Max Gallo: “Tôi không còn sợ khi khẳng định căn tính kitô hữu của tôi”

266

pelerin.com, Catherine Lalanne, 2017-07-20

Bài đã đăng trên báo Pèlerin số 6786, ngày 20 tháng 12-2012

Max Gallo, sử gia, nhà hàn lâm, ông vừa qua đời ngày 19 tháng 7-2017. Năm 2012, báo Hành hương

(Pèlerin) đã gặp người có niềm đam mê với các nhân vật lớn và Thiên Chúa của cha ông chúng ta. Sở thích Sách Thánh và tình yêu Chúa Kitô của ông làm lây lan.

Pèlerin: Mỗi ngày, ông dậy từ sáng sớm để viết. Tiếng nói thức ông dậy trong sự ấm cúng ban đêm thúc đẩy ông đến bàn viết phát xuất từ đâu?

Max Gallo: Đó là tiếng nói từ trên cao buộc tôi phải thức dậy. Nếu tôi không vâng lời, đầu tôi sẽ đánh trống cho đến khi tôi phải dậy. Tiếng nói này nói với tôi: “Đi, đi, đi.” Nó ra lệnh tôi phải đi tới trước. Giống như tiếng nói thúc đẩy Chúa Giêsu trong Người là Chúa để hoàn tựu định mệnh của mình. 

Viết một quyển sách về Chúa Giêsu là viết hay chiêm niệm?

Mọi viết lách là một hình thức chiêm niệm. Nhưng viết về Chúa Giêsu là cực kỳ chiêm niệm. Tôi do dự rất lâu trước khi bắt tay vào viết, tôi phải tìm tông giọng cho đúng ngay câu đầu tiên. Nhịp độ của quyển sách phải được nói lên ngay từ những chữ đầu tiên. Cuối cùng tôi cũng vạch được: “Tôi, Flavius, đại đội trưởng của Rôma, tôi nghe tiếng nói của người mà Philatô, quan tổng trấn vùng Giuđêa gọi là Giêsu Nadarét, vua người Do Thái.”

Tại sao ông muốn mô tả Chúa Giêsu với con mắt của một đại đội trưởng Rôma.

Với chữ “Tôi, Flavius”, tôi ở trong vai một người bình thường. Một đại đội trưởng có nhiệm vụ thi hành một việc mà ông không chọn lựa: ra lệnh cho lính của mình đóng đinh hai tên trộm và người do thái Nadarét ở trên đồi Gôngôta. Flavius ở bên phía những người làm Chúa Giêsu tử đạo. Ông không thù Chúa Giêsu nhưng ông vậng lệnh cấp trên. Ông ở trọng tâm của một sự kiện sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới và chính cuộc đời ông ngoài ý muốn của ông. Đó là nhân chứng lý tưởng, không thiên kiến, người trở lại đầu tiên trước Thập giá.

Ai viết quyển sách này? Sử gia, nhà chú giải Phúc Âm, người tín hữu?

Tôi không phải là sử gia của kitô giáo, tôi không đối chiếu Phúc Âm với các văn bản khác, đó không phải là lãnh vực của tôi. Tôi cũng không làm công việc của nhà khảo cổ vì tôi không đi tìm dấu vết cũng như đi tìm bằng chứng. Tôi cũng không phải là thần học gia, là linh mục. Và tôi cũng không đóng vai ký giả, dù đại đội trưởng Flavius theo lệnh của quan Philatô, đi theo dấu vết Chúa Giêsu để điều tra “mười một người điên và vài phụ nữ” tự cho là môn đệ của Giêsu. Điều làm tôi say mê, đó là tương quan của Chúa Kitô với nhân chứng, với người không biết mình là Chúa. Thật ra tôi viết cuộc đời Chúa Kitô với lòng tin chất phác. Tôi không tự hỏi có thật Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở Cana, có thật làm cho bánh và cá nhân lên gấp bội ở hồ Tibêria hay không. Tôi chấp nhận Mầu nhiệm trong trọn vẹn của nó. 

Nơi Giêsu, người là Chúa, đúng là nhà sử gia nói về thời quá khứ.

Động từ “Était” thuộc thì quá khứ đặt câu chuyện vào thời Giêsu. Với thì quá khứ dùng để kể chuyện này, tôi đưa độc giả vào một thời khác và tôi mang sự khả tín vào câu chuyện của tôi. Động từ “Était” ở thì quá khứ có nghĩa người này thật sự tồn tại, người đó là Chúa. Cũng như trong sách của tôi, Giêsu luôn có người ở chung quanh mình. Tôi cố ý vẽ lên chân dung nhóm. Nó củng cố cho tính hợp pháp của nhân vật dính đến các nhân vật khác trong bối cảnh đó. 

Ông có bao giờ cảm thấy chủ đề này quá sức mình?

Lúc nào tôi cũng thấy. Ngoài ra tôi còn nêu rõ trong quyển sách của tôi câu của nhà văn François Mauriac: “Chắc chắn, viết về cuộc đời Chúa Giêsu thì phải quỳ gối xuống viết, trong cảm nhận không xứng đáng, thậm chí còn làm cho chúng ta rơi bút.” Nhưng tôi cần viết câu chuyện này, để hiểu làm thế nào mà Tin Mừng lại làm cho đức tin vượt thời gian và được loan báo.

Flavius, người trở lại là chính ông?

Là tôi và không phải là tôi. Chữ “trở lại” quá mạnh. Tôi chưa bao giờ là vô thần. Tôi cũng không bị sét đánh – như văn hào Paul Claudel được Chúa của tình yêu đánh động ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi xuất thân từ một gia đình công giáo gốc Ý với một bà ngoại rất mộ đạo, bà dạy cho tôi đọc kinh. Tôi không quên kinh; dù đến tuổi người lớn, khi bầu trời của tôi trống rỗng thì tôi vẫn còn thói quen êm đềm của tuổi thơ, đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng trước khi đi ngủ. Tôi không bao giờ bỏ thói quen này. Năm 1972, năm con gái tôi mất, tôi đau khổ vô cùng và đức tin đã sống lại trong tôi. Đau đớn cùng cực, tôi vào nhà thờ Saint-Sulpice. Ba mươi năm sau, cũng nơi này, một lễ rửa tội đã làm tôi chấn động tận tâm can. Vết thương lại mở ra và “Lời” đã trở về với tôi. Từ ngày đó, tôi cảm thấy mình là tín hữu kitô, là người công giáo.

Tựa đề quyển sách của ông, Giêsu, người là Chúa, ông muốn đưa nhân tính của Giêsu lên hàng đầu…

Tôi muốn chứng tỏ Giêsu là một con người trọn vẹn. Ngài đã đảm trách thân phận làm người đến cùng, đến thập giá, hình phạt dành cho người nô lệ. Ngài xin cha mình giúp đỡ nhưng từ chối nhấp miếng bọt biển rượu pha mộc dược do Flavius mang đến để đỡ đau, bởi vì Ngài muốn chịu đau đến cùng. Giữa than van và can đảm, có một ý chí muốn là người trong tầm cao cả và cái đau đớn của mình. Đó là nét đặc biệt và cái đẹp của kitô giáo.

Giêsu là một con người trọn vẹn nhưng cũng là Chúa trọn vẹn.

Tôi gắn kết vào Giêsu là con người để tiến đến trong việc hiểu sứ điệp của Ngài. Tôi là người, và trong cương vị con người, tôi có thể hiểu con đường của Chúa Giêsu và các nghi ngờ của Ngài. Điều này không lấy đi thiên tính của Ngài! Như Thánh Gioan đã viết, với Giêsu, “lời đã mặc xác phàm”. Đạo công giáo là đạo Nhập thể.

Giêsu phải chết trên Thập giá để cứu nhân loại?

Sự nhập thể của Giêsu mang hết ý nghĩa của nó trong sự Thương Khó của Ngài. Là nhập thể, Thiên Chúa phải chịu đau như tất cả mọi người và cảm nhận đau đớn và lo âu. Đúng, Ngài phải chết trên Thập giá để giết hận thù và cứu nhân loại. Đỉnh cao đức tin kitô là cái chết và Sống Lại, chính vì vậy mà tôi bắt đầu quyển sách của tôi bằng cái chết của Chúa Giêsu. 

Đâu là ý nghĩa của sự sống lại?

Nếu đời sống của Chúa Kitô thật sự chấm dứt ở Thập giá thì tác động thiêng liêng Ngài tạo ra chấm hết với Ngài. Chính ngôi mộ trống và sự Sống Lại của Ngài đã thuyết phục các môn đệ tiếp tục đi rao giảng. Các thiên thần nói với các bà đến thăm mộ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Sự sống lại của Chúa Kitô là bằng chứng cho thiên tính của Ngài. Đấng chiến thắng cái chết làm cho những người tin ở Ngài là những người chiến thắng. Sự Sống Lại của Ngài làm tái sinh lại. 

Cái gì làm đánh động ông nhất trong nhân cách của Chúa Kitô?

Bao nhiêu là chuyện ở khía cạnh con người. Trước hết là các do dự và ý chí của Ngài. Ngài buộc phải tự phạt mình, tự nhủ: “Đi, đi, đi” để đi đến cùng số phận của mình. Và Ngài đã can đảm làm để tuân theo ý của Chúa Cha khi đến thời điểm phải chết. Và sự trút bỏ trần trụi của Ngài: Giêsu là Đấng tối thượng, không muốn tiền tài, không muốn danh vọng, từ chối thực thi quyền lực, không dùng quyền nào khác hơn là Lời, không muốn giữ riêng gì cho mình mà chia sẻ tất cả. Ngài trần trụi trút bỏ để việc đi tới được tốt hơn. Sự tự do của Ngài làm lây lan. Ngài khuấy lên các thành kiến, các truyền thống. Ngài đến với những người bị loại trừ, người bệnh, người tội lỗi. Ngài không đưa ra các con đường đã vạch sẵn. Khi Ngài nói: “Ta là đường”, Ngài mời gọi sống tự do của Ngài. Và cuối cùng là tình huynh đệ của Ngài: tất cả sức mạnh của Ngài là ở tình yêu cho người anh em. Ngài đối xử với người khác như một người ngang hàng, người anh em. Ngài mặc khải cho chúng ta thấy, mọi người mang trong mình tia sáng thần thánh. Lời của Ngài nâng tất cả chúng ta lên. 

Giêsu thành lập tôn giáo của tình yêu?

Đúng, tình yêu là trọng tâm các bài giảng của Giêsu.  Tình yêu là bằng chứng Ngài đã cho ông Flavius và tất cả những ai đi tìm Chúa. Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta tránh được sự phi lý của cuộc đời, tránh được điều không thể hiểu. Đứng trước sự toàn năng của Ngài, cái chết không còn là một giới hạn. Tôi xây dựng đức tin của tôi trên tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu mang ý nghĩa đến cho các tình yêu của chúng ta ở trần thế, vụng về và quá thường bị gãy đổ bởi cuộc sống.

Vào lễ Giáng Sinh, các tín hữu mừng ngày sinh của một em bé. Kitô giáo có phải là đạo của sự sống?

Giáng sinh là sự chiến thắng của sự sống, lời hứa của tình yêu trong sự trần trụi của chuồng bò, ngay giữa mùa đông. Tình yêu làm cho chúng ta sống, làm cho chúng ta vượt lên cái chết và ở trong vĩnh cửu. Tình yêu là phép lạ nhân bản này, làm cho tôi tin ở Chúa. 

Đâu là lời của Chúa Giêsu vang dội nhất trong lòng ông?

“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua.” Những lời của Ngài vượt thời gian vì nó  đi vào điều thiết yếu. Điều đánh động tôi nhất khi đọc Tin Mừng là sự trong sáng và hiện đại của nó.  Đó là những bản văn xuyên lịch sử. Lời của Chúa Kitô luôn sống động một cách phi thường, đó là lời  hiện đại. 

Quyển sách về Chúa Giêsu cũng là cách thể hiện đức tin của ông?

Đó là cách tôi nói lên phần đóng góp của kitô giáo vào nền văn hóa của chúng ta. Tôi không còn sợ phải khẳng định căn tính kitô giáo của mình; tôi còn nghĩ tôi phải làm để căn tính này được kéo dài mãi. Theo tôi, tôn giáo tôn vinh tình yêu này là tôn giáo hoàn tựu nhất. Và cũng là tôn giáo của ý thức. Vì tin là một hành vi của đức tin và của lý lẽ. Tin, không phải là quay lưng với lý lẽ, là nâng cao để hiểu Mầu nhiệm hơn. 

Bây giờ, ông cảm thấy mình là môn đệ của Chúa Giêsu?

Như Flavius, tôi ở trên con đường này. Nhưng có một chút khác biệt, vì cuộc đời tôi là cuộc đời của một nhà văn đơn độc, nhưng tôi là móc xích trong nền văn minh kitô giáo, một nền văn minh mà tôi rất gắn bó. Tôi viết Giêsu, người là Chúa để loan tải các xác tín của tôi cho nhiều người. Tôi vừa tái bản trong một ấn bản mới được minh họa bởi các họa sĩ lớn. Nhờ các danh họa Dürer, Rubens, da Messina, Rembrandt… các giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giêsu được sinh hoạt. Cái nhìn của Chúa Kitô ở trọng tâm của mỗi tác phẩm. Hội họa đóng một vai trò lớn trong sự sáng tạo và thể hiện nền văn minh kitô giáo. Vinh danh này thuộc về các nghệ sĩ. Họ làm sống đức tin. Nếu họ nhắm mắt, nền văn minh của chúng ta ở trong đêm tối.

Marta An Nguyễn dịch