Đức Phanxicô: Không được lợi dụng người nghèo để vụ lợi

171

vaticaninsider.lastampa.it, 4-12-2014

Đức Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với Liên đoàn các Tổ chức Quốc tế Kitô giáo Phục vụ Tình nguyện. Ngài đã thỉnh cầu các tình nguyện viên hãy giúp đỡ người nghèo trở nên những nhân vật chính của vũ đài thế giới, đồng thời lên án nguy cơ bỏ mặc di dân lao đao trên biển và rơi vào tay những kẻ buôn người.

Trong buổi tiếp kiến ngày 4-12 với Liên đoàn các Tổ chức Quốc tế Kitô giáo Phục vụ Tình nguyện, Đức Phanxicô đã nói, “Không được phép xem người nghèo là công cụ vụ lợi để nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc tình nguyện và sự trao ban nhưng không. Ngài xin họ hành động như những khí cụ giúp người nghèo trở nên vũ đài trung tâm của thế giới.” Giáo hoàng cũng nhân dịp này, lên án nguy cơ người di dân bị bỏ mặc cho biển cả và cho những kẻ buôn người bất chấp đạo lý.

“Cảm ơn quý vị vì công việc quý vị đang làm và cách làm của quý vị!” giáo hoàng mở lời trong buổi tiếp kiến tổ chức tại sảnh Phaolô VI để đánh dấu Ngày Tình nguyện Thế giới. “Công việc quý vị làm để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, chính là một bằng chứng sống động về tình yêu của Chúa Kitô, Đấng cùng đi với con người mọi thời đại. Hãy tiếp tục đi theo con đường tình nguyện quên mình này. Nhân loại đang rất cần chứng tá cho giá trị của sự nhưng không, không được xem người nghèo như công cụ vụ lợi.” Một tràng pháo tay nổ lên tiếp lời ngài. “Các dạng nghèo đói ngày nay đang biến đổi, có nhiều dạng nghèo đói mới và một số người nghèo trông đợi các khác biệt với trước: họ mong mỏi được là nhân vật chính, họ đến với nhau, và quan trọng nhất là họ có tinh thần đoàn kết đặc thù giữa những người đau khổ và người nghèo. Quý vị được kêu gọi để ý đến các dấu chỉ thời đại và trở nên khí cụ để giúp người nghèo tiến tới vị trí trung tâm. Đoàn kết với người nghèo nghĩa là suy nghĩ và hành động như một cộng đồng, đặt các quyền xã hội lên trên chiếm hữu lợi ích và tài sản của số ít người, nghĩa là đấu tranh chống lại các nguyên do mang tính cơ cấu của nạn nghèo đói, chẳng hạn như sự bất bình đẳng, thiếu việc làm, thiếu nhà ở, các quyền làm việc và quyền xã hội bị bác bỏ. Đoàn kết là cách tạo dựng lịch sử cùng với người nghèo, hơn là thể hiện các việc bề ngoài là vị tha nhưng thực sự lại kéo người ta xuống.”

Rồi giáo hoàng nói đến chủ đề chiến tranh: “Trong công việc của các bạn nhắm phát triển các dân tộc, các bạn cũng giúp xây dựng hòa bình, thể hiện sự kiên định và ngoan cường trong các nỗ lực giải phóng tâm trí con người, đưa mọi người đến với nhau và xây cầu nối giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Đức tin giúp các bạn trong việc này, ngay cả ở những nước gay go nhất, nơi bạo lực lan tràn dường như chẳng còn chỗ cho lý lẽ.”

Cuối cùng, Đức Phanxicô dành thời gian suy tư đặc biệt về người di dân và người tị nạn, “những người tìm kiếm một chỗ nương thân an toàn, tránh xa các điều kiện sống khó khăn và các mối nguy hiểm đủ loại. Tất cả mọi người cần cộng tác làm việc chung, các tổ chức, các cơ quan Phi Chính Phủ, các dòng tu nhằm nâng cao các con đường hướng đến sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Các cuộc di dân đang cần đến những giải pháp thỏa đáng để các di dân không còn bị bỏ mặc cho biển khơi và cho những kẻ buôn người bất chấp đạo lý.” Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Cùng lúc đó, cần có sự hợp tác tích cực giữa các Chính phủ để chỉnh đốn và chế ngự hiệu quả hiện tượng này.”

J.B.Thái Hòa dịch