Đức Phanxicô trong buổi gặp các tham dự viên Gặp gỡ Thế giới của các Phòng trào Bình dân ngày 28-10-2014
Aleteia, 2014-10-28
Không đất, di dân, người sống bên lề… Ngày thứ ba 28-10-2014, Đức Phanxicô đã tiếp các thành viên tham dự buổi Gặp gỡ Thế giới của các Phòng trào bình dân. Họ đến đây từ đầu tuần để dự buổi hội thảo do Bộ giáo hoàng Công lý và Hòa bình phối hợp với Bộ giáo hoàng Khoa học Xã hội tổ chức. Nông dân không đất, người buôn thúng bán bưng, các trẻ vị thành niên, những người bị thất nghiệp, những người di dân, những người sống bên lề, những người ở thuê ở những thành phố ổ chuột, những người trẻ sống bấp bênh tạm bợ, bên cạnh họ là các giám mục, các thừa tác viên mục vụ cũng đến để dự hội thảo. Đức Phanxicô đã có một bài diễn văn hùng hồn vừa đầy hy vọng vừa có tính cách tố cáo các hiện trạng xã hội. Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng mẹ đẻ của ngài.
Đất đai, nhà ở và việc làm
Ngài tuyên bố, ở bên cạnh người nghèo, đó là sống tinh thần Phúc Âm chứ không phải theo cộng sản. Đối với giám mục địa phận Rôma, ngài có ba hồ sơ hàng đầu: đất đai, nhà ở và việc làm. Ngoài ra còn phải cấp tốc hành động để làm sống lại nền dân chủ đã bị kẹt vào nhiều yếu tố, để chống nạn đói và chiến tranh, để bảo đảm nhân phẩm cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người sống bên lề. Trung thành với chính mình và với điều mình luôn cam kết bảo vệ, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tình đoàn kết mà ngày nay nó phải đối diện với tác động hủy hoại của thần tài. Không phải vì muốn gần người nghèo, muốn chiến đấu để chống nạn nghèo đói mà làm cho họ trở thành thụ động và vô hại, ngài mạnh mẽ lên tiếng chống các mánh lới đạo đức giả.
“Tình yêu dành cho người nghèo là trọng tâm của Phúc Âm”
Đất đai, mái nhà, việc làm. Đức Phanxicô tự hỏi vì sao mình phải nêu lên các vấn đề này, chính vì có người cho ngài là cộng sản. Họ không hiểu tình yêu cho người nghèo là trọng tâm của Phúc Âm, rằng những quyền thiêng liêng này là trọng tâm giáo điều về xã hội của Giáo hội. Một dọc các bất công đã làm tổn thương thế giới: các nông dân bị bứt ra khỏi ruộng vườn của mình vì chiến tranh, vì tai ương thiên nhiên; hàng triệu người bị đói trong khi các hệ thống kinh tế đầu cơ trên giá cả thực phẩm, họ định giá lương thực giống như đây là một món hàng như bao món hàng khác; những người không có một mái nhà để trú thân trong những thành phố khổng lồ, hiện đại, kênh kiệu và kiêu ngạo, những thành phố có các trung tâm thương mại mọc lên như nấm, nhưng lại để cho một số dân nghèo bị bỏ rơi ở vùng ngoại biên.
Những người này, người ta nói trại ra họ là người “vô gia cư”, ngài chua chát nói; và thường thường kiểu nói trại này là để che giấu tội phạm. Nhưng điều khổ nhất cho người nghèo về mặt vật chất là họ không có việc làm. Hàng triệu người trẻ không có việc làm, họ là nạn nhân của một hệ thống kinh tế đặt lợi nhuận trên con người, khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ để đán ứng nhu cầu tiêu thụ điên cuồng, đôi khi họ còn khơi lên chiến tranh để sống còn.
“Thế giới đã quên Chúa”
Biết bao là đau khổ, biết bao chịu đựng, biết bao hủy hoại khắp nơi. Thế giới đã quên Chúa và con người thành mồ côi. Đức Phanxicô muốn tháp tùng với cuộc đấu tranh của các phong trào bình dân này. Theo ngài, phải xây dựng các hệ thống xã hội có lối thoát xen kẻ, cổ động cho một nền văn hóa của gặp gỡ để chống nạn kỳ thị, để mọi người dân đều có cơ hội được góp phần, để vượt lên sự dựa vào chủ nghĩa gia trưởng trong công nghiệp. Phải can đảm làm nhưng không được cuồng tín, phải có lòng nhiệt thành nhưng không được dùng bạo lực. Tín hữu Kitô có thể dựa trên tinh thần Tám mối Phúc thật. Đức giáo hoàng cho biết ngài đang soạn thảo Tông huấn về Môi sinh. Các mối quan tâm của các phong trào bình dân sẽ được nói đến trong Tông huấn này, ngài đảm bảo.
Và để kết luận, ngài kêu gọi: Sẽ không còn gia đình nào không có mái nhà để ở, sẽ không còn nông dân nào không đất, sẽ không còn công nhân lao động nào bị mất quyền, sẽ không còn mất nhân phẩm vì không có việc làm.
Mục đích của buổi gặp gỡ này là để củng cố mạng lưới các tổ chức bình dân, để cho các phong trào bình dân này và các Giáo hội địa phương hiểu nhau, cổ động cho sự hợp tác chung giữa hai bên. Các giám mục và các thừa tác viên mục vụ dấn thân trong việc hỗ trợ và bảo về nhân quyền. Trong một thế giới toàn cầu hóa bị hằn lên bởi bao nhiêu là kỳ thị và bất công, hồng y Turkson, bộ trưởng Hội đồng giáo hoàng Công lý và Hòa bình giải thích, các người tham dụ buổi hội thảo muốn nghe tiếng nói của những người không có tiếng nói, của hàng triệu người bị loại trừ, bị sống bên lề, đặc biệt các nông dân, các người trẻ, những người di dân, các phụ nữ không kiếm được một việc làm thỏa đáng, không có được căn nhà để ở, và tất cả các nạn nhân của sự vô cảm, của tính ích kỷ của một hệ thống kinh tế và xã hội dành riêng cho những người ưu tú, tất cả những người này họ muốn thế giới biết đến hoàn cảnh của họ. Họ muốn xây dựng một xã hội công chính và sống đoàn kết hơn.
Nguyễn Tùng Lâm dịch