Canada muốn cụ thể hóa việc giải hòa với các dân tộc bản địa

385

la-croix.com, Agnes Chapsal, Montréal, 06-08-2015

hi-residential-schools-852Sau sáu năm mở cuộc điều tra, Canada vừa công bố một bản báo cáo chi tiết về nạn “diệt chủng văn hóa” mà nạn nhân là các em bé của các sắc tộc bản địa bị gởi vào trong các trường nội trú.

Hội đồng Sự thật và Giải hòa yêu cầu có những hành động mạnh để tái hội nhập người dân của các sắc tộc bản địa này vào xã hội. Họ cũng xin Đức Giáo hoàng cùng liên kết với họ trong tiến trình hối lỗi mà Giáo hội Canada đã làm.

“Nước Canada đã thật sự tham dự vào một cuộc diệt chủng văn hóa”, ông Murray Sinclair, chủ tịch Hội đồng Sự thật và Giải hòa (CVR) tuyên bố khi nạp bản báo cáo gồm 94 điều khoản yêu cầu tái xây dựng lại quan hệ giữa các dân tộc thiểu số bản địa và xã hội Canada.

Trong vòng sáu năm, Hội đồng này đã thu chứng cứ của 6.750 người về một giai đoạn đen tối của lịch sử Canada: từ năm 1874 đến năm 1996, có hơn 150 000 trẻ em thuộc các sắc tộc thiểu số bị bứng ra khỏi gia đình của các em để gởi vào 139 “nhà nội trú của người thổ dân”. Đa số các nhà nội trú này được các Giáo hội Anh giáo, Công giáo, phái Cavin cùng điều khiển.

“Giết người Thổ dân nơi đứa bé”

Các trường nội trú này có mục đích cô lập các em ra khỏi gia đình, ra khỏi truyền thống văn hóa tập tục của các em để hội nhập các em vào văn hóa đô hộ. Theo một cách nói đau buồn nhưng bây giờ lại thành nổi tiếng là “giết người Thổ dân nơi đứa bé”.

Tử suất của các em này cao gấp năm lần tử suất của các em bình thường. Có 3 200 em đã chết vì bệnh tật (bệnh lao, cảm cúm) hoặc do đối xử tàn bạo. Ngay khi vào trường nội trú, các em phải thay áo quần, thay tên và đa số các em phải mang số. Các em bị cấm không được nói ngôn ngữ của mình, phải nói tiếng pháp hoặc tiếng anh. Khi các em về nhà, các em không còn nói chuyện được với cha mẹ mình.

Chính quyền công nhận có những “tổn hại lâu dài”

“Một Quốc gia hủy hoại hay xóa bỏ những gì để một sắc dân được tồn tại như thể chế, đất đai, ngôn ngữ, văn hóa, đời sống thiêng liêng, đời sống tôn giáo, gia đình thì quốc gia đó đã phạm vào tội diệt chủng văn hóa. Canada đã làm tất cả những điều này đối với các sắc dân thiểu số của mình”, bản báo cáo công bố vào ngày thứ ba vừa qua đã kết luận như trên.

“Bị cắt đứt ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống thiêng liêng, lịch sử của dân tộc mình, các em đã không trả lời được những câu hỏi đơn giản như “Tôi đến từ đâu”, “Tôi đi về đâu”, “Tại sao tôi ở đây”, “Tôi là ai?”, ông Murray Sinclair bình luận như trên.

Tháng 6 năm, Thủ tướng Stephen Harper đã có thư xin lỗi 80.000 cựu học sinh trong các trường nội trú này. “Hôm nay chính quyền ghi nhận đường hướng chính trị này đã gây những tổn hại lâu dài về mặt văn hóa, di sản và ngôn ngữ cho các sắc dân thiểu số. Hậu quả của các trường nội trú này đã để lại các vấn đề xã hội vẫn còn tồn tại ở nhiều cộng đồng hôm nay”, chính quyền Ottawa công nhận.

Hội đồng đòi hỏi chính quyền Canada phải đi từ lời xin lỗi qua hành động, cho rằng sự giải hòa chỉ có thể thành tựu qua hành động. Hội đồng đề nghị Canada phải chính thức công nhận Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các sắc tộc thiểu số và lấy đó làm nền tảng cho đường lối chính trị mới của mình.

Hội đồng mong muốn có lời xin lỗi của Đức Giáo hoàng

Hội đồng khuyến cáo nên tái định nghĩa và tài trợ các hệ thống giáo dục, y tế cho các Sắc dân thiểu số và dập tắt nạn có quá nhiều người dân tộc thiểu số trong môi trường tội phạm. “Chúng tôi xin Đức Giáo hoàng đại diện cho Giáo hội Công giáo La Mã có lời xin lỗi với các nạn nhân còn sống sót, gia đình và tập thể của họ vì các đối xử không tốt về mặt thiêng liêng, văn hóa, xúc cảm, thể lý và tình dục nơi các em bé của các Sắc dân thiểu số, người Inuit và người Métis, họ đã bị tổn thương trong các trường nội trú do Giáo hội Công giáo điều khiển”, bản báo cáo kết luận.

Hội đồng cũng yêu cầu “các lời xin lỗi này được làm giống như các lời xin lỗi năm 2010 đối với các nạn nhân người Ai Len bị đối xử tồi tệ, và những lời xin lỗi của Giáo hoàng với Canada sẽ phải được thực hiện trong vòng một năm kể từ khi công bố bản báo cáo này.”

Tổng giám mục Dòng Tên Terence Prendergast, giáo phận Ottawa cho rằng lời yêu cầu này “rất quan trọng”. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha sẽ cởi mở trên vấn đề này”, tổng giám mục tuyên bố. Tuần vừa qua tổng giám mục đã có lời xin lỗi cho những lạm dụng trong các trường nội trú do Giáo hội Công giáo Công giáo điều khiển.

“Giống như tôi mất đất nước của tôi, mất căn cước của tôi”

Trích trong “Tuyển tập các lời chứng của những người sống sót trong các trường nội trú Sắc tộc thiểu số ở Quebec”

“Khi chúng tôi vào trường, họ bắt chúng tôi phải thay đổi áo quần và cắt tóc. Đó là điều làm cho tôi hãi sợ nhất. Tôi có tóc dài và tết lại. Khi họ cắt tóc tôi, tôi cảm thấy như họ cắt gốc rễ của tôi. Giống như tôi mất đất nước, mất căn cước.”

Marguerite, ở Pikogan, nội trú trường Saint-Marc-de-Figuery

“Việc tiếp xúc với các nữ tu không hề dễ dàng, chúng tôi không hiểu họ nói gì. Nữ tu nói ‘Ben oui’ mà tôi hiểu là ‘Berri’. Thật sự tôi hoàn toàn không hiểu gì. Tất cả đều mang số. Họ không gọi tôi là Rose-Anna mà gọi số 63.”

Rose-Anna, Anishnabe, Pikogan

Một cựu “nội trú viên” dự buổi lễ kết thúc của Hội đồng Sự thật và Hòa giải.
Một cựu “nội trú viên” dự buổi lễ kết thúc của Hội đồng Sự thật và Hòa giải.

Marta An Nguyễn chuyển dịch