lacroix.,com, Sébastien Rémillard, 14-4-2015
Cho đến bây giờ, Đức Phanxicô được vỗ tay hay bị chỉ trích, dù chỉ trong giới truyền thông, thì nhiều ít những việc này cũng chỉ liên hệ đến nội bộ Giáo hội, đến Giáo triều La Mã. Cải cách Giáo triều và những kháng cự gây ra, thiết lập một cách tiếp cận mới với gia đình thời buổi hiện đại và các kháng cự gay gắt nhất thì cũng chỉ ở trong phạm vi các phản hồi kể cả trên trang blog này. Tranh chấp tín lý và mục vụ trong ly dị và tái hôn là điểm kết tinh, nơi sẽ đóng một vai trò cho tương lai triều giáo hoàng của ngài. Hiếm khi thấy những chuyến tông du dày đặc trong một thời gian ngắn ở phần mở đầu của một Giáo triều.
Nhưng bây giờ ngài ở tầm mức toàn cầu. Sự tố cáo các hình thức bạo lực đối với những người tin vào Chúa và những người bị bách hại khác trở nên thường xuyên và mãnh liệt hơn. Nó là trọng tâm trong các buổi lễ Tam nhật Phục Sinh năm nay. Và hôm nay, Đức giáo hoàng giựt chuông báo động: “Chúng ta đang sống trong một hình thức diệt chủng do sự dửng dưng tập thể và toàn bộ”, ngài tuyên bố như trên khi mở đầu buổi lễ tưởng niệm vụ diệt chủng của người Armênia ngày 12 tháng 4 vừa qua. Ngài nhấn mạnh chữ sự “Dữ To Lớn” phạm vào năm 1915, và đã làm tốn rất nhiều giấy mực cũng như tạo ra cơn bão ngoại giao ở thủ đô Ankara Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài cũng còn cho rằng những tội ác đang xảy ra ở Kenya, Nigeria, Libia, Irak, Syria cũng là tội ác diệt chủng và đã gây nên náo động. Cũng như ngài lặp lại câu “thế chiến thứ ba đang xảy ra từng phần”.
Nói một cách rộng hơn và kể từ cuộc viếng thăm chớp nhoáng đảo Lampedusa, Đức giáo hoàng muốn làm cho chúng ta mở mắt ra để nhìn các thảm kịch bị chìm xuồng trong tiếng động ồn ào của truyền thông mỗi ngày. Cũng như nạn buôn người, chủ đề của cuộc thảo luận quốc tế diễn ra tại Vatican cuối tuần này sẽ có sự hiện diện của Đức giáo hoàng.
Ngài muốn chúng ta đi ra khỏi cái vỏ dửng dưng của việc không còn tin vào cái gì nữa. “Hình như niềm hăng say khi Chiến tranh Thế giới Lần Thứ Hai đã tiêu tán và đã hết,’ ngài đã lo lắng đặt vấn đề này trong phần mở đầu buổi lễ với tín hữu người Armênia. Chắc chắn ngài sẽ tìm câu trả lời cho sự thiếu hăng say này như ngài đã làm ở Nghị Viện Âu Châu và sẽ làm ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York tháng chín sắp tới.
Lúc đó nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài sẽ có tầm mức hoàn vũ, cũng như thông điệp về môi sinh của ngài sẽ công bố vào tháng sáu sắp tới, cùng lúc với hội nghị về khí hậu tổ chức ở Paris.
Người không bao giờ đi nghỉ hè kết luận, “đây không phải là thời gian để chơi”, vào cuối bài giảng chiều chúa nhật Lễ Lòng Thương Xót, ngài nói: “Bây giờ là thời gian cảnh giác và thức tỉnh tâm hồn chúng ta để chúng ta nhìn vào điều thiết yếu.”
Như cái nhìn của linh mục Bernard Ugeux, nhà truyền giáo người Bỉ ở Kivu, Công hòa Dân chủ Congo, khi thấy các vụ hãm hiếp, bắt cóc, chém giết, cha đã mô tả cho chúng ta trong bức thư cuối cùng của mình, “các kho tàng của lòng quảng đại, can đảm, đoàn kết, trắc ẩn và giúp đỡ vật chất được trải rộng”.
Sự trải rộng này là mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến. Đức Phanxicô không chỉ muốn nhún vai nhưng muốn xăng tay áo. Ngài muốn chúng ta cũng làm thế, cho dù có mặc áo chùng thâm hay không. Ngài dùng Năm Thánh này để huy động toàn Giáo hội. Hơn bao giờ hết, trong thời chiến này, ngài muốn Giáo hội như “bệnh viện dã chiến”, câu ngài hay nói. Dĩ nhiên ngài không quên Cải cách Giáo hội và Giáo triều La Mã, kỳ họp ‘C9’ (hội đồng cố vấn) đang diễn ra ở Vatican tuần này, nhưng nói lên những dằn vặt của bạo lực, những vực xoáy của sự dửng dưng thì ngài buộc phải còn nói nữa.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch