Ronald Rolheiser, 2017-09-18
Vài năm trước, tôi có dự một tang lễ. Người này đã được tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn và giàu có. Ông thọ 90 tuổi và được tôn trọng vì là một người thành đạt và lương thiện. Ông luôn là một người mạnh mẽ, một lãnh đạo bẩm sinh, một người đứng đầu trong mọi chuyện. Ông có cuộc hôn nhân tốt đẹp, gia đình đông con, thành công trong kinh doanh, và giúp điều khiển nhiều tổ chức dân sự cũng như trong nhà thờ. Ông là người được kính trọng dù cho đôi khi ông thấy sợ chính sức mạnh của mình.
Con trai ông, một linh mục, chủ trì nghi thức an táng. Cha bắt đầu bài giảng thế này:
“Kinh thánh bảo chúng ta rằng bảy mươi là được rồi, mạnh giỏi thì được tám mươi. Bố của chúng tôi sống đến chín mươi tuổi. Tại sao lại có thêm mười năm này? Không có gì bí ẩn. Chúa cho thêm mười năm để bố tôi dịu lại. Bố tôi quá mạnh mẽ và khó tính để chết ở tuổi tám mươi! Nhưng trong mười năm cuối đời, bố tôi đã chịu nhiều thay đổi suy giảm lớn. Mẹ tôi mất, và bố tôi không bao giờ nguôi ngoai được. Bố tôi bị lên cơn đau tim, và không dễ chấp nhận như thế. Bố phải sống với nhiều sự trợ giúp, và không dễ chấp nhận như thế. Tất cả những mất mát này có tác dụng của chúng. Đến lúc hấp hối, bố có thể cầm tay ai đó mà nói: “Giúp tôi.” Năm ngoái, khi không thể thắt dây giày, bố tôi cũng không thể nói lên hai từ đó. Nhưng đến cuối cùng, bố tôi đã sẵn sàng về trời. Giờ khi gặp thánh Phêrô ở cửa thiên đàng, bố tôi có thể nói: “Giúp tôi!” thay vì chỉ bảo thánh Phêrô phải làm việc thế nào.”
Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu ra lời dạy của Chúa Giêsu rằng, người giàu khó vào nước trời, còn trẻ con thì sẽ vào như lẽ tự nhiên. Chúng ta thường hiểu lầm điều này.
Tại sao trẻ con vào thiên đàng như lẽ tự nhiên? Để trả lời, chúng ta có khuynh hướng lý tưởng hóa sự ngây thơ của con trẻ, một điểm có vẻ gây nhiều ấn tượng. Nhưng đấy không phải là điều Chúa Giêsu dạy, sự ngây thơ cho người lớn là điều bất khả thi. Chúa Giêsu không tôn vinh sự ngây thơ của con trẻ, mà đúng ra là tôn vinh việc trẻ con không có ảo tưởng về cái tôi toàn năng của mình. Trẻ con không có lựa chọn nào khác ngoài nhận thức mình cần ai đó. Chúng không tự phụ và biết rằng chúng không thể tự lo cho mình. Nếu không có ai cho chúng ăn, chúng sẽ đói. Chúng phải nói, và nói thường xuyên: “Giúp con.”
Với người lớn, thường ngược lại, nhất là khi chúng ta mạnh mẽ, tài năng, và có của cải đầy đủ. Chúng ta dễ dàng nuôi ảo tưởng tự phụ. Với sức mạnh của mình, chúng ta thường quên mất rằng mình cần người khác, rằng mình không thể chỉ dựa vào bản thân được.
Bài học tôi muốn nói đây là, giàu có không phải chuyện xấu. Giàu có, tài năng, thông minh, khỏe mạnh, xinh đẹp, giỏi lãnh đạo, là những ơn Chúa ban. Chúng là tốt. Sự giàu có không chặn lối chúng ta vào thiên đàng. Đúng hơn, mối nguy chính là khi giàu có và tài năng, chúng ta dễ dàng mang ảo tưởng tự phụ. Như thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng chỉ mình Thiên Chúa mới không cần bất kỳ ai khác hay bất kỳ điều gì khác. Còn tất cả chúng thì cần. Nhưng trẻ con thì dễ nắm bắt điều này hơn là người lớn, nhất là những người lớn mạnh mẽ và tài năng.
Ngooài ra, ảo tưởng tự phụ còn thường gây thêm một mối nguy khác. Giàu có và tiện nghi nó mang lại, có thể bịt mắt chúng ta trước khốn cảnh và cơn đói của người nghèo, như trong dụ ngôn người giàu mở yến tiệc và người nghèo đói ăn trước cửa nhà ông. Khi chúng ta không bị đói, cũng có thể gây nên một nguy cơ. Khi sống trong tiện nghi, chúng ta có khuynh hướng không nhìn đến người nghèo.
Nhưng như thế, giàu có tự nó không phải là xấu. Nguy cơ chết người của sự giàu có chính là ảo vọng tự đủ, và hai thứ này rất dễ đi kèm với nhau. Trẻ con không phải chịu ảo tưởng này, nhưng những người mạnh mẽ thì có. Và đấy chính là mối nguy của sự giàu có.
Làm sao để chúng ta hạn chế tối đa mối nguy này? Bằng cách hào phóng. Tin mừng theo thánh Luca nói rất cứng rắn về người giàu, nhưng cũng làm rõ rằng giàu có tự nó không xấu. Thiên Chúa giàu có. Nhưng Thiên Chúa quảng đại đến phung phí với sự giàu có ấy. Sự quảng đại của Thiên Chúa, như chúng ta thấy qua Chúa, là một sự quảng đại phung phí đến độ chướng tai gai mắt. Nó thậm chí chẳng màng đến những thước đo của chúng ta về sự công bằng. Giàu có là tốt, nhưng chỉ khi sự giàu có được sẻ chia. Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu tôn vinh sự giàu có quảng đại, nhưng cảnh cáo người giàu có khư khư tích của. Quảng đại là nên giống Thiên Chúa, tích trữ cho mình là đi ngược lại với nước trời.
Chúng ta không bao giờ được quên đi những từ này: “Giúp tôi.”
J.B. Thái Hòa dịch