Hài hước, các giai thoại và một giáo hoàng thư thả trong một chiều mưa ở Vatican

732

Hài hước, các giai thoại và một giáo hoàng thư thả trong một chiều mưa ở Vatican

Nữ ký giả Elisabetta Piqué và Đức Phanxicô trong một lần gặp ở Vatican.

lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 7-12-2014

Giáo hoàng Phanxicô nghỉ ngơi và tiếp nhà báo của La Nación tại Nhà trọ thánh Mácta, ngôi nhà của ngài từ khi được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013.

Lịch hẹn của chúng tôi là 4:30 chiều thứ năm, 4 tháng 12, tại nhà trọ thánh Mácta. Trời mưa nặng hạt. Chẳng thấy taxi đâu như mỗi lần trời nổi cơn giông và Roma oằn mình dưới làn mưa.

Gerry (chồng tôi, cùng đi với tôi và hy vọng sẽ là nhiếp ảnh gia cho tôi luôn thể) và tôi cố gắng không nao núng.

Giải pháp duy nhất còn lại là phải tự lái xe, chúng tôi không thể trễ hẹn được. May mắn thay, hôm nay xe cộ không quá nhiều.

Chúng tôi đến Cổng chào Petriano ở Vatican, bên phải hàng cột Bernini. Trời đã chuyển tối. Giữa cơn giông và gió mạnh, tôi mở cửa xe và nói với anh cận vệ Thụy Sỹ đang cầm dù là tôi có hẹn với Đức Thánh Cha.

“Tôi đã định đi taxi, nhưng thời tiết này thật không thể tìm ra chiếc nào,” tôi nói, và ái ngại vì đã đến bằng xe riêng. Anh cận vệ mỉm cười, trong khi đồng đội của anh lo thủ tục kiểm tra.

“Vào đi, ông bà biết đường chứ?” anh hỏi. “Tôi biết.”

Tôi đậu xe ở trước nhà trọ thánh Mácta, dưới bóng kỳ vĩ của mái vòm thánh đường thánh Phêrô đang thắp sáng. Và đậu gần xe tôi là các xe với biển số SCV (Thành quốc Vatican).

Một trong các chiếc xe đó là chiếc Ford Focus màu xanh mà giáo hoàng đang dùng. Lòng tôi xui khiến muốn có một tấm ảnh lịch sử cho chiếc Honda Jazz cũ kỹ của mình nằm cạnh chiếc Ford Focus của giáo hoàng, nhưng trời vẫn đổ mưa, và cũng đã cận giờ rồi. Chúng tôi phải vào vì chỉ còn vài phút nữa là đến giờ hẹn.

Bây giờ là 4:20 chiều, chúng tôi đặt chiếc dù sủng nước của mình vào giá để dù ngay cửa nhà trọ Vatican dành cho các linh mục, và thấy Đức Phanxicô, trong bộ đồ trắng thường ngày (nghĩa là không có đai lưng lụa và mũ trắng) đã đứng chờ ở tầng trệt rồi. Ngài đang tiễn một bà lớn tuổi.

Chúng tôi để áo mưa ở chỗ một cảnh vệ vận đồ màu xanh rất nhã nhặn. Đức Phanxicô tiến đến, mỉm cười và chào hỏi chúng tôi. Ba chúng tôi vào thang máy lên tầng hai. Trước khi vào phòng ngài, có một vệ binh Thụy Sỹ đứng nghiêm và đưa tay chào giáo hoàng. Ba chúng tôi đáp lại kiểu bình thường, “Buonasera.”

Phòng 201 là tổng hành dinh của giáo hoàng, văn phòng chính, nơi trú ẩn của ngài. Chìa khóa nằm sẵn trên ổ. Bước qua cánh cửa, chúng tôi có thể thấy, trên chiếc ghế bọc nhung màu xanh lá hơi xám, là một áo len mỏng màu kem trắng, có lẽ vừa mới được phòng giặt đưa lên. Đây chính xác là phong cách xưa nay của Đức Phanxicô.

Phòng chẳng có gì là sang trọng, tường màu trắng và căn phòng đơn giản, một bức hình thánh Phanxicô, tượng thánh giá, một tượng nhỏ Đức Mẹ Luján, và các tượng Đức Mẹ đặt trên chiếc bàn gỗ không trang trí gì.

Phòng của ngài được chia thành một phòng khách nhỏ, một phòng làm việc, phòng ngủ với chiếc giường lớn bằng gỗ sẩm màu, và phòng tắm. Trước Đức Jorge Bergoglio, phòng 201 đã từng tiếp nhiều vị khách lớn của Vatican.

Đây chính là gian phòng mà Thượng phụ Chính thống Constantinople, Bartholomeo I, từng ở. Với óc hóm hỉnh của mình, sau khi được bầu, Đức Phanxicô nói với thượng phụ rằng: “Tôi xin lỗi vì đã cướp mất phòng của cha rồi.”

Người nghiện làm việc

Như thường lệ, Đức Phanxicô có một buổi sáng làm việc thật hào hứng. Ngài tiếp hồng y Severino Poletto, tổng giám mục danh dự của Torino; rồi đến tổng thống Mozambique, Armando Guebuza; sau đó là sứ thần tòa thánh ở Papua New Guinea và Đảo Solomon; sứ thần tòa thánh ở Brazil; đại sứ Argentina Juan Pablo Cafiero, và Liên hiệp các Tổ chức Tình nguyện viên Kitô giáo. Tinh thần ngài tươi tốt, thanh thản.

Như tôi biết, chắc chắn ngài còn các cuộc hẹn khác nữa sau khi tiếp tôi (ngài đã trở thành người nghiện công việc mất rồi), nên tôi đã hỏi thẳng là tôi có bao nhiêu thời gian với ngài. Lập tức ngài trấn an tôi: có đủ thời gian mà, không phải vội.

Đức Phanxicô có ho một chút, do từ chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, khi ngài phải phải thay đổi nhiệt độ đột ngột: ngoài trời thì lạnh mà vào nhà thì nóng do có máy sưởi công suất lớn.

Trong chuyến công du đó, cũng như các nhà báo khác đi cùng máy bay với giáo hoàng, Gerry và tôi đã được chào hỏi ngài. Hôm thứ ba, dù đứng từ xa, chúng tôi cũng cất tiếng chào ngài tại buổi ký kết lịch sử Tuyên bố Chung của các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác nhau, chống lại nạn nô lệ thời hiện đại tại phòng Casino Pio IV.

Đó là lý do vì sao, dù sắp được phỏng vấn giáo hoàng, tôi không thấy lo lắng bồn chồn. Tôi đã chờ dịp này từ lâu rồi, có lẽ vì vậy mà trời đổ mưa cũng nên.

Tôi đã gặp Jorge Bergoglio hồi tháng 2 năm 2001, tại Roma, khi tôi đại diện tờ La Nación phỏng vấn tổng giám mục Buenos Aires. Ngài ít trả lời phỏng vấn, nhưng đã phá lệ với tôi, vì lần đó ngài sắp được Đức Gioan Phaolô II phong hồng y.

Kể từ đó, đã có quá nhiều chuyện xảy ra, quá nhiều năm trôi qua, quá nhiều lần gặp gỡ. Ngài luôn là cha Jorge, bây giờ là Đức Phanxicô, và tôi, tác giả quyển “Đức Phanxicô, Cuộc đời và Cách mạng” một trong những tiểu sử về vị Giáo hoàng đang thay đổi lịch sử Giáo hội.

Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế bọc nhung xanh trong phòng khách, và Đức Phanxicô bắt đầu kể chuyện, cười và thậm chí còn nói ngài vẫn là cha Jorge ngày xưa.

“Ngay từ đầu, tôi đã bảo mình, “Jorge, đừng thay đổi, thay đổi ở tuổi này là tự ngu muội mình.” ngài nói và mô tả ngắn gọn cách làm giáo hoàng độc nhất vô nhị của mình.

Thời gian trôi nhanh. Buổi phỏng vấn kéo dài khoảng 50 phút. Khi phỏng vấn xong, chúng tôi có giờ để nói chuyện gẫu, và thậm chí là quay một video ngắn bằng điện thoại của tôi, trong đó giáo hoàng hỏi thăm trường Alfaracito (trường trung học được cha Chifri thành lập ở tỉnh Salta, Argentina).

Cầu nguyện cho cha

Khi đến giờ phải về, Đức Phanxicô làm cho chúng tôi ngạc nhiên với một chiếc túi màu trắng. Trong đó là quà cho các con chúng tôi, Juan Pablo và Carolina, “để cho chúng chơi.” Ngài chọn các món đồ này, từ hàng trăm món quà mọi người tặng ngài trong các buổi tiếp kiến và ngài đem đi phân phát hết, y hệt như thời ngài còn là tổng giám mục Buenos Aires.

Khi chúng tôi rời phòng 201, có một vệ binh Thụy Sĩ khác đứng ở sảnh, cũng đứng nghiêm và đưa tay chào.

Giáo hoàng đang chuẩn bị để tiếp một nhóm giáo viên từ Đại học Giáo hoàng Gregory, họ đã chờ sẵn ở tầng trệt, nhưng ngài tiễn chúng tôi ra cửa. Trước khi biến mất sau cánh cửa thang máy, ngài vẫy tay chào chúng tôi với lời quen thuộc, “đừng quên cầu nguyện cho tôi.” Trước đó chúng tôi cũng có đủ giờ để ôm ngài thắm thiết.

J.B.Thái Hòa dịch