Hãy là “nô lệ” của tình yêu

379

Người theo Chúa Kitô là nô lệ, nhưng là nô lệ của tình yêu chứ không phải nô lệ của bổn phận cứng ngắc. Đây là lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 06-02, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

Đức Giáo hoàng lấy ý bài giảng từ Thánh vịnh Đáp ca, “một bài ca chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công của Ngài.” “Chúa Cha làm việc để tạo nên kỳ công tạo hóa, và Chúa Con thành tự kỳ công này trong sự tái tạo dựng. Từng có lần một em bé hỏi cha rằng trước khi tạo dựng thì Chúa làm gì. “Chúa yêu thương,” là thế đó.

Mà tại sao Chúa lại tạo dựng thế giới. Đơn giản là để chia sẻ sự viên mãn của Ngài Để có ai đó cùng chia sẻ sự viên mãn với Ngài. Khi tái tạo dựng, Thiên Chúa gởi Con mình đến để chỉnh sửa mọi chuyện, để làm cho cái xấu thành đẹp, sai lầm thành đúng đắn, xấu xa thành tốt lành.

Khi Chúa Giêsu nói: “Cha Ta luôn làm việc. Ta cũng luôn làm việc,” thì các luật sĩ thấy chói tai và muốn giết Ngài. Tại sao? Bởi họ không thể hiểu được một Thiên Chúa trao ban. Họ chỉ hiểu được một Thiên Chúa theo công lý. Họ bảo nhau, “Có các giới răn rồi, nhưng ít quá, ta phải tạo thêm mới được.” Và thay vì mở lòng đón nhận tặng vật Chúa trao, họ lại đi tìm nơi trú ẩn trong những giới răn, họ làm thêm đến hơn 500 giới răn nữa… Họ không biết cách đón nhận ơn Chúa. Để đón nhận thì phải có tự do, mà những người cứng ngắc này sợ tự do Thiên Chúa đem lại cho chúng ta.

Kinh thánh cho chúng ta biết, “Họ muốn giết Chúa Giêsu.” Họ muốn làm thế bởi Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa cha tạo dựng kỳ công vũ trụ như một tặng vật để ban tặng.

Và trước tặng vật lớn lao này, chúng ta chúc tụng Chúa Cha. “Ngài thật quá cao cả, lạy Chúa. Con yêu mến Ngài vì Ngài đã ban cho con tặng vật này. Ngài đã cứu chuộc con, Ngài đã tạo nên con.” Và đây là lời kinh chúc tụng, lời kinh vui mừng, lời kinh cho chúng ta niềm vui của đời sống Kitô hữu. Chứ không phải lời kinh buồn rầu của một người không bao giờ biết cách nhận ơn, sợ sự tự do đi kèm với tặng vật. Một người như thế chỉ biết bổn phận, mà lại là những bổn phận khép kín. Là nô lệ của bổn phận chứ không phải của yêu thương.  Mà khi trở thành nô lệ của yêu thương, chính là tự do! Thật là một mối ràng buộc tuyệt vời, nhưng những người đó họ không hiểu được.

Có hai kỳ công tay Chúa làm nên. Là kỳ công tạo dựng, và kỳ công cứu chuộc, sự tái tạo dựng. Và chúng ta đón nhận ơn mà Chúa ban này như thế nào? Tôi có đón nhận như một tặng vật, tôi có yêu mến tạo vật, chăm lo cho trật tự đã được tạo dựng? Tôi có làm thế vì thấy đó là một tặng vật đã được trao cho tôi không.

Và tôi đón nhận ơn cứu chuộc như thế nào, tôi có đón nhận sự tha thứ mà Chúa đã ban cho tôi khi cho tôi làm con của Ngài. Tôi có đón nhận với yêu thương, trìu mến, và tự do? Hay tôi giấy trong sự khắc nghiệt của những giới răn khép kín, những thứ an toàn hơn, an toàn trong dấu ngoặc kép đấy, một sự an toàn không đem lại niềm vui bởi không cho anh chị em được tự do. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn xem mình cảm nghiệm hai kỳ công này như thế nào: kỳ công tạo dựng và kỳ công cứu chuộc. Nguyện xin Chúa cho chúng ta hiểu điều cao cả này và cho chúng ta hiểu Ngài đã làm gì trước khi tạo thành thế giới. Ngài yêu thương. Chúng ta hãy hiểu tình yêu Ngài dành cho chúng ta, để nói lên được “Lạy Chúa, Chúa cao cả vô cùng! Chúng con tạ ơn Chúa!”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng