Phái đoàn người bản địa các Quốc gia Thứ nhất gặp Đức Phanxicô
Phái đoàn của Hội đồng Quốc gia Thứ nhất sau buổi gặp Đức Phanxicô ngày thứ năm 31 tháng 3 – 2022. AFP
vaticannews.va, Marine Henriot, Vatican, 2022-03-31
Sau phái đoàn đại diện người bản địa Métis và Inuit Tapiriit Kanatami gặp Đức Phanxicô đầu tuần, sáng thứ năm đến lượt phái đoàn các Quốc gia Thứ nhất gặp. Ngày mai, thứ sáu 1 tháng 4, cả ba cộng đồng người bản địa Canada sẽ gặp lại Đức Phanxicô.
Chuyến đi này của ba phái đoàn là chưa từng có. Cùng với Giáo hội công giáo Canada, mỗi nhóm bản địa Métis, Inuit Tapiriit Kanatami và Hội đồng các Quốc gia Thứ nhất (AFN) đã gặp Đức Phanxicô trong tuần. Bắt đầu buổi gặp là thời gian cầu nguyện theo phong tục truyền thống, và sau đó là những người bị tổn thương chia sẻ kinh nghiệm đau thương của họ với Đức Phanxicô.
Ngoài việc chia sẻ nỗi đau của họ, các phái đoàn Canada có một mong muốn chung: xin Đức Phanxicô xin lỗi về vai trò của Giáo hội công giáo trong việc quản lý các trường nội trú. Từ năm 1831 đến năm 1996, 150.000 trẻ em bản địa đã bị buộc phải vào các trường nội trú do Giáo hội công giáo điều hành trên khắp nước, chịu chương trình cưỡng bức đồng hóa, lạm dụng và ngược đãi của chính phủ. Có 3.000 đến 6.000 trẻ em đã chết trong các trường nội trú này. Ngày thứ hai, 28 tháng 3, các phái đoàn Inuit Tapiriit Kanatami và Métis đã đưa ra các điều kiện của họ cho lời xin lỗi dự kiến: phải được làm tại Canada, gần các nạn nhân và gia đình của họ.
Trong số phái đoàn của các Quốc gia Thứ nhất, đặc biệt có những người sống sót trong các cơ sở của quá trình đồng hóa.
Hủy bỏ các sắc chỉ giáo hoàng
Các đại biểu của Hội đồng Quốc gia Métis cũng xin giáo hoàng hủy bỏ một số sắc chỉ (sắc chỉ được niêm phong bằng kim loại hoặc con dấu bằng sáp) do các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài ban hành, có nghĩa là tất cả những gì cấu thành cái ngày nay gọi là Học thuyết Khám phá.
Trong số những sắc chỉ này, Hội đồng Quốc gia Métis đặc biệt chỉ trích sắc lệnh Inter caetera, do giáo hoàng Alexander VI ban hành tháng 5 năm 1493, quy định cho các nhà cai trị Tây Ban Nha “tất cả các hòn đảo và tất cả các lục địa được tìm thấy và sẽ khám phá” và giao cho họ nhiệm vụ đưa “các cư dân và người bản xứ tôn vinh Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và tuyên xưng đức tin công giáo”. Sắc chỉ này được công bố ngay sau khi Christopher Columbus khải hoàn trở về Tây Ban Nha.
Đối với Hội đồng Quốc gia Métis, Học thuyết Khám phá này đã “dẫn đến nạn diệt chủng các dân tộc bản địa ở tất cả các khu vực trên thế giới”. Trưởng Gérald Antoine vùng Đất Bắc-Tây nhấn mạnh: “Khi các nhà cai trị châu Âu đến bờ biển của chúng tôi, luật pháp quốc tế của họ áp dụng cho vùng đất chúng tôi và phủ nhận sự tồn tại của chúng tôi với tư cách là con người. Kể từ thời điểm đó, chúng tôi trở thành mục tiêu của những nỗ lực không ngừng nhằm phá hủy lối sống của chúng tôi.”
“Chúng tôi bị bứng gốc rễ, bị di dời rồi tái định cư ngoài vùng đất ban đầu của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ những huấn dạy của chúng tôi và cách chúng tôi nhìn nhận sự tồn tại của chúng tôi.”
Phái đoàn các Quốc gia Thứ nhất sau cuộc gặp với Đức Phanxicô
Phái đoàn các Quốc gia Thứ nhất chia sẻ buổi gặp của họ với Vatican News: “Theo các câu chuyện về nguồn gốc cộng đoàn, chúng tôi là quốc gia gốc của các gia đình ở những vùng đất này. Nỗ lực của chúng tôi luôn dựa trên hy vọng có một cuộc sống bình yên cho con cháu và cho hậu duệ mai sau của chúng tôi. Khi những người cầm quyền châu Âu đến bờ biển chúng tôi, luật quốc tế của họ được gọi là Học thuyết Khám phá đã áp dụng cho vùng đất chúng tôi, phủ nhận sự tồn tại của chúng tôi với tư cách là con người.”
Ông Gerald Antoine trưởng phái đoàn nói thêm: “Cuộc gặp với Đức Phanxicô là một bước quan trọng, trong thời gian chúng tôi tiếp tục xác định mức độ nghiêm trọng của Giáo hội công giáo trong các vấn đề diệt chủng, về sự đồng tình của Giáo hội với những gì mà nhiều trẻ em của các Quốc gia Thứ nhất đã trải qua trong các trường nội trú.”
Chấn thương của các học sinh nội trú
Bà Rosanne Casimir, trưởng của Kukpi7 cho biết trong cuộc họp báo sau khi gặp Đức Phanxicô: “Trong hơn 100 năm, người dân chúng tôi đã phải đối mặt với những đau thương để lại từ các trường nội trú. Các gia đình đã phải sống cảnh xa con, trẻ em bị cho vào trường nội trú, nơi các em bị tước khỏi văn hóa bản sắc, ngôn ngữ và nhiều em bị lạm dụng dưới nhiều hình thức. Chúng tôi không thể để chấn thương này tiếp tục ảnh hưởng đến người dân chúng tôi”. Bà cho biết, Giáo hội nên xin lỗi “không chỉ vì sự nhận biết của họ về những hành động tàn bạo ở các trường nội trú mà còn về sự tham dự của họ”.
Một chiếc nôi bằng gỗ, vật biểu tượng truyền thống của các Quốc gia Thứ nhất đã được giao cho Đức Phanxicô. Phái đoàn xin ngài đến thăm họ khi ngài đến Canada xin lỗi.
Sau khi gặp Đức Phanxicô, phái đoàn đã ra Quảng trường Thánh Phêrô trình diễn bài hát truyền thống, một thành viên của phái đoàn giải thích: “Đây là giai điệu mang tính biểu tượng, tinh thần chúng tôi đã về với chúng tôi, chúng tôi biết ơn vì được chia sẻ bài hát này ở đây.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Giáo hoàng có thể nhân danh Giáo hội xin lỗi về những bạo lực đã gây ra với người bản địa Canada không?
Người bản địa Canada bày tỏ mong chờ của họ với giáo hoàng
Các trường nội trú Canada: “Tôi mong lời xin lỗi tại đất chúng tôi”