Tình trạng mồ côi cha nơi sâu thẳm hiện hữu của chúng ta
Những nhà nhân học cho chúng ta biết rằng, nỗi khao khát cần người cha, một khát mong khắc khoải muốn được cha chúc lành, chính là một trong những nỗi khát mong sâu thẳm nhất trong thế giới thời nay, đặc biệt là ở người nam. Hàng triệu người cảm nhận họ không được cha mình chúc lành. Robert Bly, Robert Moore, Richard Rohr, James Hillman, và nhiều người khác nữa đã cho chúng ta những thấu suốt về điều này.
Chúng ta đau khổ khi không có cha. Tuy nhiên, trong cội nguồn sâu thẳm nhất của nó, đau khổ này khác với đau khổ thiếu vắng thuần túy một lời chúc lành từ người cha thể lý của chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng trở nên mồ côi cha theo những cách thâm sâu hơn. Vậy, như thế nào?
Khoảng 25 năm trước đây, triết gia người Pháp Jean-Luc Marion đã viết quyển ‘Thiên Chúa không Hiện hữu’, trong đó ông diễn giải rất thách thức về dụ ngôn người con hoang đàng.
Chúng ta đều biết dụ ngôn này: Người cha có hai đứa con. Đứa con thứ đến tìm người cha mà nói rằng: ‘Cha hãy cho con phần gia tài sẽ là của con.’ Và người cha đã chia gia tài cho anh. Đứa con thứ lấy phần mình, bỏ đi xa, và phung phí tài sản, sống trác táng trụy lạc. Khi đã hết sạch tiền, anh thấy mình rơi vào cảnh đói khát và nhục nhã, rồi anh quyết định về lại nhà cha, dù anh không xứng đáng và anh đã được cha chạy ra chào đón, ôm vào lòng, và đưa về nhà.
Ngang đây, bài học thật rõ ràng: Tình thương của Thiên Chúa quá rộng lớn và đầy thương cảm đến nỗi dù chúng ta có làm gì đi nữa, Ngài vẫn luôn yêu thương chúng ta. Nhiều quyển sách tuyệt vời đã nhấn mạnh điểm này, trong đó có quyển sách kinh điển, Người con hoang đàng trở về của Henri Nouwen.
Nhưng Jean-Luc Marion, với những từ ngữ cụ thể trong bản tiếng Hy Lạp, ông đã nhấn mạnh một yếu tố khác của dụ ngôn này. Bản tiếng Hy Lạp cho thấy đứa con đã đến gặp cha mình để xin một thứ còn hơn cả của cải và tiền bạc. Anh xin cha mình phần gia tài (ousia). Ousia, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘chân tính’. Anh xin cho mình, một cuộc sống, độc lập tách khỏi cha. Hơn nữa, là một người con và là người thừa kế, anh đã luôn được dùng phần tài sản đúng ra là của anh, nhưng lúc này anh muốn chiếm hữu nó, và chẳng phải hàm ơn ai hết. Anh muốn những gì chính đáng thuộc về anh, nhưng anh muốn nắm giữ chúng độc lập với cha mình, cắt đứt với cha mình, và nó là tài sản của riêng anh, sao cho anh không còn phải thấy hình bóng cha mình trong cách nhìn nhận và sử dụng cuộc đời, cũng như tự do của mình nữa. Và như dụ ngôn đã cho thấy rõ, hệ quả là, khi không còn nhìn nhận hay ý thức ơn ban như đúng một ơn ban, thì sẽ luôn dẫn tới việc sử dụng sai ơn ban đó, đánh mất sự nguyên vẹn, và rồi là hạ giá con người.
Để giải thích cho ngôn ngữ mơ hồ của Marion, tôi xin đưa ra đây những gì ông xem là vấn đề thâm sâu nhất trong câu chuyện này: ‘Đứa con đòi rằng mình không bao giờ phải thỉnh cầu nữa, hay đúng hơn là không bao giờ còn mở tay ra nhận chân tính nữa. … Anh đòi rằng mình phải chiếm hữu nó, quản lý nó, hưởng dùng nó mà không phải đón nhận và truyền giao ơn ban. Đứa con muốn mình không nợ gì cha mình hết, và trên tất cả, là không nợ ơn cha, anh muốn mình không còn có cha nữa, muốn một chân tính không cần cha, không cần ơn ban. … Và chân tính trở thành vật sở hữu hoàn toàn của chỉ riêng anh mà thôi, nghĩa là nó hoàn toàn không thuộc về người cha, tước hết quyền sở hữu của cha, không còn ơn nghĩa gì nữa, và đây chính là ý nghĩa trong việc chiếm hữu chân tính. Từ đó, nảy sinh một hệ quả tức thì: khi tước quyền sở hữu của người cha, một quyền sở hữu trao ơn ban được thành toàn trong chính nó, không thể tách rời, và như thế tước đi quyền sở hữu này cũng là mất đi ơn ban: chiếm hữu mà không có ơn ban, một sự chiếm hữu tự truất quyền sở hữu của nó. Và như thế, anh trở thành một cô nhi không có ơn cha, một bản tính thấy mình rơi vào sự hoang phí.
Vấn đề thực sự của đứa con hoang đàng, không phải là sự thèm khát của cải, cho bằng thèm khát một sự độc lập sai lầm. Anh muốn cuộc sống và tự do cho mình để tận hưởng cuộc đời hoàn toàn theo mình và cho mình, như thế nghĩa là anh đã mang chúng ra khỏi nhà cha mình. Khi làm vậy, anh đã mất cha, và mất luôn cuộc sống và tự do thật sự vì những sự này chỉ có thể có được khi chấp nhận một sự lệ thuộc nhất định. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu nhiều lần nói đi nói lại rằng, Ngài không thể làm gì tự ý mình. Tất cả mọi sự của Ngài và mọi việc Ngài làm đều đến từ Chúa Cha.
Cuộc sống của chúng ta không phải của riêng chúng ta. Cuộc sống của chúng ta là một ơn ban, và luôn luôn cần phải được nhìn nhận như một ơn ban. Chân tính của chúng ta không phải của riêng chúng ta, và như thế không bao giờ được tách rời chân tính đó khỏi nguồn cội, chính là Thiên Chúa, Cha chúng ta. Chúng ta có thể đi vào cuộc sống và tự do của mình, hưởng dùng chúng và những vui thú của chúng, nhưng ngay khi chúng ta tách lìa chúng khỏi nguồn cội, xem chúng như của riêng mình và chỉ riêng mình, thì sẽ xảy đến hoang phí, đói khát và nhục nhã.
Chỉ có sự sống nơi nhà Cha, và khi chúng ta bỏ nhà mà đi, thì chúng ta không còn có cha và phí mất chân tính của mình.
J.B. Thái Hòa dịch