Vị hôn thê

249

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Vị hôn thê

Đúng, Jorge Mario Bergoglio đã hứa hôn. Chúng ta không biết gì nhiều về cô gái trẻ này. Chắc chắn cô ở trong nhóm bạn trẻ và cũng có thể cô có hẹn với ngài vào ngày 21-9-20153 khi ngài ra khỏi nhà để đến chỗ hẹn với họ, nhưng sau đó ngài đi ngang nhà thờ và cảm thấy mình cần đi xưng tội, ở đây ngài đã nhận một  lực siêu nhiên không cưỡng lại được, lực tiếng gọi của Chúa để sống đời sống tu trì.

Nhưng câu chuyện sau khi từ giả người bạn gái để vào chủng viện là một câu chuyện rất hấp dẫn, tôi xin nhường lời cho ngài câu chuyện lạ lùng này:

“Khi còn là chủng sinh, tôi từng bị một cô gái trẻ đẹp lôi cuốn, tôi gặp cô trong đám cưới chú tôi. Tôi kinh ngạc vì nhan sắc và sự minh bạch trong trí thông minh của cô… và, thì, trong một lúc, tôi gạt lý tưởng sang một bên. Suốt một tuần lễ sau đó, khi về chủng viện tôi không tài nào cầu nguyện được, vừa chuẩn bị cầu nguyện, hình ảnh cô ấy ùa về. Tôi phải định thần và nghĩ xem tôi đang làm gì đây. Tôi vẫn còn tự do vì tôi mới là chủng sinh. Tôi có thể đi về và hẹn gặp lại sau. Tôi phải nghĩ lại về lựa chọn của mình. Tôi chọn, hay để mình được chọn con đường tu trì. Thật là bất thường nếu không có những chuyện như thế. Khi những chuyện như vậy xảy ra, chúng ta phải tái khám phá bản thân. Phải nhận ra liệu mình có tái xác nhận lựa chọn của mình hay nói rằng, “Không, những gì tôi đang cảm được thật sự quá đẹp, tôi sợ rằng về sau tôi sẽ không trung thành với lời hứa của mình, tôi sẽ phải bỏ chủng viện thôi.” Khi một chủng sinh nghĩ như thế, tôi giúp anh ra đi trong bình an, để anh có thể thành một kitô hữu tốt thay vì một linh mục xấu.”

Xe buýt

Trời đã tối. Linh mục Bergoglio vừa làm lễ xong trong một giáo xứ. Đoàn rước kết thúc ở phòng thánh nơi cha vào thay áo phụng vụ. Trong khi chung quanh cha mọi người hít thở không khí trong lành buổi tối, sắp hết ngày làm việc, cha nói, “Xin lỗi, cha phải đi đến Mataderos. Các con cho cha biết cha phải đi xe buýt tuyến nào?” Mọi người im lặng. Họ không biết phải trả lời như thế nào, nói tên tuyến xe buýt hay đề nghị chở cha đi.

Một người xông xáo nhất giáo xứ lên tiếng, “cha không cần phải đi xe buýt, con chở cha đi xe của con.”

“Không, cha cám ơn con, cha chỉ hỏi tên tuyến xe buýt nào cha phải đi.” Một người khác nằn nì, con sẽ chở cha đi. Mataderos ở cuối thành phố và đi đến đó bằng xe buýt không phải là chuyện dễ.

Giọng cha Bergoglio có vẻ hơi mạnh hơn một chút: “Cha nói không, cha cám ơn các con. Cứ nói tên tuyến xe cho cha biết.”

Một người thứ ba, một người thứ tư đều đồng thanh: “Cha ơi, chúng con chở cha đi, chúng con không thể để cha đi một mình!”

Lần này thì câu trả lời như một mệnh lệnh: “Các con, cha đã nói không! Cha sẽ đến đó bằng xe buýt!”

Họ chấp nhận dù có hơi bối rối.

Sau khi cám ơn và chào từ giã, cha đi một mình ra bến xe buýt. Một nơi khác đang cần đến cha. Một cô gái trẻ nói: “Cha không bao giờ biết mệt.” Cha xứ nói: “Cha đến và đi lúc nào cũng dùng phương tiện di chuyển công cộng.” Đến lượt thầy phó tế lên tiếng: “Cha Bergoglio là như vậy: ngài nói bằng hành động.”

Xe buýt đến. Bergoglio lên xe. Mataderos đang chờ cha.

“Xin anh chị em đừng sợ”

Khi Chúa Giêsu vào phòng tiệc ly, tất cả mọi cánh cửa đều đóng, Ngài nói với các tông đồ: “Các con đừng sợ.”

Khi thiên thần đánh thức các mục đồng đêm Chúa Giáng sinh, thiên thần nói: “Các con đừng sợ.”

Khi tổng lãnh thiên thần Gabriel gặp Mẹ Maria, trong mầu nhiệm Truyền Tin, ngài trấn an Đức Mẹ: “Xin bà đừng sợ.”

Các lời này, “xin anh chị em đừng sợ”, là những lời mà thánh Gioan-Phaolô II giương cao lên như cờ hiệu trong suốt triều giáo hoàng của mình để chống các kẻ thù của nhân loại.

Còn với Đức Bergoglio ngày nay, chúng ta có một quyết tâm mới, rất khéo léo. Chủ đích vẫn là không sợ, nhưng không phải sợ sức mạnh mà đừng sợ chuyện rất nhẹ; không sợ sắt đá mà sợ bông gòn.

Ngài nói: “Chúng ta đừng sợ lòng tốt, cũng đừng sợ sự dịu dàng.” Ngài muốn nói gì? Chúng ta nên hạ thành trì xuống. Sống bình thản hơn. Đi tìm hài hòa để sống. Ngài đã bắt đầu trước, lúc nào cũng tươi cười, năng động, quảng đại, sẵn sàng.

Và câu “anh chị em đừng sợ” mang một ý nghĩa mới, vẫn tiếp tục vang lên trong Giáo hội.

 

Xúc động

Chúng ta xem lại giây phút không thể nào quên được của chiều 13 tháng 3-2013. Hồng y Tauran, hồng y phụ trách tuyên bố câu nói lịch sử “Chúng ta có Giáo hoàng” (Habemus Papam). Công thức của câu nói này có từ hàng thế kỷ, chỉ thay đổi tên người được chọn mà thôi. Một vài giây phút sau khi hồng y  nói “và tên người đó chọn là Phanxicô” thì trong một sự đồng nhịp hoàn toàn, đoàn tháp tùng tân giáo hoàng và tân giáo hoàng xuất hiện. Chúng ta cùng xem lại cảnh này.

Các bạn còn nhớ chứ? Bergoglio xuất hiện gần như bất động, ngài như tê cứng. Trong một giây, không một cử động nào trên đầu. Cũng không nhấp nháy mắt. Hai tay chắp lại, miệng khép chặt. Rồi ngài cầm máy vi âm: “Anh chị em,” rồi ngài ngừng. Ngài giơ tay trái lên. “Xin chào buổi tối.” Rồi ngài nghỉ.

Nhưng chuyện gì đã xảy ra trong 45 – 50, có thể là 100 giây tê liệt như vậy? Cứ mỗi lần có xúc động mạnh là ngài như bị tê cứng.

Chuyện này cũng đã xảy ra cũng vào một ngày 13, ngày 13 tháng 5 năm 1992. Lúc đó Sứ thần Tòa Thánh là Đức ông Ubaldo Calabresi hẹn gặp giám mục Bergoglio, và khi Bergoglio cảm thấy có một cái gì rất nghiêm túc thì trước khi từ giả, Đức ông cho biết ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Buenos Aires. Còn ngài? “Tôi đứng bất động.”

Và ngài nói thêm: “Chuyện gì xảy đến với tôi bất ngờ, dù tốt dù xấu, tôi luôn bất động như vậy. Phản ứng đầu tiên của tôi là phản ứng tiêu cực.”

Xưng tội

Alfonso quỳ gối ở tòa giải tội. Anh chào vị linh mục nhưng không biết ngài. Buổi xưng tội bắt đầu. Bergoglio hỏi anh: “Con có làm việc bác ái không?” Alfonso trả lời có, nhưng Bergoglio nói tiếp: “Nhưng khi cho, con có chạm đến bàn tay của người nghèo không?” Alfonso không hiểu. “Khi con cho người nghèo, con đưa tận tay họ hay con vứt tiền vào rỗ? – Không, con vứt tiền vào rỗ – Alfonso bối rối – nhưng kìa, không, con không đụng tới họ, con tránh. – Rồi con có nhìn thẳng họ không? – Không.”Cha Bergoglio im lặng. Cha không có gì để nói thêm nhưng Alfonso đã hiểu.

Không, cử chỉ của anh không có gì là xấu, chỉ là hời hợt. Và bỗng chốc, các cử chỉ này trở nên giả tạo, thậm chí anh còn thấy tầm thường và hung dữ.

 

Y phục

 Nhân viên Tòa tổng giám mục gọi điện thoại cho người thợ may. Anh muốn biết giá cho chiếc áo mới của Tổng giám mục. Anh chép giá cả trên số tay và hứa sẽ chuyển cho Đức tổng giám mục biết. Anh không quan tâm đến giá cả.

Anh đến gặp Đức Bergoglio, ngài vừa lên tổng giám mục mấy ngày gần đây, anh chờ đến lượt mình. Thật ra chiếc áo mới không phải là chuyện cấp bách đối với linh mục Dòng Tên, nhưng cũng cần phải nhắc tân Tổng giám mục mặc cho đúng phẩm trật của mình. Chiếc áo này bao nhiêu vậy? Câu hỏi không làm cho anh hứng thú mấy. Đức Bergoglio nói: “Vậy bây giờ là bao nhiêu?” “Bao nhiêu?” cha cao giọng khi nhân viên đưa cho cha tờ giấy. “Bao nhiêu cái áo này? Không bao giờ, không bao giờ cha bỏ ra một số tiền như vậy để may chiếc áo này!”

Sau đó là có những buổi thầm thì nói chuyện lâu dài cốt để thuyết phục ngài, nhưng vô ích. Cuối cùng là ngài nảy sinh một sáng kiến thần sầu: “Nhưng phẩm phục của hồng y  Quarracino đâu rồi?” Hồng y Quarracino chết tháng 2 năm 1998, người ta tìm phẩm phục của ngài còn cất trong tủ nhưng quá rộng cho Đức Bergoglio. Và rồi ngài xin mời các nữ tu đến, các xơ biết việc mình sẽ làm. Họ vui vẻ cắt đo, lên lai, thắt bóp để rồi giám mục Buenos Aires có bộ phẩm phục mới. Chi phí: zéro. Như thế vào cuối tháng, không một ai mà Đức Bergoglio giúp đỡ lại bị nhận tiền ít hơn bình thường.

 

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch