Đức Phanxicô, “giáo hoàng cánh tả mà chúng ta mong chờ”

384

tempsreel.nouvelobs.com, 2015-12-23

Ngài sẽ đến năm 2016. Báo “Người Quan Sát” chọn một số người kể các nhân vật mà đối với họ đã đánh dấu cho năm 2016. Và đây là dân biểu Thomas Thévenoud, ông xin Đức Phanxicô đến Pháp để “đẩy lui hận thù”.

Thomas Thévenoud có một mong muốn: Đức Phanxicô đến thăm nước Pháp năm 2016, để mang “lời hy vọng đến” sau một năm nước Pháp bị các vụ khủng bố vào tháng giêng và tháng mười một vừa qua.

Ông Thomas Thévenoud là dân biểu của tỉnh Saône-et-Loire từ năm 2012

pope francis raul castro hand

Trọng kính Đức Giáo hoàng,

Con không nghĩ cha nhớ con. Ngày thứ bảy 15 tháng 6-2013, con ngồi ở hàng cuối phòng Clémentine, nơi nhà của cha ở Vatican. Mới là Giáo hoàng được vài tháng, lần đầu tiên cha tiếp phái đoàn quốc hội: một phái đoàn nhỏ các dân biểu và nghị sĩ Pháp, trong số đó con là dân biểu cánh tả, con mong muốn có một nền dân chủ xã hội, và hôm đó con phải thú nhận, con cảm thấy cô độc.

Vào thời đó, nước Pháp quay chung quanh vấn đề hôn nhân đồng phái. Chỉ mới hôm qua nhưng một hôm qua đến vô tận. Các đồng nghiệp cánh hữu của con đọc trong sứ điệp của cha như lời kêu gọi bãi bỏ luật cho phép hôn nhân cho tất cả mọi người. Họ đến để tìm sự xác nhận cho khuynh hướng của họ.

Vậy mà cha đã đưa tay ra cho con với các lời của cha. Cha đã kết thúc bài diễn văn của mình với chữ “huynh đệ”. Cuối cùng, mỗi người chọn chữ nào họ muốn nghe, ở Vatican cũng như ở nơi khác… Từ đó con liên tục theo dõi cha, đọc bài của cha, nghe bài của cha. Con cố gắng nâng mình lên, vực con lên, con dám nói vậy.

Những lời cha nói làm cho con nghĩ, cha là ánh sáng nhỏ trong bóng đêm đen tối, một ánh sáng trong các ánh sáng hướng về công chính và tình đoàn kết. Ngắn gọn, nếu được phép nói, con sẽ nói, cha là giáo hoàng cánh tả mà chúng con mong chờ! Bằng chứng: cha là người đầu tiên đến đảo Lampedusa, một hòn đảo nhỏ giữa Phi Châu và Âu Châu, nơi người di dân liều mình chết để đến. Cha đã tuyên bố “sự dửng dưng hóa toàn cầu”. Đó là trước khi có cái chết của em bé Aylan trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cha nói trước tất cả mọi người.

“Các bức tường đã được dựng lên”

Con xin cha thứ lỗi, nhưng rất hiếm khi nghe những lời này mà con không liên tưởng đến một hình thức yếm thế nào đó, một kiểu nói hùng biện mà ý nghĩa thì trống rỗng… Nhưng trong lời cha nói, con tin con tìm được lý tưởng cánh tả mà con hằng yêu mến, hằng đi tìm và luôn cảm thấy mình thiếu. Nó làm cho con vừa ngạc nhiên vừa giao động.

Từ đó, tâm hồn chúng con dâng đầy xúc động khi đứng trước thảm kịch của những người tị nạn, nhưng rồi nó nguội đi rất nhanh. Các biên giới bị đóng lại. Các bức tường được dựng lên. Và ở đây, tại Pháp nơi chúng con ở, sau các cuộc khủng bố tháng 11 vừa qua, tình trạng khẩn cấp đã được ban hành. Con đọc các lời cha viết trong thông điệp của cha:

“Nơi ngài, chúng ta thấy một mức độ không thể nào ngăn chia giữa sự săn sóc thiên nhiên, công chính với người nghèo, dấn thân đối với xã hội và bình an nội tâm.”

Cha nói đến Thánh Phanxicô Axixi nhưng cha cũng nói đến lãnh đạo hồi giáo Abd el-Kader, người đã cứu các tín hữu kitô ở Trung Đông khỏi bị diệt chủng vì nạn cuồng tín. Ngày nay, chúng con cần những nhân vật như vậy, chắc chắn, tất cả đều liên hệ với nhau trong thế giới này.

Như vậy, có thể nào cha nói với chúng con, với những lời đơn giản của cha, thế nào là cánh tả. Cánh tả không phải chỉ là quyền uy, là an ninh, là khoác lác. Cánh tả còn là nhân ái, công chính và bàn tay đưa ra. Cha sẽ có thể không gọi đó là cánh tả, nhưng chúng con, chúng con mong muốn gọi cánh tả là như thế. Cha có thể nhắc lại chuyện hiển nhiên này: những lời của chúng ta dùng, nói nhiều hơn là vẻ bề ngoài của chúng ta. Những lời này kéo chúng con đi trên những con đường không bao giờ là không có hệ quả.

“Thời gian rất gấp”

Người ta nói, đất nước chúng con đang ở trong tình trạng chiến tranh… Đôi khi con có cảm tưởng chúng con đang ở trong một tình trạng chiến tranh chống hết tất cả: nạn khủng bố ngày nay, và Âu Châu càng ngày càng xa lạ hơn. Nhất là con nghĩ, đây là cuộc chiến chống lại chính nó. Ai dám nhắc cho nước Pháp nhớ, nó là một trong những nước đẹp nhất thế giới, dù đôi khi nó trở nên nguy hiểm, dễ bắt lửa, luôn bực tức nhưng không có gì trên thế giới này làm chúng con bỏ nó. Xin cha thứ lỗi cho con về sự thân tình này, nhưng khi viết cho cha những dòng chữ này, một câu tự nhiên đến trong đầu con, có thể là do chức vụ của con. Con mơ có một ai đó dùng lại câu này: “Hạnh phúc được Chúa ở nước Pháp.” Con nghĩ, đây là lúc người đó đến nói lại cho chúng con nghe.

Năm 2016, chúng con sẽ tiếp tục đón nhận thế giới. Thiên chức chúng con là đón nhận toàn thế giới, đó là lịch sử và tương lai của chúng con, dù cho có những người đặt bom, những người đặt điều nói xấu. Xin cha đừng trì hoãn chuyến đi thăm chúng con.

Trong cuộc gặp năm 2013, con đã nói với cha: con sẽ hạnh phúc được đón cha ở Cluny nhà con hay ở Taizé. Các anh em trong cộng đoàn vừa đón nhận nhiều gia đình di dân và làng vừa bầu cho cánh tả trong kỳ bầu vùng vừa qua. Như thế, không có gì là mất! Nhưng xin cha, thời gian rất gấp, xin cha đến nhanh, chúng con cần vài lời hy vọng để đẩy lui hận thù.

Vô cùng kính trọng,

Thomas Thévenoud

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch