la-croix.com, Christine Legrand, 2005-04-14
Tôi có thành công khi nói cho con cái hiểu những giá trị theo đó tôi sống suốt đời không? Xin các cha mẹ yên tâm: các giá trị thiết yếu, sâu đậm, hướng nội của mình sẽ được trao truyền, không phải qua lời nói nhưng qua cuộc sống.
Tôi có truyền được cho con cháu các xác quyết, những điều tôi tin, những điều làm cho tôi sống không? Rất nhiều cha mẹ, ông bà đôi khi cảm thấy mình không trao truyền gì được, sợi giây nối kết đã bị cắt đứt. Có phải đây là một cảm nhận sai không?
Đương nhiên là các điều kiện trao truyền đã thay đổi, như sử gia Marc Ferro đã giải thích trong quyển sách “Chúng ta trao truyền gì cho con cái chúng ta”, quyển sách ông cùng viết với bác sĩ tâm thần cho trẻ em và trẻ vị thành niên Philippe Jeammet. Ông nhắc lại, “Cách đây không lâu, con cái lặp lại cùng sinh hoạt của cha mẹ. Di sản nghề nghiệp (và các giá trị liên hệ đến) ngày nay hoàn toàn không còn. Thời mà cha là công nhân cộng sản, con công nhân cộng sản, cha trưởng giả công giáo, con trưởng giả công giáo đã không còn.”
Trẻ con chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau
Song song vào đó, từ 40 năm nay, các thể chế, trường học, Quốc gia, Giáo hội đã mất uy tín; đạo đức truyền thống bị xáo trộn. Lương tâm cá nhân bị dân chủ hóa, trẻ con càng ngày càng sớm đòi có ý kiến riêng. Từ những năm 1970, người dân không tham gia vào bất cứ hệ thống nào mà họ không bàn cãi, thương thảo và “tự do chọn lựa”. Nhà xã hội học Olivier Galland kể giai thoại sau minh họa đúng cho trường hợp này: “Khi tôi 10 tuổi, cha tôi đưa cho tôi đọc các tiểu thuyết trong thư viện của ông để giới thiệu các gương mặt lớn trong văn chương. Tôi cũng muốn làm như vậy với đứa con trai 10 tuổi của tôi: một thất bại hoàn toàn. Vì nó muốn chọn sách nào nó muốn đọc!”
Trong lãnh vực này, gia đình không còn đóng vai trò trao truyền duy nhất. Từ còn rất nhỏ, trẻ con đã chịu rất nhiều ảnh hưởng, tứ phía từ trường học, hệ thống truyền thông báo chí, đôi khi các hệ thống này lại chuyển tải những giá trị ngược với các giá trị của gia đình. “Văn hóa truyền thông mà trẻ con giao tiếp mỗi ngày, các chương trình của tuổi trẻ góp một phần vào đó và thường đưa ra những giá trị ngược với nhà trường: cổ động sự thành công phi thường không cần cố gắng, cổ xúy việc phô bày đời sống riêng tư, khuyến khích những việc có tính chốc lát, thỏa mãn chốc lát, bình thường hóa các lối ứng xử lệch lạc, sa đọa, tội ác…”
Ngạn ngữ Ả rập có câu: “Con người giống thời buổi của mình hơn giống cha”. Nhà xã hội học cho giới trẻ Michel Fize đã cho thấy, làm sao trong ba mươi năm, ảnh hưởng của cha mẹ bị giảm trước ảnh hưởng của trào lưu xã hội. Đặc biệt là “nhóm đồng bạn” ở tuổi vị thành niên. Ông giải thích, “Giới trẻ ngày nay có văn hóa riêng, có mã quy chiếu riêng, có mẫu căn tính riêng, có những giá trị dưới một vài hình thức như tự do, tự lập, cá nhân chủ nghĩa nhưng cũng có giá trị của lòng tương trợ. Theo ông, khi ảnh hưởng của loại văn hóa này lớn dần thì ảnh hưởng của cha mẹ bị giảm. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiến trình “thấm nhiễm cha mẹ” không tiến hành, một khi ảnh hưởng của tuổi vị thành niên qua đi thì ảnh hưởng gia đình sẽ trồi lên.”
Bầu khí tin tưởng giúp cho sự trao truyền
Các nền văn hóa khác nhau, các thay đổi lối sống không ngăn cản sự trao truyền. Đó là ý kiến của bà Jeannine Marroncle, trị liệu gia cho các cặp vợ chồng. Bà nói, “chúng ta không ở trong cùng một thuyền với con cái, với cháu chắt nhưng chúng ta vẫn là mốc quy chiếu của chúng.” Ví dụ sự chung thủy của các cặp. Bà nói tiếp, “con cái chúng ta không sống như chúng ta, chúng không đám cưới, không cam kết gắn bó sống suốt đời với nhau như chúng ta đã cam kết. Nhưng lương tâm chúng lúc nào cũng chất vấn: làm sao để có thể sống chung thủy? Chung thủy có thể là một giá trị không?”
Bà nói tiếp, “Những gì chúng ta trao truyền lọt ra khỏi bàn tay chúng ta. Tôi đã thấy có rất nhiều người họ đã làm được công việc này, trao truyền của họ đã được cắm rễ. Những gì được trao truyền không phải ở trong thứ trật cái chúng ta muốn, nhưng trong thứ trật cái chúng ta có, cốt lõi nhân bản sâu đậm của chúng ta. Điều làm trở ngại cho sự trao truyền là nỗi lo, nỗi sợ, sự khước từ của chúng ta, chúng ta cũng truyền đi nỗi lo, nỗi sợ, sự khước từ này.”
Cha mẹ vẫn phải tiếp tục trao truyền các giá trị thiết yếu, sâu đậm, hướng nội, không phải bằng lời mà bằng cuộc sống, đó là ý tưởng mà bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm Philippe Jeammet triển khai. “Những gì chúng ta truyền cho con cái không phải là những gì trong bàn tay chúng ta nắm được nhưng là tinh thần chúng ta. Và tinh thần này trước hết là sự tin tưởng nơi người lớn, nơi thế giới chung quanh mình.”
Ông giải thích, lòng tin tưởng nơi chính mình và nơi người khác, qua cha mẹ chúng, sẽ xây dựng nơi đứa bé khi nó còn nhỏ một cái nhìn mà chúng nhìn về chính nó và về thế giới, cảm nhận “an toàn” mà thế giới chung quanh có cho nó hay không. Ngược lại, đứa bé cảm thấy bất an, thì nó sẽ thiếu tin tưởng vào thế giới bên ngoài, nó sẽ sợ sự thay đổi. Chính bầu khí tin tưởng kết nối được sợi giây trao truyền. Ông Philippe Jeammet giải thích, “nếu trẻ con bất an thì nó sẽ thiếu tự tin, sẽ thấy cần để bám vào các giá trị tê cứng vì khi có một cái gì thay đổi, dịch chuyển thì nó cảm thấy bị đe dọa. Khi bị lo lắng, con người có khuynh hướng trao truyền một cách hoảng sợ tính lễ độ, các giá trị vật chất, một địa vị xã hội, họ nghĩ một khi có được là xong tất cả mọi sự. Vậy, trong chính sự trao truyền là trao truyền một ít cái chết: các xã hội sơ khai mà các tập tục tê cứng bị chết vì cứ trao truyền cùng một chuyện. Cuộc sống là mở ra với các thay đổi. Ông nói rõ thêm, chắc chắn các thay đổi đã quá nhanh trong những năm vừa qua. Các người trẻ có lối sống khác với lối sống của cha mẹ, có văn hóa, có tập tục xã hội khác nên mới có cảm tưởng “mọi thứ bị cuốn trôi hết”.
Khi cho rằng “chẳng còn giá trị gì” thì đó là một ảo tưởng: hình thức thay đổi nhưng nội dung vẫn còn.
Các giá trị được đem ra thực hiện một cách khác nhau
Ông Jeammet nhắc lại, “chúng ta mang trong mình điều thiết yếu mà cha mẹ chúng ta đã trao truyền. Đến lượt mình, chúng ta trao truyền các giá trị của chúng ta và chấp nhận những giá trị này sẽ được đem ra thực hiện một cách khác. Không nên hoảng sợ khi con cái mình xa các giá trị này và không sống theo lối sống của mình. Điều đó không có nghĩa là không có trao truyền. Chìa khóa của sự ngộ nhận giữa các thế hệ ở trong ngịch lý này: người ta có khuynh hướng chống với những người ở gần chúng ta nhất, khuynh hướng này làm gay gắt nơi tuổi vị thành niên.
Ông nhấn mạnh, “người lớn có khi nghĩ những gì mình trao truyền không quan trọng. Họ lầm: họ có vô số điều để trao truyền. Và họ phải bỏ ảo tưởng rằng mọi sự phải được kiểm soát, họ không được bỏ cuộc, họ phải trao truyền hành lý tin tưởng vào người lớn, vào con người, vào khả năng tin vào cái đẹp của cuộc sống và trong sự sáng tạo của nó cho con cái mình…”
Vào thời buổi mà các nỗi sợ và cảm nhận bất an đôi khi thắng thế, thì thông điệp này càng được trao truyền hơn.
Marta An Nguyễn dịch