John L. Allen Jr – 03/6/15
Tôi xin đưa ra một câu trắc nghiệm nhanh cho những ai thấy mình biết về Vatican và chuyện thời sự toàn cầu: Albania, Sri Lanka, và Bosnia-Herzegovina có điểm gì chung?
A – Tất cả đều là những nơi mà Giáo hoàng Phanxicô đã hoặc sẽ sớm đặt chân đến
B – Tất cả đều là ‘vùng ngoại biên’ nghĩa là có xu hướng bị các trung tâm quyền lực làm ngơ, trừ phi có vấn đề gì xảy ra ở đó
C – Tất cả đều mới giải quyết được cuộc xung đột bạo lực kéo dài trong nước
D – Tất cả những đáp án trên
Và nếu bạn chọn ‘D’ thì bạn rất chuẩn.
Trong 2 ngày nữa, giáo hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm Sarajevo, thủ đô của Bosnia-Herzegovina, cũng là chuyến công du quốc tế thứ 8 của ngài.
Dù ngài chỉ ở đó chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, thì đây vẫn là một điểm nhấn rõ nét đầy tính biểu tượng ở một nơi vốn hằn dấu thù địch sắc tộc và tôn giáo hồi đầu thập niên 1990, khi Sarajevo là thủ đô bị vây hãm dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại.
Cuộc chiến Bosnia 1992-1995 là một trong những cuộc xung đột chấn động nhất trong thời hậu Chiến tranh lạnh. Một đất nước từ hàng thế kỷ được xem là hình mẫu cho hòa hợp liên tôn giáo, nơi người Hồi giáo, Chính thống, và Công giáo sống chung vai sát cánh, lại bị biến thành một chiến trường đẫm máu phe phái, khiến cho cộng đồng quốc tế phải nhớ lại những khái niệm như ‘thanh trừng sắc tộc’ và ‘can thiệp nhân đạo’
Sarajevo bị vây hãm trong gần 4 năm, với con số người chết ước tính lên đến 15 ngàn, và gần một nửa là thường dân. Và còn 56 ngàn người bị thương, trong đó 15 ngàn là trẻ em.
Cuộc xung đột này chấm dứt với Hiệp ước Dayton 1995, chia đất nước thành 2 phần: Cộng hòa Srpska với đại đa số áp đảo là người Serbi Chính thống giáo, và Liên ban Bosnia-Herzegovina, hầu như dưới quyền kiểm soát của người Bosnia Hồi giáo.
Ngược đời thay, tiếng nói chỉ trích nhất đối với hiệp ước này, là từ đoàn chiên của Đức Phanxicô, nghĩa là nhóm thiểu số người Croatia theo Công giáo
Trong bài phỏng vấn với NCR cách đây 2 năm,giám mục phụ tá Pero Sudar của Sarajevo đã nói rằng, bởi người Serbi và người Hồi giáo đều có lãnh thổ riêng của mình mà người Công giáo thì không, nên ngày nay nhận thức chung là trong đất nước này, chỉ có chỗ cho 2 dân tộc, chứ không phải 3.
Nhưng dù có nhiều thiếu sót, hiệp ước Dayton đã thành công trong việc gìn giữ hòa bình suốt 20 năm qua.
Giáo hoàng Phanxicô rõ ràng muốn đến Sarajevo và khen ngợi người dân Bosnia vì đã cho thế giới thấy rằng, ‘biến gươm giáo thành cuốc thành cày’ không phải chỉ là một câu kinh thánh, nhưng là mục tiêu có thể đạt được trong thế giới chính trị thực tế.
Đây cũng chính là lý do mà Đức Phanxicô đã quyết định đến Tirana, thủ đô của Albania hồi tháng 9, 2014, khen ngợi đất nước này vì con đường họ đã đi từ sau khi chế độ cộng sản Enver Hoxha sụp đổ vào năm 1991.
Đức Phanxicô nói rằng, Albania đã không sụp đổ rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, nhưng đã trở nên ‘một quốc gia độc nhất vô nhị, nơi chung sống hiện hữu và cộng tác giữa người Hồi giáo, Công giáo, Chính thống, và những người không có đức tin.’
Đây cũng là lý do vì sao giáo hoàng chọn điểm mở đầu cho chuyến công du Á châu của mình hồi tháng 1 là Sri Lanka, một quá khứ đã bị chia cắt bởi 30 năm nội chiến do căng thẳng sắc tộc và tôn giáo giữa đa số người Sinhala theo Ấn giáo và thiểu số người Tamil theo Hồi giáo.
Và cả ở đây, hòa bình cũng được ổn định từ khi khép lại cuộc chiến vào năm 2009. Trong đêm Đức Phanxicô đặt chân đến nước này, Sri Lanka vừa bầu ra Maithripala Sirisena, một tổng thống cải cách, biết lên tiếng vì hòa giải, hợp nhất, và chữa lành những vết thương chiến tranh.
Các giáo hoàng thường thể hiện bằng các động thái cũng như lời nói, và không có động thái nào của giáo hoàng gây điểm nhấn và cần nhiều công tác hậu cần cho bằng việc chọn điểm công du.
Đức Phanxicô dường như đang dùng các chuyến công du để phát ra một thông điệp đơn sơ rằng: Hòa bình là chuyện có thể đạt được, và nếu bạn không tin, thì hãy xem nơi tôi đang đứng đây này.
Đây chắc chắn cũng chính là lý do mà Đức Phanxicô chọn dừng chân ở Cuba trên đường đến Hoa Kỳ tháng 9 này, như một lời nhắc nhở rằng hai quốc gia này vừa mới tìm được cách thoát ra khỏi những căng thẳng thời Chiến tranh lạnh.
Bước đột phá này cũng là nhờ nhiều vào sự can thiệp riêng của giáo hoàng.
Không chỉ đến những nơi vừa phục hồi hòa bình, Đức Phanxicô còn quyết tâm đến những nơi vẫn còn xung đột, với hi vọng rằng sự hiện diện của ngài sẽ là một mốc truyền động hướng đến hòa bình.
Đây là một phần lập luận của ngài trong chuyến công du Thánh Địa hồi tháng 5, 2014, đặt chân đến lãnh thổ của Israel và Palestine, tiếp theo là buổi cầu nguyện hòa bình bất ngờ tại vườn Vatican cùng với tổng thống 2 nước sau đó một tháng.
Đây cũng là lý do vì sao ngài đến Nam Hàn hồi tháng 8,2014, nâng đỡ sự tái hợp của hai miền Nam Bắc. Kế hoạch công du Cộng hòa Trung Phi vào tháng 12 này cũng cùng mục đích như vậy.
Không chỉ nêu bật hòa bình, giáo hoàng Phanxicô còn nhiều lần kêu gọi Giáo hội vươn ra những vùng ngoại biên, cả về mặt địa lý lẫn hiện sinh, và các hành động của ngài phản ánh rõ ràng mục tiêu này.
Trước khi lần đầu tiên đặt chân đến một cường quốc phương Tây là Hoa Kỳ vào tháng 9 này, Đức Phanxicô đã đến châu Á 2 lần, châu Mỹ La tinh 2 lần, Trung Đông 2 lần, và Đông Âu 2 lần.
Điều này như thể Đức Phanxicô đang nói với các cường quốc rằng, họ phải chờ mới đến lượt mình.
Nếu bạn muốn hiểu các ưu tiên hàng đầu của giáo hoàng này, thì chẳng cần phải hỏi các phụ tá hay chuyên viên truyền thông của ngài làm gì. Chỉ cần ngồi lại với chuyên trách công du của ngài là biết.