Tại Rôma, Đức Phanxicô vững mạnh trong thử thách của thời gian cách ly
lemonde.fr, Jérôme Gautheret, 2020-06-03
Giữa sợ hãi và thinh lặng, Đức Phanxicô đã có thể đưa ra các thông điệp in dấu ấn trong tâm trí giáo dân. Nghịch lý thay, tiếng nói của ngài dường như chưa bao giờ được nghe rõ như bây giờ.
Vào giữa trưa chúa nhật 31 tháng 5, Đức Phanxicô ở cửa sổ Dinh Tông Tòa ngỏ lời với giáo dân đang đứng ở Quảng trường Thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em. Bây giờ quảng trường đã mở, chúng ta có thể quay về đây. Thật là một niềm vui!” Chỉ vài lời đơn giản mà phải ba tháng sau giáo dân mới được nghe lại. Ngày cuối Đức Phanxicô xuất hiện trước giáo dân là ngày chúa nhật 1 tháng 3 khi nước Ý và sau đó là Âu châu bắt đầu nhận ra tầm quy mô của đại dịch Covid-19, mà chỉ trong vài ngày đã làm tê liệt châu lục.
Mang khẩu trang và buộc phải đứng xa nhau (chuyện không khó vì một chúa nhật bình thường có khoảng từ 15 000 đến 20 000 giáo dân tham dự và Quảng trường Thánh Phêrô có thể chứa đông hơn), giáo dân vỗ tay thật lâu để đáp trả lời chào đơn sơ này của ngài.
Trước đó buổi sáng, Đức Phanxicô đã cử hành lễ Hiện Xuống ở Đền thờ thánh Phêrô trước khoảng năm mươi người tham dự. Tối hôm trước, ngài xuất hiện lần đầu sau thời gian cách ly để lần hạt Mân Côi ở hang đá Đức Mẹ trong Vườn Vatican, với sự hiện diện của hơn một trăm người. Với Đức Phanxicô, thời gian cầu nguyện riêng đã chấm dứt. Nhưng không có nghĩa là giáo dân sẽ về Rôma đông đảo.
Khu vực chung quanh Vatican bình thường dành cho khách hành hương và các giáo sĩ nhiều hơn là người dân Rôma vẫn còn vắng vẻ, dù đã hết thời gian cách ly. Đa số các cửa tiệm bán lưu niệm và tiệm ăn vẫn còn đóng cửa.
Quảng trường đầy và Quảng trường trống
Du khách chưa vội vàng
Đền thờ thánh Phêrô đã mở cửa ngày 25 tháng 5 sau khi thích ứng với các quy tắc đề phòng mới. Đánh dấu trên mặt đất khoảng cách xa nhau, đo nhiệt độ… đền thờ thích ứng dễ dàng với các biện pháp theo yêu cầu của giai đoạn này. Nhưng các du khách chưa vội đến, dù giữa ban ngày họ có thể chiêm ngưỡng tượng Pietà của danh họa Michelangelo trong vài phút mà không bị ai ở bên cạnh làm phiền. Một kinh nghiệm không thể có.
Trong thời gian bị cách ly, trung tâm biểu tượng thiêng liêng của Giáo hội công giáo bỗng trở nên vắng vẻ. Dù vậy, giữa sợ hãi và thinh lặng, trong nhiều lần, Đức Phanxicô đã có thể đưa ra các thông điệp để lại dấu ấn trong tâm trí giáo dân. Bằng cách dùng những gì trong nhiều thế kỷ qua đã là một trong các điểm mạnh của công giáo: sức mạnh của hình ảnh.
Cảnh đầu tiên là chiều chúa nhật 15 tháng 3, chúa nhật đầu tiên sau lệnh cách ly. Trong thinh lặng của tử thần, chỉ còn tiếng rì rầm động cơ trực thăng của cảnh sát, Đức Phanxicô ra khỏi Vatican, đi bộ trên các con đường của thành phố Rôma. Ngài đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện với Đức Mẹ, sau đó ngài đến Đền thờ San Marcello, ít quan trọng về mặt lịch sử với Giáo hội nhưng rất được người la-mã tôn kính, ngài đến cầu nguyện trước thánh giá nhiệm mầu mà theo truyền thống, cây thánh giá này đã bảo vệ thành phố la-mã trong thời dịch hạch năm 1522. Chỉ trong một cuộc đi bộ, nhờ vài bước và một ít lời, Đức Phanxicô đã có thể nhắc cho nhớ ngài là nhà lãnh đạo Giáo hội, và cũng là Giám mục giáo phận Rôma.
Từ khi được bầu chọn, đã có một hố hiểu lầm sâu đậm giữa ngài và người dân Rôma, họ cho ngài chỉ lo cho những vùng ngoại vi, những nước ở xa mà ít quan tâm đến thành phố của họ. Trong giờ phút bi thảm này, hố ngăn cách này có vẻ như không đáng kể…
Một phép lành urbi et orbi siêu hiện thực
Khoảnh khắc quan trọng thứ nhì là tối thứ sáu 27 tháng 3 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong vài phút bản tin hàng ngày công bố con số thiệt hại nặng nhất từ khi dịch bệnh (969 người chết trong vòng 24 giờ qua), Đức Phanxicô, một mình dưới cơn mưa, đã ban phép lành urbi et orbi cho tín hữu mà hình ảnh xúc động trong vài giờ đã lan truyền trên khắp thế giới. Nghịch lý thay, tiếng nói của ngài dường như chưa bao giờ được nghe rõ như bây giờ. Từ ngày 8 tháng 3 cho đến khi mở lại thánh lễ (18 tháng 5), mỗi ngày lúc 7 giờ sáng Đức Phanxicô có thánh lễ phát sóng trực tuyến, được phát đi trong nhiều thứ tiếng trên khắp hoàn cầu, một dịp chưa từng có cho người tin và cả người không tin có dịp nghe Lời Chúa.
Urbi et Orbi, cho thành phố Rôma và cho thế giới: Một “nghệ thuật tuyệt vời”
Một nhà nguyện đơn sơ, hai máy thâu hình và khoảng mười mấy người tham dự: thánh lễ bắt đầu với lời cầu nguyện đặc biệt cho từng ngành nghề (các nhân viên chăm sóc, các nghệ sĩ, các người bệnh, người lớn tuổi sống cô lập, nhân viên công lực…), và đây cũng là dịp để Đức Phanxicô giảng các bài giảng không chính thức và thường liên quan đến cuộc khủng hoảng. Sau đó ngài kết thúc thánh lễ với mười phút chầu trong thinh lặng. Vào lúc nặng nhất trong thời điểm này riêng vùng nói tiếng Pháp, thánh lễ hàng ngày này có khi có hơn 3 triệu lượt người xem.
“Đức hạnh của thận trọng và tuân phục”
Đứng trước tình huống chưa từng có, khi hàng giáo sĩ Ý bị thiệt hại nặng (tại Ý có 121 tu sĩ thiệt mạng trong cơn đại dịch), Đức Phanxicô tôn trọng đến cùng luật cách ly do chính quyền đưa ra.
Ngày 26 tháng 4, khi Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo việc các buổi lễ tôn giáo không phải là ưu tiên đã ngay lập tức làm cho Hội đồng giám mục Ý tố cáo, đây là vi phạm quyền tự do thờ phượng, thì Đức Phanxicô đã lên tiếng ủng hộ quyết định của chính quyền và nhắc hàng giáo sĩ Ý phải “thận trọng và tuân phục.”
Chắc chắn, khi tình trạng khẩn cấp về vấn đề sức khỏe chỉ còn là kỷ niệm thì chuyện đau buồn bình thường của các vụ lạm dụng tình dục và tài chánh đã gặm nhắm nội bộ Vatican từ nhiều năm nay sẽ trở lại hàng đầu. Nhưng trong những giờ khủng hoảng khủng khiếp, Đức Phanxicô đặt dấu ấn của mình, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của mọi sứ điệp tôn giáo: trấn an và an ủi khi đối diện với nỗi sợ tử thần.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Là giáo hoàng khẩn cấp, Đức Phanxicô tái khẳng định vị trí lãnh đạo thế giới của mình