Người di dân: Dửng dưng không thể được    

227

padreblog.fr, Abbé Grosjean, 2015-09-03

Người di dânCác bức hình nhìn chịu không thấu. Thi thể trẻ em bị chìm xuống biển. Ngày qua ngày, Biển Địa Trung Hải trở thành “nghĩa địa khổng lồ” như Đức Giáo hoàng đã báo động hiểm nguy này trong bài diễn văn ngài đọc ở Nghị viện Âu Châu tháng 11 năm 2013, hàng ngàn di dân đã ra đi để trốn cảnh nghèo khổ hoặc để tránh chiến tranh. Các tân “thuyền nhân” vừa làm chúng ta bối rối  vừa làm chúng ta hãi sợ.

Trước hết là khiêm tốn

Tôi không biết phải làm gì, tôi không biết phải nói gì. Có lẽ phải bắt đầu bằng khiêm tốn. Nhận biết là chúng ta đã lúng túng. Tôi hiểu, vấn đề này phức tạp. Rằng không phải tất cả những người ra đi đều bị bách hại. Rằng có vấn đề địa chính trị đàng sau. Rằng có một vài nước đóng vai tròn làm vẩn đục. Rằng không để mình bị lừa. “Rằng mình không thể gánh hết tất cả khốn cùng của nhân loại”. Rằng những người đưa ra các giải pháp dễ dàng, các tác giả của những chuyện bay bổng kiểu nói đưa, lòng đầy cảm xúc thì thường là những người cuối cùng cụ thể gánh hậu quả lời đề nghị của họ… tôi biết tất cả những chuyện này. Tôi cũng đã đọc “Trại các thánh” của Raspail… và tôi không ở Calais, nơi oằn người vì con số người tị nạn cao ngất hay ở các thành phố nơi sự hội nhập không thành công đã làm cho cuộc sống của nhiều người trở thành khó khăn.

Giáo xứ tôi đón một gia đình 8 tín hữu Kitô người Irak, họ trốn khỏi thành phố Mossoul bị quân Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm đóng. Tôi hiểu thế nào là khó khăn, đã qua thời gian vui vẻ, an ủi ban đầu. Đối với họ cũng như đối với các thiện nguyện viên chạy vạy để giúp đỡ, để giúp họ hội nhập vào đời sống xã hội cũng như vào đời sống giáo xứ. Vì đây không phải chỉ đón tiếp vài ngày, nhưng là hội nhập lâu dài nếu không muốn nói là suốt đời. Các trại tị nạn, các giải pháp cấp thời không giải quyết được gì về lâu về dài.

Vậy thì không nói gì sao? Không làm gì sao? Từ khi ngài đến Lampedusa năm 2013, tôi nghe lời kêu gọi của Đức Phanxicô lặp đi lặp lại. Ngài, ngài không chờ các hình ảnh gây sốc. Trong các nhà lãnh đạo, đó là người duy nhất lúc đó đã lên tiếng báo động cho thảm kịch đã xảy ra. Hôm nay tôi cảm thấy chúng ta không thể bất động trước thảm kịch này. Cũng không được dửng dưng. Tôi nghĩ đây là cả một thách thức lớn cho Âu Châu chúng ta.

Một thách thức cho những người cai trị chúng ta

Giáo hội không có giải pháp. Giáo hội có nhiệm vụ thức tỉnh lương tâm. Đức Phanxicô không ngừng xin các quốc gia “cùng hợp tác một cách hiệu năng để ngăn các tội ác này, những tội ác vi phạm đến toàn gia đình nhân loại”. Ngài mong chờ các nhà lãnh đạo đảm trách nhiệm vụ của mình. Lịch sử được viết với từng người, với các người đàn ông, các người đàn bà. Lịch sử cũng có thể tùy thuộc vào một hoặc hai quyết định can đảm. Nhận biết mình đã lầm. Quyết định can thiệp. Sự không trừng phạt Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã gây phẫn nộ. Chính áp lực của dân chúng buộc các nhà cầm quyền phải can đảm, áp đặt họ phải tìm giải pháp. Và cũng chính chung quanh các thách thức lớn này, các chính nghĩa lớn này mà họ mới có thể đoàn kết được dân chúng. Tái lập lại luật pháp nơi những xứ người di dân bỏ trốn. Phải làm tất cả để thuyết phục và để giúp các gia đình này ở lại. Nhổ tiệt những người đưa đò, họ trục lợi trên mạng sống người khác. Làm thêm nữa để giúp cho những xứ này được phát triển, những xứ thường bị rơi vào cảnh hỗn loạn, hôi của một cách nhẹ nhàng. Trong bản thông điệp của mình, Đức Phanxicô nhắc lại “mối nợ xã hội nặng nề” mà chúng ta mang đối với các nước nghèo ngày nay. Cũng có thể nói đây là món nợ tinh thần chúng ta đã để họ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn… Chúng ta đã làm gì ở Irak, ở Syria?

Một thách thức văn hóa cho nước Pháp và Âu Châu

Đón nhận người khác làm cho tôi sợ khi tôi không tin chắc vào mình, khi tôi không cảm thấy mình vững trong căn tính của mình. Bỗng nhiên tha nhân đồng nghĩa với hiểm nguy cho chính căn tính này. Nước Pháp mong manh. Nước Pháp không còn biết nói mình là ai, đâu là gốc rễ, đâu là di sản của mình. Bỗng dưng nước Pháp sợ. Nước Pháp bị chia rẽ. Nước Pháp không thương mình được. Nước Pháp mất thì giờ trong những cãi cọ vô bổ. Nước Pháp phá hủy những thứ đã làm nên sức mạnh, nên nét đẹp của mình. Nước Pháp không còn tự hào về chính mình, về lịch sử, về đức tin, về di sản của mình. Nước Pháp chưa sẵn sàng để đưa ra các thách thức như thế này. Cả một công việc khổng lổ để tái xây dựng về mặt văn hóa. Cuối cùng, chúng ta phải đảm trách với những gì là của chúng ta: một đất nước có văn hóa Do Thái-Kitô và Hy-La. Là phải đảm trách để trao truyền di sản văn hóa này và khẳng định nó. Như thế chúng ta mới có thể đón tiếp người lạ mà không sợ, vì chúng ta vững mạnh trong chính con người của mình. Người lạ sẽ biết ai đón nhận họ. Họ sẽ tôn trọng xứ sở đã cưu mang họ, vì người ta chỉ kính trọng cái gì rõ ràng và do tự giác. Chúng ta, người Pháp, chúng ta đủ sức cho thấy mình quảng đại và tiếp đón ân cần nếu có một lời đề nghị rõ ràng, có căn bản, có suy nghĩ, dám làm và mạnh mẽ. Chúng ta nhớ chúng ta đã đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi của Cha Pierre vào mùa đông năm 54. Lời kêu gọi đã đánh dấu cả một nước. Đã đến lúc chúng ta phải trở về với con người thật của mình, để làm những gì mà thế giới mong chờ chúng ta.

Dửng dưng không thể đượcMột thách thức thiêng liêng cho mỗi người

Không để mình bị rơi vào những giải pháp dễ dàng do xúc cảm tức thời, làm sao chúng ta giữ được lòng trắc ẩn? Làm thế nào giữ cái nhìn đức tin trên những người nghèo này, những người có vẻ như đang “chiếm đóng” châu lục của chúng ta? Làm thế nào để kiên trì nhìn nơi mỗi người là người anh em của mình? Cũng tại đây nữa, tôi rất dè chừng với những câu hoa mỹ dễ dàng. Người vô gia cư trước cửa giáo xứ tôi vô tư chẳng biết khó khăn mỗi ngày này, nhất là khi họ say, khi họ la hét! Tôi phải cân nhắc trọng lượng của cuộc chiến đức ái này, để xem người kia là anh em mình. Ngay cả xem họ là… Chúa Kitô. “Điều gì con làm cho một trong những người nhỏ nhất… là con đã làm cho Ta”. Lý lẽ của chúng ta làm chúng ta phẫn nộ. Hàng hà sa số lập luận biện minh cho việc loại bỏ này. Tôi biết tất cả những cái này tùy thuộc vào họ và họ không làm. Nhưng tôi không thể nào tách tôi ra khỏi Phúc Âm. Nhưng câu sau còn kinh khủng hơn “những gì con không làm cho những người nhỏ nhất này là chính Ta mà con không làm…”. Còn bao nhiêu người nghèo đến từ xa này nữa. Ngày mai, họ đến trước cửa nhà tôi, tôi sẽ nhìn họ như thế nào đây? Câu hỏi này đặt ra cho tất cả mọi người. Nhưng câu hỏi này đặt nặng cho người Kitô hữu hơn người khác, từ những gì Kitô hữu tin thì câu trả lời còn được mong đợi hơn…

Hôm nay và ngày mai

Rất hiếm khi người ta phản ứng đúng khi đang bị xúc động. Bức hình em bé chết trên bãi biển không đòi hỏi chúng ta một phản ứng hiệu quả ngay tức khắc – khó mà hình dung ra – nhưng nó khơi gợi lên một ý thức lương tâm. Một cách sâu đậm và lâu dài, chúng ta phải cảm thấy những gì chúng ta phải làm: bám vào các gốc rễ của mình và phải mở lòng ra.

Và cho hôm nay?

Cầu nguyện và huy động làm sao để các nhà cầm quyền chúng ta thật sự kiến tạo hòa bình cho đất nước này. Để các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới dấn thân. Đối diện với các cơn khủng hoảng kinh khủng này, chúng ta nhìn về các nhà lãnh đạo của mình. Điểm nào họ sẽ đưa chúng ta theo họ, trong một cam kết lâu dài và sâu đậm để phục vụ anh em chúng ta? Để cứu hệ thống tài chánh thì họ biết huy động. Để giải phóng Koweit và các giếng dầu, họ quyết định làm chiến tranh. Họ sẽ làm gì để thiết lập tự do tôn giáo, bảo vệ các sắc dân thiểu số và bứng tận gốc các quân man rợ Nhà nước Hồi giáo Tự xưng? Hy sinh nào chúng ta sẽ chấp nhận? Bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng mất mạng sống vì những chuyện này?

Tôi cũng phải nhớ, ngoài các con số, ngoài các vấn đề chính trị, ngoài các câu khẩu hiệu thì luôn là con người. Đừng quên điều này khi tôi nói về họ. Ở địa vị của họ, tôi cũng sẽ cố gắng làm như vậy. Chắc chắn là điên cuồng. Nhưng khi một người cha không còn gì để nuôi con mình, họ sẽ sẵn sàng chịu cái điên này. Nhất là khi người ta hứa cho họ đủ chuyện tuyệt vời ở bên kia, ở bờ biển bên kia. Ít nhất cứ để tôi bị thúc bách, cứ để tôi bị chất vấn. Nhưng đừng nhắm mắt. Đừng để tôi nhàm với cái khốn cùng.

Cuối cùng là sống đức ái. Bây giờ, nơi tôi đang ở. Với những người ở đây. Với các láng giềng, với những người nghèo ẩn giấu trong khu phố tôi. Cô đơn, sống bấp bênh, chậm trí học hành, nghiện ngập… chỉ toàn những người nghèo ẩn giấu, nhưng đúng là họ ở đó, không xa tôi, ở mọi lứa tuổi. Có thể rất khó để nhìn nếu không quen. Nhưng tôi phải hành động. Một quả tim được tập dượt, được thực hành đức ái thì chỉ sẽ quảng đại hơn thêm. Nó đã sẵn sàng, nếu cần, ngày mai phải làm hơn. Đức ái thổi lên sáng tạo. Đức ái thúc dục chúng ta. Chúng ta sẽ sáng tạo với một xác quyết: vượt lên các “kết quả” hay các “sai lầm”, chúng ta không bao giờ hối tiếc vì đã yêu thương…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch