Mười quyển sách hàng đầu của tôi trong năm 2020
Ronald Rolheiser, 2020-12-28
Khi Thánh Âugutinô nói “thị hiếu không tranh cãi được”, ngài chỉ đúng một phần. Phải thừa nhận rằng, thị hiếu luôn có khía cạnh chủ quan, nhưng cũng luôn có tính chất khách quan. Xét một cách khách quan, một lon soda rẻ tiền đâu như chai rượu ngon, cả triệu bản nhạc đâu phải một bản của Mozart, và bức tranh mà cô bạn nhà trẻ nào đó vẽ cho bạn trong dịp sinh nhật đâu phải tranh Van Gogh.
Với biện luận như thế, tôi thừa nhận rằng tuyển chọn mười quyển sách của tôi có yếu tố chủ quan rõ ràng. Chúng đơn giản là những quyển sách đi vào lòng tôi nhất trong năm qua. Có lẽ chúng sẽ không có tác động như thế với bạn. Dù gì đi nữa, tôi bảo đảm rằng không quyển nào là soda rẻ tiền hay một bức tranh sáp màu của một em bé nhà trẻ.
Mười quyển sách đi vào lòng tôi nhất trong năm qua là những quyển nào?
- Clare Carlisle, Triết lý của Trái tim, Cuộc đời đầy khắc khoải của Soren Kierkegaard (Philosopher of the Heart, The Restless Life of Soren Kierkegaard). Nếu bạn chưa hề đọc quyển nào hay về cuộc đời và tác phẩm của Soren Kierkegaard, thì đây là quyển sách bạn cần. Nó là kết hợp độc đáo của kiến thức hàn lâm, văn phong rõ ràng, những phê bình và đồng cảm với Kierkegaard.
- Michael J. Buckley, Bạn tìm kiếm gì? Những chất vấn của Chúa Giêsu là thách thức và lời hứa (What Do You Seek? The Questions of Jesus as Challenge and Promise). Trong những quyển sách tôi đọc năm nay, quyền này thách thức cá nhân tôi nhiều nhất. Qua quyển này, Buckley, mất năm 2019, chiếu rọi ánh sáng vào tâm hồn chúng ta và cho thấy cả những thách thức và lời hứa trong cuộc đời Chúa Giêsu.
- Frederick Buechner, Thất bại Tuyệt mỹ (The Magnificent Defeat). Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1965, nhưng đến tận năm nay tôi mới tìm ra được quyển này. Là một thừa tác viên chức thánh của Giáo hội Trưởng lão, Buechner là thần học gia, nhà thơ, triết gia, tiểu thuyết gia, và nhà viết luận văn, tác phẩm của ông luôn đáng đọc, nhất là quyển này, với những thấu suốt rất hiếm có.
- Mark Wallace, Khi Thiên Chúa là một loài chim – Kitô giáo, vật hồn giáo và công cuộc tái quyến rũ thế giới (When God was a Bird – Christianity, Animism, and the Re-Enchantment of the World). Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa viết hai quyển sách, Kinh Thánh và thế giới tự nhiên. Là Kitô hữu, chúng ta có cả hai quyển sách, những người ngoại đạo và những người tin vật hồn giáo chỉ có một quyển, là quyển sách tự nhiên. Wallace cho rằng đã đến lúc để các kitô hữu chúng ta nghiêm túc hơn trong việc nhìn nhận quyển sách tự nhiên và bớt e ngại vật hồn giáo, hầu hiểu trọn vẹn hơn về đức tin của mình và có mối liên hệ lành mạnh hơn với thế giới tự nhiên. Những thấu suốt của ông sẽ mở mang cho bạn nhưng vẫn theo sát giáo lý.
- Gerhard Lohfink, Cầu nguyện đưa ta về nhà, Thần học và thực hành của việc cầu nguyện Kitô giáo (Prayer Takes Us Home, The Theology and Practice of Christian Prayer). Gerhard Lohfink là học giả Kinh Thánh người Đức và luôn đáng để đọc. Đây là quyển sách thứ tư của ông được dịch sang tiếng Anh, và như các quyển kia, nó là sự kết hợp hiếm có giữa kiến thức hàn lâm, đức tin cá nhân và văn phong rõ ràng.
- Muriel Barbery, Sự tinh nhã của con nhím (The Elegance of the Hedgehog). Đây là một tiểu thuyết viết vào năm 2006, đầy thấu suốt, khéo léo và bất ngờ. Nếu bạn thích tiểu thuyết hành động, thì quyển này không hợp với bạn lắm. Đọc nó cũng như là ngắm một tác phẩm nghệ thuật và cứ tự nhủ, làm sao người nghệ sĩ lại có thể khéo đến vậy?
- Marilynne Robinson, Jack. Tờ Times xem bà là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, và đúng thế, chắc chắn là thế trong thời của tôi. Marilynne Robinson là một tiểu thuyết gia được ca ngợi và là ngòi bút tôn giáo đầy thấu suốt. Để đọc quyển này, bạn cần thêm chút kiên nhẫn. Đừng bỏ cuộc, bởi 50 trang đầu chẳng khiến bạn cảm được gì cả. Nhưng đọc hết quyển, bạn sẽ thấy xúc động sâu sắc.
- Helen Prejean, Dòng sông lửa, Hành trình thiêng liêng của tôi (River of Fire, My Spiritual Journey). Tác giả của quyển Dead Man Walking chia sẻ tiểu sử tự thuật của mình. Đây là câu chuyện hoán cải của một người phụ nữ ngoại hạng mà ta cảm thấy bà chẳng cần hoán cải. Một quyển sách rất thẳng thắn, thành thật, sâu sắc.
- Lyn Cowan, Chân dung Sầu phu nhân, Tính cách sầu muộn (Portrait of the Blue Lady, The Character of Melancholy). Một quyển sách nữa được viết cách đây 16 năm nhưng năm nay tôi mới biết. Đây là quyển sách của nhà thần thoại học và tâm lý gia theo trường phái Jung viết về sầu muộn. Xin điểm qua một đoạn: “Sầu muộn còn bị mất đi tên của mình, thời nay sầu muộn bị gọi là “trầm cảm”, bị tách biệt, phân loại bệnh lý và lâm sàng khỏi “sầu muộn” thẫn thờ từng được các thi sĩ, triết gia, ca sĩ và bác sĩ ghi nhận. Giờ sầu muộn bị xem là “căn bệnh trị được” hơn là một ưu phiền thường đau đớn và khó khăn của linh hồn, nó không phải là một căn bệnh và không cần chữa trị”. Với Cowan, sầu muộn là con đường nội tâm để chúng ta kết thân với những phần thâm sâu nhất trong tâm hồn.
- Ira Byock, Bốn điều hệ trọng nhất (The Four Things that Matter Most). Xuất bản lần đầu vào năm 2004, quyển sách này xứng đáng được đông đảo đại chúng đón đọc. Byock đưa ra toàn bộ giả thuyết của mình trong câu mở đầu quyển sách. Bốn điều quan trọng nhất mà bạn nói được là: Tha thứ cho tôi. Tôi tha thứ cho bạn. Cảm ơn. Tôi yêu bạn. Đây là những lời người ta thường thốt ra trong giờ lâm tử. Tuy nhiên, như Byock thúc giục, tốt hơn chúng ta nên nói ra chúng từ rất lâu trước thời khắc những người thân thương quây quần bên giường lâm tử của ta. Những lời đáng buồn nhất của chúng ta là gì? “Giá mà như thế!”
Ngoài mười quyển sách này, tôi cũng rất mong các bạn đọc Thông điệp mới của Đức Phanxicô, Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti.
Trên đây là mười quyển sách đi vào lòng tôi nhất trong năm qua. Tôi không thể bảo đảm bạn cũng sẽ cảm thấy thế. Nhưng tôi có thể bảo đảm, không quyển nào là soda rẻ tiền đâu!
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Từ thánh Tarcisius đến Tạp chí People: Cuộc cách mạng của chúng ta về sự ngưỡng mộ và noi gương