Ngây thơ, Phức tạp, và Thánh thiện
Ronald Rolheiser, 05 Tháng Mười 2015
Vài năm về trước, tôi chủ trì một lễ cưới. Là linh mục chủ lễ, tôi được mời đến dự tiệc cưới và buổi khiêu vũ sau khi xong nghi thức ở nhà thờ. Không biết rõ lắm về gia đình họ, và cũng có nhiều việc vào sáng mai, nên tôi rời đi ngay khi tiệc vừa xong và chuẩn bị qua phần khiêu vũ. Khi đi khỏi bàn được một quãng, tôi nghe thấy cha của cô dâu nói với ai đó: ‘Tôi mừng vì cha đã đi, bây giờ chúng ta có thể chơi nhạc rock được rồi!’
Tôi không lấy làm phật ý về phần mình bởi, ông này không có gì ác ý khi nói vậy, nhưng câu này vẫn gây nhức nhối, bởi nó thể hiện một thái độ mà người ta nhìn về tôi, và những người như tôi, những người đạo đức nhưng ngơ ngác, đủ tốt để được mời ngồi hàng ghế đầu và được giới thiệu đặc biệt, nhưng tốt nhất lại nên tránh đi khi cuộc sống thực sự bắt đầu, như thể đi tu nghĩa là bạn không thể nắm bắt được những chuyện trần gian và những điệu nhạc rock, như thể giáo hội và lễ hội trần tục là những sự đối lập, như thể sự thánh thiện cần phải có sự ngây thơ vô tội không vướng bận những chuyện phức tạp của con người, và như thể sống đạo và sống say mê là những chuyện phải tách biệt nhau vậy.
Nhưng, đây lại chính là một thái độ của hầu hết mọi người, dù không thể hiện ra ngoài. Ý niệm của người ta là Thiên Chúa và sự phức tạp của con người, không chung đường với nhau. Mỉa mai thay, thái độ này đặc biệt thịnh hành trong những người quá sùng đạo và cả những người cảm nhận tiêu cực nhất về tôn giáo. Với cả hai dạng người này, quá sùng đạo và chống báng lòng đạo, thì Thiên Chúa và cuộc sống say mê, không thể chung đường. Và điều này về căn bản, cũng đúng với tất cả chúng ta, cũng rõ ràng như việc chúng ta không thể gắn sự phức tạp, tại thế, và cám dỗ với Chúa Giêsu, Đức Trinh nữ Maria, các thánh, và những người đạo đức được công nhận rộng rãi như Mẹ Têrêsa. Dường như chúng ta chỉ có thể họa hình sự thánh thiện gắn chặt với một mức độ ngây thơ nhất định. Với chúng ta, thánh thiện cần phải được che chắn và bảo vệ như một đứa trẻ nhỏ vậy. Và hậu quả là, chúng ta phóng chiếu một hình tượng ngây thơ và đơn giản theo kiểu lý tưởng hóa quá đáng về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và các mẫu gương đạo đức, như một sự bất khả thi mà chúng ta không bao giờ thực sự có thể theo được. Chúng ta ngưỡng mộ các vị, nhưng ngoài ra thì hầu như không có gì hơn.
Ví dụ như, Đức Trinh nữ Maria kiểu chúng ta sùng kính, không thể viết nên bài Magnificat. Một Đức Mẹ như thế thiếu sự phức tạp để viết nên một lời nguyện như thế, bởi chúng ta đã áp đặt lên Mẹ một hình tượng ngây thơ, thanh tao, và như trẻ con, nên với chúng ta, Mẹ thiếu sự trưởng thành và trí tuệ trọn vẹn. Đến cuối cùng, điều này tác động tiêu cực lên lòng đạo. Xác định sự ngây thơ và đơn sơ bất thực với sự thánh thiện, đã tạo nên một lý tưởng không thể nào với tới, và nhiều người tin rằng, với dòng máu đỏ say mê của mình cùng với những kích động không dứt, thật khó để họ hợp với giáo hội và sự thánh thiện.
Trong Nghi thức rửa tội Công giáo La Mã, linh mục có tuyên bố những lời này: Hãy xem tấm vải trắng này là dấu chỉ bên ngoài của phẩm giá Kitô hữu của các con. Với sự giúp đỡ bằng lời nói và mẫu gương của gia đình và bạn bè, hãy đưa phẩm giá này không bị hoen ố đến cuộc sống thiên đàng bất diệt. Đây là một lời tuyệt vời tôn vinh vẻ đẹp và đức hạnh của lòng khiết tịnh. Nhưng lại là tôn vinh một sự ngây thơ vô tội không khớp với cuộc sống trưởng thành.
Sự ngây thơ của một đứa trẻ làm chúng ta ngây ngất với vẻ đẹp, và cho chúng ta một tấm gương để soi những vết sẹo tinh thần và tâm lý cùng những bước hụt của chúng ta thời trưởng thành, cũng không khác lắm với sự rụt lại mà chúng ta cảm nhận khi nhìn vào cơ thể lúc già nua của mình. Vẻ đẹp của tuổi trẻ đã ra đi. Nhưng sự lay động và phán quyết chúng ta cảm nhận trước sự ngây thơ của đứa trẻ, là một sự rối loạn hay hiểu sai, hơn là một phán xét đích thực về sự thánh thiện và tốt lành đạo đức của mình. Trẻ con ngây thơ, bởi chúng chưa phải đối mặt với đời, với những phức tạp vô tận và những vết thương không tránh khỏi trong cuộc đời. Trẻ con quá ngây thơ tuyệt vời, bởi chúng vẫn còn ngơ ngác và chưa đi vào những tinh vi phức tạp. Để trưởng thành, các bé phải đi qua những khởi đầu không thể tránh khỏi, và ghi lấy những vết ố trên tấm khăn rửa tội nguyên tuyền của mình.
Một người bạn của tôi thích nói thế này về sự ngây thơ: Là người lớn, tôi sẽ không bỏ một xu cho sự nguyên tuyền ngây thơ của một đứa trẻ, nhưng tôi sẽ bỏ mọi sự để tìm được sự ngây thơ như đứa trẻ ngay trong sự phức tạp của đời sống trưởng thành của tôi. Tôi nghĩ, ý của ông là: Chúa Giêsu đi vào một quán bar tội lỗi, nhưng Ngài không phạm tội. Nhiệm vụ của linh đạo không phải là cố gắng chạy theo tính con trẻ ngây thơ vô tội và không vướng những phức tạp. Nhưng linh đạo phải là một thực hành biết khước từ, và một đào tạo cho tư duy lý luận. Nhiệm vụ của linh đạo phải là hướng đến một sự ngây thơ thứ hai, một sự hậu tinh vi lõi đời vốn dẫn chúng ta đến với sự phức tạp đủ đường của cuộc sống. Chỉ khi đó, chúng ta mới một lần nữa có được niềm vui ngây thơ của trẻ con, ngay cả khi chúng ta có thể đứng vững bên trong sự thô bạo, sức mạnh và phức tạp của tính dục con người, khuynh hướng nhục dục của lòng người, và những thủ đoạn âm mưu xảo quyệt trong tinh thần con người. Từ đó, chúng ta có thể viết nên một bài Magnificat Ngợi khen.
J.B.Thái Hòa chuyển dịch