Ronald Rolheiser, 2024-09-02
Một trong những câu chuyện tôn giáo lớn nhất trong lịch sử là câu chuyện Xuất hành, câu chuyện về một dân tộc được giải thoát khỏi cảnh nô lệ, nhờ phép lạ đi qua được Biển Đỏ, rồi tự do đứng trên một bờ biển mới.
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện này. Một quốc gia dân tộc Israel đã sống dưới ách nô lệ của Ai Cập trong nhiều năm. Trong những năm này, họ cầu nguyện để được giải phóng, nhưng hơn bốn trăm năm mà không được.
Rồi Thiên Chúa ra tay. Thiên Chúa cử ông Môsê đối đầu với Pharaô đã nô dịch dân Israel, rồi khi Pharaô chống cự, Thiên Chúa cho một loạt tai ương trút xuống, cuối cùng Pharaô phải thả dân Israel ra khỏi ách nô lệ và cho họ ra đi.
Ông Môsê bắt đầu dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, nhưng khi họ vừa đi thì Pharaô đổi ý, đem quân đội đuổi theo, khi đó dân Israel bị kẹt ở bờ Biển Đỏ, không thể đi tiếp.
Chính lúc đó, Thiên Chúa làm phép lạ củng cố đức tin của người Do Thái. Ngài đã rẽ nước làm đôi và cho dân đi qua biển mà chân khô ráo. Rồi khi quân đội Ai Cập đuổi đến, nước ập về như cũ và nhấn chìm toàn bộ binh lính, khi đó người nô lệ chạy trốn đứng trên một bờ biển mới, được tự do thoát khỏi kẻ áp bức.
Cả người tín hữu kitô và người Do Thái đều tin phép lạ này có thật trong lịch sử, và là một trong hai phép lạ nền tảng mà Thiên Chúa đã làm. Với người tín hữu kitô, phép lạ nền tảng thứ hai là phép lạ Chúa Giêsu Phục sinh. Đức tin Do Thái giáo phụ thuộc vào sự thật về phép lạ Biển Đỏ, và đức tin kitô giáo phụ thuộc vào sự thật về Chúa Giêsu Phục sinh.
Hơn nữa, cả Do Thái giáo và Kitô giáo đều cho rằng những phép lạ này (đã xảy ra trong lịch sử, có thời gian và địa điểm) vốn được định cho mọi thời và mọi nơi và có thể được tham dự thông qua nghi lễ (theo một cách có thật, mặc dù nằm ngoài lịch sử).
Trong Do Thái giáo, phép tính như sau: khi tách Biển Đỏ và để dân Israel thoát nạn, Thiên Chúa làm một phép lạ, biến đổi hiện thực về mặt vật chất. Tuy nhiên, dù về mặt lịch sử, chỉ có một thế hệ thực sự đi qua Biển Đỏ, thì đây là một phép lạ vượt quá thời gian, địa điểm, lịch sử và siêu hình bình thường. Nó vô tận và có thể được nhiều thế hệ sau cùng tham dự.
Như thế nào? Thông qua nghi lễ, thông qua sự tưởng niệm mang tính nghi lễ phép lạ nguyên thủy đó, chính là lễ Vượt qua.
Khi người Do Thái mừng lễ Vượt qua, họ tin không chỉ họ tưởng nhớ một chuyện đã xảy ra khi Thiên Chúa tách Biển Đỏ, họ tin mỗi một người trong số họ, vào hàng thế kỷ sau, đang thực sự bước qua Biển Đỏ. Họ không chỉ tưởng nhớ một sự kiện lịch sử, họ đang tích cực tham gia vào sự kiện đó.
Có thể giải thích chuyện này thế nào? Làm sao có thể giải nghĩa một sự kiện có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian? Không thể. Theo định nghĩa, hiện tượng học không thể giải thích phép lạ được. Chính vì vậy mới gọi là phép lạ. Vì thế chúng ta không thể giải thích cả việc đi qua Biển Đỏ, lẫn tính hiệu lực của sự kiện đó ngoài thời gian.
Người tín hữu kitô cũng tin một điều như vậy về cuộc xuất hành của Chúa Giêsu, đi từ cái chết đến phục sinh. Chúng ta tin chuyện này đã xảy ra trong lịch sử, có thật, trong một sự kiện đã biến đổi thần kỳ vật lý bình thường của trái đất. Và như các anh chị em Do Thái, chúng ta cũng tin sự kiện xảy ra duy nhất, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, là điều mà chúng ta có thể tham dự, một cách có thật và thông qua nghi lễ, cụ thể là tưởng nhớ qua Kinh Thánh và qua việc cử hành Bí tích Thánh Thể.
Với kitô hữu, đây là chức năng đặc biệt của Kinh nguyện Thánh Thể trong việc cử hành nghi thức Thánh Thể. Kinh nguyện Thánh Thể không chỉ là lời cầu nguyện để Chúa Kitô hiện diện trong bánh và rượu, mà còn là lời cầu nguyện để cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu hiện diện khi chúng ta tham dự. Cũng như người Do Thái tin lễ Vượt qua là thực sự đi qua con đường Thiên Chúa đã tạo ra cho họ để hướng đến tự do, thì kitô hữu chúng ta cũng tin rằng trong phép Thánh Thể, chúng ta cũng thực sự bước qua con đường kỳ diệu từ sự chết đến sự sống mà Chúa Giêsu đã tạo qua hành trình từ cái chết đến phục sinh của Ngài.
Và, trong chuyện này có lời mời gọi cho tất cả những ai tham dự Bí tích Thánh Thể: đó là trong phần kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta hãy tự hỏi, thế lực nào đang nô dịch tôi? Pharaô nào đang giam cầm tôi? Một hình ảnh xấu về mình? Hoang tưởng? Nỗi sợ? Một vết thương nào đó? Tổn thương? Chứng nghiện? Tôi có thể đi với Chúa Kitô đến một nơi mới không còn sự nô lệ này nữa không? Phép lạ phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như cuộc Xuất hành, đã xảy ra trong lịch sử, nhưng cũng vượt thời gian và không gian, có sẵn cho chúng ta để chúng ta bỏ lại những Pharaô đang làm chúng ta bị nô dịch, để chúng ta đến với tự do, trên một bờ biển mới.
J.B. Thái Hòa dịch