Đức Phanxicô, thế giới sau coronavirus
mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2020-08-24
Đức Phanxicô thường nói các cuộc khủng hoảng phải được biến thành cơ hội. Đó là một trong các lý do loạt bài giáo lý của ngài trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư gần đây nói về giáo huấn xã hội của Giáo hội trong thời kỳ đại dịch.
Đây là một lựa chọn quan trọng. Theo Đức Phanxicô, đại dịch và hệ quả của nó là cơ hội để bắt đầu lại từ con số không. Các bài giáo lý này cho thấy cái nhìn của ngài về thế giới.
Thật ra chúng ta có thể hiểu nhiều qua các Tông huấn Niềm vui Tin Mừng và Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si. Hai tài liệu này là đường hướng của buổi giáo lý đầu tiên. Những gì Đức Phanxicô đang nói không phải là mới. Tuy nhiên, dường như đây là thể hiện ý chí ngài khẳng định mình là nhà lãnh đạo lãnh đạo chính trị, hơn là nhà lãnh đạo thiêng liêng.
Xét cho cùng thì Đức Phanxicô luôn cho thấy mình đặc biệt quan tâm đến chính trị. Ngài đã rất thoải mái khi ở Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ở Strasbourg năm 2014, và khi ngài đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2015. Ngài có một tư duy chính trị vững mạnh và ngài cần chia sẻ với một từ vựng chính trị. Dường như, đường hướng thiêng liêng và chính trị của ngài không bao giờ kết hợp. Cả hai đều có các nguyên tắc chỉ đạo, cầu nguyện và đức tin giống nhau, nhưng chính trị và tôn giáo đi song song với nhau và với từ ngữ riêng.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 19 tháng 8, ngài đã đưa ra một số đề xuất cụ thể. Ngài lưu ý, vắc-xin chống coronavirus phải đến với với tất cả mọi người, kể cả các người nghèo nhất. Ngài kêu gọi phát triển một nền kinh tế mới, bao gồm các người nghèo và các người sống bên lề nhiều hơn. Ngài lên án mô hình kinh tế hiện nay “không chăm lo cho căn nhà chung”. Ngài đưa ra bốn tiêu chuẩn cho tinh thần kinh doanh: giúp các người bị loại trừ được bao gồm, nâng đỡ các người bị áp bức nhất trên trái đất, cổ động cho lợi ích chung và quan tâm đến tạo dựng.
Đức Phanxicô cho rằng các đề xuất này phải được thực hiện bắt đầu từ tình yêu Thiên Chúa. Ngài cũng lưu ý việc ưu tiên giúp người nghèo không có nghĩa là làm chính trị, nhưng là đi theo Tin Mừng. Tuy nhiên, bài nói chuyện của ngài ở trong phạm vi chính trị thực dụng và không tìm kiếm một khuôn khổ rộng hơn.
Có thể buổi dạy giáo lý sắp tới sẽ mở ra một con đường khác. Tuy nhiên cho đến nay, ngài nhìn thế giới từ một quan điểm đặc biệt thực dụng. Dù ngài luôn nhắc đến Chúa và quy chiếu về Chúa, nhưng thường các bài nói chuyện của ngài hướng về các giải pháp cụ thể, không thể áp dụng cho từng trạng huống. Ngài không phải là một chuyên gia về mọi thứ, và không ai có thể làm được. Mở đầu loạt bài giáo lý này, ngài nói Giáo hội không có phương thuốc chữa chi đại dịch, nhưng có thể đưa ra một lối thoát cho nó.
Câu hỏi đặt ra là: lối thoát nào? Ngài thường gián tiếp trả lời các lời chỉ trích nhắm vào mình. Khi ngài nhấn mạnh lựa chọn ưu tiên cho người nghèo thì lựa chọn này dựa trên Tin Mừng chứ không trên chính trị, ngài trả lời cho một số lời chỉ trích này.
Đồng thời, ngài dấn thân vào chính trị. Đó là một trong các nghịch lý của ngài. Ngài không tham gia vào chính trị bằng cách lặp lại các quan niệm Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. Tuy nhiên, giáo huấn này là kim chỉ nam cần thiết cho bất kỳ người công giáo nào dấn thân vào đời sống công cộng. Ngài dấn thân vào chính trị mỗi lần ngài đề xuất một số khả năng thực tế. Cuối cùng, ngài trả lời các vấn đề cụ thể, biến chúng thành các chủ đề phổ biến bằng cách nói về chúng.
Một trường hợp điển hình là thư ngài gởi cho các phong trào bình dân vào dịp lễ Phục sinh. Trong thư, thậm chí ngài đề nghị một mức lương tối thiểu được đảm bảo cho các người “chính thức” không có việc làm và sống bên lề. Các đề nghị là câu trả lời rất thực tế đối với một vấn đề cụ thể, cho thấy quan điểm rõ ràng của Đức Phanxicô.
Tất cả cơ sở luận lý của ngài đều được sinh ra từ trải nghiệm thực tế, đó là kinh nghiệm ở Châu Mỹ La Tinh. Dù Giáo hội ở đây trong một thời gian dài đã phải làm việc để tẩy rửa các quá độ chính trị của Thần học Giải phóng (ở Argentina, hồng y Bergoglio là người theo thần học dân tộc), Giáo hội luôn dấn thân sâu đậm về mặt xã hội, vì thế Giáo hội có các quan điểm chính trị. Đó là một điều cần thiết: tình hình xã hội ở Châu Mỹ La Tinh rất phức tạp, và tiếng nói của Giáo hội thường là tiếng nói duy nhất dành cho người nghèo.
Cách suy nghĩ chống thể chế của ngài có nguồn gốc như vậy. Lập luận chống thể chế của ngài gồm hai mặt: chống lại các thể chế chính phủ, như ở Châu Mỹ La Tinh, vì các thể chế này thường duy trì quyền lực của họ; chống lại các thể chế trung tâm, như Rôma đối với Giáo hội, vì bị cho là quá xa giáo dân. Theo ngài, khoảng cách giữa Rôma và các giáo phận cũng như khoảng cách của chính phủ với người dân.
Vì lý do này, tư tưởng của ngài không gì khác hơn là chính trị. Nó phát xuất từ kinh nghiệm thực tế và cố gắng mang lại các giải pháp cụ thể. Đôi khi, các suy tư của ngài như có vấn đề vì nó nhường chỗ cho cái gọi là chương trình làm việc theo chủ nghĩa toàn cầu. Nhưng dường như ngài không nghiêng về bất kỳ chương trình làm việc toàn cầu nào. Vấn đề ở đây là khác: quan điểm ưu tiên dành cho người nghèo, quan tâm đến tạo dựng và giúp người di dân là các quan điểm rộng lớn đến mức không ai có thể phản đối. Mặt khác, cách các vấn đề được xử lý thường nhường chỗ cho các chương trình làm việc theo truyền thống, làm nhận chìm lời nói của ngài.
Giáo hội và Giáo hoàng thiếu ngôn ngữ riêng của mình, để làm cho suy nghĩ của mình trở nên khác biệt và có tác động. Ngày nay, Giáo hội đi sau các tình huống, và Giáo hội cũng bỏ việc dùng một từ vựng cụ thể để thảo luận các vấn đề.
Thực chất, các bài giáo lý của các buổi tiếp kiến ngày thứ tư của Đức Phanxicô quá thực dụng trong quan điểm cho thấy có một khủng hoảng tư tưởng trong Giáo hội. Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ làm cho Giáo hội thua trận. Mọi người đều đồng ý với Đức Phanxicô và đánh giá cao ngài. Về lâu dài, những gì ngài nói sẽ không còn đủ nữa. Thế giới hậu coronavirus là một thế giới khác, và Giáo hội – Đức Phanxicô đã đúng về điều này – không thể giải quyết bằng các mô hình cũ.
Mặt khác, Giáo hội cũng không thể đơn thuần chấp nhận tìm các giải pháp thực dụng. Đúng là có các đề xuất cho một mô hình kinh tế mới, nhưng dân Chúa cũng cần được an ủi thiêng liêng để giải quyết mọi việc và thực hiện lời dạy của Giáo hội. Nếu không, Giáo hội, với tư cách là một dân tộc, sẽ giống như bất kỳ dân tộc nào khác, kể cả sau coronavirus.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch