Đức Phanxicô xin sự giúp đỡ khẩn cấp quốc tế cho người Rohingya

261

 

Các điều kiện sống tạm bợ của người Rohingya ở Bangladesh (Photo: European Commission DG/Flickr/CC BY-ND 2.0)

cath.ch, 2017-11-30

Khi đến Bangladesh ngày thứ năm 30 tháng 11, Đức Phanxicô xin sự giúp đỡ khẩn cấp của quốc tế cho người Rohingya và ngài lên tiếng biện hộ để có tự do tôn giáo cho người công giáo. Trong chặng thứ nhì của chuyến tông du lần thứ 21, Đức Phanxicô đã gặp các nhà cầm quyền dân sự và chính trị ở dinh tổng thống.

Trước 400 nhân vật, người kế vị Thánh Phêrô khẳng định, tuy “Bangladesh là một Quốc gia trẻ, nhưng Bangladesh luôn có một chỗ đứng trong quả tim của các giáo hoàng”. Ngài nhắc lại Đức Phaolô VI đã đến đây năm 1970, chỉ một thời gian ngắn trước khi đất nước Bangladesh độc lập và Đức Gioan-Phaolô II cũng đã đến Bangladesh năm 1986.

Sau đó Đức Phanxicô đề cập thẳng đến vấn đề người tị nạn Rohingya, ngài nhấn mạnh “tầm quan trọng của tình trạng này”, sự đau khổ của con người và các điều kiện sống bấp bênh tạm thời ở các trại tị nạn, ngài nói rõ họ đến từ tiểu bang Arakan, nước Miến Điện. 

Mong muốn người Rohingya trở lại Miến Điện

Đức Phanxicô ca ngợi lòng quảng đại của người Bangladesh, nhận biết sự hy sinh của đất nước rất nghèo này, ngài kêu gọi sự “giúp đỡ về mặt vật chất ngay lập tức cho Bangladesh”. Theo ngài, điều cần thiết là cộng đồng quốc tế phải có các biện pháp hiệu quả để đối phó với tình trạng ra đi hàng loạt này.

Trước bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng, Tổng thống Bangladesh, ông Abdul Hamid nhấn mạnh đến các phiền toái liên hệ đến việc đón tiếp người tị nạn ở một đất nước đã quá đông dân này. Dân số Bangladesh có khoảng 150 triệu người, đã làm cho Bangladesh là một trong các nước đông dân nhất thế giới. Tổng thống Hamid nói thêm, trách nhiệm chia sẻ của cộng đồng quốc tế là phải giúp cho họ được trở về quê hương một cách an ninh, xứng đáng và lâu dài.

Phong trào hồi giáo dâng cao

Đức Phanxicô cũng nhắc lại vụ tấn công khủng bố hung bạo vào tháng 7 năm 2016 tại Dacca, ở khu vực ngoại giao của thủ đô và vụ này nhóm Hồi giáo ISIS tự nhận mình là người chịu trách nhiệm. Đức Phanxicô quan ngại cho phong trào hồi giáo cực đoan ở Bangladesh đã dâng cao trong những năm gần đây, ngài nhắc lại truyền thống “hài hòa” giữa các tôn giáo ở đất nước đa văn hóa có trên 130 sắc dân thiểu số này.

Truyền thống này có từ ý hướng của các nhà thành lập nước Bangladesh và Đức Giáo hoàng mong muốn hỗ trợ cho ý hướng này. Hồi giáo thuộc giáo phái xu-fi đã đến Bangladesh từ thế kỷ thứ 12. Tuy nhiên sau khi đất nước Bangladesh được độc lập năm 1988, các lực lượng quân sự đã áp đặt hồi giáo là quốc giáo của Bangladesh. Cho đến bây giờ, dưới áp lực của các đảng phái hồi giáo, các ý hướng muốn trở lại với nguyên tắc “hài hòa” này đều bị thất bại.

Cuối cùng, Đức Phanxicô mong, trong tình trạng căng thẳng này, người công giáo vẫn giữ được tự do tôn giáo. Tự do giữ đức tin của mình, tự do làm các công việc từ thiện riêng của mình trong ngành giáo dục và ở các bệnh xá.

Ở Dacca, một trong các thành phố đông dân nhất thế giới với 15 triệu dân, nhưng chỉ có 16 nhà thờ và 44 linh mục.

Marta An Nguyễn dịch