Hồng y Marx không bị buộc tội lạm dụng tình dục hoặc che đậy. Vậy vì sao ngài xin từ chức?

371

Hồng y Marx không bị buộc tội lạm dụng tình dục hoặc che đậy. Vậy vì sao ngài xin từ chức?

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2021-06-09

Hồng y Reinhard Marx, giáo phận Munich và Freising, Đức phát biểu trong cuộc họp báo về đơn xin từ chức của ngài tại Munich ngày 4 tháng 6 năm 2021. (Ảnh CNS / Robert Kiderle, KNA)

Từ lâu hồng y Reinhard Marx đã là động lực và là người khuấy động Giáo hội công giáo ở cả Đức và Giáo hội hoàn vũ, quyết định gởi thư từ chức lên Đức Phanxicô ngày 21 tháng 5 trong chức vụ Tổng Giám mục giáo phận Munich và Freising làm một sự việc hoàn toàn bất ngờ. Quyết định này như một trận động đất giáng mạnh ở Đức cũng như ở Rôma khi ngài quyết định công khai thư này ngày 4 tháng 6.

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner nói với trang America trong một buổi nói chuyện lâu dài ở Trung tâm Bảo vệ Trẻ em thuộc Giáo hoàng Học viện Gregorian, nơi cha làm chủ tịch: “Trong một chừng mực nào đó, quyết định này nhắc lại quyết định từ chức của Đức Bênêđictô XVI.” Hồng y đã chỉ hỏi ý kiến một vài người. Các làn sóng chấn động được nhận thấy cả trong phạm vi  giáo hội và thế tục, tạo một loạt các phản ứng, các giải thích trái ngược nhau. Rất nhiều người bối rối. Hồng y Marx đã trao thư từ chức cho giáo hoàng trong lần hai người gặp nhau ở Vatican hơn hai tuần trước. Trong một tuyên bố ngày 4 tháng 6, hồng y cho biết Đức Phanxicô đã cho phép hồng y công bố bức thư và đã nói với hồng y: “Xin cha tiếp tục thi hành cương vị giám mục của cha cho đến khi quyết định được đưa ra.”

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner

“Trong một chừng mực nào đó, quyết định này nhắc lại quyết định từ chức của Đức Bênêđictô XVI”, linh mục Dòng Tên Hans Zollner nói với trang America.

Hồng y Marx là giám mục từ 25 năm nay. Năm 1996, lần đầu tiên Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá giáo phận Paderborn, sau đó năm 2001 phong ngài làm giám mục Trier, giáo phận lâu đời nhất ở Đức. Năm 2007, Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài điều hành giáo phận Munich và Freising, tổng giáo phận mà chính Đức Bênêđictô XVI làm tổng giám mục trước khi đi Rôma, và Munich cũng là nơi vào năm 2010, Đức Bênêđictô XVI phong ngài làm hồng y.

Với tư cách là hồng y cử tri, hồng y Marx tham dự mật nghị 2013 bầu Đức Phanxicô, và là người ủng hộ giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh ngay từ đầu. Đức Phanxicô đã chọn ngài làm thành viên của hội đồng các cố vấn hồng y chỉ bốn ngày sau khi ngài được bầu chọn. Cả hai đã cùng làm việc nhiều ngày trong các buổi họp hội đồng cố vấn trong tám năm qua, cũng như tại các thượng hội đồng giám mục, và đã rất hiểu nhau.

Một số người cho hồng y Marx là hồng y “xe tăng” – biệt danh các nhà phê bình đã từng dùng cho Đức Bênêđictô XVI – dù ngài bị cho là bốc đồng và mạnh mẽ, nhưng trên hết ngài là “một  người rất nhạy cảm”, linh mục thần học gia, tâm lý gia Zollner biết rõ về hồng y cho biết như trên. “Trong số các nhà lãnh đạo Giáo hội, hồng y Marx rất nhạy cảm với vấn đề lạm dụng, điều này luôn nhất quán và không lay chuyển.”

Linh mục nhắc lại, hồng y Marx đã đóng góp rất nhiều, với sự hỗ trợ tài chính từ tổng giáo phận của ngài trong việc tổ chức hội nghị đầu tiên về vấn đề  lạm dụng tại Đại học Gregorian năm 2012, việc thành lập Trung tâm Bảo vệ Trẻ em ở Rôma năm 2013 và cho hội nghị thượng đỉnh của các chủ tịch Hội đồng Giám mục họp tại Vatican tháng 2 năm 2019, về việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Cuối năm 2020, bằng quỹ cá nhân của mình, ngài đã thành lập Quỹ Hy vọng và Cứu rỗi (Spes et Salus), tập trung vào việc chữa lành thiêng liêng cho các nạn nhân bị lạm dụng và làm việc với Trung tâm Bảo vệ Trẻ em (Centers for Child Protection C.C.P).

“Trong số các nhà lãnh đạo Giáo hội, hồng y Marx rất nhạy cảm với vấn đề lạm dụng, điều này luôn nhất quán và không lay chuyển.”

Linh mục Zollner nói thêm: “Ngài biết cương vị và trách nhiệm của ngài trong Giáo hội vì thế ngài có một mức độ nhận thức về những gì đang diễn ra và những gì cần phải làm”.

Hồng y Marx đã giữ các vị trí hàng đầu trong giáo hội ở châu Âu, vừa là chủ tịch của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Cộng đồng châu Âu từ năm 2012 đến năm 2018, vừa là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức từ năm 2014 đến năm 2020. Với cương vị hồng y, ngài ở trong hành lang quyền lực ở Vatican.

Vì sao ngài từ chức khi hiện nay không có một luận cứ đặc biệt nào chống lại ngài, trong khi nhiều hồng y, giám mục khác không muốn từ chức, dù họ ở tình huống có thể có bằng chứng chống lại họ?

Nhận xét của linh mục Zollner, hồng y Marx là “người rất nhạy cảm”, ngài có một cái nhìn sâu sắc quan trọng về mình. Như ngài giải thích rõ trong thư xin từ chức, ngài đã bị giao động mạnh vì cuộc khủng hoảng lạm dụng, đặc biệt là khi nó bùng ra rất mạnh ở Đức năm 2010. Giáo hội Đức đã mở một cuộc điều tra ở giáo phận Munich-Freising sau những luận cứ cho rằng Đức Bênêđictô XVI đã xử lý sai một vụ án khi ngài còn là tổng giám mục ở đó. Kể từ đó, hồng y Marx đã nói nhiều lần trong các cuộc họp báo: “Năm 2010 là năm xấu nhất trong cuộc đời linh mục của tôi”.

“Vì sao ngài từ chức khi hiện nay không có một luận cứ đặc biệt nàp chống lại ngài, trong khi nhiều hồng y, giám mục khác không muốn từ chức, dù họ ở tình huống có thể có bằng chứng chống lại họ?”

Trong thư từ chức, ngài nhắc lại, sau khi công bố nghiên cứu lạm dụng trên toàn quốc của MHG do Hội đồng Giám mục Đức yêu cầu làm năm 2018, ngài tuyên bố ở nhà thờ chính tòa Munich: “Chúng tôi đã thất bại.” Ngài tuyên bố như vậy vì ngài nhận ra trong tư cách là nhà lãnh đạo Giáo hội Đức, ngài có trách nhiệm cá nhân trong cuộc khủng hoảng, và cũng có trách nhiệm với thể chế vì thất bại có “hệ thống” này. Linh mục Zollner giải thích, thất bại mang tính hệ thống được tìm thấy trong nền văn hóa và các thể chế điều hành đã không ngăn chặn được việc lạm dụng trẻ vị thành niên, không bảo vệ được nạn nhân, lại cho phép che đậy, chuyển thủ phạm từ giáo xứ hoặc cơ sở này sang giáo xứ khác.

Hồng y nhận ra thất bại này đã dẫn đến “ngõ cụt” cho Giáo hội Đức và vì vậy cảm thấy mình phải từ chức để chuộc tội. Ngài nói với giáo hoàng: “Với việc từ chức, tôi muốn nói rõ, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân không chỉ về bất cứ sai lầm nào mà tôi có thể đã mắc phải, nhưng còn với giáo hội như một tổ chức mà tôi đã giúp hình thành và hun đúc trong hàng chục năm qua.”

Nhiều nguồn tin cho biết, việc từ chức của hồng y nói chung đã được đón nhận nồng nhiệt ở Đức và nhất là với những người sống sót sau các vụ lạm dụng.

Ông Matthias Katsch, phát ngôn viên của hiệp hội nạn nhân Đức Eckiger Tisch, tuyên bố trong một bản tin: “Đó là một bước đi ấn tượng, khi cuối cùng một giám mục Đức lên tiếng trong cương vị cá nhân và nhận trách nhiệm.” Ông xem đơn từ chức của hồng y Marx “là chứng từ cá nhân của nhà lãnh đạo” và ông hy vọng bây giờ giáo hội sẽ thực hiện các bước để đáp ứng mối quan tâm của các nạn nhân.

Nhiều nguồn tin cho biết, việc từ chức của hồng y nói chung đã được đón nhận nồng nhiệt ở Đức và nhất là với những người sống sót sau các vụ lạm dụng.

Ông Thomas Sternberg, chủ tịch của nhóm giáo dân có ảnh hưởng thuộc Ủy ban Trung ương người Công giáo Đức tuyên bố: “Người sai thì phải đi xuống.” Câu này ám chỉ đến hồng y Rainer Woelki, tổng giám mục giáo phận Cologne, người đã bị tấn công vì xử lý sai cuộc khủng hoảng lạm dụng và quản lý mục vụ có vấn đề của mình từ hơn sáu tháng; một cuộc viếng thăm tông đồ do giáo hoàng cử đi đang đến giáo phận của ngài.

Ông Ludwig Ring-Eifel, tổng biên tập của hãng thông tấn công giáo Đức KNA, đã viết trong một bài phân tích hôm nay, hồng y Marx “nổi tiếng hơn bao giờ hết trong việc ngài tự nguyện từ bỏ quyền lực”. Ông nói, nhưng ở cấp các giám mục, ngoại trừ giám mục Georg Baetzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và giám mục Franz-Josef Bode, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, phản ứng của các giám mục khác có phần “hạn chế”, điều này “đặt ra câu hỏi liệu hồng y Marx, với hành động gây “sốc và kinh ngạc” của ngài có thực sự chọn đúng phương pháp thích hợp để tạo động lực cần thiết cho giáo hội của ngài đi tới đàng trước thêm một lần nữa không.”

Không phải ai cũng đồng ý với phân tích của hồng y Marx về cuộc khủng hoảng lạm dụng. Ít nhất hai cựu hồng y của Vatican không đồng ý với tuyên bố của ngài về việc ngài nhận trách nhiệm thể chế từ phía Giáo hội mang đến thất bại mang tính hệ thống. Hồng y người Tây Ban Nha Julián Herranz, 91 tuổi, chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp và là thành viên của Opus Dei, trong một bức thư gửi cho tổng biên tập báo L’Osservatore Romano được xuất bản trên trang nhất ngày 8 tháng 6, đã phản đối khẳng định này nhưng không nêu tên hồng y Marx và phản đối việc đặt vấn đề uy tín của Giáo hội như một thể chế. Hồng y người Ý Fernando Filoni, 75 tuổi, giám chức danh dự Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc và là cựu chánh văn phòng dưới thời Đức Bênêđictô XVI đã có một đường lối tương tự trước đó và đã bị hồng y Marx chống đối.

Không phải ai cũng đồng ý với phân tích của hồng y Marx về cuộc khủng hoảng lạm dụng. Ít nhất hai cựu hồng y của Vatican không đồng ý với tuyên bố của ngài về việc ngài nhận trách nhiệm thể chế từ phía của Giáo hội mang đến thất bại mang tính hệ thống.

Trong phân tích của mình, ông Ring-Eifel cũng cho biết, “đằng sau hậu trường ở Đức, một số giáo sĩ chỉ trích chẩn đoán của hồng y Marx cho rằng Giáo hội ở ‘điểm mù’. Những người chỉ trích này nói, việc gây ra sự sụp đổ theo cách này chẳng có ích gì cho bất kỳ ai”.

Nhưng linh mục Zollner không nhìn theo cách này. Linh mục nói với trang America: “Tôi nghĩ cần phải thay đổi vì những gì hồng y Marx nói là rất đúng, chúng ta đang ở ‘ngõ cụt’, chúi mũi vào tường, theo nghĩa là tất cả chúng ta đều bị cuốn vào chính mình, thảo luận về chính mình và có rất ít cuộc thảo luận theo cách sống Tin Mừng. Lời mời của chúng ta, khám phá Chúa trong mọi sự đối với công chúng gần như là con số không.”

Ngài nói: “Ở Đức, từ ‘Thượng đế’ đang biến mất; đức tin không còn. Nhưng nếu chúng ta đến các giáo xứ, chúng ta nghe xưng tội, chúng ta tháp tùng giáo dân về mặt thiêng liêng, nếu chúng ta nói một cái gì đó hợp lý, thì mọi người cảm thấy cuộc sống hẳn có nhiều điều hơn là chỉ thế này.”

Linh mục Zollner nghĩ rằng, những gì hồng y Marx nói mang “một bầu khí trong lành vì chúng ta đã đến một nơi mà Thánh I-nhã gọi là sầu khổ.” Linh mục nói thêm: “Tuy nhiên, bây giờ tôi có cảm giác, mọi người đang nói, không phải chúng ta đang đi vào ngõ cụt; chúng ta có khả năng quay lại… và theo tôi, đó là yếu tố quan trọng nhất trong việc này.”

Hồng y Marx cũng nêu rõ quan điểm này trong thư ngài gởi giáo hoàng, ngài nói dưới ánh sáng đức tin Phục sinh, ngài xem “ngõ cụt” mà chúng ta đến “cũng có khả năng trở thành một bước ngoặt” và ngài nghĩ “con đường đồng nghị” có thể là là con đường để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này.Ngài hy vọng khi từ chức, “Tôi có thể gửi một tín hiệu cá nhân cho một khởi đầu mới, một thức tỉnh mới cho Giáo hội chứ không chỉ ở Đức.”

Linh mục Zollner ca ngợi hồng y Marx, “vì ngài can đảm. Dũng cảm không phải trong việc tấn công người khác, mà là nhận trách nhiệm về chính mình.” Linh mục cho rằng ngày nay Giáo hội Đức thiếu rất nhiều sự can đảm này.

Về phần mình, Đức Phanxicô đã giữ im lặng hoàn toàn, không ai trong số các vị có trách nhiệm ở  Vatican, mà tôi nói chuyện trong tuần qua có một ý tưởng nào rõ ràng về quyết định cuối cùng của Đức Phanxicô. Một số mong ngài từ chối; một số nghĩ Đức Phanxicô sẽ đưa hồng y về Rôma để đứng đầu một văn phòng ở Vatican. Tất cả đều mong hồng y tiếp tục là thành viên của hội đồng cố vấn hồng y của Đức Phanxicô, một vai trò mà hồng y đảm nhiệm từ năm 2013 và là chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Vatican.

Giống như tất cả chúng ta, hồng y Marx chờ quyết định của giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx

Vì vâng lời, hồng y Marx chấp nhận không từ chức

Linh mục Hans Zollner: “Việc hồng y Marx từ chức có thể đóng góp vào việc phòng ngừa lạm dụng, làm minh bạch và có trách nhiệm”