Âu Châu đón nhận “uy quyền đạo đức của Đức Phanxicô”

467

cath.ch, 2016-05-06

Trao giải Charlermange

Đứng trước cơn khủng hoảng của tình đoàn kết mà Âu Châu đang trải qua, chỉ duy nhất uy quyền đạo đức của Đức Phanxicô mới có thể cho phép nhắc lại lý tưởng của các tổ phụ sáng lập Liên hiệp Âu Châu (UE), hiểu được “cái gì kết hiệp chúng ta và cái gì làm chúng ta chia rẽ”. Về căn bản, đó là những gì mà ba nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu, ông thị trưởng thành phố Aix-la-Chapelle (Đức) và Chủ tịch Giải Charlemagne đã giải thích vào ngày 6 tháng 5 khi họ trao giải thưởng này cho Đức Phanxicô.

“Ngài là tiếng nói lương tâm thúc đẩy chúng tôi đặt con người vào trọng tâm các hành động của chúng tôi. Ngài là uy quyền đạo đức ngoại hạng”, nhắc cho Âu Châu có bổn phận phải xây dựng trên các lý tưởng của các nhà sáng lập mình: qua những lời này, ông Jürgen Linden, chủ tịch Giải Charlemagne, đã trao giải cao quý này cho Đức Phanxicô ở Phòng khánh tiết Hoàng gia của Dinh Tông Tòa. Đây là lần đầu tiên Giải này không được trao ở thành phố Aix-la-Chapelle của nước Đức.

Buổi lễ trao giải cao quý này của Âu Châu được diễn ra trong căn phòng Hoàng gia sang trọng, nơi bình thường Đức Giáo hoàng nhận lời chúc của các nhà ngoại giao vào dịp đầu năm, giải này rất hiếm khi trao cho người không phải là người Âu Châu. Phòng này là nơi tiếp các lãnh đạo Quốc gia và chính quyền Âu Châu, trong số này có nữ thủ tướng Angela Merkel, người đã nhận Giải này năm 2008, và thủ tướng Ý Matteo Renzi. Các bộ trưởng Âu Châu và rất nhiều đại sứ của Âu Châu hiện diện trong buổi trao giải này.

Mở đầu buổi lễ, ông Marcel Philipp, thị trưởng thành phố Aix-la-Chapelle (Đức) nhắc lại Giải quốc tế Charlemagne được trao từ ngày thành lập Giải năm 1949 để cổ động cho việc thống nhất Âu Châu. Ông cũng nhanh chóng nhắc lại việc tái khám phá và củng cố các giá trị kitô giáo, tố cáo chủ nghĩa tiêu thụ tệ hại, thậm chí đưa đến việc hủy hoại lục địa.

Đức Phanxicô ở Nghị viện Âu Châu 20141125

Một thử nghiệm cho đơn vị hiệp nhất Âu Châu

Ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện Âu Châu tuyên bố, ngày nay, Âu Châu đang đi qua thời buổi sóng gió và đối diện với một thử nghiệm có tính quyết định cho đơn vị hiệp nhất của mình, Âu Châu cần những người kéo mình ra khỏi tình trạng vô cảm. Và đúng là Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thành công làm được, ông lượng định “nhấn mạnh đến những điểm làm chúng ta kết hiệp chứ không phải những điểm làm chia rẽ”. Ông lấy làm tiếc, vì ngày nay Âu Châu có nguy cơ phí phạm di sản của mình, phản xạ là co cụm vào căn tính của mình, tái quốc gia hóa, theo chủ nghĩa quyền lực đặc biệt cho quốc gia mình, đã làm cho chúng ta “người này xa người kia”.

Ông nhấn mạnh, cơn khủng hoảng của người tị nạn là một thách thức có tính quyết định, từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, chưa bao giờ chúng ta thấy một số lượng lớn người phải chạy trốn vì bạo lực và sự hãi hùng như thế trên thế giới. Ông cảnh báo, nếu sự sợ hãi là điều có thể hiểu được thì về mặt chính trị, sợ hãi không giải quyết được gì, ông không ngại ngùng tấn công chủ nghĩa dân túy. Về phần mình, ông Martin Schulz, chủ tịch Nghị viện Âu Châu, đã lên án mãnh liệt thỏa hiệp gần đây về người di dân giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ, ông không thể tin “những người bỏ trốn bạo lực khủng khiếp của lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng hay bom đạn của chế độ Assad ở Syria lại bị chận đứng bằng những bức tường và hàng rào kẽm gai”.

Cơn khủng hoảng của tình đoàn kết

Âu Châu đang đứng trước cơn khủng hoảng của tình đoàn kết, ông Martin Schulz ca ngợi hành vi của Đức Phanxicô, khi trong chuyến đi đảo Lesbos tháng tư vừa qua, ngài đã đem về Vatican ba gia đình tị nạn người Syria. Ngài “cho từng người chúng ta thấy – đặc biệt các nhà lãnh đạo các quốc gia từ chối nhận người tị nạn hồi giáo” trong một nước kitô giáo, thế nào là tình người, ông phê phán. Ở  Slovaqui và ở Hung là những nước mà các nhà lãnh đạo chính quyền từ chối nhận người tị nạn hồi giáo.

“Khi ngài nhận mười hai người tị nạn – so với số dân của Vatican thì nhiều hơn bất cứ quốc gia thành viên nào – Ông chủ tịch Ủy ban Âu Châu Jean-Claude Juncker nói, ngài đã lấp đầy can đảm cho tâm hồn chúng tôi”. Ông nói tiếp, “Ngài nhắc cho chúng tôi nhớ, thiên hướng của Âu Châu luôn đảm bảo hòa bình cho châu lục của chúng ta và cả ở bên ngoài. Dù sao, các bất hạnh của thế giới cũng bao gồm cả chúng tôi. Một thế giới ổn định hơn có nghĩa một Âu Châu mạnh hơn”.

Còn về phần ông Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Donald Tusk, ông cam kết mình sẽ có quan điểm của Đức Phanxicô khi ngài nhìn về Giáo hội, “một bệnh viện ở làng quê thì tốt hơn là một văn phòng hối đoái”, và ông nói với Đức Giáo hoàng: “Chúng tôi có thể tự hào về Âu Châu”, vì Âu Châu vẫn còn giống ngài. “Nếu Âu Châu không còn giống ngài, ông nói, thì Âu Châu chỉ là một chữ thuần túy địa dư, còn về mặt chính trị thì rỗng tuếch”. Các bài diễn văn được giới thiệu và được kết thúc bằng tiếng hát của một ca đoàn trẻ con của Nhà thờ Chính tòa  Aix-la-Chapelle, các em hát bài diễm ca của thế kỷ 12.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch