parismatch.com, 2015-11-18
Sau cuộc tấn công khủng bố thứ sáu 13 tháng 11, cũng như mười tháng trước đây, sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie, một câu hỏi hằn trong tâm trí cha mẹ và thầy cô giáo: Làm sao nói những chuyện này với trẻ em? Nhiều thầy cô giáo chia sẻ kinh nghiệm này với chúng tôi.
“Trẻ con cũng không thể nào tránh khỏi được tác động của các cuộc tấn công.” Đó là cảm nhận của một cô giáo thố lộ với nhà báo.
Ngày thứ hai 16-11, tất cả cô thầy giáo đều đối diện với một công việc đặc biệt khó khăn: Giải thích cho học sinh biết chuyện gì đã xảy ra ở Paris tối thứ sáu 13 tháng 11, tại sao có 129 người bị thiệt mạng; và nhất là làm sao trấn an các em. Cô giáo dạy ở Magny-en-Vexin (Val d’Oise), đã chuẩn bị cuộc thảo luận qua ba giai đoạn ở lớp 5 tiểu học: “Đầu tiên là gom nhận các lời nói và các giải thích; thứ hai, suy nghĩ chung quanh một điểm tựa – tôi chọn bán nguyệt san Astrapi của trẻ em (Bayard Jeunesse đã tặng miễn phí cho trường); thứ ba, vẽ tự do về đề tài hòa bình”, cô nói rõ các chi tiết đã làm, cô cho rằng các cô thầy đã chuẩn bị kỹ vào tháng 1 vừa qua. “Với vụ tấn công báo Charlie Hebdo, Bộ Quốc gia Giáo dục đã phản ứng nhiều hơn”, cô giáo ca ngợi. Bộ Giáo dục đã gởi đường hướng chỉ đạo và đưa ra các nguồn tài liệu đặc biệt cho giáo chức. Ngoài ra còn có các ký hiệu bổ túc gởi cho tất cả Hiệu trưởng và sau đó được chuyển đến tất cả các giám đốc cơ sở.
“Điều làm tôi sốc là tất cả các em đều phải thấy những hình ảnh này lặp đi lặp suốt cuối tuần”, cô giáo kể tiếp. Cũng một ghi nhận như vậy ở lớp 1 tiểu học trường Villiers-le-Bel (Val d’Oise)… Một vài em tả lại các cảnh khủng khiếp các em thấy trên truyền hình hoặc trên internet. “Một em bé gái khóc”, một cô giáo cho biết. “Tôi ráng giải thích cho các em biết, các em không cần phải xem hình, mình tưởng tượng cũng biết khủng khiếp đến như thế nào”, cô giáo trường Magny nói tiếp. Cô nhận xét các học trò lớp 5 của mình “cần nói ra hơn là đặt câu hỏi”.
“Những người đó không có tốt trong cái đầu của họ”
Dĩ nhiên là cần phải làm sáng tỏ một vài điểm: các em chưa thấy sự khác biệt, nhất là, với biến cố tháng 1. “Tôi giải thích cho các em hiểu, lần này không phải là vấn đề tự do phát biểu, nhưng là tấn công vào cả một dân tộc, một lối sống.” Cuối cùng, các em nhỏ nhất lẫn lộn, các em cho tất cả đều là “người dữ”, các em bỏ chung các tên khủng bố, các người ăn cắp vào một rọ… Một vài em còn nghĩ, hoặc làm cho người khác nghĩ là các em đã mất một hay nhiều người thân trong vụ này. “Ở tuổi này, các em thường tự quy về mình”, ông hiệu trưởng trường Villiers-le-Bel giải thích cho chúng tôi để hiểu kiểu liên tưởng lộn xộn này nơi các em còn nhỏ. Ngoài ra, các em cũng chưa có ý niệm về cái chết. “Đối với các em, cái chết giống như trong các game, bấm một cái thì chết, bấm một cái thì đứng dậy.” “Một em hỏi tôi làm sao mình có thể trở lại một khi mình đã chết…», cô giáo lớp 1 cho biết. Các em có hơn một giờ để thảo luận trong lớp.
Một em lớp 5 còn vẽ gạch ngang trên cờ Syria: “Tôi đã phải giải thích cho em, người dân Syria là nạn nhân, họ phải chạy trốn chiến tranh, gạch ngang lá cờ nước Syria là gạch ngang cả một dân tộc”, cô cho chúng tôi biết. Đúng là một tiết công dân giáo dục, em này nói với em kia ngay sau giờ học và em để ý là mình đã không “học” gì sáng nay. Chung chung, các em đã hiểu điều chính yếu. Rằng “những người này không có tốt trong đầu của họ”, một em bé gái đã tóm tắt như vậy, nhưng “một vài người cuống tín tôn giáo này sẽ không bao giờ giết được đất nước của Nhân Quyền.” Cô giáo cũng trấn an các em nhỏ, rằng các em được an toàn ở trường và cảnh sát luôn làm công việc của họ. Nhưng điều chính yếu cho công việc của họ là phải nghe họ.
Hãnh diện là đã giữ một phút thinh lặng
Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem đề nghị có cuộc thảo luận trước khi giữ một phút thinh lặng vào buổi trưa thứ hai. Cuộc thảo luận được thực hiện suốt sáng thứ hai trên 60.000 trường tiểu học, trung học cấp 2, cấp 3 trên toàn quốc. Bầu khí các lớp học rất tập trung. “Trong khi bình thường chúng hơi xao nhãng, các em tôn trọng thì giờ phát biểu của mỗi người, mà em nào thì cũng rất muốn nói”, cô giáo nhấn mạnh. Ngay cả giây phút thinh lặng, trước đây trong biến cố tháng 1 của tuần báo Charlie, đôi khi các em cũng nhúc nhích. “Chúng tôi cảm thấy các em hãnh diện mình đã giữ được thinh lặng để tưởng niệm”, cô cho biết. Một giây phút “rất long trọng” kết thúc một cách xúc động buổi sáng thảo luận thật cần thiết này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch