Jean-Pierre Denis: “Các giá trị kitô giáo không có liên quan gì nhiều với các giá trị mà những người nắm giữ di sản kitô giáo đòi hỏi.”
Giáo dân cầu nguyện ở nhà thờ Saint-Sulpice tháng 11 năm 2020. © ALAIN JOCARD / AFP
Trong tác phẩm “Người công giáo, không phải tự động!” (Les catholiques, c’est pas automatique!, nxb. Cerf), tác giả Jean-Pierre Denis muốn khẳng định lại thông điệp của Kinh thánh ở thời đại dịch và ở thời mất ý nghĩa cho tinh thần thiêng liêng này.
atlantico.fr, 2021-06-06
Cùng với tác giả Jean-Pierre Denis
Atlantico: Ông xuất bản quyển “Người công giáo, không phải tự động!”. Làm thế nào chúng ta giải thích được Giáo hội chấp nhận từ bỏ một ý nghĩa nào đó về điều Thánh thiêng? Liệu Giáo hội hay Đức Phanxicô mang thông điệp tiêu cực này hay có một trách nhiệm nào đó? Làm thế nào giải thích sự giải thiêng này trong xã hội chúng ta?
Jean-Pierre Denis: Thành thật mà nói, tôi thấy việc lên án Giáo hội và giáo hoàng, thường quá sáo rỗng, để không muốn nói là có ý xấu. Rằng giáo hoàng có những quan điểm không làm vừa lòng chuyện nhạy cảm này, chuyện nhạy cảm kia, chúng ta chấp nhận. Lời mời gọi tình huynh đệ của ngài có vẻ ngây thơ, tôi cũng muốn hiểu như vậy. Thậm chí tôi cũng nghĩ như vậy. Rằng Giáo hội mà tôi là thành viên đôi khi tỏ ra dông dài về các chủ đề xã hội hơn là loan báo sự cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, tôi sẽ là người đầu tiên yêu cầu điều này. Nhưng những vụ lên án này bị chính trị hóa, giải thiêng hóa đã thành quá hiển nhiên. Chúng ta nhanh chóng thấy được sự mâu thuẫn, những ý định chính trị, những ám ảnh về ý thức hệ chẳng liên quan gì đến lòng mộ đạo mà chúng ta phải bảo vệ bằng tiếng khóc nức nở của một góa phụ trong giọng nói của bà. Người ta chỉ trích người công giáo cánh tả đã làm tiêu tan đức tin trong chủ nghĩa xã hội. Đúng như vậy. Nhưng ở đây chúng ta đối diện với thuyết tân maurrasis đã suy tàn, mà theo đó, Tin Mừng dường như không có nhiều tầm quan trọng. Tôi không thấy nhiều tiến bộ! Chúng ta nhắc lại, mọi cùng đích trong đạo công giáo, thách thức không phải là thánh thiêng, nhưng là bí tích, có nghĩa là dấu chỉ của Chúa ban cho con người. Và đó là thánh thiện, là chứng từ của sự hoán cải cá nhân. Chúng ta có thể không thích, hoặc không tin. Nhưng đó là chương trình hoạch định.
Đâu là tác động và làm thế nào để xem xét tiến trình của một số nhân vật bên ngoài Giáo hội như các ông Philippe de Villiers hoặc Patrick Buisson, những người xin bảo vệ các giá trị kitô giáo và vai trò của tu sĩ, của Giáo hội trong xã hội Pháp? Sự đột biến này có khả năng thành công không?
Ở vào thời điểm mà xã hội hạ bệ các bức tượng mà chúng ta nói mình là người thừa kế của nền văn minh kitô-do thái thì giống như một hình thức vi phạm. Chúng ta đang sống trong thời buổi ung hoại bởi các sự kiện xen kẽ, lúc thì cánh hữu, lúc thì cánh tả, đến nỗi một lời nhắc nhở đơn giản về điều hiển nhiên trở thành một sự kiện. Người ta dễ nỗi da gà cho một việc không đáng gì. Tuy nhiên, chỉ cần mở cánh cửa các viện bảo tàng và bước vào, vì người ta gằn mạnh, văn hóa là tài sản thiết yếu mà chúng ta sẽ bị tước đoạt (phòng trống trơn). Chúng ta chỉ cần đến bất cứ bảo tàng viện nào, ở bất cứ đâu, Dijon, Nantes, Toulouse và dĩ nhiên là Louvre. Chúng ta sẽ tìm ra ngay câu trả lời, chẳng cần phải che giấu: nền văn minh của chúng ta là kitô giáo. Không chỉ là kitô giáo, mà còn nhiều hơn thế. Nếu không chúng ta nhìn vào tên các bệnh viện: những hôtel-Dieu, các khách sạn-Chúa. Đúng như tên gọi của chúng. Đây là nền tảng: văn hóa và bác ái. Thổi bung nó, chúng ta sẽ biến mất, để cho một thứ khác… Như thế có lẽ nó sẽ tốt hơn… Nhưng vẫn phải còn chứng minh, ít nhất là trung hạn, vì sự chuyển đổi từ nền văn minh này sang nền văn minh khác hiếm khi là những khoảnh khắc dễ chịu đối với các thế hệ trong cuộc.
Nhưng ở đây chúng ta phải thêm hai chi tiết nhỏ để những người ủng hộ một di sản kitô giáo có thể dùng.
Thứ nhất, sự thấm nhập tinh thần kitô giáo mà tôi vừa đề cập không dính gì với việc “bảo vệ các giá trị”. Ít nhất trên quan điểm kitô. Vì những điều này có giá trị rất thấp trong cổ phiếu Tin Mừng, những điều tôi gọi là các giá trị yếu kém: lòng bác ái đã được đề cập đến, lòng khiêm tốn, tinh thần khó nghèo… Đứng trên quan điểm của một tín hữu như tôi, tôi khuyên các bạn nên đầu tư vào đó. Lợi nhuận ngắn hạn có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Trong kitô giáo, thường người ta đầu tư vào thời kỳ cuối cùng.
Chi tiết nhỏ thứ hai: sự bộc phát mà bạn đề cập cũng đã được thử làm ở Mỹ dưới hình thức cá cuộc vào ông Trump của những những người thuộc giáo phái phúc âm và một phần Giáo hội công giáo. Kết quả đã có: một chủ nghĩa thế tục hóa gia tăng của các thế hệ trẻ, rất nhiều người mất lòng tin vào kitô giáo.
Chi tiết nhỏ thứ ba: Tương lai của kitô giáo không phải là công việc của chiến lược, nó dựa trên sự trung thành của chính người tín hữu, trên khả năng chứng thực đức tin của họ, với tư cách cá nhân, để truyền giáo xung quanh họ. Không phải bằng cách nói “tôi có quyền”, giống như tất cả những người ủ rũ, nhưng dám nói “tôi tin”, chống lại những người sợ hãi, thì kitô hữu mới lấy lại sức mạnh được.
Đâu là các quan điểm để đối thoại liên tôn giáo trong xã hội chúng ta? Đối thoại liên tôn có thể giúp nước Pháp giảm căng thẳng không?
Điều này tùy thuộc vào những gì chúng ta nói. Vì đằng sau khái niệm này ẩn chứa những ý định và thực tế rất khác nhau: từ tâm hồn thần nghiệm nhất đến thách thức của bộ máy khô cằn nhất, và từ cuộc tranh đua thần học đến việc dấn thân vào thực địa. Nếu chỉ để tạo một nghiệp đoàn các tôn giáo để chống lại thế tục hóa, thì tôi thấy nguy cơ nhiều hơn là có lợi. Nhưng vào năm 1986, khi Đức Gioan-Phaolô II tụ họp các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Assisi, đó là tầm nhìn có tính ngôn sứ. Là người Ba Lan và là người công giáo, ngài đã cảm thấy một thế giới mới đang bắt đầu, với nhiều cơ hội gặp gỡ hơn và như thế có nhiều nguy cơ chúng ta phải đối đầu hơn. Người đã sống sau bức màn sắt, ngài cũng cảm thấy rằng sự đụng độ của các khối và các nền văn minh không phải là lời nói suông. Và người đã chống lại chủ nghĩa toàn trị vô thần, có lẽ ngài nghĩ cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy vật có thể làm cho các tín hữu gần lại nhau. Nhưng nhất là ngài nghĩ đến hòa bình.
Dĩ nhiên bây giờ người ta có thể nói chủ nghĩa hồi giáo đã quét sạch tất cả hy vọng này. Người ta có thể nghĩ cuộc đối thoại giữa các tôn giáo vẫn là cuộc độc thoại của công giáo, trong đó có một số đáp ứng bằng lời nói nhã nhặn theo bối cảnh, một số khác thì nói hai lời. Đã theo dõi những công việc này trong 25 năm và tham dự thường xuyên, đôi khi tôi có cảm tưởng các tông đồ của gặp gỡ đã xem các mong muốn của họ thành hiện thực. Chỉ như vậy. Như cố Thủ tướng Anh, bà Margareth Thatcher đã nói, không có một xen kẽ nào, there is no alternative. Cần kiên nhẫn vô hạn, cần và rất nhiều khiêm tốn… nói tóm lại cần rất nhiều đức tin và hy vọng. Đã có những cuộc đối thoại rất phong phú và hiệu quả giữa các Giáo hội – được gọi là chủ nghĩa đại kết – hoặc giữa người do thái và tín hữu kitô. Với hồi giáo lại là một chuyện khác. Nhưng chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iraq và cuộc gặp gỡ giữa ngài với với giáo sĩ Sistani ở Najaf được xem là một dấu chỉ thiêng liêng rất mạnh cho nhân loại. Vẫn còn phải xem ai đã thấy được điều này và những bức tường nào đã được đục thủng.
Còn ở Pháp, theo tôi vấn đề không phải là đối thoại giữa các tôn giáo, một điều khá thiện cảm. Cũng không phải là vấn đề của một chủ nghĩa thế tục được xem như một tôn giáo không có thượng đế. Đó là khả năng của chúng ta để chiến đấu chống lại sự gia tăng của một loại chủ nghĩa bè phái và những tức giận gia tăng, để tìm kiếm một cái chung.
Theo ông, bài học nào của cuộc khủng hoảng sức khỏe và đại dịch Covid-19 về mặt tôn giáo và thánh thiêng (những hạn chế sức khỏe, đặc biệt hạn chế đến nơi thờ phượng trong giai đoạn đầu cách ly) và về mối quan hệ của chúng ta với tử vong? Liệu hậu-covid có giúp người Pháp đặt lại giá trị của của vấn đề thánh thiêng và tôn giáo không?
Tôi tin mối quan hệ của chúng ta với cái chết ít bị ảnh hưởng hơn là mối quan hệ của chúng ta với sự sống được hồi sinh. Đâu là ý nghĩa của sự tồn tại cá nhân và tập thể của chúng ta? Điều gì “thiết yếu” và “không thiết yếu?” đó là những chất vấn thiêng liêng rất hay. Điều này không cho tôi biết bất cứ điều gì về tương lai, nhưng đúng là khi chúng ta trải nghiệm những điều không thể đoán trước, chúng ta đã khám phá lại hiện tại! Vì thế tôi càng ít biết thế giới hậu-covid như thế nào, nhưng tôi ngày càng hiểu rõ hơn thế giới luôn được tạo nên từ cái gì: từ quan hệ giữa con người và những con người của Chúa, ở đây và bây giờ, hic et nunc. Nói tóm lại, Chúa nói qua dấu hiệu và con người giải mã những dấu hiệu này. Tất cả Kinh Thánh chỉ làm công việc này, từ Sáng thế ký đến sách Khải huyền. Những gì chúng ta sống mang một ý nghĩa. Ngay cả những khó khăn gian khổ. Điều này không có nghĩa coronavirus là sự trừng phạt của thần thánh. Tôi để lại những lời giải thích xưa cổ cho những nhà bảo vệ môi trường, những người tuyên bố đại dịch là sự trả thù của thiên nhiên! Điều này có nghĩa là kinh nghiệm chúng ta có được, chính là nơi chúng ta hy vọng và chính là thời điểm chúng ta hoán cải. Chẳng hạn, các nhà thờ đã bị đóng cửa. Đây là một dấu hiệu rõ ràng. Tôi cố gắng giải thích cùng với những việc khác. Rồi chúng được mở ra nhưng không trả lời cho tất cả. Đây lại là một dấu hiệu khác. Vì vậy, chưa đủ để kêu lên “thiêng liêng! thiêng liêng!” và nhảy lên như con cừu non ngồi trên băng ghế thánh lễ. Đã đến lúc người công giáo phải hành động.
Tác giả Jean-Pierre Denis vừa xuất bản quyễn “Người công giáo, không phải tự động!” (Les catholiques, c’est pas automatique!, nhà xuất bản du Cerf).
Marta An Nguyễn dịch