lemonde.fr, William Marx, 2024-08-25
Giáo sư William Marx tại Collège de France: “Lời của Đức Phanxicô về văn học mang tính cách mạng vì đi ngược lại truyền thống kiểm duyệt của Giáo hội.”
Giáo sư William Marx, trường Collège de France nói trên báo Le Monde ngày 4 tháng 8: “Thư của Giáo hoàng về vai trò văn học trong việc đào tạo là sự kiện đáng kể với tất cả những ai yêu thích văn học.”
William Marx, giáo sư tại Collège de France, bày tỏ trong một chuyên mục trên tờ “Le Monde”. Các chuyên gia “đọc” như ông ông Bernard Pivot người Pháp hay bà Oprah Winfrey, người Mỹ thường nói: “Trong những ngày hè nhàm chán, trong cái nóng và trong cô độc của khu phố vắng vẻ, việc tìm một quyển sách hay để đọc giúp chúng ta tránh những lựa chọn vô bổ.” Nhưng “Thư bất thường của Đức Phanxicô về vai trò của văn học trong đào tạo” công bố trong mùa Thế vận gần như được ít người chú ý.
Nhưng tài liệu này là sự kiện đáng kể với những ai yêu thích văn học. Tài liệu được dùng để giải quyết vấn đề ơn gọi, nhưng phạm vi của nó vượt xa mục tiêu nan đầu là đào tạo linh mục. Các nhà lãnh đạo giáo dục, kể cả những người trong lĩnh vực giáo dục thế tục sẽ thấy có điều gì hữu ích ở đây để suy nghĩ. Tôi khuyên quý vị nên đọc thư này cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục tương lai.
Việc Giáo hội quan tâm đến văn học không phải là chuyện mới. Chúng ta còn nhớ “Danh sách các sách cấm” được công bố sau Công đồng Trent (1545-1563) và chỉ bị bãi bỏ vào năm 1966: Stendhal, Victor Hugo, George Sand, Gustave Flaubert cùng làm việc này.
Đảo ngược quan điểm
Đức Phanxicô, trong một cử chỉ mà ngài thường làm, đã đảo ngược quan điểm truyền thống. Ngài cho rằng, viết, đọc những bài thơ hay và lãng mạn là nền tảng của mọi nền giáo dục. Văn học buộc chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của người khác, giúp chúng ta khám phá các văn hóa khác, bước vào đời sống khác với văn hóa của mình, mời gọi “giải tập trung” và đồng cảm, sửa chữa những bất lực cảm xúc mà thế giới hiện đại phải chịu đựng, những giam cầm mà mỗi cá nhân sống trong bong bóng của họ.
Phim ảnh và các phương tiện nghe nhìn khác cũng giúp chúng ta thoát ra ngoài, nhưng văn học hoạt động với hiệu quả không thể so sánh được. Chúng ta có thể đọc bất cứ lúc nào không cần đến công nghệ. Đó là nghệ thuật dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, vì đó là một nghệ thuật “nghèo nàn”, một thuật ngữ Đức Phanxicô không e dè dùng vì ngài quen… sống nghèo như Thánh Phanxicô Assisi.
Tác phẩm văn học được tạo nên từ ngôn từ, văn phong và biểu tượng, đòi hỏi người đọc phải đặt trí tưởng tượng, vận dụng khả năng sáng tạo và diễn tả của riêng mình vào. Việc rút tỉa những điều hay trong sách buộc tâm trí chúng ta phải phát triển sức mạnh của nó. Các phương tiện truyền thông khác thụ động hơn, nhưng đọc buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải tích cực.
Đây là những lập luận không có gì mới, chúng ta đã thấy ở Aristotle, Hegel, Valéry, Rilke, Cassirer và Eliot. Điều mới ở đây là được Giáo hoàng nhắc đến.
Năm 1999, trong Thư gởi các nghệ sĩ, Đức Gioan Phaolô II đã xin các nhà sáng tạo tìm sáng kiến của họ từ kitô giáo. Ngài nói phải tách lúa mì ra khỏi cỏ trấu, ngài phản đối loại vatican học phi tôn giáo.
Ca ngợi sự phức tạp về mặt đạo đức
Không có gì giống như vậy với Đức Phanxicô. Không phải ngài khuyên nên đọc những tác phẩm lớn, nhưng tất cả các tác phẩm văn học, không ngoại lệ, ngay cả khi nó có thể gây sốc và làm cho người tín hữu kinh ngạc. Là người thừa kế Thánh I-Nhã, Đức Phanxicô xem tiểu thuyết như “bài tập linh thao” đánh thức ý thức đạo đức của người đọc. Cảm xúc tiêu cực cũng là dấu hiệu cho thấy đầu óc đang hành động.
Văn học là “phòng tập thể dục của phân định”. Tốt hơn triết học và các bài phân tích, văn học dạy chúng ta nhận biết “sự vô ích và việc không thể giảm thiểu bí ẩn của thế giới và của con người thành cực đối nghịch đúng-sai, công bằng hay không công bằng”.
Dưới ngòi bút của ngài, những lời này rất mạnh, thậm chí mang tính cách mạng, đi ngược với truyền thống kiểm duyệt của Giáo hội, nhưng còn đáng ngạc nhiên hơn là chống lại hệ thống thẩm tra hiện đại trong khuôn viên nhà trường dưới danh nghĩa chính trị và hệ tư tưởng. Tuy nhiên, lời khen ngợi về sự phức tạp về mặt đạo đức của văn học chỉ là quay trở lại với nguồn gốc của thần học công giáo: với Basile de Césarée, người khuyến khích giáo dân đọc văn học ngoại giáo, với Thánh Tôma Aquinô, người thấy trong ẩn dụ thơ ca cách duy nhất để diễn tả sự vô hạn của thần thánh.
Ngược với mọi mong chờ, ngài không trích dẫn những tác giả ưu tú của văn học công giáo như Dante, Hopkins hay Bernanos, nhưng ngài trích dẫn Proust, Celan và Borges, các tác giả ngài đã biết ở Argentina. Một kinh ngạc thực sự khi ngài chỉ trích văn sĩ Pháp Cocteau đã bôi nhọ nghệ thuật văn học nhân danh đức tin. Như thể tôn giáo của văn học đã đi về Rôma! Chúng ta có thể tin hơn ở Đức Phanxicô về sức mạnh của văn chương, trong đó ngài thừa nhận “nhiệm vụ hàng đầu được Thiên Chúa giao phó cho con người là “đặt tên” cho các sinh vật và sự vật đó sao?
Khi bức thư gởi đi, các giám mục đã phản đối một đoạn về lễ khai mạc Thế vận hội Olympic bị hiểu sai là một đoạn nhái lại Bữa Tiệc Ly. Họ khó có thể đi xa hơn đỉnh cao tinh thần và trí tuệ mà Đức Phanxicô đã vươn tới. Chúng tôi mơ các nhà lãnh đạo tôn giáo khác sẽ có thể tìm được nguồn cảm hứng từ món quà đặc biệt về trí thông minh và sự cởi mở với mọi thụ tạo. Thi sĩ Apollinaire đã nói điều này năm 1913: “Người châu Âu hiện đại nhất là Đức Piô X.” Chỉ có một cái tên cần thay đổi.
William Marx là giáo sư tại Collège de France, chủ tịch môn Văn học so sánh. Quyển sách mới nhất của ông: “Mùa hè với Don Quixote”, nxb. Ecuador
Marta An Nguyễn dịch