Nhà nguyện Thánh Marta: Một linh mục kỷ niệm 70 năm chịu chức với Đức Phanxicô
Cha Don Reno Pisaneschi và Đức Phanxicô
fr.zenit.org, Océane Le Gall, 2018-10-10
Linh mục giữa lòng giáo dân
“Linh mục giữa lòng giáo dân, vòng ôm của Đức Giáo hoàng và Linh mục Don Reno Pisaneschi, 95 tuổi”, đó là tựa đề của báo L’Osservatore Romano số ra ngày 10 tháng 10 – 2018, đăng lời kể của linh mục Don Reno Pisaneschi người Ý lớn tuổi, kỷ niệm 70 năm chịu chức cùng với Đức Phanxicô.
Sau đây là bài báo trên L’Osservatore romano:
“Tôi thấy nơi giáo hoàng này là một người cha”: hai mắt của linh mục còn đẫm nước mắt, Don Reno Pisaneschi, linh mục 95 tuổi người vùng Toscan đã dự thánh lễ Đức Phanxicô dâng sáng nay ở Nhà nguyện Thánh Marta. Cha kể với báo L’Osservatore romano: “Vào cuối thánh lễ, Đức Phanxicô ban phép lành cho tôi và chúng tôi ôm nhau. Tôi đã khóc vì vui, vì cảm động, vì tôi thấy ngài quan tâm đến tất cả các người hiện diện, các mong chờ, các nhu cầu của họ. Đó là cùng sống chung với nhau”.
Tinh thần sáng suốt (cha kể thuộc lòng ngày tháng, tên tuổi, sự việc), râu bạc phơ, linh mục dùng gậy để đi. Cha đến Vatican để cùng với Đức Phanxicô mừng 70 năm chịu chức của mình. Cha được Giám mục Antonio Bagnoli phong chức ngày 27 tháng 6 – 1948 sau khi đã học xong ở chủng viện Volterra, cha nói: “Đây là giáo phận của thánh giáo hoàng Lin, người kế vị đầu tiên của Thánh Phêrô”.
Trong tiểu sử của mình, cha có nhiều kỷ niệm của các linh mục Ý ở trong các vùng “đỏ” sau chiến tranh, các linh mục buộc phải “đương đầu mỗi ngày với cuộc chiến không bao giờ dứt giữa loan báo Tin Mừng và chính trị. Cha giải thích, ”đến mức chúng tôi phải tổ chức các buổi họp tại chỗ trong thời gian tranh cử”.
Cha sinh ngày 19 tháng 3 năm 1924 ở Castagneto Carducci, sau khi chịu chức được một năm, cha được gởi đến làm cha xứ ở Collalto di Casole, Elsa, cha ở đó cả mười mấy năm. Cha nhớ lại với một chút chua xót: “Ở đó không có nước uống, không cửa hàng, không phương tiện liên lạc, ở đó còn có nhiều súc vật hơn là người.” Ở những vùng “miền núi Sienne”, cha xứ trẻ sống trong khổ cực, chỉ được một người đưa thư địa phương giúp. Nhưng không có gì làm cho cha ngừng lại: cha đi bộ, đi vélo, đi hàng cây số không mệt mỏi, cho đến khi nhờ quà tặng của Đức Piô XII, cha mua được chiếc xe Vespa. Cha kể: “Tôi có 500 giáo dân, mỗi ngày tôi dâng ba thánh lễ: một lễ ở giáo xứ, một lễ ở nhà thờ phụ và một lễ ở nhà nguyện riêng, nhưng tôi khó mà gom cho được sáu mươi giáo dân, vì vùng này là vùng đỏ”, ngài nhắc đến xu hướng chính trị của người dân. Đến mức khi cha xứ ở Cevoli, thuộc bang Florence bị giết cách đó vài cây số, cha Reno được hiến binh khuyên nên mua cây súng để tự vệ. Cha kể với một chút mỉa mai: “Họ biết có một ông trưởng nhóm địa phương không chịu đựng được khi thấy tôi đi thăm người bệnh. Ở đầu giường người bệnh không có thánh giá mà có hình Stalin. Tôi đi bộ với dầu thánh và khẩu súng trong túi. Nhưng tôi không bao giờ dùng, trừ khi tập”.
Khi không kể kỷ niệm thì linh mục thao thao bất tuyệt. Ngài vừa nói vừa cười, như dòng sông cuồn cuộn, không phải một mà hai dòng sông vì “Don” trong tiếng toscan là một danh từ của nước Nga, cũng như dòng sông xuyên qua Trung Âu. Khi cha được gởi đến Cecina, Livourne năm 1958 thì cha ở lại đó luôn. Cha kể: “Tôi được cử làm cha tuyên úy bệnh viện, rồi làm cha phó giáo xứ Thánh Giuse và Léopold hơn ba mươi năm. Tôi dạy môn tôn giáo ở Viện Magistral, tôi dạy giáo lý ở giáo xứ, giải tội và dâng thánh lễ. Bây giờ vẫn còn, tôi nghe những người ăn năn và dâng thánh lễ 9h30 sáng dù tôi bị mệt”. Cha Don Pisaneschi làm việc nhiều nhất là ở bệnh viện, từ phòng cấp cứu đến phòng mổ, “luôn ở với người bệnh, săn sóc họ, giúp họ làm những việc thực tiễn hay thiêng liêng. Tôi mặc áo cho người chết, tôi đưa tay ra cho những người phải bị cắt tứ chi, tôi ghi lại báo cáo của các bác sĩ giải phẫu, sau khi họ mổ xong họ đọc cho tôi viết; tôi cũng giúp trong phòng mổ. Ngài nói thêm: “Và chính kinh nghiệm này làm chín trong tôi ơn săn sóc người bệnh”. Vì thế, từ lâu ngài là gương mẫu cho các sáng kiến có lợi cho sức khỏe dân chúng ở Toscan. Với những ai hỏi ở đâu mà ngài có nhiều năng lực như vậy, không chút do dự ngài trả lời: “Phúc Âm Thánh Gioan bắt đầu bằng câu, ngôi Lời đã làm người và đã ở “giữa” chúng ta. Như thế các linh mục cũng phải ở giữa giáo dân. Dù trong cơn khủng hoảng satan của các vụ lạm dụng trong Giáo hội, chỉ khi nào chúng ta ở giữa giáo dân, ở cùng với giáo dân thì chúng ta mới có thể mời gọi họ nhìn lên cao.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch