la-croix.com Nicolas Senèze (với Giáo hội Á châu), 2016-11-23
Được bầu lên vào tháng 1-2016, tân Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ gặp Đức Giáo hoàng lúc 17 giờ chiều thứ tư 23 tháng 11-2016 tại Vatican. Trong một thông báo của Bộ ngoại giao Việt Nam, chuyến đi này thể theo lời mời của Đức Giáo hoàng.
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo Quốc gia Việt Nam đến Vatican: ngày 11 tháng 12 năm 2009, Đức Bênêđictô XVI đã tiếp Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Một quan sát viên cho biết, “chắc chắn chức Chủ tịch nước là một chức vụ vinh dự, ở trong đảng, quyền hành thực tế ở trong tay Tổng bí thư, cũng vậy với Chính quyền, quyền hành thực tế trong tay Thủ tướng. Tuy vậy từ vài năm nay, các nhân vật này không ngừng đến Vatican.”
Giảm căng thẳng giữa Rôma và Hà Nội
Ngoài Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Vatican năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đến năm 2007, đầu năm 2013 là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; tháng 3 năm 2014 là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đến gặp Đức Phanxicô.
Từ năm 2009, hai bên đã thành lập một “phái đoàn làm việc hai bên Việt Nam-Vatican”, các quan hệ giữa Vatican và Hà Nội đã thật sự giảm căng thẳng qua việc năm 2011, Vatican bổ nhiệm Đức Giám mục Leopoldo Girelli làm “đại diện không thường trú” của Tòa Thánh tại Việt Nam. Hiện nay Đức Giám mục Leopoldo Girelli là sứ thần Tòa Thánh tại Singapour. Quan sát viên của hãng tin Giáo hội Á châu cho biết: “Đức Giám mục đã viếng thăm tất cả các địa phận ở Việt Nam và ngài đi rất thường xuyên. Ngài có một căn hộ ở thành phố Sài Gòn: gần như ngài ở Việt Nam nhiều hơn ở Singapour!”.
Có khả năng thiết lập các quan hệ ngoại giao
Việc bổ nhiệm Đức Giám mục Girelli không giảm nhịp làm việc của phái đoàn Việt Nam-Vatican. Phái đoàn này đã làm việc với nhau từ ngày 24 đến 26 tháng 10 vừa qua ở Vatican, tiếp tục sứ mệnh đầu tiên của họ: thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Vatican và Hà Nội.
Các quan hệ này sẽ có thể được loan báo vào ngày 23 tháng 11 khi Đức Phanxicô gặp Chủ tịch Trần Đại Quang. Quan sát viên hãng tin cho biết: “Từ vài năm nay, Việt Nam luôn tìm cách đi ra khỏi quan hệ gò bó với người láng giềng khổng lồ Trung Hoa bên cạnh. Vì thế mới có việc sát lại gần một cách ngoạn mục với Mỹ và bây giờ với Tòa Thánh.”
Căng thẳng đôi khi rất mạnh với Giáo hội
Tuy nhiên các quan hệ không thể không có đụng chạm với Giáo hội công giáo địa phương, một Giáo hội mạnh với 7 triệu tín hữu, và là thể chế duy nhất tồn tại ngoài đảng cộng sản Việt Nam. Các căng thẳng đôi khi rất mạnh ở trên bình diện địa phương cũng như trên bình diện quốc gia.
Gần đây Hội đồng Giám mục Việt Nam cực lực phản đối “dự luật về tín ngưỡng và tôn giáo” được Quốc hội thông qua tuần vừa qua, Hội đồng Giám mục cho rằng, dự luật này “không phù” với tinh thần dân chủ, sợ rằng Nhà Nước nắm các tôn giáo một cách mạnh hơn. Nhà quan sát cũng cho biết, “đã nhiều lần chính quyền dùng Tòa Thánh để làm giảm sự nhiệt thành hăng say của một vài giám mục”.
Một sứ điệp cho Bắc Kinh
Cựu Đại tướng, cựu bộ trưởng Bộ Công An, Chủ tịch nước hiện nay Trần Đại Quang tỏ ra nghiêm khắc với các đảng viên của chế độ.
Nhìn từ Rôma, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội là một sứ điệp nhằm gởi đến Trung Hoa, nhấn mạnh cho thấy Tòa Thánh có khả năng thiết lập các quan hệ thiện chí với một chế độ cộng sản.
Nhà quan sát nhấn mạnh: “Nếu Trung Hoa và Việt Nam là các đối thủ về mặt chính trị thì cả hai đảng cộng sản đều là “hai đảng anh em,” họ theo sát quan điểm chính trị của mình về tôn giáo đến mức mà người ta có thể tự hỏi, trong chừng mực nào mà Hà Nội có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Rôma trước khi được Bắc Kinh chấp nhận…”
Hình: Chủ tịch Trần Đại Quang trong buổi họp thượng đỉnh APEC ngày 19 tháng 11-2016. / LUKA GONZALES/AFP
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch