lapresse.ca, 20-4-2015
Đức Phanxicô tuyên bố, “Tín hữu Do Thái, tín hữu Kitô cùng có nhiệm vụ góp phần vào việc duy trì ý nghĩa tôn giáo của con người, của xã hội chúng ta, làm chứng cho sự thánh thiện của đời sống nhân loại”.
Ngày thứ hai, phát biểu trước các đại diện các giáo sĩ Do Thái của Âu Châu về dự buổi hội thảo đối thoại giữa tín hữu Kitô và tín hữu Do Thái, một cuộc đối thoại đã được thiết lập từ năm mươi năm nay, Đức Phanxicô lo lắng trước cao trào bài Do Thái đang dâng lên ở Âu Châu.
“Một vài hận thù và bạo lực của phong trào bài Do Thái ở Âu Châu thật đáng lo ngại. Mỗi tín hữu Kitô phải cương quyết lên án mọi hình thức bài Do Thái”, Đức Phanxicô tuyên bố như trên, ngài đã nhiều lần biểu lộ tình bằng hữu của ngài đối với Do Thái giáo và người Do Thái.
Đức Phanxicô đã có buổi tiếp kiến đầu tiên với các giáo sĩ có trách nhiệm trong Hội đồng các giáo sĩ Do Thái Âu Châu (CER) kể từ ngày tổ chức này thành lập vào năm 1956.
Quy chiếu vào tuyên ngôn “Nostra Aetate” về đối thoại tôn giáo của Công đồng Vatican II trong tinh thần tôn trọng các tôn giáo khác nhau, chấm dứt việc chống Do Thái giáo đã có từ bao thế kỷ, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến đối thoại đang tiến hành “một cách hệ thống từ gần nửa thế kỷ nay”.
“Tín hữu Do Thái, tín hữu Kitô cùng có nhiệm vụ góp phần vào việc duy trì ý nghĩa tôn giáo của con người, của xã hội chúng ta, làm chứng cho sự thánh thiện của đời sống nhân loại”, Đức Phanxicô tuyên bố.
Nhân dịp này, Đức Phanxicô vinh danh giáo sĩ Elio Toaff, “con người của hòa bình và của đối thoại” vừa qua đời hôm chúa nhật vừa qua ở Rôma, giáo sĩ đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đưa Do Thái và Kitô giáo lại gần với nhau, năm 1986 giáo sĩ đã tiếp Đức Gioan-Phaolô II trong nguyện đường của mình. Sau chuyến viếng thăm lịch sử này, cả hai đã có một tương giao trong tình bằng hữu.
Giáo sĩ Pinchas Goldshmidt thuộc địa phận Maxcơva, chủ tịch Hội đồng các giáo sĩ Do Thái Âu Châu (CER) đã nhấn mạnh, người Do Thái ở Âu Châu bây giờ là những “nạn nhân truyền đời” của sự tấn công chống Do Thái do phe cực hữu cấp tiến huy động.
Người Do Thái “như người đứng trước đường ray giữa hai đoàn tàu đang phóng hết tốc lực gần nhau mà không biết chiếc xe lửa nào sẽ tông mình trước”, giáo sĩ địa phận Maxcơva nói.
“Các người Do Thái Âu Châu là những nạn nhân truyền đời của sự tấn công này, ví dụ cụ thể nhất là khi bà Marine Le Pen, lãnh đạo nhóm Trận tuyến Quốc gia (Front national) đã chấp nhận việc cấm mang khăn, kể cả khăn kippa ở chỗ công cộng,” giáo sĩ tố cáo.
Hội đồng các giáo sĩ Do Thái Âu Châu là một trong những tiếng nói chính của Do Thái giáo Âu Châu, quy tụ 600 giáo sĩ chính thống trên 40 nước. Thượng giáo sĩ Pháp Haim Korsia cũng có mặt trong phái đoàn.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch