Hồng y Jean-Paul Vesco: “Có một trước và một sau Giáo hoàng Phanxicô”

93

Hồng y Jean-Paul Vesco: “Có một trước và một sau Giáo hoàng Phanxicô”

cath.ch, I.Media, 2024-12-08

Hồng y Jean-Paul Vesco khi còn là Giám mục giáo phận Oran trước chân dung của Chân phước Pierre Claverie | © Bernard Hallet

Tổng giám mục Pháp Jean-Paul Vesco, 62 tuổi, người theo đường lối của Giáo hoàng Phanxicô, được phong hồng y trong Công nghị ngày 8 tháng 12 năm 2024. Là cựu luật sư, ngài vào Dòng Đa Minh khi 33 tuổi. Ngài giải thích ngài nhận chức hồng y “với tư cách là người công dân Algeria”.

Trả lời phỏng vấn của Hãng tin I.Media, ngài cho biết ngài bị sốc khi nghe tin vì như thế ngài có trách nhiệm bầu chọn giáo hoàng tương lai. Ngài phân tích các lý do có thể thúc đẩy Đức Phanxicô chọn ngài, một mục tử đứng đầu một Giáo hội nhỏ ở vùng đất hồi giáo. Trong thâm tâm, ngài không giấu sự ngưỡng mộ của mình với giáo hoàng Argentina, người mong muốn cải cách quản lý Giáo hội bằng cách thúc đẩy vai trò của giáo dân và phụ nữ.

Cha phản ứng như thế nào khi biết quyết định của Đức Phanxicô phong cha làm hồng y?

Hồng y Jean-Paul Vesco: Tôi sẽ không độc đáo cho lắm khi tôi nói tôi hoàn toàn bất ngờ, nhưng đó là cú sốc của tôi. Tôi nghe tin khi tôi đang lái xe đi làm lễ. Một nhà báo Vatican News gọi điện thoại hỏi phản ứng của tôi… Ông nói Giáo hoàng vừa đọc tên tôi trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 8 tháng 12.

Tôi có cảm giác có điều gì đó rất sâu đậm đang nhói lên trong lòng, một đổi mới, một cảm giác mình là một sáng tạo mới. Khi tôi gọi điện thoại báo tin cho người mẹ thân yêu của tôi, bà nói: “Mẹ cũng có cảm xúc giống như khi con vào chủng viện”. Khi đó tôi hiểu từ ngữ “phong hồng y” có vẻ đã lỗi thời, thực ra không phải vậy. Tôi có cơ hội để làm điều gì đó mới mẻ. Tôi không muốn bỏ lỡ.

Cha đã được Chính quyền Algeria chúc mừng?

Tôi đã được Tổng thống Cộng hòa tiếp, đó là dấu chỉ của một sự công nhận lớn lao. Dĩ nhiên phải mất thời gian để mọi người nhận thức được ý nghĩa của việc đề cử này và đó là điều bình thường: Rôma không phải là trung tâm của thế giới. Đây cũng chính là ý nghĩa việc tôi được đề cử! Có một nhận thức sâu sắc nơi Đức Phanxicô rằng Rôma không được là cái rốn của vũ trụ.

Nhưng bây giờ mọi thứ đã trở nên lớn hơn. Hồng y đoàn Algeria muốn nhắc đến hình ảnh của Hồng y Léon-Etienne Duval (1903-1996). Điều này đánh thức điều gì đó trong ký ức tập thể của người dân Algeria.

Tổng thống Cộng hòa Abdelmadjid Tebboune đã lên kế hoạch đi thăm Đức Phanxicô tháng 11 năm 2023. Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đã làm gián đoạn mọi việc và kế hoạch đã bị hủy bỏ. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội lại.

Cha cảm thấy cha là Tổng giám mục Algeria, là người Pháp hay người Địa Trung Hải?

Algeria! Tôi sinh ra là người Pháp nhưng với tư cách là người Algeria, tôi nhận chức hồng y này. Tôi được biết Đức Phanxicô đã nói: “Bây giờ chúng ta phải có một Hồng y người Algeria.” Đó là cách nên được giải thích, không chỉ là lời nói: Tôi có quốc tịch Algeria. Điều này rất quan trọng vì chức hồng y này là một vinh dự cho nhiều người dân Algeria.

“Người ta kể cho tôi nghe Đức Phanxicô đã nói: ‘Bây giờ chúng ta có một hồng y người Algeria’.”

Cha nghĩ gì khi một ngày nào đó cha dự mật nghị?

Tin này tạo một phản ứng tê điếng trong lòng tôi. Tất cả chúng ta đều mang hình ảnh các hồng y bước vào Nhà nguyện Sixtine… Có điều gì đó hơi điên rồ khi tôi nghĩ tôi sẽ ở trong nghi thức này.

Nhưng sau cú sốc to lớn – và tích cực – của tin này là câu hỏi “để làm gì” xuất hiện. Câu hỏi này tôi đặt ra vì tôi không biết gì: ngài mong chờ gì ở tôi? Câu hỏi này làm tôi băn khoăn và tôi cũng hỏi Chúa. Tôi còn lâu mới là người giỏi nhất và tôi không thể xem đề cử này như một phần thưởng, đây không phải lúc! Tôi đã bỏ nghề luật sư để vào Dòng Đa Minh như một tập sinh, tôi từ bỏ mọi kế hoạch nghề nghiệp. Và bây giờ tôi gần như bất ngờ thấy mình là bề trên Tỉnh Dòng. Tôi cũng có cảm giác ngạc nhiên như khi tôi được bổ nhiệm làm giám mục Oran, rồi tổng giám mục Alger…

Hôm nay, tôi được tấn phong hồng y trong khi Hội đồng Giám mục chúng tôi chỉ có 10 giám mục và đã có một hồng y… Có phải Đức Phanxicô nghĩ rằng nên có một hồng y thứ hai cho khu vực của chúng tôi không! Chúa mong chờ gì ở tôi trong tất cả những chuyện này?

Trong thánh lễ Tạ ơn, Linh mục Jean-Jacques Pérennès (phải) dâng áo của Chân phước Pierre Claverie cho Giám mục Jean-Paul Vesco. | © Bernard Hallet

Mối quan hệ của cha với Đức Phanxicô như thế nào?

Nếu ông nói mối quan hệ cá nhân thì gần như không có! Trước khi có thông báo, tôi chưa bao giờ gặp trực tiếp ngài. Mối quan hệ của tôi với ngài tóm tắt qua vài cuộc gặp thoáng qua: tôi tham gia Thượng Hội đồng về Gia đình ở Rôma năm 2015; trong buổi tiếp kiến của ngài với Tổng giám mục Alger năm 2017 khi tôi còn làm Giám mục Oran và chúng tôi chuẩn bị phong 19 chân phước Algeria; buổi nhận dây Pallium của tôi – một buổi lễ chúng tôi gần như không nói gì với nhau; một hội nghị Caritas có 300 người tham dự và ở Marseille năm 2023, nơi tôi bắt tay ngài như tất cả các giám mục khác. Và đó là tất cả…!

Vì thế mối quan hệ của tôi với ngài trên hết là thiêng liêng. Tôi chia sẻ dự án ngài làm cho Giáo hội. Đức Gioan-Phaolô II là giáo hoàng thời tuổi trẻ của tôi, Đức Bênêđíctô là người phong tôi làm giám mục và Đức Phanxicô là người ở giai đoạn trưởng thành của tôi.

“Vì vậy, mối quan hệ của tôi với Đức Phanxicô trên hết là thiêng liêng.”

Hướng dẫn mục vụ chính của cha cho giáo phận là gì?

Khi tôi là Giám mục giáo phận Oran, tôi chọn phương châm mà hai nữ tu da trắng đã tự đặt ra trong những năm tháng khó khăn: “Tôi muốn sống và làm cho mọi người cũng muốn sống”. Tôi mong muốn Giáo hội Oran nhỏ bé này “sống và làm cho mọi người cũng muốn sống.”

Khi đến Alger, lòng tôi tràn ngập lời Thánh Gioan: “Lạy Cha, những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai”. Nhiệm vụ của tôi ở đây là chăm sóc mọi người. Đó là dự án mục vụ to lớn để chăm sóc từng người đã được rửa tội, từng người tôi gặp, dù họ là tín hữu kitô hay không. Để áp dụng con đường này, tôi muốn sống một Giáo hội có tính đồng nghị hơn, như thế có sự tham gia của giáo dân nhiều hơn, dù trên thực tế giáo dân là trụ cột của Giáo hội nhưng các linh mục, tu sĩ nam nữ là thành phần chủ yếu của Giáo hội.

Cha có hai phương châm, huy hiệu của cha là gì?

Giống như Chân phước Pierre Claverie, hay Tổng giám mục Henri Teissier, cựu tổng giám mục Alger, tôi không chọn quốc huy vì với tôi nó tượng trưng cho dấu hiệu của sự cao quý. Là giám mục không phải là để bước vào chức vụ cao hơn. Danh hiệu cao quý của tôi là trở thành người anh em và xứng đáng như người anh em. Mặt khác, tôi thích phương châm vì phương châm được chia sẻ và mang lại sự sống.

Cha đề cập đến tính đồng nghị. Cha có đồng ý với những chỉ dẫn của Thượng Hội đồng không?

Tôi đồng ý, Thượng Hội đồng này đã ở với tôi từ lâu rồi. Chúng tôi thấy đã có sự đồng thuận rộng rãi và điều này xác nhận phương pháp cũng như lộ trình đã thực hiện. Chúng tôi đang hướng tới trách nhiệm giải trình cao hơn với giáo dân và tìm sự đồng thuận thay vì có các quyết định độc đoán. Theo tôi, một trong những bài học lớn của Thượng Hội đồng là lên án bất kỳ một khả năng nào để có một công đồng mới theo mô hình Vatican II. Ngày nay, một Thượng Hội đồng chỉ gồm các giám mục sẽ không còn tồn tại nữa.

Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, giáo phận Oran, Algeria tháng 10 năm 2015, trong Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình | © Bernard Hallet

Câu hỏi về vị trí và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội là một trong những chủ đề tranh luận chính. Cha có mong chờ một cái gì mạnh mẽ hơn không?

Tôi không phải là một trong những người mong chờ Thượng Hội đồng đưa ra quyết định quan trọng về một chủ đề cụ thể. Nhưng có một thay đổi văn hóa đã diễn ra, một đột biến, giống như một Công đồng Vatican III.

Tôi ở Rôma để thăm các cơ quan trong chuyến đi ad limina với các giám mục trong vùng của tôi, tôi rất xúc động trước sự hiện diện của phụ nữ ở các chức vụ có trách nhiệm cao (thư ký dưới quyền, thứ trưởng…). Giáo hội sẽ không thể hoạt động được nếu không có sự bổ sung cho nhau giữa nam và nữ.

Cha đã có tiếng nói mạnh trong Thượng Hội đồng về Gia đình năm 2015, đặc biệt trong việc hỗ trợ những người ly dị và tái hôn. Cách giải quyết các chủ đề nhạy cảm trong Giáo hội có thay đổi sau 10 năm triều Đức Phanxicô không?

Tôi nghĩ văn hóa đồng nghị đang lan rộng và Thượng Hội đồng về Gia đình đã đánh dấu một bước ngoặt. Đây là lần đầu tiên các câu hỏi được đặt ra cho các giáo dân đã được rửa tội. Từ đó mọi việc được tiến triển nhanh: bây giờ giáo dân nam cũng như nữ có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng. Chúng ta nhận ra, trong Giáo hội cũng như trên thế giới, chúng ta càng chia sẻ trách nhiệm bao nhiêu thì chúng ta càng thấy có nhiều điều để chia sẻ bấy nhiêu. Theo tôi, rõ ràng là có một trước và một sau “Giáo hoàng Phanxicô”. Chúng ta sẽ không quay trở lại như trước bất kể ai là người kế nhiệm ngài.

Hồng y Angelo Becciu chủ trì lễ phong chân phước cho bàn thờ kabile của các tu sĩ Tibhirine. Tổng giám mục Jean-Paul Vesco đứng thứ 2 từ trái sang | © B. Hallet

Mười chín vị chân phước và tử đạo của Algeria đã được phong chân phước cách đây sáu năm và Đức Phanxicô có thể sớm phong thánh cho họ không?

Đức Phanxicô đã công nhận sự tử đạo của 19 chân phước này. Điều này không hiển nhiên, chẳng hạn Chân phước Charles de Foucauld không được công nhận là tử đạo dù ngài bị giết một cách dã man… Hơn nữa, 19 chân phước bị ám sát trong bối cảnh nội chiến làm cho  200.000 người chết – trong đó có khoảng một trăm giáo sĩ hồi giáo. Họ có chết trong sự căm ghét đức tin không? Điều này không hoàn toàn rõ ràng. Nhưng việc công nhận tử đạo miễn cho họ khỏi cần phép lạ để được phong chân phước.

Để phong thánh, giáo hoàng có thể làm bất cứ điều gì, kể cả việc miễn cho họ một lần nữa khỏi nhu cầu về một phép lạ được công nhận. Nhưng cá nhân, tôi sẽ không ước điều đó! Tôi mong chúng ta  chờ một phép lạ như một dấu chỉ. Tôi cảm thấy dấu chỉ đang hiện diện và hoạt động. Tôi muốn điều này được nhìn thấy!

Luật sư kinh doanh rồi đi tu

Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1962 tại Lyon, thân phụ của ngài là nhà đại lý bảo hiểm và mẹ là y tá. Ngài có bằng thạc sĩ luật kinh doanh và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Cao đẳng Hành chánh. Ngài hành nghề luật sư kinh doanh ở Paris từ năm 1989 đến năm 1995. Xúc động trước ơn gọi sau khi tham dự một thánh lễ truyền chức năm 1994, ngài vào Dòng Đa Minh, ngài khấn tạm ngày 14 tháng 9 năm 1996 và ba năm sau ngài khấn trọn. Sau khi có bằng giáo luật về thần học của phân khoa Công giáo Lyon, ngài chịu chức ngày 24 tháng 6 năm 2001 và là tu sĩ Dòng Đa Minh.

Tổng giám mục Jean-Paul Vesco định cư ở Tlemcen, giáo phận Oran, Algeria, ngài đáp lại lời kêu gọi xây dựng Dòng Đa Minh sáu năm sau vụ ám sát Chân phước Pierre Claverie. Năm 2005, ngài làm Tổng Đại diện giáo phận Oran. Ngài trở về Pháp sau khi được bổ nhiệm làm Giám tỉnh và sau đó được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Oran năm 2012. Khẩu hiệu giám mục của ngài là: “Tôi muốn sống và làm cho mọi người muốn sống.”

Ngày 27 tháng 12 năm 2021, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Alger thay thế Tổng giám mục Paul Desfarges về hưu. Ngài được tấn phong ngày 11 tháng 2 năm 2022 tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Alger. Kể từ khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Tổng Giáo phận Alger, ngài đã giữ chức vụ Tông tòa của giáo phận Oran trong thời gian trống tòa. Ngài nhập tịch tháng 2 năm 2023 theo sắc lệnh tổng thống của Tổng thống Cộng hòa Abdelmadjid Tebboune.

Marta An Nguyễn dịch