Victor Gaetan: Về ngoại giao, “Tòa Thánh không nói dối”
“Giáo hoàng Phanxicô thường cử các hồng y đến các khu vực đang có các cuộc thương thuyết tế nhị” | © Keystone / Ảnh AP / Alessandra Tarantino
cath.ch, I.Media, 2022-03-27
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022, Đức Phanxicô đặc biệt tích cực liên tiếp kêu gọi hòa bình, ngài nói chuyện trực tiếp với thượng phụ chính thống giáo Nga Kyrill và tổng thống Zelensky, cử hai hồng y đến hỗ trợ người tị nạn ở Ukraine.
Ông Victor Gaetan, chuyên gia trong lãnh vực ngoại giao Vatican, tác giả quyển Các nhà ngoại giao của Chúa (God’s diplomats) giải thích vì sao Vatican không công khai đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine.
Xin ông cho biết đặc điểm ngoại giao của Vatican, quốc gia nhỏ nhất trên thế giới là gì?
Victor Gaetan: Ba nguyên tắc đặc trưng cho chính sách ngoại giao của Tòa thánh là hoạt động đằng sau hậu trường, tạo ra các liên kết để đối thoại và hòa giải. Đối với hoạt động ngoại giao của Tòa thánh, đối thoại có nghĩa là không cạnh tranh với người đối thoại hoặc cố gắng thách thức người đối thoại, nhưng phải có tính độc lập và khách quan tuyệt đối. Điều này có nghĩa là hòa giải thực sự bằng cách lắng nghe.
Làm thế nào Tòa Thánh đáp ứng trong cuộc xung đột Ukraine để đi theo đường lối ngoại giao chung của Tòa Thánh?
Phản ứng hiện nay của Tòa thánh một phần nằm trong hành động ngoại giao truyền thống của Vatican khi có xung đột. Chẳng hạn, giáo hoàng và nhóm ngoại giao của ngài, đứng đầu là hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin không cụ thể đổ lỗi cho bất cứ bên nào. Họ làm việc đằng sau hậu trường để nối kết các bên lại với nhau, không bao giờ tham dự vào việc phân tích hoặc suy đoán chính sách trước công chúng.
“Đối với hoạt động ngoại giao của Tòa thánh, đối thoại có nghĩa là không cạnh tranh với người đối thoại hoặc cố gắng thách thức người đối thoại.”
Tôi xin dẫn chứng, chuyến đi chưa từng có của Đức Phanxicô ngày 25 tháng 2 đến sứ quán Nga tại Tòa Thánh, ngài đã nói chuyện với thượng phụ Kyrill. Tất cả diễn ra một cách hòa bình: chúng ta biết chuyến đi bất thường này nhưng Tòa thánh không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, chuyến đi cho thấy những điểm chính khi ngày 16 tháng 3, Đức Phanxicô nói chuyện qua video truyền hình với thượng phụ Kyrill. Chúng ta có bản tường thuật đầy đủ về buổi nói chuyện và những điểm trao đổi giữa hai người, được công khai trên toàn thế giới. Để đạt được hiệu quả quan trọng của cuộc nói chuyện này tạo ra, phải có một chuyện gì đó kín đáo hơn đã xảy ra trước – đó là chuyến đi chưa từng có của ngài đến sứ quán Nga.
Vì sao cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo này lại quan trọng trong bối cảnh này?
Điều quan trọng trước hết là vai trò của Giáo hội chính thống ở Nga. Sau chủ nghĩa cộng sản, chúng ta chứng kiến sự phục hưng kitô giáo ở đất nước này. Lần đầu tiên sau hơn 100 năm, Giáo hội chính thống Nga không còn chịu sự chi phối của nhà nước, nhưng hoạt động hài hòa với nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Vì thế thượng phụ và Giáo hội chính thống Nga có ảnh hưởng lớn với nhà nước. Trong bối cảnh này, liên lạc với thượng phụ và cố gắng tạo ảnh hưởng là điều cần thiết ảnh hưởng đến nhà nước Nga qua trung gian của Tòa Thượng Phụ.
Đức Phanxicô và Thượng phụ Matxcơva Kyrill trao đổi qua video truyền hình ngày 16 tháng 3 năm 2022 | © tin tức Vatican
Cách xây dựng các mối quan hệ cũng rất quan trọng. Mối quan hệ tốt đẹp mà Đức Phanxicô duy trì ngày nay với thượng phụ Kyrill đã được xây dựng từ hơn 30 năm. Mọi chuyện bắt đầu năm 1988, khi một phái đoàn đông đảo từ Vatican đến Nga để dự lễ kỷ niệm thiên niên kỷ (đánh dấu 1000 năm kitô giáo chính thống ở Nga) và gặp tổng thống Gorbachev. Mối quan hệ giữa Vatican, Nga và Giáo hội chính thống giáo đã tiếp tục trong 30 năm.
Cuộc gọi chính thức này của Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill đã có tác động rộng lớn chưa?
Có, một yếu tố ngoại giao khác cũng rất quan trọng, sau cuộc gặp ảo của Đức Phanxicô với thượng phụ Kyrill, tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, cũng đã nói chuyện với thượng phụ. Tổng giám mục Welby cũng bày tỏ gần nguyên văn những mối quan tâm và lo lắng tương tự, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của ngoại giao.
Điều này rất quan trọng vì tổng giám mục Canterbury hoàn toàn làm việc song song với Vương quốc Anh và Văn phòng Thủ tướng. Những cuộc trò chuyện này có nhiều khía cạnh, vì thượng phụ Kyrill cũng trao đổi trực tiếp với tổng thống Vladimir Putin. Đây là một trong những đặc điểm của chính sách ngoại giao của Tòa thánh, và đặc biệt của Đức Phanxicô: nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo để cùng đạt được kết quả hòa bình, gìn giữ các bí tích, viện trợ nhân đạo cho những người trong vùng chiến tranh, v.v. Chiến lược ngoại giao này của Vatican không thể được thực hiện nếu giáo hoàng hoặc hồng y Quốc vụ khanh có những tuyên bố hiếu chiến trước công chúng.
“Việc hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria có một giá trị ngoại giao mạnh mẽ.”
Trước quyết định dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Đức Mẹ, chúng ta có thể nói rằng thánh hiến được ngấm vào các công cụ ngoại giao Vatican dùng không?
Nó hoàn toàn có ý nghĩa. Nước Nga đã được Đức Gioan-Phaolô II dâng hiến cho Đức Mẹ năm 1984, sau đó được làm lại một lần nữa năm 1989 vào thời điểm rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Tòa thánh và nhà nước xô viết.
Vậy tại sao bây giờ Đức Phanxicô quyết định quay trở lại vấn đề này?
Nó có giá trị ngoại giao cũng như giá trị thiêng liêng rất mạnh. Điều này xuất phát từ yêu cầu của các giám mục công giáo la-mã Ukraine, họ ký đơn xin Đức Phanxicô làm cử chỉ tốt đẹp và thánh thiện này.
Kể từ khi đất nước độc lập, Giáo hội công giáo la-mã Ukraine đã đứng ngoài Giáo hội công giáo hy-lạp – Giáo hội công giáo phương Đông của đất nước. Từ thời đó, Giáo hội công giáo hy-lạp đã xích lại gần chính quyền địa phương và trung ương, mua được nhiều tài sản hơn.
Vì thế, những gì Đức Phanxicô làm – theo cách hiểu của tôi về các sắc thái ngoại giao – là công nhận và làm nổi bật giá trị lịch sử của Giáo hội công giáo la-mã, vốn chủ yếu có nguồn gốc Ba Lan ở Ukraine.
Tòa thánh cũng viện trợ nhân đạo đáng kể. Làm thế nào để điều này phù hợp với đường lối chính sách ngoại giao của Vatican?
Khía cạnh nhân đạo do mạng lưới Caritas phụ trách, đã cam kết với Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến, bằng cách phân phát thực phẩm, thuốc men, v.v. Caritas hoạt động trên cơ sở không phân biệt, giúp đỡ tất cả mọi người và được tổ chức rất tốt, hoạt động trong nhiều tình huống mà Liên hợp quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác thường có thể tham gia.
Một công cụ khác của Tòa Thánh dùng là các “sứ giả” được cử đến tại chỗ, mang ba chiều kích: nhân đạo, đại kết và ngoại giao. Chiều kích đại kết là gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau. Chiều kích ngoại giao là liên lạc và thu thập thông tin tại chỗ qua các nhà truyền giáo, các nhà lãnh đạo địa phương, v.v. như làm việc với bản đồ dân tộc và ngôn ngữ, thay vì bản đồ quân sự. Tất cả những điều này được thực hiện để hiểu thực tế tình hình, sau đó trình về giáo hoàng và các nhà ngoại giao của ngài ở Rôma, giúp Vatican đưa ra các quyết định khách quan.
“Tòa thánh hành động độc lập, hoàn toàn khách quan và không vụ lợi”.
Đức Phanxicô đã cử hồng y Krajewski và Czerny đến Ukraine để thể hiện sự gần gũi, nâng đỡ của ngài. Đâu là ý nghĩa của hành động này về mặt ngoại giao?
Cách tiếp cận này không phải là không có tiền lệ. Đức Phanxicô thường cử các hồng y đến các khu vực đang có các cuộc thương thuyết tế nhị hoặc các cuộc họp không chính thức. Mặc dù hai hồng y trên không phải là nhà ngoại giao, không phụ thuộc Quốc vụ khanh, đây là một cách khác để Đức Phanxicô dấn thân toàn diện, không mệt mỏi để làm việc cho hòa bình.
Ông có thể nói ngoại giao của Tòa Thánh là duy nhất không?
Đúng, ngoại giao Tòa Thánh là duy nhất. Tòa thánh không lợi ích quân sự hay vật chất, không thương mại. Hành động chỉ xuất phát từ quy luật tự nhiên đã thấm nhuần trong mỗi chúng ta, để biết sâu sắc đâu là tốt, đâu là xấu. Tòa thánh hành động độc lập, hoàn toàn khách quan và không vụ lợi. Tòa Thánh đã có uy tín vì không nói dối, không dẫn đến sai lầm. Uy tín và xứng đáng tin cậy, vì thế, đó là duy nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giáo hoàng và cuộc chiến ở Ukraine, một chính sách ngoại giao đầy rủi ro