“Đức Phanxicô đối diện với các kẻ thù của mình”
lemonde.fr, Ariane Chemin, 2018-10-19
Nữ ký giả Ariane Chemin báo “Le Monde” có loạt bài về tiến trình của ngài. Đây là bài cuối trong năm bài Theo dấu vết của Giáo hoàng Phanxicô. Bài hôm nay nói về các kẻ thù của ngài.
Steve Bannon, hồng y Burke, công chúa Gloria von Thurn und Taxis, Giáo triều… Trong ký ức của nhà vatican học, chúng tôi hiếm khi thấy một mặt trận chống lại quyền uy giáo hoàng nhiều như vậy. Ở Pháp cũng vậy, Jorge Bergoglio có nhiều kẻ thù.
Tại Rôma, khu Palazzo del Grillo ở bên cạnh viện Trajan và viện Angelicum, trường đại học nổi tiếng của các tu sĩ Dòng Đa Minh, bà công chúa người Đức miền Bavaria, Gloria von Thurn und Taxis có một phòng tiếp khách. Bà là cựu biểu tượng của phong trào nhạc rốc (punk), người sưu tập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ khi chồng qua đời bà trở thành nhân vật tượng trưng cho luân lý đạo đức ở Đức. Từ bờ sông Tibre đến bờ sông Danube, trong ngôi dinh thự tuyệt vời của gia đình bà ở Ratisbon, từ nay người phụ nữ tóc vàng 58 tuổi này cống hiến toàn sức của mình cho Giáo hội và các công việc của Giáo hội. Cách đây vài năm, bà tặng Rôma cây thông trong dịp lễ Giáng sinh, chở thẳng từ gia trang của bà để được dựng ở Quảng trường Tháng Phêrô ở Rôma.
Giáo hoàng Bênêđictô thân yêu của bà đã phong bà tước hiệu “phu nhân của Dòng Thánh Gregoria”, món quà xinh đẹp cho người phụ nữ thích thánh lễ bằng tiếng la-tinh và thích các bài thánh ca gregoria. Nhưng từ khi Đức Phanxicô lên án “loại linh đạo trốn chui trốn nhủi” của những người theo chủ nghĩa trọng truyền thống, khi ngài đòi hỏi các linh mục phải ở “giữa đàn chiên, phải nhuốm mùi chiên”, khi từ đảo Lesbos ở Hy Lạp về, ngài đem các gia đình di dân hồi giáo lên máy bay về cùng với mình thì bà Gloria von Thurn und Taxis rùng mình hoảng hốt. Rồi còn gốc rễ kitô giáo ở Âu châu? Giáo hoàng Argentina này làm rầy rà bà, cũng như bây giờ bà Angela Merkel làm bà thất vọng. Vì thế, qua nhiều bữa ăn tối, bà chuẩn bị hậu-Phanxicô, sự tái sinh sẽ trở lại.
Các giáo hoàng luôn có vấn đề với các bà hoàng. Trước bà quý tộc Bavaria này, năm 1977, bà Elvina Pallavicini cũng đã tổ chức ở dinh thự bên cạnh một bữa tiệc để tôn vinh giám mục Lefebvre, người ly khai Pháp. Để chuẩn bị cho ngày kế vị của giáo hoàng mà bà không thích này, bà đã thử nhiều con ngựa non. Trước hết bà chọn hồng y Robert Sarah, hồng y bảo thủ sinh ở Guinée-Conakry, người mà từ khi ngài viết sách được mời khắp thế giới. Nhưng bà nhanh chóng nhận thấy hồng y không có tinh thần của một người công kích và cũng không lèo lái cuộc chiến chống giáo hoàng Argentina.
Các thủ đoạn lớn
Kể từ mùa hè vừa qua khi bà quý tộc miền Bavaria tiếp một hồng y khác ở Grillo, hồng y Marc Ouellet người Canada thì bà đặt hồng y vào chiếc bàn dài, tâm địa chấn cho các thủ đoạn của bà. Hồng y Ouellet cũng là người công giáo “quá khích”. Ngài có tham vọng, vậy phải cẩn thận để đừng xúc phạm tương lai. Là bộ trưởng Bộ Giám mục, ngài vừa “tẩy trắng” cho giáo hoàng về các cáo buộc của cựu sứ thần Washington, giám mục Carlo Maria Vigano, mà theo giám mục Vigano, Đức Phanxicô đã bao che các vụ ấu dâm của hồng y người Mỹ Theodore McCarrick.
“Cẩn thận Jorge, đám Borgia vẫn còn ở Vatican”
Bà Alicia Oliveira, luật sư và là người thân tín của giáo hoàng
Ít khi có đảo chính ở Vatican. Vị đại diện Chúa Kitô ở Trần thế, giáo hoàng được cho là người không sai lầm. Không ai có thể quyết định mời người này đi. Nhưng tháng 2 năm 2013, khi từ nhiệm, Đức Bênêđictô XVI đã làm xáo trộn truyền thống. Mệt mỏi, lo lắng về việc không thể – hay không biết – lèo lái guồng máy, ngài đã làm cho cả thế giới bất ngờ và đã tạo một hình thức tiền lệ pháp chế. Một cách nào đó, bây giờ ở Rôma có hai giáo hoàng: Đức Bênêđictô XVI về hưu ở đan viện Mẹ Giáo Hội, trong Vườn Vatican chỉ cách Nhà Thánh Marta nơi Đức Phanxicô ở vài trăm mét.
“Cẩn thận Jorge, đám Borgia vẫn còn ở Vatican”, luật sư Alicia Oliveira, người bạn Argentina lưu ý ngài. Bà đã qua đời năm 2014. Bà thổ lộ như trên với nhà báo Thụy Sĩ Arnaud Bédat. Đức Phanxicô nói đùa: “Không lo, tôi không bao giờ uống trà!” Ngài biết, không bao giờ người tiền nhiệm của mình sẽ ở cùng phía với đội quân kẻ thù của mình. Những người đã đi từ chứng nghiệm thử lửa này đến chứng nghiệm thử lửa khác nên bây giờ họ tạo một nhóm bạn nhỏ. Sống bên cạnh Đức Bênêđictô XVI thì “như có một người ông ở nhà”. Tiếc thay những người tìm cách làm ngài suy yếu lại là những người trẻ hơn và ở các vị trí điều hành.
“Trung tâm vũ trụ chính trị”
Khi còn là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một bộ quan trọng nhất của Vatican, hồng y người Đức Gerhard Ludwig Müller, giám mục giáo phận Ratisbon (thành phố của bà công chúa Gloria và trước đây là của Đức Bênêđictô XVI), đã làm tất cả để cản trở các quyết định của giáo hoàng. Nhưng bây giờ là đến lượt Mỹ tranh cãi các chuyện này! Người sẵn sàng thách thức Bergoglio là ông Steve Bannon. Đó là người kỳ thị, chủ trương uy thế tối thượng của người da trắng, cựu điều hành trang mạng Breitbart News, cựu cố vấn cho tổng thống Donald Trump. Từ năm 2014, là năm của những chuyến đi đi về về đầu tiên của ông đến Rôma, thì dưới mắt ông Rôma trở thành “trung tâm vũ trụ chính trị”.
Với nền tảng từ phong trào The Movement của ông, Bannon muốn, từ mùa xuân sắp tới, chọn tối đa các ứng cử viên cực hữu vào các cuộc bầu cử của Âu châu và kể từ năm 2019 cố gắng chặn lại Âu châu. Ông còn định mở “học viện đào tạo” ở nhà dòng Thánh Brunô Chartreux, vùng Abbruzes, nước Ý. Các đối thủ của ông? Liên hiệp Âu châu, giới tinh hoa, giới truyền thông và… Phanxicô. Ông Bannon tuyên bố với báo Figaro: “Giáo hoàng nói nếu Âu châu trống rỗng thì người di dân sẽ thay thế chỗ. Tôi muốn chúng ta quan tâm đến tỷ lệ sinh sản.”
“Người di dân”. Chữ đã bị bỏ. Đối với những người chống Đức Phanxicô, đó là vết nhơ, đó là tội nguyên tổ – gần như là miếng mồi ngon cho những người chống ngài giờ đầu. Nhà xã hội học các tôn giáo, chủ bút tạp chí Tinh thần (Esprit) Jean-Louis Schlegel nhắc lại: “Ngay từ năm 2013, vấn đề người di dân đã được đặt ra một cách bất ngờ, đó là chủ đề lớn của triều giáo hoàng của ngài. Đức Phanxicô đến Ý khi có những gia đình mà toàn gia đình chết ở biển Địa Trung Hải. Đứng trước những người chết đuối, ngài không muốn suy nghĩ, ngài kêu gọi đến truyền thống Phúc Âm và Thánh Kinh. Bỗng chốc, ngài trở thành người ngây thơ.” Ông Steve Bannon thấy đây là người tiếp tay “thay thế tuyệt vời” cho dân chúng, quyển sách đầu giường của ông là quyển tiểu thuyết viễn tưởng của tác giả người Pháp Jean Raspail, Trại của các thánh, xuất bản năm 1973.
“Giáo hoàng của tôi là giáo hoàng Bênêđictô”
Trong trận chiến chống-Phanxicô của mình, “đại tướng” Bannon có một đồng minh trong mơ; hồng y người Mỹ Raymond Leo Burke. Từ năm 2014, người nhỏ mọn Dòng Tráp xuất thân từ nước Mỹ tận gốc, từ kỳ họp thượng hội đồng về gia đình đã chống đối giáo hoàng: cho người ly dị tái hôn rước lễ, đón nhận người đồng tính, thủ tục tiêu hôn quá nhanh, không có gì là phù với hồng y. Do đó hồng y bị sa thải khỏi chức vụ Chánh Tòa Ân giải Tối cao, tên kêu nhưng rỗng của hội đồng hiến pháp Vatican. Bị cách chức! Chuyện chưa từng có trong lịch sử giáo triều. Một cái tát, nhưng là bằng chứng cho một sự tự do hoàn toàn để nói lên.
Bây giờ hồng y Burke là chủ tịch danh dự của Viện Dignitatis Humanae, một tổ chức cực kỳ bảo thủ do ông Bannon thành lập ở Rôma, cách Đền thờ Thánh Phêrô vài bước, nhằm nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Ở nhà hồng y, trong các buổi họp kín gần đường Via della Conciliazione, hồng y tiếp ông Matteo Salvini, bộ trưởng bộ Nội vụ Ý, người đứng đầu Liên đoàn Bắc Ý và đôi khi tiếp ông Lorenzo Fontana, bộ trưởng Gia đình của chính quyền Conte, một trong các giám đốc điều hành của đảng cực hữu Ý. Cách đây hai năm, một ký giả hỏi bộ trưởng Fontana về Đức Phanxicô, ông trả lời: “Tôi thích hồng y Burke hơn.” Còn bộ trưởng Salvini thì thỉnh thoảng ông mặc áo có hàng chữ “Đức Bênêđictô XVI, Giáo hoàng của tôi” (Il mio papa è Benedetto) đi ngoài đường.
Hồng y Burke không ở lại bắt vít ở Rôma. Người chống đối Đức Phanxicô dữ dội nhất bây giờ đứng đầu một tổ chức chống đối ở phía bên kia dãy núi Alpes, nước Pháp. Vì thế, ngày 15 tháng 8 – 2017, hồng y cử hành thánh lễ và kinh chiều ở đan viện Thánh Biển Đức ở La Garde-Freinet, vùng thôn quê Varois. Ngài được đan viện trưởng Dòng Biển Đức Dom Alcuin Reid mời, cha Reid người tị nạn Úc ở giáo phận Toulon của giám mục rất bảo thủ Dominique Rey.
Tức giận ngấm ngầm
Giám mục Rey là người hiểu chính sách, ngài không làm gì một cách ngẫu nhiên và để mắt đến những lời mời mình. Ngài ủng hộ bà Marion Maréchal Le Pen, người đứng đầu đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, ngay trước khi có cuộc bầu cử vùng vào tháng 12 năm 2015, ngài mời bà về đại học hè của mình ở Sainte-Baume. Như bao nhiêu người khác, giám mục giáo phận Toulon duy trì bề ngoài của mình bằng cách đi hành hương Rôma nhiều lần. Nhưng việc Đức Phanxicô lên tiếng xin đón nhận người đồng tính vào Giáo hội, xin đón nhận người di dân vào giáo xứ đã làm cho giám mục nổi giận. Giáo phận của ngài đã đầy các cộng đoàn bảo thủ và các cộng đoàn Châu Mỹ La Tinh thuộc giáo phái phúc âm mà Đức Phanxicô sợ như cộng đoàn Bài ca mới (Cançao Nova), một dòng Ba Tây lo việc truyền thông và báo chí cho giám mục.
“Một câu nhỏ nào của Đức Phanxicô cũng bị mổ xẻ, bất cứ chữ nói sai nào cũng bị vây dồn, dự án nào cũng diễn giải”
Jean-Louis Schlegel, linh mục giám đốc tạp chí “Tinh thần”
Ký giả Gino Hoel của tạp chí công giáo tiến bộ Golias kể: “Giám mục Rey tự hào cho đến nay mình có số lượng chủng sinh nhiều nhất nước, nhưng người ta có cảm tưởng như Đức Phanxicô không còn quan tâm đến nước Pháp.” Và thật, giáo hoàng Argentina chưa dự trù có chuyến đi chính thức đến Pháp. Tất cả các vị tiền nhiệm của ngài đều đã đi, họ là những người nói tiếng Pháp: giáo hoàng Gioan XXIII từng là sứ thần ở Paris sau thời chiến tranh; người bạn thân nhất của Đức Phaolô-VI là triết gia người Pháp Jean Guitton; Đức Gioan-Phaolô II từng học thần học ở thủ đô Pháp; Đức Bênêđictô XVI là thành viên của Viện hàn lâm đạo đức và chính trị của Pháp. Còn Đức Phanxicô, cuối năm 2014 ngài đến Nghị viện Âu châu ở Strasbourg, ngài cũng không tạt ngang nhà thờ chính tòa Strasbourg cùng tỉnh. Linh mục Olivier Ribadeau-Dumas, tổng thư ký hội đồng giám mục Pháp đã phải buông lời: “Nước Pháp, người con trưởng của Giáo hội nhưng lại là người con bất trung.”
Một vài tiếng nói ở Pháp thì thầm: “Vẫn còn vấn đề giữa giáo hoàng và chúng tôi.” Chung chung câu nói kết thúc trong một im lặng dài. Cơn giận của người công giáo hiếm khi gầm gừ giữa ban ngày ban mặt. Phải mở mắt, lắng tai để biết ai là kẻ thù của Đức Phanxicô nơi người đối diện thân thiện và học thức, khi họ giúp mình phác thảo chân dung của ngài. Đôi khi chỉ là một nụ cười bứt rứt, đôi khi là quai hàm nghiến lại. Thường thường là chêm vào lời nhận xét: “Ngày được bầu chọn từ chối không mang hài da của nhà may Gammarelli là đã kỳ cục rồi”; “Chúa tôi, từ năm năm nay chung quanh Vatican bị bẩn!”; “Tôi phải đào trí nhớ, tôi không có kỷ niệm nào về một giáo hoàng nói như vậy”; “Bạn không thấy ngài mệt mỏi trong buổi tiếp kiến chung sao?”; và nhất là câu không tránh được: “Bênêđictô XVI vẫn là nhà thần học vĩ đại.”
Trách móc và câu sốc
Jean-Louis Schlegel, linh mục giám đốc tạp chí “Tinh thần” nêu lên: “Một câu nhỏ nào của Đức Phanxicô cũng bị mổ xẻ, bất cứ chữ nói sai nào cũng bị vây dồn, dự án nào cũng diễn giải”.
Một ngày tháng 1 năm 2015, trên máy bay từ Phi Luật Tân về, Đức Phanxicô tuyên bố “một vài người nghĩ rằng, tôi xin lỗi dùng chữ này, muốn là người công giáo tốt thì phải như thỏ”, ngầm nói là phải đẻ nhiều. Lại thêm thảm kịch. Chắc chắn Jorge Bergoglio nghĩ đến các khu phố nghèo, các villa miseria ở nước mình, các thành phố ổ chuột ở Ba Tây, nhưng một số người trong giới quý tộc Pháp bị sốc. Hai ngày sau, ngài buộc phải ca tụng các gia đình đông con.
Ông Patrice de Plunkett, cựu giám đốc tạp chí Figaro Magazine có trang blog ủng hộ các quan điểm của Đức Phanxicô giải mã: “Cốt lõi kẻ thù của ngài là giáo phái phúc âm ở Texas, những người bị bực mình nhất. Đối với họ, ngài không thể là người công giáo vì ngài chỉ trích chủ nghĩa tư bản. Ở Pháp, phân tích này rất hiếm được trích lại, ngoại trừ trên một vài trang riêng. Nhưng sau các cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính năm 2013 và năm 2014, các chiến sĩ chống-Phanxicô, chỉ là một thiểu số, đã ra tay trên một đối tượng công chúng lớn rộng, những người từ trước đến nay không có gì chống Đức Phanxicô. Tại Pháp, các cuộc tấn công bắt đầu từ đó, trong bầu khí phấn khích của phong trào “Quyền biểu tình cho tất cả” (Manif pour tous) và các cuộc gặp của Đức Phanxicô với người di dân ở đảo Lampedusa nước Ý, rồi sau đó ở đảo Lesbos, nước Hy Lạp.Các lời trách cứ nhường chỗ cho các câu sốc. Ông Ivan Rioufol, người viết xã luận trên báo Figaro đăng câu tweet: “Giáo hoàng Phanxicô đang biến Giáo hội thành Giáo hội của những người bảo vệ quá độ quyền con người”. Một nhánh của cánh hữu chủ trương đồng nhất mà ngày nay đang phát triển mạnh, họ mạnh mẽ đương đầu kể cả những người không phải là người công giáo. Ngày 4 tháng 7, nhà văn Eric Zemmour gằn mạnh trên kênh truyền hình của báo Figaro: “Điểm chung giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và giáo hoàng, cả hai đã được đào tạo bởi Dòng Tên, đó là tính đại đồng của họ. Âu châu công giáo trước đây không còn tồn tại nữa. Âu châu đa văn hóa là chuyện tốt còn hơn là hồi giáo hóa và tôi không nghĩ điều này làm giáo hoàng thất vọng.”
Chia rẽ ở Nhà xuất bản Cerf
Nhà báo Patrice de Plunkett tố cáo: “Ngay cả những vụ tai tiếng ấu dâm gần đây, những vụ mà bình thường “các nhà chủ trương truyền thống” im lặng, bây giờ chúng lại thành vũ khí tiêu biểu để chống ngài. Những người mà ngày hôm qua còn không chịu để tôi viết rằng, đối với người công giáo, nạn ấu dâm còn quỷ quái tệ lậu hơn là đối với người không tin, sự kinh hoàng về nhân bản còn bị kinh hoàng gấp đôi vì đây là kinh hoàng về mặt siêu hình, từ vài tuần nay, họ lại là những người hét lên ấu dâm này là một chuyện khác. Họ thấy đây là một phương tiện để làm hại giáo hoàng, vì từ bốn năm nay, họ ghét ngài vì lý do chính trị.”
“Chúng ta hình dung một mật nghị có thể diễn ra năm 2020 vì rõ ràng Đức Phanxicô đã tuyên bố vào năm 2013, triều giáo hoàng của ngài sẽ ngắn”
Ông Alain Pronkin, người Canada viết xã luận về tôn giáo
Nhóm cánh hữu chủ trương đồng nhất được thuận buồm xuôi gió, chính họ là người bán sách, là người lên tiếng trên các đài truyền hình, người chọn lựa các bài xã luận. Các va chạm nổi lên ngay trong nội bộ các Ban biên tập, cho đến tận đài phát thanh Đức Bà, nơi mà phần tin tức thời sự buổi sáng đã chia thành hai phe, phe bênh và phe chống Đức Phanxicô. Cuộc tranh luận còn vào ngay cả trong các tổ chức vững chắc: nhà xuất bản Cerf, nhà xuất bản của Dòng Đa Minh có từ cả thế kỷ nay và quen rèn luyện tính kín đáo của một cơ sở vững vàng lâu năm. Và cũng đừng quên ông Jacques de Guillebon, bây giờ ông trở thành nhân vật “số hai” của bà Marion Maréchal Le Pen, từ nhiều tháng nay ông có văn phòng ở Mặt trận Quốc gia. Các chọn lựa biên tập của tổng giám đốc Jean-François Colosimo, người đến từ năm 2013 đã gây tranh luận. Sự kiện chưa từng có, một kiến nghị chống chính sách biên tập được lưu hành trong nội bộ. Năm 2017, một vài tu sĩ và tác giả lại cảm thấy mình bị siết cổ khi nhà xuất bản phát hành quyển Tự điển chủ thuyết bảo thủ của giáo sư luật Frédéric Rouvillois, từ lâu ông được xem là người theo chủ nghĩa quân chủ. Một cựu thành viên Hành động Pháp (Action française) trong cơ sở được thành lập dưới thời Đức Piô XI để đấu tranh chống tổ chức bài-cộng hòa này chăng? Thật là quá!
Ông Patrice de Plunkett tố cáo: “Có một cơ sở nhỏ của Pháp của một vài người, mà dưới bề ngoài là chuyên gia, sử gia hay ký giả trung lập dẫn một cuộc chiến chống Giáo hoàng Phanxicô. Đó là sự tái phục hồi môi trường bảo thủ hàn lâm-trí thức của thời trước chiến tranh, mội trường này đã biến mất vào những năm 1944-1945.” Ông Jean-Louis Schlegel, giám đốc tạp chí Tinh thần và cũng là nhà xuất bản giám đốc Seuil đồng ý: “Giáo hoàng trở nên nạn nhân của một loại chủ nghĩa dân tộc thuần túy, mà tôn giáo trước hết là một vũ khí chính trị. Các ‘người công giáo cánh tả’ như tôi, chúng tôi chỉ trích Đức Gioan-Phaolô II về đạo đức sinh học, về sự nghiêm khắc đạo đức của ngài, nhưng chúng tôi không bao giờ ghim ngài về vóc dáng, về bệnh tật của ngài. Sự căm thù và hung bạo mà bây giờ Đức Phanxicô là chủ đề ở đây ở đó, đối với tôi là chuyện chưa từng có.”
“Phải đi tới đàng trước”
Một cách chính thức, Đức Phanxicô không màng quan tâm đến. Ngày 16 tháng 1 -2018, trong buổi gặp riêng với các tu sĩ Dòng Tên ở Chi-lê, ngài thổ lộ: “Vì sức khỏe tinh thần của tôi, tôi không đọc các trang Internet liên hệ đến cái gọi là ‘kháng cự’. Tôi biết họ là ai, biết các nhóm này, nhưng tôi không đọc. Nếu có điều gì rất nghiêm trọng, người ta sẽ cho tôi biết. Thật là đau lòng, nhưng phải đi tới đàng trước. Các sử gia nói cần phải cả thế kỷ để công đồng được bén rễ. Chúng ta mới đi nửa đường.” Lời tâm sự này được báo Văn minh Công giáo, tạp chí của những người thừa kế Thánh I-Nhã ở Rôma đăng lại. Đây là các yếu tố có giá trị cao về ngôn ngữ, để chống những người ở đây cũng như ở Mỹ, họ bây giờ công khai nói đến hồi kết triều giáo hoàng của ngài.
Ai sẽ là người kế vị Giáo hoàng Phanxicô? Đó là tựa đề quyển sách của tác giả Alain Pronkin, nhà viết xã luận về tôn giáo ở Canada. Quyển sách sẽ được nhà xuất bản Fidès phát hành vào ngày 1 tháng 11 tại tỉnh bang Québec. Một quyển sách gần như mang tính khoa học, phác thảo chân dung-rôbô của giáo hoàng sắp tới, qua tia laser của những lời tuyên bố đủ mọi mặt của các cử tri cho lần mật nghị sắp tới, với từng châu lục, trên các đề tài thớ chẻ: mở Giáo hội công giáo ra cho người đồng tính, có biện pháp trừng phạt cho các tội phạm ấu dâm… Tác giả là bình luận gia trên đài Radio Canada, ông cho rằng ngày bầu cử sẽ vào năm 2010. 2020? “Từ tháng tư, Đức Phanxicô đã bước vào năm thứ sáu của mình. chúng ta có thể hình dung một mật nghị vào ngày này, vì năm 2013 ngài đã tuyên bố rõ ràng, triều giáo hoàng của ngài sẽ ngắn.”
Mùa đông ở Nhà Thánh Marta
Đó là thời gian còn vui khi Đức Phanxicô cảm thấy mình khá trẻ để nói đùa về tuổi, về cái chết của mình, còn khá mạnh để người khác nói giùm mình ngày ra đi. Khi đó ngài nói: “Cuộn chỉ không còn bao nhiêu dây.” Ngài còn nói đùa với một linh mục Argentina: “Điều tốt nhất có thể xảy đến cho cha là cha có thể bị ám sát.” Có phải vì sợ những người chủ trương mị dân mới và lo lắng trước thế giới bị tàn phá như Thông điệp Chúc tụng Chúa của ngài loan báo không? Bây giờ ngài không nói đến cái chết, cũng không nói đến ngày ra đi. Một ngày nọ – trong căn phòng ở Nhà Thánh Marta -, linh mục đồng hữu Dòng Tên Antonio Spadaro nói ngài giống giáo hoàng Marcellô II (1501-1555), người ghét sang trọng và người cũng đi bộ như ngài. Đức Phanxicô trả lời ngay: “Đồng ý, nhưng sau giáo hoàng Marcellô II còn có hồng y Carafa”, biệt danh của Đức Phaolô-VI: một quan tòa dị giáo, một người kiểm duyệt.
Tuy nhiên làm sao lại không nghĩ đến, khi những lần hiếm hoi vào mùa đông, ngài ra vườn Nhà Thánh Marta, thấy bóng dáng Đức Bênêđictô XVI vịn vào chiếc xe đẩy của mình đi từng bước chậm chạp? Khi ngài rời Buenos Aires để đi dự mật nghị thì ngài 76 tuổi, Jorge Bergoglio đã ra đi với chiếc va-li nhỏ, không mang theo bít tất để thay, lại còn mang theo chìa khóa tòa giám mục: không tin, nhưng mang tính dị đoan thừa hưởng từ bà nội của ngài. Khi đó chỉ còn vài tháng là ngài về hưu và ngài đã giữ căn phòng số 13 của nhà hưu dưỡng nhỏ ở khu phố Florès tuổi thơ để sống những ngày cuối đời của mình. Từ đó, ngài chưa bao giờ lấy vé đi về. Sau thời gian luyện tội, đâu sẽ là thiên đàng của ngài?
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: