Lời cầu nguyện thinh lặng, một truyền thống ít được biết của kitô giáo

1006

Lời cầu nguyện thinh lặng, một truyền thống ít được biết của kitô giáolavie.fr, Jean-Marie Gueullette, 2017-03-29

Theo Linh mục Jean-Marie Gueullette, thần học gia Dòng Đa Minh, tiến sĩ y khoa, kinh nghiệm lời cầu nguyện thinh lặng của các nhà thần nghiệm kitô giáo là một gia tài ở trong tầm tay của tất cả mọi người. Đó là chủ đề của quyển sách mới nhất của linh mục, Axixi và sự hiện diện (Assise et la présence, nxb Albin Michel).

Hiện nay rất nhiều người cho rằng sự mến chuộng chiêm niệm có gốc rễ trong truyền thống Đông phương. Hinđu giáo với yoga, phật giáo Tây tạng với zen qua tư thế ngồi trong các buổi chiêm niệm; qua các tư thế ngồi họ tìm cách nào thuận tiện nhất để ngồi thiền. Qua các truyền thống này, có phải đây là dấu hiệu của một giai đoạn không thể tránh được cho người Tây phương khi họ tìm cách phát triển cách chiêm niệm này không? Người ta thường trả lời ‘đúng’ vì họ nghĩ rằng kitô giáo không có một truyền thống nào trong lãnh vực này và vì thế không có gì để mang lại.

Nếu các tín hữu kitô ngày nay chiêm niệm trong thinh lặng, đó là nhờ họ được các thầy từ Đông phương đến dạy. Một xác quyết loan truyền rõ ràng như vậy cần xem lại, vì di sản kitô giáo rất phong phú trong lãnh vực cầu nguyện trong thinh lặng, phong phú nhưng phần lớn lại ít đạt tới được, vì từ cuối thế kỷ 17, việc thực hành này đã dần dần bị lãng quên.

Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, dưới nhiều tên gọi khác nhau, các kitô hữu đã thinh lặng ngồi chiêm niệm và lời cầu nguyện của họ thường rất đơn sơ. Chúng ta có thể xem đó là hình thức ngồi cầu nguyện của kitô hữu: cầu nguyện trong quan hệ giữa mình với Chúa mà người tín hữu xem Chúa như một nhân vị và họ cầu nguyện với tên của Ngài. Trong các hình thức cầu nguyện của kitô giáo mà chúng ta nói ở đây có hình thức cầu nguyện thinh lặng, người cầu nguyện chỉ đơn giản đặt mình trước mặt Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Ngài, mà không xin một điều gì đặc biệt.

Một truyền thống kín đáo nhưng rất mạnh

Điều cần thiết là phải làm cho gia sản này đến được tầm tay của mọi người, một di sản to lớn của lời cầu nguyện thinh lặng kitô giáo, trải dài từ thế kỷ thú 3 đến thế kỷ 17. Các tài liệu còn rất nhiều. Tuy nhiên rất nhiều tín hữu thực hành lời cầu nguyện này và không để lại một dấu vết nào, vì hình thức cầu nguyện này quá đơn giản nên cũng không cần phải triển khai thành một tài liệu để giảng dạy, và vì thế về mặt lịch sử không có tài liệu quy chiếu.

Trong nhiều chứng từ có thể có được của hình thức cầu nguyện đơn giản này, một lời cầu nguyện dẫn từ thinh lặng đến thờ lạy, có chứng từ của chân phước Jean-Joseph Lataste, tu sĩ Dòng Đa Minh Pháp ở thế kỷ 19, cha là người rao giảng trong tù. Trong thời trẻ của mình, cha đã bỏ nhiều thì giờ để sốt sắng cầu nguyện, nhưng cha nhận thấy lời cầu nguyện thành mờ nhạt trước sự thinh lặng và trước sự đơn sơ chú tâm vào Chúa: “Tâm hồn tôi không ngừng hướng về Chúa, qua hành vi yêu thương liên tục, hơi mơ hồ, hơi ngấm ngầm nhưng mạnh hơn cả chính tôi. Trong tôi là một lòng thờ lạy Chúa liên lỉ qua hành vi đơn sơ của tâm hồn tôi, luôn giống nhau và luôn mới, không có đoạn bắt đầu, không có đoạn giữa, không có đoạn cuối” (“Các phụ nữ này là chị của tôi…” Đời sống của cha Lataste, tông đồ các nhà tù, Vie du père Lataste, apôtre des prisons Jean-Marie Gueullette, Cerf, 2008).

Một kinh nghiệm như vậy không phải chỉ dành riêng cho các thánh hay các nhà thần nghiệm đặc biệt có được một sự kết hiệp sâu đậm với Chúa. Rất nhiều tín hữu kitô, tu sĩ hoặc giáo dân đã biết con đường đơn giản, con đường cốt yếu đặt lời cầu nguyện của mình trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng. Và chúng ta dựa trên kinh nghiệm của họ nếu chúng ta muốn cầu nguyện như vậy, một kinh nghiệm đòi hỏi sự đơn sơ của nó! Và đó là điều hữu ích!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch