Càng ngày mối lo tài chánh của các nhân viên Vatican càng tăng
cath.ch, I.Media, 2024-08-23
Trong thông báo “Có mối lo thực sự cho nhân viên ở Vatican không” của Hiệp hội Nhân viên Giáo dân của Vatican (ADLV) công bố vào tháng 8, Hiệp hội cảnh báo về tình trạng xã hội ngày càng xấu của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.
Hiệp hội đại diện cho 600 trong số gần 5.000 nhân viên của Tòa thánh đặt câu hỏi về hậu quả của những cải cách kinh tế gần đây với điều kiện làm việc ở Vatican, họ lấy làm tiếc về việc thiếu đối thoại xã hội.
Tại Vatican, các công đoàn không được chấp nhận, chỉ có công đoàn của Hiệp hội Nhân viên Giáo dân của, một hiệp hội được Tòa thánh công nhận kể từ khi thành lập năm 1993 là Hiệp hội duy nhất cho phép đối thoại xã hội giữa nhân viên và hệ thống cấp bậc của quốc gia nhỏ bé này. Hiệp hội ADLV làm việc với Văn phòng Lao động Trung ương Tòa Thánh (ULSA), cơ quan chịu trách nhiệm về nhân sự tại Vatican được thành lập năm 1989.
Trên quan điểm cơ cấu, Tòa Thánh đã cải cách tổ chức đáng kể dưới triều Đức Phanxicô với mục đích hiện đại hóa và hợp lý hóa trong các hoạt động điều hành. Cải cách được phát động mạnh từ năm 2014, năm 2022 Đức Phanxicô công bố Tông hiến Praedicate Evangelium cho phép tái cấu hình hoạt động của Giáo triều Rôma, nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của cơ cấu đôi khi bị cho là nặng nề và bị tai tiếng trong một số vụ bê bối tài chính.
Tuy hoạt động của trung tâm kinh tế Vatican quan trọng trong cuộc cải cách lớn này, nhưng nguồn nhân lực không mạnh và vẫn còn theo quy chế do Đức Bênêđíctô XVI ấn định năm 2009. Một số cải cách đôi khi thực hiện một cách hỗn loạn, tạo cảm giác thù nghịch hiện đang lan rộng với những người chịu trách nhiệm về kinh tế Vatican, đặc biệt những người ở trong Ban Thư ký Kinh tế và Văn phòng Lao động Trung ương Tòa Thánh ULSA.
Một nhân viên Vatican giải thích: “Bộ phận Quan hệ Nhân lực quản lý lực lượng lao động thuần túy, không quan tâm đến kỹ năng và nguyện vọng của nhân viên”. Bảo tàng Vatican cũng vướng vào những vụ bê bối tài chính. Một nguồn tin khác của Vatican cho biết, nhiều nhân viên được tuyển dụng không theo kỹ năng mà theo một cách tùy tiện.
Vatican, “cơ quan đa quốc gia nhưng khập khiểng”
Không chỉ trích trực tiếp với các cải cách, Hiệp hội ADLV đã cứng rắn hơn so với lời kêu gọi cuối cùng được công bố ngày 8 tháng 7, trong đó các vấn đề tương tự đã được giải quyết một cách lạc quan. Giờ đây, Hiệp hội bối rối về tác động của họ, đề cập đến một “thay đổi căn bản” môi trường xã hội. Đặt câu hỏi về việc chăm sóc điều kiện làm việc tại Vatican, Hiệp hội mong muốn “bảo vệ hình ảnh của Tòa thánh, không may bị tổn hại trong những năm gần đây với các vụ bê bối”.
Hiệp hội ADLV lấy làm tiếc về việc Vatican ngày càng trông cậy vào các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Một nguồn tin của Vatican cho biết, bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện biết rất ít về văn hóa của Vatican, biến “gia đình” nhân viên Vatican thành một “công ty đa quốc gia khập khiễng”, nhân viên không được hưởng các khoản tiền thưởng và lợi ích dành cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhất là trong dịch vụ dọn phòng và hướng dẫn du khách, cũng như việc quản lý tài sản của “Ngân hàng Vatican”, Cơ quan Quản lý Di sản Tòa Thánh (APSA) được giao cho “các công ty Mỹ”. Theo một số cơ quan truyền thông Ý, quyền quản lý siêu thị Annona nổi tiếng của Vatican sẽ được giao hoàn toàn cho chuỗi siêu thị tư nhân Pewex của Rôma.
Lo lắng cho tương lai mờ mịt
Hiệp hội ADLV cũng nhấn mạnh đến sự thiếu minh bạch của Vatican và lấy làm tiếc kể từ năm 2022 bảng chiết tính tài chính đã không được Ban Thư ký Kinh tế công bố, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của một số khía cạnh của cuộc cải cách, cũng như của nhiều biện pháp thực hiện cho nhân viên, nhất là việc giữ lại tiền thưởng thâm niên hoặc thăng chức do Giáo hoàng quyết định năm 2021 để đối phó với những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hiệp hội Nhân viên Giáo dân của Vatican lo lắng: “Chúng tôi mong chờ gì từ cuộc cải cách tiền lương?”, họ không bỏ qua trước các biện pháp mới trừng phạt nhân viên. Trong bối cảnh khó khăn này, những đặc quyền được giao cho một thiểu số và đã không tôn trọng tiêu chuẩn nhân tài.
Hiệp hội ADLV cũng lo ngại việc tăng tiền thuê nhà khi giao cho các công ty tư nhân quản lý vì hiện nay nhân viên Vatican thuê nhà với giá thấp hơn giá thị trường Ý.
Hiệp hội khẳng định có một “giải cấu trúc” dần dần trong các cấu trúc xã hội Vatican, họ chỉ trích một môi trường trong đó “mọi người đều im lặng”. Hiệp hội cho biết, khi bị chất vấn, các người có trách nhiệm đã khó khăn khi đưa ra câu trả lời. Một giám đốc điều hành của một trong các bộ của Vatican cho biết: “Chúng tôi có một quy định ra lệnh từ trên xuống, nhưng từ dưới lên không có đối thoại. Nhân viên không thể tiếp cận được với văn phòng của Hiệp hội ULSA.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch