từ chối quyền tồn tại của các dân tộc Ukraine. Ngoại trừ những quan niệm lâu dài như một Giáo hội toàn cầu hơn và ít châu Âu hơn, đồng thời là một Giáo hội nhỏ hơn, giống với Tin Mừng hơn, Rôma thực sự không có một chiến lược nào liên quan đến những gì xảy ra trong Giáo hội và trong mối quan hệ giữa các giáo hội quốc tế.

Nhưng ngay cả sau đó, cuộc khủng hoảng báo hiệu một điều gì đó nhiều hơn: hoàng hôn của mô hình chính trị và thần học của Giáo hội công giáo. Nếu chúng ta xem chủ nghĩa tiến bộ công giáo là một trong những “gia đình văn hóa tập thể” của thế giới, thì chúng ta có thể thấy cuộc chiến đang thách thức những giả định (hoặc có thể là ảo tưởng) mà nó tồn tại sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã. Chủ nghĩa tiến bộ này đặc trưng qua một tập hợp các xung động từ bi mà những người hợp lý không thể không đồng ý: hòa bình, mở rộng quyền cho các cá nhân và cộng đồng, tôn trọng hành tinh, tình anh em phổ quát, v.v. Nhưng bây giờ có thể nói, chiến tranh đã mang lịch sử trở lại châu Âu.

Đi một mình (hoặc đi ra) dường như phổ biến hơn là “cùng đi với nhau”.

Có thể nói có điều gì đó tương tự với mùa thứ sáu mươi năm sau của Giáo hội hậu-Công đồng Vatican II. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã rời kỷ nguyên của những xung đột lớn. Trong khi một số chế độ chính trị và tôn giáo cũ vẫn tồn tại, ảnh hưởng và tác động của chúng dường như đã giảm: chúng sẽ không còn quyết định được tương lai. Thật vậy, dường như một thế giới mới đã đến. Bây giờ chúng ta phải tự hỏi liệu hy vọng này có đặt nhầm chỗ hay không. Có lẽ sự kìm kẹp của trật tự thế giới cũ mạnh hơn chúng ta nghĩ, hoặc ít nhất là mạnh hơn ước mơ xây dựng một Giáo hội mới trên thế giới. Trong những năm gần đây, không gian đối thoại đã bị lấn át hoặc đã biến mất, cả trong chính trị và trong Giáo hội: các quyết định được đưa ra ở những nơi không thể tiếp cận hoặc khó xác định được. Về lâu về dài, tính đồng nghị vẫn có thể mang lại thay đổi thực sự cho Giáo hội. Nhưng có vẻ như chúng ta đã đánh mất kiên nhẫn (và vâng lời) vốn là đặc trưng của các thế hệ của các thần học gia Chenu, Congar, de Lubac, Rahner và của các học giả, các linh mục tu sĩ đã đào tạo tôi. Bây giờ có vẻ như chủ nghĩa lãng mạn hoặc quan điểm quản lý là những lựa chọn duy nhất để suy nghĩ về quá khứ và hiện tại của Giáo hội; đi một mình (hoặc đi ra) dường như phổ biến hơn là “cùng đi với nhau”, theo nhịp của tiến trình đồng nghị.

Dù vậy, trên một ghi nhận tích cực, Rôma đã cho thấy một khôn ngoan nào đó trong cuộc khủng hoảng này. Đức Phanxicô đang cố gắng cứu Giáo hội công giáo khỏi nguy cơ sinh tử mà Đức Bênêđíctô XVI và tầng lớp ưu tú ngài bổ nhiệm đã mù quáng: rơi vào cùng cái bẫy văn minh mà Giáo hội chính thống Nga đã làm trong những năm 1990. Trái ngược với thượng phụ Kyrill (và một số hồng y công giáo), Đức Phanxicô từ chối nhìn thấy Giáo hội bị hạ xuống thành nơi ẩn náu của ý thức hệ, cho dù với những người lãng mạn hay hoài nghi, ra khỏi gánh nặng của những bản sắc tập thể đã hình thành trong thời Chiến tranh Lạnh.

Andrea Graziosi, một trong những nhà sử học vĩ đại người Ý và là chuyên gia về Nga và Ukraine trong thế kỷ trước, gần đây đã viết, “cuộc khủng hoảng của phương Tây chúng ta, có thể nhìn thấy vào những năm 70 và sau đó bị che mờ  bởi chiến thắng năm 1991, ở trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ chúng ta, mọi người có thể thấy kể cả Putin.” Tất cả mọi người cũng đã có thể thấy cơn khủng hoảng của Giáo hội từ đầu thế kỷ này. Trong sự thay đổi mang tính thời đại này, Giáo hội công giáo, Vatican và giáo hoàng vẫn đang cố gắng tìm ra một vai trò nào đó. Chúng ta có thể nghĩ đến Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng cuối cùng của kỷ nguyên cũ, và về Đức Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên của kỷ nguyên mới. Song song với chính trị có thể là các nhiệm kỳ tổng thống George W. Bush và trong kỷ nguyên mới là Barack Obama. Nhưng sau đó tất cả chúng ta đều biết ai đi theo Obama. Do đó, chúng ta có nên đề phòng những gì có thể xảy ra trong Giáo hội công giáo không?

Đó là một câu hỏi quan trọng, trước sự bối rối của các nỗ lực ngoại giao và quan hệ quốc tế liên quan đến Ukraine. Chiến tranh đang có tác động lớn hơn đến Giáo hội so với sự kiện 11-9 đã tạo ra. Năm 1991, Vatican đã hiểu cuộc chiến đầu tiên ở Iraq sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa kitô giáo và hồi giáo trên toàn cầu, và các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Trung Đông có thể có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực (các người tân-bảo thủ Mỹ, kể cả những người tân-bảo thủ công giáo, có thể đã được hưởng lợi từ một dự kiến vào thời điểm đó). Nhưng bây giờ di sản  Ostpolitik hậu công đồng, ý tưởng của Đức Gioan-Phaolô II  về sự thống nhất của lục địa châu Âu “từ Đại Tây Dương đến Dãy núi Ural”, lời than phiền của Đức Bênêđíctô XVI về “nguồn gốc kitô giáo ở châu Âu” – tất cả những chuyện này gần như đã lỗi thời. Chế độ của Putin, được sự ủng hộ của thượng phụ Mátxcơva, buộc chúng ta phải cân nhắc xem liệu các phạm trù và cách tiếp cận đã giúp chúng ta diễn giải vào thế kỷ 20 có còn tính cách thời sự không. Cuộc khủng hoảng lòng tin của các nhà lãnh đạo công giáo trước việc Vatican xử lý cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine là kết quả của việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, nhưng nó cũng khơi dậy những bất bình của các nhánh công giáo phương Đông vốn đã được kiểm soát lâu nay. Và nó cũng thể hiện một điều gì đó thuộc tình trạng khẩn cấp về mặt thần học bên cạnh tình trạng tê liệt về thể chế công giáo la-mã: các vụ bê bối lạm dụng, sự sụp đổ sắp xảy ra của hệ thống giáo sĩ, việc phớt lờ hoặc coi thường các vấn đề của giáo hội (chẳng hạn vai trò của phụ nữ trong Giáo hội). Những câu hỏi chủ chốt đã được đặt ra cho hệ thống phẩm trật Giáo hội, với sự nhất quán về thần học hơn ngày nay, ít nhất là năm mươi năm trước, trước khi chủ nghĩa hậu-hiện đại làm cho chính khái niệm cải cách trở nên gay go. Bây giờ thì có thể là quá muộn.

Chiến tranh cũng làm sáng tỏ những cuồng mộ chính trị thần quyền hung ác của những người chuyển sang bài chủ nghĩa tự do. Ngay cả khi Đức Phanxicô đã nỗ lực để đương đầu với điều này, nhưng triều giáo hoàng của ngài sẽ không kéo dài mãi mãi. Nó sẽ tùy vào những người ủng hộ Công đồng Vatican II để chống lại các nỗ lực của cánh hữu công giáo (ở Mỹ cũng như ở các nơi khác), vốn tìm cách liên kết sự nhấn mạnh về đạo đức với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chuyên chế chính trị. Đồng thời, cuộc chiến ở Ukraine buộc những người công giáo tiến bộ phải tự kiểm điểm mình,  những người mà giờ đây chân trời của họ có thể bị phai mờ. Những hình ảnh về một thời thanh bình hậu công đồng phải được bỏ lại phía sau; chúng ta nên thừa nhận một phần ngây thơ của chính Công đồng Vatican II (ví dụ, quan niệm về tử đạo và các vị tử đạo chỉ là điều gì đó của quá khứ). Một chủ nghĩa tiến bộ ngây thơ hậu-Công đồng Vatican II đã một cách vô thức dự đoán luận điểm của Fukuyama về “hồi kết của lịch sử”. Nhưng bây giờ phải tính đến với các ảo tưởng này, cả trong các vấn đề thế giới và trong Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch