lavie.fr, Marie Malzac phỏng vấn ông Andrea Riccardi, 9 tháng 3-2015
Ngoài mọi mong chờ, Đức Phanxicô được xem như một nhà ngoại giao. Đó là điều ông Andrea Riccardi xác nhận, ông Riccardi là nhà sáng lập cộng đoàn Sant’Egidio, nước Ý, cộng đoàn thường được mệnh danh là “ONU của Trastevere” do tên khu phố Rôma nơi cộng đoàn được khai sinh. Ông đi Paris để có nhiều cuộc gặp gỡ và để cổ động quyển sách ông viết về Đức Phanxicô. Cựu bộ trưởng Ý cũng đưa ra lời kêu gọi hòa bình cho vùng Trung Đông để bảo tồn sự hiện diện của Kitô hữu ở vùng này, bảo đảm cho tính đa dạng trong vùng. Từ ngày thành lập cộng đoàn của ông trong những năm 60, tổ chức Công giáo này hoạt động rất tích cực để đấu tranh chống nạn nghèo đói và để có đối thoại liên tôn, đáng kể là đã can thiệp trong nhiều cuộc xung đột trên thế giới, tạo các điều kiện thuận lợi để ký các hiệp ước, các tiến trình kiến tạo hòa bình và sự chuyển tiếp qua chế độ dân chủ.
Tác phẩm của ông có tựa “Hiểu Đức Phanxicô”. Từ khi ngài được bầu chọn đã có rất nhiều sách nói về ngài… Quyển sách của ông có điểm nào đặc biệt?
Đây không phải là một quyển sách nói về lịch sử nhưng là một tác phẩm dám chấp nhận thách đố là cố gắng tìm hiểu con người đến từ vùng ngoại biên của thế giới. Nhưng đích thực người ta nói gì về các vùng ngoại biên? Đây có phải là một nút thắt sống chết của Lịch sử? Ngài đến từ một thành phố lớn của thế giới, thành phố Buenos Aires. Đâu là cuộc đời của ngài, nhãn quan và lúc nào thì Lịch sử của Giáo hội đến với giáo hoàng này? Và tôi cũng nói đến cơn khủng hoảng có trước khi ngài được bầu chọn.
Rất nhiều người đã nói Giáo hội đã chấm dứt nhưng chỉ trong vài tháng, Giáo hội cho thấy sức sống của mình. Đức Phanxicô đã có một tác động khổng lồ, nhất là với dân chúng, họ là đồng minh lớn của ngài. Dân chúng nghe ngài, đến xem ngài, đến nghe ngài ở Rôma cũng như ở Phi Luật Tân.
Đâu là điểm mới chính yếu mà Đức giáo hoàng Phanxicô đem lại?
Các lời Đức Phanxicô đưa ra trước hết mang tính mục vụ. Ngài đề nghị một gương mẫu chủ chăn là người muốn trao đổi với các giám mục, các linh mục. Điều này giải thích vì sao ngài gặp kháng cự nơi những người mà trong sứ vụ của mình, họ đi theo khuôn mẫu có tính chính trị hơn hoặc thuộc về một văn hóa theo lối xưa. Đó là ý tưởng chủ động của ngài. Một vài người nghĩ sự nồng nhiệt của dân chúng sẽ yếu dần, nhưng không đúng như vậy dù cho có những chỉ trích ở một vài môi trường giáo sĩ.
Nhưng có thể nào “hiểu” giáo hoàng, biết được ngài sẽ dẫn, sẽ đưa đi Giáo hội về đâu? Chính ngài có biết điều này không?
Đức giáo hoàng Phaolô VI là khuôn mẫu quy chiếu của Đức Phanxicô. Đó là nhà cải cách, ngài đã vun trồng một dự án. Đức Phanxicô cũng vậy, dù cho dự án của ngài chưa định hình rõ ràng. Tuy nhiên ngài đã có một loạt chủ đề và muốn đưa ra các tiến trình. Ngài là giáo hoàng ở một tuổi đã lớn, vì thế ngài đưa ra nhiều công trường: cải cách Giáo triều, tái tổ chức gia đình, vv…
Trong quyển sách của tôi, tôi mô tả một đoạn: cơn khủng hoảng của Giáo hội, người đến từ xa, tác động đầu tiên. Triều Giáo hoàng Phanxicô đã mở, triều này to lớn nhưng đang còn xây dựng. Chúng ta đang chứng kiến một tiến trình tái sinh. Trong chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, ngài đã trở nên một trong những lãnh đạo thiêng liêng lớn của thời đại chúng ta. Đó là chỉ dẫn không những để thấy đặc sủng lớn lao của ngài nhưng cũng cho thấy nhu cầu có một lãnh đạo thiêng liêng ở cấp toàn cầu.
Có rất nhiều khía cạnh khác thêm vào. Đức Phanxicô đã trở nên vĩ đại khi ngài thực thi một nền văn hóa của gặp gỡ ngay từ buổi đầu triều giáo hoàng của mình, những gặp gỡ ở trong những lãnh vực mà người ta không mong chờ. Đó là những lãnh vực chính trị-ngoại giao.
Chẳng hạn?
Điều này đặc biệt được thấy trong ba thời điểm: buổi canh thức cầu nguyện cho Syria, đã đẩy xa được một viễn cảnh can thiệp quân đội, buổi cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức ở Vườn Vatican với Tổng thống Shimon Peres và Tổng thống Mahmoud Abbas, và vừa đây ngài đóng vai trung gian để có được sự xáp lại gần nhau giữa nước Mỹ và Cuba. Đây là một giáo hoàng cao lớn của hòa bình.
Có thể nói đây là sự trở lại của Tòa Thánh trên diễn đàn ngoại giao quốc tế không?
Đương nhiên, từ một vài năm nay, ngoại giao đoàn của Tòa Thánh không còn đóng một vai trò quan trọng. Đức Phanxicô là người của tình nhân đạo bao la, và ngài biết chiến tranh là mẹ của tất cả mọi bất hạnh, mọi sự nghèo khổ. Ngài để tất cả sức lực của mình để mưu cầu hòa bình. Ngài hiểu tất cả giá trị có thể có trong các cuộc gặp gỡ ở cương vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Ngài làm mới lại sự cam kết của các giáo hoàng và của Vatican để mưu cầu hòa bình cho thế giới.
Ngài cũng biết có chung quanh mình những người có khả năng…
Người ta ‘nợ’ ngài rất nhiều về những sáng kiến cá nhân của mình, sự hiện diện của một nhà ngoại giao tinh tế như hồng y Parolin trong chức vụ Quốc vụ khanh chắc chắn là một hỗ trợ rất lớn cho giáo hoàng. Chúng ta đừng quên hồng y Parolin là nghệ nhân rất quan trọng trong nền chính trị Á châu của Vatican. Đức giáo hoàng cũng biết khả năng đối thoại cao của hồng y Parolin.
Người ta thường nói tổ chức Sant’Egidio cũng có một đường lối chính trị đi song song với đường lối chính trị của Vatican. Trong quá khứ, tổ chức của ông có lấp khoảng trống ngoại giao mà Tòa Thánh để lại không?
Tôi không nghĩ như vậy vì chúng tôi không có cùng lãnh vực hoạt động. Chúng tôi chỉ dùng một vài kênh giống nhau. Chúng tôi quyết tâm làm sao giải quyết các xung đột, làm sao để thành công khi chuyển tiếp qua chế độ dân chủ. Chẳng hạn như bây giờ, chúng tôi đang hoạt động ở Trung Phi, nhất là trên khía cạnh đối thoại liên tôn. Thế giới đã thay đổi nhiều. Ngày nay thế giới rất phức tạp, thế giới không có cùng một ông chủ. Phải để các chủ chốt của tổ chức nhà nước và các chủ chốt không thuộc tổ chức nhà nước chung với nhau. Các chủ chốt có thể gây chiến tranh thì rất nhiều nhưng cũng có nhiều chủ chốt ở các tổ chức khác nhau cùng làm việc cho hòa bình. Đó là trách vụ trong cương vị tín hữu Kitô hữu của chúng tôi.
Cách đây vài tháng, ông đã kêu gọi tổ chức Alep để có một hành lang nhân đạo và thiết lập một lực lượng can thiệp của ONU. Bây giờ công việc đã đi đến đâu?
Chúng tôi chứng kiến một cuộc thảm sát. Có thể nào không một ai làm gì sao? Ý tưởng là ít nhất khử trừ một nơi chốn của điều man rợ. Lời kêu gọi này cũng có người tham gia nhưng cũng là lời kêu gọi vào hư không. Tuy nhiên gần đây lời kêu gọi này được người trung gian của Liên Hiệp Quốc ở Thụy Điển, ông Staffan de Mistura tiếp sức. Ông đã nói chuyện với Tổng thống Bashar al Assad, ông này quyết định ngưng các can thiệp quân sự trong vòng 6 tuần.
Vậy phải nói chuyện với cả tổng thống Assad?
Ông chiếm 40 đến 45% lãnh thổ Syria. Tất cả các vai trò đã thay đổi. Phương Tây chiến đấu chống người đứng đầu cộng đoàn Hồi giáo và đã cắt đứt mọi liên hệ với tổng thống Assad, ông này thì lại chiến đấu chống những người Hồi giáo chủ trương thánh chiến (djihadistes). Và đã tạo các đồng minh cơ hội. Chúng tôi ở trong tình trạng phải đi trở về 0 trên các địa vị của chúng tôi, vì đó là một nước đang chết, các Kitô hữu ở nước này đang biến mất dần dần.
Người ta nói nhiều đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông nhưng họ không phải là những nạn nhân duy nhất…
Hiện nay chúng ta đang chứng kiến cuộc xung đột giữa các nước Hồi giáo với nhau, trong bối cảnh này, người Kitô hữu bị kéo theo: trước hết là xung đột giữa người Chiite và Sunnite, nhưng cũng có xung đột giữa người Sunnite với nhau. Và đó là vấn đề. Không kể đến các cuộc bách hại tín hữu Kitô, họ là những người tượng trưng cho Phương Tây, có thể đây là con tin hợp pháp của các thủ lãnh Hồi giáo. Tín hữu Kitô không phải là mục tiêu đầu tiên, đúng như vậy. Nhưng họ bị lôi cuốn vào cuộc xung đột và thường là nạn nhân của một ván bài vượt quá sức họ, còn những người yézidis nữa, vì chế độ toàn trị Hồi giáo không dung thứ các cộng đồng thiểu số. Cuối tháng tư, chúng tôi sẽ có một buổi gặp gỡ với các Bộ trưởng ngoại giao, các Thượng phụ để bàn những gì có thể làm. Phương Tây không thể đảm bảo về mặt quân sự cho tín hữu Kitô nhưng họ phải làm việc để có được sự ổn định trong vùng, có nghĩa là có được an toàn.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề tín hữu Kitô ở Trung Đông. Nhưng phải làm gì cụ thể để giúp đỡ cộng đồng này?
Phải làm việc về vấn đề Liban, họ có vấn đề, họ không bầu được tổng thống của mình, họ phải đón tiếp rất nhiều người tị nạn. Phải làm việc về vấn đề Kurdistan, họ cũng đón rất nhiều người tị nạn. Phải quan tâm đến sự cởi mở của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tín hữu Kitô. Nước này, lần đầu tiên kể từ năm 1918, đã cho phép xây một nhà thờ cho người Syria Chính thống. Cũng phải làm cho thế giới Ả rập hiểu rằng tín hữu Kitô rất quý giá vì họ đảm bảo cho tính đa dạng và thăng bằng trong khu vực.
Ông có tìm được những người đối thoại Hồi giáo chia sẻ quan điểm với ông không?
Đã có một ý thức tăng dần về vấn đề này trong thế giới Ả rập. Thế giới Ả rập đang sống trong một suy tư chưa từng có từ trước đến nay, một cuộc đấu tranh khủng khiếp do cái chết và do bạo lực tạo ra. Còn về ý thức của người Phương Tây thì có thể nói người Âu châu mất định hướng. Và tất cả chúng ta không có cùng một mức độ nhạy cảm. Rất nhiều nước còn chưa hiểu vùng Địa Trung Hải đã trở nên biên giới bi thảm cho an ninh và hòa bình thế giới.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch