osservatoreromano.va, Alessandro Gisotti, 2020-12-22
Chúng ta có thể giao tiếp bằng cách lắng nghe không? Chúng ta đang sống trong thời buổi mà nếu chúng ta không có lời nói cuối cùng thì chúng ta “mất hút” trong giao tiếp. Hàng ngày chúng ta thấy điều này trên các chương trình truyền hình và trong các cuộc tranh luận giữa các chính trị gia. Và chúng ta cũng có kinh nghiệm cá nhân trên mạng xã hội (phổ biến nhất hiện nay), nơi nếu chúng ta không đăng câu tweet cuối cùng hoặc có bài báo cuối cùng thì có vẻ như chúng ta bị bại trong cuộc trò chuyện, dù dưới chủ đề nào đi nữa. Đức Phanxicô làm đảo lộn mô hình truyền thông kiểu này, kiểu dùng truyền thông làm vũ khí để chiến thắng đối phương, ngài đưa truyền thông về giá trị chính: là món quà, là cơ hội giúp chúng ta cùng nhau phát triển. Hệ quả ngay lập tức của lô-gic “vị tha” này là người giao tiếp không còn chiếm ưu thế trước thông điệp mà họ muốn truyền tải. Thật vậy, điều này tăng sức mạnh khi người thông báo “bước qua một bên.”
Ở đây, Đức Phanxicô im lặng, thậm chí bất động (nghịch lý với thời đại truyền thông đại chúng luôn tìm âm thanh và chuyển động) để truyền thông trở thành phương tiện làm tăng ý nghĩa.
Những người may mắn theo dõi chuyến đi của ngài đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau, Ba Lan ngày 29 tháng 7 năm 2016 đã xúc động trước lời cầu nguyện thầm lặng kéo dài trong một thời gian gần như vô tận của ngài. Còn hơn bất cứ bài diễn văn nào, sự im lặng này truyền đi nỗi đau khổ rụng rời của nơi này và đồng thời nhớ lại nỗi kinh hoàng chưa từng có của các trại hủy diệt này.
Bốn năm trôi qua. Một “im lặng nói lên lời” khác trong thời điểm bi thảm của lịch sử. Đó là ngày 27 tháng 3 năm nay: một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, ngài cầu nguyện dưới Cây Thánh giá nhiệm mầu San Marcello và trước tượng Cứu rỗi Người dân thành Rôma. Buổi cầu nguyện trong bối cảnh gần như siêu hiện thực đã là một trong những hình ảnh mạnh nhất về đại dịch. Ngày hôm sau, bức hình ngài cầu nguyện nổi bật trên trang nhất các báo trên khắp thế giới. Thông điệp đã vượt ra ngoài phạm vi đức tin công giáo, nói lên lo lắng và hy vọng của toàn thể nhân loại.
Theo “truyền thông ngược dòng” của Đức Phanxicô, lắng nghe là yếu tố cơ bản và năng động. Vì thế chẳng có gì là ngạc nhiên trong giai đoạn cách ly và khi không có nhiều buổi tiếp kiến gặp gỡ, Đức Phanxicô với “tính sáng tạo của tình yêu” như ngài thường nói – đã dành thì giờ để đến với với nhiều người qua phương tiện truyền thông cổ điển, nhưng không bao giờ lỗi thời: đó là điện thoại. Trong những tháng cách ly, ngài gọi rất nhiều, cho người đau khổ, cho bệnh nhân Covid, cho người lớn tuổi, cho các nhân viên chăm sóc, cho các người trẻ xăng tay vén áo giúp những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng Nembro, nơi bị ảnh hưởng Covid nặng của nước Ý. Đó là các cuộc điện thoại để lắng nghe hơn để khuyên bảo. Ngài nói trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí Tây Ban Nha: “Điều này giúp tôi biết được đời sống gia đình và cộng đồng đã trải qua trong thời điểm khó khăn này như thế nào.”
Năm 2016, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh, lắng nghe “không chỉ là nghe”, “lắng nghe có nghĩa là chú ý, là mong được hiểu, làm tăng giá trị, tôn trọng lời nói của người khác.” Và cũng năm đó, trong chuyến đi Mexico, ngài nói với những người trẻ ở thành phố Morelia khi họ gặp các bạn đồng trang lứa gặp khó khăn, mình phải ở bên cạnh bạn và lắng nghe. Ngài nhấn mạnh: “Đừng nói tôi sẽ cho bạn công thức, nhưng cho họ sức mạnh với sự lắng nghe của mình, phương thuốc lắng nghe là phương thuốc người ta thường quên. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngài lặp lại, chúng ta cần “liệu pháp tông đồ lắng nghe.” Một công thức lặp lại lời khuyên của Thánh Phanxicô Assisi với các môn đệ anh em của ngài: “Hãy nghiêng tai về phía quả tim của người anh em.” Nhà văn Pier Paolo Pasolini, sau khi gặp Mẹ Têrêxa đã nói về Mẹ, “nơi nào mắt của Mẹ nhìn, nơi đó Mẹ lắng nghe.” Theo Đức Phanxicô, lắng nghe là điều cơ bản trong mối quan hệ giữa con người. Cần thì giờ, cần kiên nhẫn, cần đúng lúc để đến gần người khác, rút ngắn khoảng cách và vượt lên thành kiến. Một thái độ đôi khi xáo trộn, nhưng hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của một Giáo hội đi ra ngoài, của một bệnh viện dã chiến mà ngài là người diễn giải và làm chứng trong ngôi thứ nhất. Ngài viết, “giao tiếp có nghĩa là chia sẻ và chia sẻ đòi hỏi lắng nghe.”
Nhiều người tự hỏi đâu là bí mật về sự thành công trong truyền thông của Đức Phanxicô, điều mà trong số các điều khác, sau gần 8 năm sau ngày bầu chọn ngài vẫn còn giữ nguyên, cũng như các bài giảng thánh lễ buổi sáng được hàng triệu người trên thế giới nghe trong kỳ đại dịch. Có lẽ “bí mật” nằm chính ở việc ngài đặt giá trị đích thực của giao tiếp làm trọng tâm, tập trung vào con người chứ không vào phương tiện. Giá trị của một sức mạnh “nghịch lý” càng tăng khi nó được làm giảm đi để đặt mình trong việc phục vụ người khác, một sức mạnh của sự gần gũi. Vì thế, ngay trong giao tiếp, ngài xin chúng ta theo gương Người Samaritanô nhân hậu. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thông điệp đầu tiên cho Ngày Truyền thông Xã hội, ngài viết, dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu “cũng là dụ ngôn của người giao tiếp”, vì ai giao tiếp thì “trở thành người thân cận”. Bằng lời nói và cử chỉ, mỗi ngày, Đức Phanxicô nói với chúng ta, chúng ta phải “chấp nhận rủi ro” để giao tiếp, mạo hiểm cho người khác giống như người xứ Samaria đã làm trên đường từ Giêrusalem đến Giêricô. Theo ngài, chúng ta đừng ngại nhường chỗ cho ý kiến của người khác, cho các đề nghị của họ, kể cả nắm bắt những điều tốt đẹp mà mỗi người đều có. Thật vậy, chỉ bằng cách này, nhìn nhận tất cả đều là anh em Fratelli tutti thì chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, xứng đáng với toàn nhân loại chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch