Vatican Insider | Andrea Tornielli | 21-12-2015
‘Cải tổ sẽ tiến tới với quyết tâm, minh bạch và kiên định.’ ‘Các tai tiếng không thể phủ bóng lên công tác quan trọng mà Giáo triều Roma tận tụy làm cho Giáo hoàng, và toàn thể Giáo hội.’
Đây là những lời Đức Phanxicô nói trong bài diễn văn Giáng Sinh truyền thống với Giáo triều Roma ở sảnh Clementine. Năm ngoái, Đức Giáo hoàng đã có bài diễn văn mạnh mẽ chỉ ra các ‘chứng bệnh’ có thể tác hại đến tất cả Kitô giáo, đến Giáo triều, đến cộng đoàn, các dòng tu, giáo xứ và phong trào giáo hội’, và cần phải ‘ngăn chặn, cảnh giác, và đáng buồn thay trong một vài trường hợp cần phải can thiệp lâu dài và đau đớn.’ Năm nay, ngài đưa ra một loạt danh sách tích cực những nhân đức cần thiết cho những ai làm việc trong Giáo triều.
Trong bài diễn văn, Đức Giáo hoàng nhắc lại một vài căn bệnh mà ngài đã lên án hồi năm ngoái, chúng đã ‘phát tác rõ ràng trong năm qua, gây nên những đau đớn không hề nhỏ cho toàn thể giáo hội, và gây hại cho nhiều linh hồn.’ Và ngài không chỉ nói đến vụ tai tiếng Vatileaks 2, mà còn đến các vụ việc khác nữa.
‘Dường như cần thiết phải tuyên bố những gì là, và luôn luôn là, mục tiêu của một suy tư chân thành và chuẩn bị kiên quyết. Cải cách sẽ tiến tới với quyết tâm, minh bạch và kiên định, vì Ecclesia semper reformanda [Giáo hội luôn luôn được cải cách.]’
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng làm rõ rằng, ‘ngay cả các tai tiếng cũng không thể cản trở hiệu năng của các việc mà Giáo triều Roma làm cho Giáo hoàng và Toàn thể Giáo hội, với nỗ lực lớn lao, tinh thần trách nhiệm, tận tâm và tận tụy, và đây là một điều cho chúng ta thực sự thấy an lòng.’ Do đó, sẽ là ‘bất công nặng nề khi không bày tỏ lòng biết ơn từ tấm lòng và sự khích lệ cần phải có, với những con người nam nữ tốt lành và chân thành trong Giáo triều, đã làm việc với tận tâm, tận hiến, trung tín và chuyên nghiệp.’
Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng ‘các chống đối, khó khăn và thất bại’ luôn luôn là ‘vận hội để lớn lên và không bao giờ là để làm nản chí.’ Chúng là những cơ hội để ‘về lại với những gì căn tính’ để ‘tiến tới tương hợp với ý thức mà chúng ta có về bản thân, về Thiên Chúa, tha nhân, về cảm thức Hội thánh và cảm thức đức tin.’ Đây là lý do vì sao, trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Đức Giáo hoàng đem lại cho các nhân viên Giáo triều Roma một ‘cứu trợ thực tế,’ một ‘danh mục các nhân đức cần có’ cho những người ‘muốn tận hiến hay phục vụ Giáo hội sao cho sinh nhiều hoa trái hơn’ và Đức Thánh Cha mời gọi các trưởng thánh bộ ‘hãy góp phần và chu toàn cho việc này.’ Các đức tính Đức Thánh Cha đưa ra là phân từ của
‘MISERICORDIA’
tiếng Ý, nghĩa là LÒNG THƯƠNG XÓT.
Missionarietà (tinh thần truyền giáo) và Pastoralità (tinh thần mục vụ)
Tinh thần truyền giáo là ‘điều làm cho Giáo triều màu mỡ và sinh sôi hiển hiện’ còn ‘một tinh thần mục vụ mạnh mẽ là một đức tính buộc phải có với người linh mục’ và là ‘chuẩn mực cho công việc linh mục và giáo triều của chúng ta.’
Idoneità (chính đáng) và Sagacità (minh mẫn)
Tính đầu tiên ‘cần đến những điều kiện cần thiết để thực hành tốt nhất nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, với sự thông minh và thấu suốt.’ Tinh thần này không màng đến những tiến cử và tiền thưởng. Minh mẫn nghĩa là ‘sẵn sàng nắm bắt và đương đầu các tình thế với suy tính sắc sảo và sáng tạo.’
Spiritualità (thiêng liêng) và Umanità (nhân văn)
Thiêng liêng là ‘xương sống cho tất cả việc làm trong Giáo hội và đời sống Kitô hữu.’ Nhân văn là ‘những gì thể hiện sự chân thật của đức tin chúng ta’ là điều ‘khiến cho chúng ta khác với máy móc và robot, những thứ không cảm giác được gì và cũng không biết xúc động.’ Một khi chúng ta thấy mình khó để khóc hay cười thật tâm, thì đó là khi chúng ta bắt đầu đi xuống và biến đổi từ ‘con người’ thành một thứ gì đó kia.
Esemplarità (gương mẫu) và Fedeltà (trung tín)
Gương mẫu nghĩa là ‘tránh các tai tiếng, gương xấu gây hại cho linh hồn và làm hỏng tín nhiệm của chứng tá chúng ta.’ Hãy Trung tín ‘với đời sống thánh hiến, với ơn gọi của chúng ta.’ Ở đây, Đức Giáo hoàng trích lại những lời mà Chúa Giêsu dùng để mô tả những ai làm gương xấu cho những người nhỏ bé: thà cột khối đá mà ném nó xuống biển còn hơn.
Razionalità (phải lẽ) và Amabilità (nhẹ nhàng)
Tính thứ nhất ‘giúp chúng ta tránh được cảm xúc thái quá’ và tính thứ hai giúp ‘tránh quan liêu, chương trình và kế hoạch thái quá.’ Đức Phanxicô nói, ‘Tất những cái gì thái quá là triệu chứng của mất cân bằng.’
Innocuità (vô hại) và determinazione (quyết tâm)
Vô hại ‘cho chúng ta thận trọng trong phán xét và có thể kìm lại những bốc đồng và hành động hấp tấp.’ Quyết tâm là ‘hành động với một ý chí cương quyết, quan điểm rõ ràng, vâng phục Thiên Chúa’ và chỉ chiếu theo luật tối cao duy nhất là ơn cứu độ các linh hồn.
Carità (nhân đạo) và Verità (sự thật)
‘Hai đức tính không thể tách rời của đời sống Kitô … Khi nào nhân đạo mà không có sự thật, thì nó trở thành hệ tư tưởng dễ dãi mang tính hủy hoại, và sự thật mà không có nhân đạo là chiếu luật hẹp hòi.’
Onestà (cởi mở) và Maturità (trưởng thành)
Cởi mở là ‘chính trực, nhất quán, và chân thành tuyệt đối với bản thân và với Thiên Chúa.’ Một con người trung thực và cởi mở hành động ngay chính cả khi không có ai giám sát, người trung thực thì không sợ bị bắt gặp, bởi người đó không bao giờ phản bội niềm tin của người khác.’ Và người đó ‘không bao giờ hống hách như ‘nô bộc xấu xa’ với những con người và sự vụ được giao phó cho người đó. Trưởng thành, nghĩa là ‘tìm cách đạt được sự hòa hợp giữa các thiên tư thể lý, tinh thần, và thiêng liêng của mình.’
Rispettosità (lễ nghĩa) và Umiltà (khiêm nhượng)
Lễ nghĩa là nhân đức của những người ‘luôn cố gắng thể hiện sự tôn trọng thực sự với người khác, với công việc của mình, với bề trên và thuộc cấp, với hồ sơ và giấy tờ, với bảo mật và riêng tư.’ Khiêm nhượng là nhân đức của những ‘con người ngoan đạo, những người sẽ trở nên quan trọng hơn khi nhận ra rằng mình chẳng là gì, chẳng làm được gì mà không có ơn Chúa.’
Doviziosità (mẫn cán) và Attenzione (chuyên tâm)
Đức Giáo hoàng giải thích, ‘Thật vô ích, khi mở Cửa Thánh của tất cả vương cung thánh đường trên thế giới, mà cửa lòng chúng ta lại đóng chặt trước tình yêu, bàn tay chúng ta khép chặt trước trao đi, và nhà chúng ta đóng chặt trước mọi người, giáo hội chúng ta đóng chặt không chào đón. Chuyên tâm là dành sự chú tâm đến từng chi tiết, làm hết mình và không bao giờ chịu nhường bước trước những tính xấu và khiếm khuyết của mình.’
Impavidità (dũng cảm) và prontezza (cảnh giác)
‘Đừng để mình bị các khó khăn dọa dẫm, hãy hành động với sự táo bạo và kiên quyết, đừng để mình ương ương dở dở.’ Cảnh giác nghĩa là ‘có thể hành động tự do và nhanh nhẹn, không gắn chặt với những thứ vật chất nhất thời,’ và không để mình bị những thứ vô dụng kéo trì xuống, bị gắn chặt vào kế hoạch và chịu thua tham vọng.’
Affidabilità (có trách nhiệm) và sobrietà (điềm đạm)
Một người có trách nhiệm là ‘người có thể tôn trọng dấn thân của mình với sự nghiêm túc, và đáng tin khi có người quan sát, nhưng nhất là khi chỉ ở một mình,’ và người đó ‘không bao giờ phản bội niềm tin đã được đặt cho mình.’ Điềm đạm là ‘khả năng từ bỏ tất cả những gì không cần thiết và chống lại lập luận đang thống trị của chủ nghĩa tiêu thụ.’ Đây là việc ‘nhìn vào thế giới qua đôi mắt của Thiên Chúa, và qua đôi mắt của người nghèo, đặt bản thân vào vị thế của người nghèo.’ ‘Một người điềm đạm là người đơn sơ bởi người đó có thể tập trung, phục hồi, tái chế, sữa chữa và thực hiện sự tiết chế của mình.’
Đức Phanxicô kết bài diễn văn bằng lời kêu gọi,
‘Hãy để lòng thương xót hướng dẫn các hành động của chúng ta, hứng khởi cho các cải cách, và soi sáng quyết định của chúng ta. Mong sao lòng thương xót dạy chúng ta biế khi nào cần phải tiến tới và khi nào cần phải lùi lại.’
Đức Giáo hoàng còn trích lại lời kinh một giám mục Hoa Kỳ cầu với chân phước Oscar Romero:
‘Bước lùi lại và có cái nhìn dài hạn thật có ích lúc này và về sau … Chúng ta là những công nhân, không phải là chủ thầu, chúng ta là thừa tác viên chứ không phải Đấng Thiên sai.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch