The Washington Post – Nick Miroff – 01/8/15
Từ Buenos Aires
Vài năm về trước, khi chưa là giáo hoàng Phanxicô, hồng y Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục Buenos Aires, đã đến viếng tu viện nơi ngài học mẫu giáo ở vùng phụ cận Flores. Các nữ tu kéo đến gặp ngài.
Và ngài hỏi cô giáo đầu tiên của mình, ‘Xơ Rosa, lúc đó con thế nào?’
Xơ kêu lên ‘Một con quỷ nhỏ.’ Và các xơ các bật cười ầm cả lên.
Xơ Martha Rabino, bề trên cộng đoàn kể lại chuyện nghe được từ các xơ đi trước, ‘Jorge là một cậu bé hiếu động, luôn luôn chạy quanh. Các xơ kể lại cậu bé không bao giờ chịu ngồi yên.’
Cậu bé hiếu động ở Flores ngày nào bây giờ là một giáo hoàng đầy thao thức. Trong vòng 2 năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô. 78 tuổi, đã đem lại một đường nét nổi dậy riêng biệt cho ngai tòa thánh Phêrô. Các nhà quan sát dự đoán ngài sẽ lay chuyển hàng giáo phẩm Vatican. Một số người còn dự đoán ngài sẽ dấn vào địa hạt chính trị toàn cầu với nhiệt tình phúc âm hóa mạnh mẽ này.
Trong chuyến công du Hoa Kỳ và bài nói chuyện với Lưỡng viện nước này vào tháng 9 sắp tới, những xác quyết chính trị và đạo đức của ngài sẽ được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trong vài tháng vừa qua, lời cáo trạng của giáo hoàng xem chủ nghĩa tư bản không kìm hãm là ‘phế thải của ma quỷ’ cùng với những lời kêu gọi hãy lan rộng những thay đổi lối sống và văn hóa nhằm giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu, đã khiến nhiều người bảo thủ dự đoán rằng Đức Phanxicô là một người khuynh tả, với những quan điểm theo chủ nghĩa Marx ẩn trong áo chùng trắng.
Còn ở Argentina, nơi Đức Phanxicô nổi tiếng là một người bảo thủ, những người đã biết ngài suốt nhiều thập kỷ thấy những gắn mác này thật nực cười.
‘Lố bịch,’ là nhận định của Julio Barbaro, cựu nghị sỹ Argentina, người đã theo học với Đức Phanxicô, tại trường San Miguel của Dòng Tên hồi thập niên 1960.
Ông Barbaro nói rằng, giáo hoàng là một ‘người theo chủ nghĩa Peron’ với những quan điểm không giống như những cái khung ‘cánh tả’ theo cách phân loại của chính trị Hoa Kỳ,.
Đại tướng Juan Peron cai trị Argentina từ 1946 đến 1955, và sau đó là một thời gian ngắn nữa trong thập niên 1970, và chủ nghĩa Peron đã tồn tại lâu dài như một thế lực thống trị trong đời sống chính trị nước này. Chủ nghĩa Peron nỗ lực hàn gắn các phân rẽ xã hội, bằng sự kết hợp giữa một lãnh đạo độc tài mạnh mẽ, một nhà nước tập quyền cao có phúc lợi xã hội hào phóng, và một tình cảm chủ nghĩa dân tộc gần như một tôn giáo. Evita, vợ của Peron, là một nhân vật được dân lao động nghèo trong nước ái mộ, ngay cả sau khi bà chết vào năm 1952.
Sức lôi cuốn của chủ nghĩa Peron với người dân Argentina thời hậu chiến, trong đó có cả Phanxicô trẻ tuổi, chính là sự bác bỏ cả chủ nghĩa Marx lẫn chủ nghĩa tư bản tự tác. ‘Chủ nghĩa Peron là một con đường để giúp đỡ người nghèo, nhưng không tin vào đấu tranh giai cấp. Nó tin vào chủ nghĩa tư bản, nhưng một cách có giới hạn.’
Peron là một con người đanh thép Mỹ La tinh điển hình, bóp nghẹt bất đồng và tự thể hiện mình như hiện thân của niềm tự hào quốc gia Argentina. Chủ nghĩa Peron thời Đức Phanxicô còn trẻ, không đề cao tự do cá nhân hay thị trường tự do. Nhưng các chính sách ‘trung dung’ và nhân cách của ông làm cho ông được tầng lớp lao động Argentina yêu mến, bởi họ vừa nghi ngờ tầng lớp ưu tú giàu có, vừa thận trọng với chủ nghĩa khuynh tả quốc tế.
Giáo hội Công giáo và chủ nghĩa Peron có nhiều điểm chung, và Phanxicô trẻ tuổi đã tiến tới trong cả hai.
Chúa và Gandulla
Vùng phụ cận Flores, nơi Đức Phanxicô sống thời thơ ấu, có lẽ là mảnh đất chớm nở một người theo chủ nghĩa Peron. Năm 1928, Mario Jose Francisco Bergoglio, cha của giáo hoàng, đã đến Argentina từ vùng Piedmont, nước Ý, với cha mẹ và 5 anh em. Bị chấn động do cuộc Đại Khủng hoảng, cả đại gia đình dời đến Buenos Aires vào năm 1932. Họ tìm đến giáo hội đề nhờ cậy sự xoa dịu về mặt kinh tế, xã hội và thiêng liêng.
Cha của giáo hoàng tìm được công việc kế toán cho các hãng kinh doanh trong vùng. Năm 1935, ông kết hôn với bà Regina Maria Sivori, cũng là con một gia đình Ý nhập cư. Jorge Mario, con cả trong 5 người con, được sinh cùng năm đó.
Flores là vùng phụ cận cách xa trung tâm thành phố, với nhiều đồng cỏ và vườn rau nhỏ. Nhà Bergoglio dọn đến một căn nhà trên đường Membrillar, nơi Đức Phanxicô sống gần như trọn thời thơ ấu của mình, đến trường và đi học giáo lý, chơi bóng đá cho đến khi trời tối mịt hay bị các ông thầy đội đuổi khỏi công viên mới thôi.
Flores là một cộng đồng lao động trung lưu với tinh thần lạc quan, nơi ở của các dân nhập cư người gốc Ý, Tây Ban Nha, Do Thái, và Armenia. Những người giao hàng bán sữa, rau và bánh mỳ trên những chiếc xe ngựa, và ngày thứ năm thì có thêm cá nữa. Chỉ có vài chiếc xe hơi ở đây, nên tất cả mọi người đều đi bộ hay xe điện.
Đức Phanxicô đến trường tiểu học công, chỉ cách nhà mình 2 khối nhà.
Ernesto Lach, sinh ra trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Ba Lan, ngồi học cạnh Bergolio ở lớp 5, 1948. Ông năm nay đã 79 tuổi, kể lại, ‘Tôi nhớ ngài là một cậu bé thông minh, nghiêm túc, với lối cư xử tuyệt vời.’ Thầy giáo của họ trong năm học đó, Roberto Brusa, một nhà hóa học, là người nghiêm nghị nhưng truyền nhiều cảm hứng cho học trò. Có lẽ là muốn theo gương thầy Brusa, mà Bergolio đã chọn theo đuổi ngành hóa ở trường trung học.
Bernardo “Nano” Gandulla, một trong những ngôi sao bóng đá hàng đầu thời đó, vừa nghỉ hưu và sống trong ngôi nhà kế cạnh trường, và ông ‘thường ra huấn luyện cho chúng tôi mỗi buổi chiều.’
Thật thú vị. Ông Lach kể lại, ‘Chúng tôi thần tượng ông ấy.’ Dù mảnh khảnh và không quá điêu luyện với trái bóng, nhưng Bergolio đã dành cả đời say mê đội San Lorenzo, một trong những đội bóng lâu đời nhất Buenos Aires.
‘Cậu ấy luôn luôn theo sát chính trị và bóng đá, bởi đó cũng là những gì mà những người trong giáo xứ cậu quan tâm.’
Theo lời của Osvaldo Devries, bạn học thưở nhỏ của Alberto, em trai Đức Phanxicô, đã mất năm 2010, thì căn nhà của gia đình Bergolio sạch sẽ, ngăn nắp và mộc mạc.
‘Chúng tôi đến nhà Bergoglio sau giờ học để làm bài tập, rồi chơi bóng đá ở công viên.’ Ông nhớ lại ông bà Bergolio là những người nghiêm túc và đầy lòng đạo.
‘Tôi không nhớ có bao giờ họ thể hiện tình cảm với các con trai mình. Dường như luôn luôn có một chút giữ khoảng cách.’
Chủng viện
Đức Phanxicô đã nói rằng ngài tiếp thu các quan điểm lòng đạo qua bà ngoại Rosa của mình. Thời trẻ khi còn sống ở Ý, bà Rosa là thành viên của tổ chức Hành động Công giáo, nhắm bảo vệ giáo hội khỏi làn sóng phát xít đang nổi lên. Thời niên thiếu, Đức Phanxicô đã gia nhập một nhóm địa phương của tổ chức Hành động Công giáo, vốn thời đó gắn bó mật thiết với Peron.
Đức Phanxicô học đánh bida và khiêu vũ với các cô gái trong những bữa tiệc. Ngài say mê phong cách tăngô milonga của Argentina, và về sau, có thời gian làm gác cửa cho các quán bar địa phương vào dịp cuối tuần.
Đức Phanxicô học ngành hóa tại ngôi trường trung học công chuyên ngành nhỏ, một phần trong kế hoạch của Peron nhằm thúc đẩy Argentina thành một cường quốc công nghiệp. Ngài nhận công việc bán thời gian làm tập sự tai một phòng thí nghiệm.
Trong khoảng thời gian đó, khi Bergolio gần 17 tuổi, cậu đang rảo bộ gần vương cung thánh đường San Jose de Flores, một nhà thờ tráng lệ nhất thành phố với các cột đá hoa cương và các bức tranh tường. Cậu đang trên đường đi gặp bạn bè, thì có một điều gì đó dấy lên trong lòng. Cậu đến một tòa giải tội và lúc đó cảm nghiệm thấy mình muốn làm linh mục. Đức Phanxicô mô tả khoảnh khắc mãnh liệt đó ‘như rơi thẳng từ trên lưng ngựa.’ Mẹ của Bergolio muốn cậu làm bác sỹ, nên cậu phải giấu bà các sách thần học của mình.
Tại phòng thí nghiệm, Đức Phanxicô đã gặp một trong những người phụ nữ có tác động lớn đến cuộc đời của ngài: đó là bà Ester Ballestrino. Chiến sỹ nữ quyền và cộng sản người Paraguay 30 tuổi này tình cờ là người giám sát, và chỉ bảo cho Bergolio. Hai người giữ tình bạn lâu dài suốt những năm về sau.
Đây là một thời gian khá im ắng ở Argentina, trước khi cơn bão nổi dậy càn quét đất nước và cả dòng Tên của Đức Phanxicô.
Khi Hội đồng Tư vấn quân phiệt nắm quyền kiểm soát Argentina và năm 1976, nhiều người xem cuộc lật đổ này là giải pháp ngắn hạn nhằm vãn hồi trật tự và ngăn chặn các nhóm đầy bạo lực như nhóm Montoneros, các du kích theo chủ nghĩa Marx Công giáo, và các biệt đội ám sát săn lùng họ.
Nối tiếp sau đó, là thời kỳ ‘Chiến tranh bẩn’ kéo dài suốt 7 năm. Ít nhất 10 ngàn người Argentina đã bị giết hoặc mất tích.
Một trong số đó là bà Ballestrino. Bà là người sáng lập Madres de la Plaza de Mayo, các bà mẹ của những người bị ‘mất tích’. Tổ chức này tuần hành với ảnh những người con mất tích của mình để báo động cho thế giới biết về những kinh hoàng trong chế độ độc tài. Cô con gái đang mang thai của bà Ballestrino bị quân đội giam giữ suốt nhiều tháng, và khi được thả ra liền trốn ngay đến Thụy Điển.
Một tối nọ vào năm 1977, bà Ballestrino gọi Bergolio đến, và ngài đồng ý giúp bà cất giấu bộ sưu tập sách đồ sộ của bà, trong đó có một vài quyển chủ nghĩa Marx nữa, một thứ mà nếu bị bắt gặp sẽ đồng nghĩa với án tử. Bà và các bà mẹ khác chuẩn bị công khai danh sách 800 người ‘mất tích’ ở Argentina.
Nhưng không lâu sau đó, bà bị bắt cóc. Như nhiều nạn nhân trong cuộc Chiến tranh bẩn, bà bị tra tấn trong tầng hầm của Học viện Cơ Khí Hải quan, rồi có thể bị đánh thuốc, và bị ném xuống Đại Tây Dường từ máy bay quân đội.
Xác của những người như bà, sau khi dạt vào bờ, được chôn trong một ngôi mộ tập thể. Vào năm 2005, các nhà giám định pháp y giám định những di hài còn sót lại của họ, và rồi Đức Phanxicô đồng ý chôn cất họ trong nghĩa trang nhà thờ của Buenos Aires.
Năm 2010, 3 năm trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, nhiều phiên tòa được tổ chức xét xử các nghi can tội ác chiến tranh, và Đức Phanxicô được yêu cầu ra làm chứng.
Ngài có vẻ vô cùng đau lòng bứt rứt khi kể lại lời chứng của mình. Một luật sư hỏi xem ngài đã làm gì sau khi biết việc bà Ballestrino bị bắt cóc.
Đức Phanxicô nói rằng ngài đã cố gắng liên lạc với gia đình của bà. Luật sư hỏi tiếp, ‘Còn ai nữa không?’ Đức Phanxicô nói, còn thêm các tổ chức nhân quyền. Luật sư lại hỏi tiếp thẳng thừng hơn nữa: ‘Cha có cố gắng can thiệp với các giới chức quân đội hay không?’
Nhưng ngài không có làm việc đó. Ngài nói, ‘Tôi đã làm những gì có thể.’
Ngài thường nghĩ về bà Ballestrino, một nối kết với thời thơ ấu và vùng Flores thân thương của mình. ‘Tôi trách mình vì đã không làm cho đủ.’
Những người chỉ trích cánh tả nhắm vào ngài, trong hàng giáo sỹ và các tổ chức nhân quyền Argentina, cũng cáo buộc ngài, và chung ra cả Giáo hội Công giáo, là đã không có lập trường mạnh hơn chống lại chế độc độc tài. Nhưng Đức Phanxicô nói rằng, ngài đã lo nơi ẩn náu cho một số linh mục đang gặp nguy hiểm vì quan điểm của họ, và đã cứu mạng nhiều người khác bằng cách giúp họ thoát ra nước ngoài.
Đức Phanxicô đã sống sót qua thời kỳ tăm tối nhất lịch sử Argentina, nhưng không phải là không mang theo những vết sẹo hay những kẻ thù.
Chính trị khiêm nhượng
Đức Phanxicô gia nhập chủng viện tại Colegio Maximo, trường của Dòng Tên ở San Miguel, cách Buenos Aires khoảng 1 giờ xe, và dành hết 25 năm làm sinh viên, giảng viên, và cuối cùng là hiệu trưởng của trường.
Chính ở Colegio Maximo mà ngài được ảnh hưởng từ cha Juan Carlos Scannone, và một nhóm linh mục trẻ chủ trương ‘thần học quần chúng’ để thay thế cho thần học giải phóng lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Marx. Đây là cách tiếp cận mục vụ mà Đức Phanxicô đã tiếp nhận, với sự nêu bật lòng khiêm nhượng, đơn sơ và gắn bó mật thiết với người nghèo và người dễ bị tổn thương trong xã hội. Một thần học của quần chúng nghĩa là sống giữa người nghèo, chứ không phải hướng về họ như một thứ trừu tượng lý thuyết.
Cha Scannone, đã 83 tuổi, và vẫn sống tại Colegio Maximo, nơi mà cha đã cùng đồng tế trong lễ phong chức của cha Bergolio. Và cha cam đoan rằng, giáo hoàng không phải là một người bài tư bản.
Sống niềm tin của mình
Cha Scannone nói rằng, ‘Ngài không chỉ trích kinh tế thị trường, nhưng là chỉ trích việc thần thánh hóa tiền bạc và thị trường tự do. Một bên là kinh tế thị trường. Một bên là sự thống trị của tư bản trên con người.’
Sự tách biệt giữa Đức Phanxicô với các giáo sỹ thiên tả ở Argentina, là một điểm nhấn rõ trong đời sống trong dòng Tên của ngài. Nhưng tại Colegio Maximo, ngài sống các niềm tin của mình, và làm gương cho nhiều người khác, bằng các thực hành một chính trị khiêm nhượng, mộc mạc, và hành động hơn là nói suông.
Cha Mario Rausch, anh em trong Dòng Tên, và vẫn đang sống tại Colegio Maximo, cho biết, ‘Ngài dậy sớm và giặt ủi trước khi các nhân công đến làm.’ Gần trường có nhiều vùng phụ cận nghèo, và Đức Phanxicô băng qua các cánh đồng bùn lầy để cử hành thánh lễ cho họ mỗi chúa nhật. Rồi ngài về nhà, nấu bữa ăn cho toàn trường. Ngài ngủ trong căn phòng nhỏ, với chiếc giường đơn sơ bằng gỗ.
Colegio Maximo lớn mạnh trong thập niên 1970 và 1980 dưới quyền Đức Phanxicô, nhưng ngày nay, nó cũng có phần như chính giáo hội lúc này: đẹp đẽ, già nua, và hơi vắng vẻ. Từ con số 15 người thời Đức Phanxicô làm hiệu trưởng, thì bây giờ, cha Rausch là một trong 4 cha dòng Tên vẫn còn trụ lại ở đây, hàng ngày đơn đọc trong tiệm sách bám bụi.
Giữ chặt mối dây
Một vài tháng sau khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô gọi cho cha Rausch để chúc mừng sinh nhật, một việc mà năm nào ngài cũng làm. Tiếp tân của trường không thể tin được là chính giáo hoàng đang gọi điện từ Vatican, và xem đó là một trò đùa dai. Và Đức Phanxicô, vốn thường hay tự mình gọi điện, phải cố gắng lắm mới thuyết phục được thầy ấy nối dây để gặp cha Rausch.
‘Anh ở đâu rồi?’ Đức Phanxicô chọc cha Rausch.
Và cha kể lại rằng, ‘Tôi luôn chắc rằng ngài sẽ nhớ sinh nhật của tôi. Nhưng khi ngài trở thành giáo hoàng, tôi không nghĩ ngài sẽ có thời gian để gọi điện.’
Còn nhiều câu chuyện như thế này khắp Buenos Aires, nơi các bạn thiếu thời, những người trong giáo xứ, và những người khác đã giữ các lá thư hay những lời nhắn viết tay trên mẫu giấy nhỏ của Đức Phanxicô. Một trong những lá thư mới nhất vừa đến văn phòng của Rosana Dominguez, hiệu trưởng trường trung học của Đức Phanxicô ở Flores.
Trường chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm vào tháng 9 này, vài ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ. Các phòng học của trường đã cũ mòn hơn nhiều so với thời đại Peron khi Đức Phanxicô còn trẻ. Đây là một ngôi trường của các trẻ nhập cư, với cha mẹ di cư từ Bolivia và Paraguay, sống trong khu ổ chuột nghèo khổ và chịu tác hại của thuốc phiện.
Bà Dominguez đã viết thư cho Đức Phanxicô hồi tháng 2, hi vọng giáo hoàng nhìn đến tình trạng khó khăn về tài chính của trường trong hoàn cảnh chính quyền thành phố đã cắt giảm ngân sách và các cha mẹ tầng lớp trung lưu thích gởi con đến các trường tư hơn. Thật ngạc nhiên, Đức Phanxicô đã viết thư trả lời trong vòng 1 tuần, một bức thư viết tay khoảng nửa trang giấy từ bưu điện Vatican.
‘Một ngôi trường công vẻ vang, và miễn phí!!’ ngài bộc bạch mong muốn ủng hộ cho trường.
Ngài sẽ không đến dự lễ kỷ niệm 100 năm của trường, nhưng ‘lòng tôi ở cùng các bạn.’
‘Tôi sẵn sàng giúp,’ Đức Phanxicô viết, ‘hãy cầu nguyện cho tôi.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch