Vì sao Đức Phanxicô cầu nguyện trước máng cỏ Chúa Giêsu nằm trên khăn keffieh, biểu tượng của Palestina
la-croix.com, Mikael Corre, đặc phái viên thường trực tại Rôma, 2024-12-09
Ngày thứ bảy 7 tháng 12, Đức Phanxicô khánh thành máng cỏ tại Vatican, trước khi ngài đến, một thành viên của phái đoàn Palestina đã đặt tấm khăn keffieh màu đen và trắng, biểu tượng của người Palestina.
Máng cỏ năm nay được các nghệ sĩ Palestina gốc Bêlem làm tặng. ANDREAS SOLARO / AFP
Đây không phải là lần đầu tiên Lễ Giáng sinh nối kết Chúa Giêsu ra đời với các trẻ em nạn nhân của chiến tranh hoặc di cư. Nhưng ngày thứ bảy 7 tháng 12, hình ảnh Đức Phanxicô ngồi xe lăn trước máng cỏ Chúa Giêsu nằm trên chiếc khăn keffiyeh – chiếc khăn đen trắng dùng che đầu đã trở thành biểu tượng đấu tranh của người Palestina – đã tạo nhiều phản ứng ngược nhau trên mạng xã hội.
Tối thứ bảy 7 tháng 12, vài giờ trước lễ khánh thành máng cỏ truyền thống, cây thông cao 29 mét được dựng lên ở Quảng trường Thánh Phêrô, với cảnh Chúa giáng sinh lấy cảm hứng từ những ngôi nhà của ngư dân Ý, một tác phẩm bằng gỗ cao khoảng 3 mét, có đế hình tròn của các nghệ sĩ Palestina Johny Andonia và Faten Nastas Mitwasi đến từ Bêlem làm.
Ban đầu không có khăn keffiyeh
Đức Phanxicô lên tiếng trước các phái đoàn Ý và Palestina: “Chúng ta ngắm nhìn các máng cỏ Bêlem được dựng trên đất Chúa Giêsu sinh ra. Anh chị em thân mến, chiến tranh, bạo lực đã nhiều quá rồi! Anh chị em đã biết, đầu tư sinh lợi nhất là sản xuất vũ khí, lợi nhuận từ việc giết người… Nhưng làm sao điều này lại có thể xảy ra? Chiến tranh như thế là đủ rồi!”
Ban đầu, máng cỏ không có khăn keffieh như trong các bức hình đầu tiên chụp tại Hội trường Phaolô VI ngày thứ bảy. Chiếc khăn đen trắng được một thành viên của phái đoàn Palestina đặt lên trước khi Đức Phanxicô đến.
Trong một tuyên bố bằng tiếng Ả Rập, Tổ chức Giải phóng Palestina (PLO) cho biết, máng cỏ được Đại sứ quán Palestina tại Tòa Thánh, một số cơ sở kitô giáo ở Bê lem như Trung tâm Piccirillo của Quỹ Gioan-Phaolô II giúp đỡ người khuyết tật, Tổ chức Giải phóng Palestina (PLO) tài trợ để làm.
Chủ tịch Ủy ban, Tiến sĩ Ramzi Khoury cùng với phái đoàn có mặt tại Vatican trong lễ khánh thành máng cỏ. Theo thông cáo báo chí của Tổ chức Giải phóng Palestina, ông đã chuyển đến Đức Phanxicô lời chào mừng của Tổng thống Chính quyền Palestina Mahmoud Abbas, “hoan nghênh nỗ lực của Đức Phanxicô nhằm chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza và việc ngài tiếp tục ủng hộ người dân Palestina và chính nghĩa của họ”.
Hiệp định Giáng sinh
Khi triều Đức Phanxicô bắt đầu, từ năm 2015 Vatican chính thức công nhận nhà nước Palestina. Kể từ thỏa thuận được ký năm 2000, Tòa Thánh duy trì quan hệ song phương với Tổ chức Giải phóng Palestina. Từ ngày 7 tháng 10 năm 2023 khi cuộc tấn công Hamas xảy ra, Đức Phanxicô luôn cố gắng duy trì quan điểm cân bằng, lên án các vụ đánh bom ở Gaza và Lebanon, đồng thời kêu gọi thả ngay lập tức các con tin Israel, ngài đã gặp thân nhân của họ nhiều lần.
Trong quyển sách phỏng vấn phát hành ở Ý, Tây Ban Nha và Châu Mỹ Latinh ngày 19 tháng 11, lần đầu tiên ngài cáo buộc tội diệt chủng liên quan đến các hoạt động của Israel ở Gaza, ngài cho rằng “cần nghiên cứu vấn đề này một cách cẩn thận để xác định xem tình huống có phù hợp với định nghĩa kỹ thuật do các luật gia và tổ chức quốc tế đưa ra hay không”.
Ngày chúa nhật 8 tháng 12, trong giờ Kinh Truyền Tin ngài đưa ra lời kêu gọi “các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế ra lệnh ngừng bắn trên tất cả các mặt trận chiến tranh để người dân có thể mừng lễ Giáng sinh”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Hình ảnh máng cỏ năm nay tại Vatican.