“Hồng y nhà thơ” José Tolentino de Mendonça: “Tôi nghĩ Đức Phanxicô đi Argentina mỗi ngày”
Hồng y José Tolentino de Mendonça, bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục nói về những thách thức của Giáo hội và việc chờ Đức Phanxicô về thăm quê hương.
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, Rôma, 2024-08-10
Một nhóm tín hữu Mêxicô mặc y phục truyền thống gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại hội trường Phaolô VI ngày thứ tư 7 tháng 8 năm 2024. Ảnh AP / Gregorio Borgia
Hồng y José Tolentino de Mendonça có biệt danh là “hồng y nhà thơ” vì ngài có nhiều tác phẩm thi ca, văn học và thần học. Ngài liên kết với giới trí thức, nhiều người xem ngài là người “có thể làm giáo hoàng”.
Hồng y Bồ Đào Nha José Tolentino de Mendonça rất nổi bật, ngài đứng đầu bộ Văn hóa và Giáo dục gần hai năm nay. Thành công gần đây của ngài là gian hàng Tòa thánh tại Venice Art Biennale, ngài làm gian hàng ở một nơi không ai ngờ tới: một nhà tù nữ, ngài khéo léo kết hợp nghệ thuật với thế giới nhà tù, một thực tế khắc nghiệt, khó khăn ít người muốn đến xem, nhưng lại trở thành một trong những mục tiêu lớn của sự kiện này.
Là chuyên gia về quan hệ giữa văn học và thần học, ngài luôn hoạt động tích cực trong giới văn hóa và đại học, năm 2014, ngài đại diện Bồ Đào Nha tại Ngày Thơ Thế giới và trong nhiều năm, ngài viết chuyên mục hàng tuần trên tờ Expresso với tựa đề “Những đám mây là gì”.
Tháng 2 năm 2018, với tư cách là cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Đức Phanxicô mời ngài về Rôma giảng linh thao cho giáo triều. Sự kiện tạo bàn đạp cho ngài về Vatican: tháng 6 cùng năm ngài được bổ nhiệm làm thủ thư và đảm trách thư viện Tòa Thánh, năm sau ngài được phong hồng y và tháng 9 năm 2022, ngài được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục.
Trong một phỏng vấn với nhật báo La Nación tại căn phòng có ban-công nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, thần học gia, học giả Kinh Thánh 58 tuổi đã nói về cuộc đời của ngài, ngài cho biết khi còn nhỏ gia đình ngài ở Angola, “không gian vô tận” của châu Phi đã truyền lửa qua cho ngài, một lục địa đã thu hút ngài và ngài làm việc thường xuyên cho đến ngày nay. Từ 11 tuổi ngài đã ngấu nghiến đọc sách khi vào tiểu chủng viện Funchal, nơi có “hai thư viện khổng lồ” và đã làm thơ từ đó. Thi ca là đam mê của ngài, ngài vẫn làm và vì thế ngài có biệt danh là “hồng y nhà thơ”.
Phỏng vấn Hồng Y José Tolentino de Mendonça
Cha đã ở Vatican được sáu năm, là nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức và vừa là hồng y của giáo triều, tất cả các “nhà này” có phù nhau không? Cha có thấy có một tương phản nào không?
Hồng y José Tolentino de Mendonça: Không, tôi rất trân trọng tự do nội tâm của tôi. Hơn nữa, tôi thấy tôi có nghĩa vụ phải tiếp tục viết, suy nghĩ và hiện diện trong văn hóa với tư cách là người sáng tạo và đi theo con đường của mình. Việc trở thành hồng y không phải là lý do để cản trở, ngược lại, đó còn là một lý do nữa để tôi tiếp tục viết, đó cũng là một ơn gọi.
Cha có cảm thấy đôi cánh của cha bị cắt không?
Không, hoàn toàn không. Đức Phanxicô giúp đỡ tôi rất nhiều trong lãnh vực này, ngài cho tôi tự do. Sau khi phong hồng y cho tôi, thật ngạc nhiên khi chúng tôi gặp nhau, tôi nói: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã làm gì vậy?” (cười), ngài trả lời tôi, “vì cha là thơ văn” … Không phải tôi là thơ, nhưng trong đầu ngài, tôi là một phần của thi ca mà cuộc sống phải có, như Thánh Phanxicô đã nói với các anh em ngài, họ có một mảnh vườn trồng rau cho cộng đồng, nhưng họ phải dành một mảnh đất nhỏ để trồng hoa. Vì vậy, cái hữu ích và cái vô dụng… và thơ ca là cái vô dụng làm đời sống thêm hương.
Làm sao kết hợp thơ văn với một Vatican nhiều mâu thuẫn, âm mưu, căng thẳng nội bộ giữa những người ủng hộ và chống giáo hoàng?
Tất cả chúng ta đều phải chịu đau khổ, đều có những câu hỏi, những chuyện bi thảm. Không ai có thể cảm thấy mình dửng dưng và tôi thấy tôi là một phần của Giáo hội trong lúc này, tôi là người phục vụ cho tầm nhìn của Đức Phanxicô. Chúng ta đang nói về thơ vì nó là một phần tiểu sử của tôi, nhưng Giáo hội có đủ sức lực tinh thần để sống vào thời điểm này, tôi không bi quan nhưng đúng hơn là hy vọng, vì tôi thấy nhiều người sẵn sàng cho Giáo hội một cơ hội thứ nhì.
Theo cha, thách đố quan trọng nhất của Giáo Hội ngày nay là gì?
Theo tôi, thách thức quan trọng nhất là làm sao chuyển kinh nghiệm kitô giáo sang ngôn ngữ của thời đại chúng ta. Kinh nghiệm kitô giáo không thể cứ bám vào một loại ngôn ngữ kế thừa của quá khứ, thách thức truyền giáo Đức Phanxicô đề cập là giấc mơ truyền giáo đến với mọi người. Đây là một thách thức lớn.
Cha nghĩ gì về quyết định của Bộ Giáo lý Đức tin về việc dứt phép thông công Tổng giám mục Carlo María Viganò?
Một quyết định loại này luôn là một bi kịch, không phải là một quyết định có thể làm mà không đau đớn, không phân định nghiêm túc. Mặt khác, phải nói Tổng giám mục Viganò chắc chắn đã làm rất nhiều điều tốt đẹp trong đời, nhưng ở các chức vụ cuối cùng của ngài, ngài đã tuyên bố mình ở ngoài Giáo hội. Vì vậy, quyết định này là hệ quả quan điểm của ngài về vai trò của Đức Thánh Cha, về Công đồng Vatican II và về Giáo hội đương thời.
Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ có phiên họp thứ hai vào tháng 10, Thượng hội đồng này có ý nghĩa gì với cha?
Đây là Thượng Hội đồng rất quan trọng và tôi nghĩ vấn đề đồng nghị sẽ đánh dấu Giáo hội tương lai. Đức Phanxicô có tầm nhìn rất lớn trong việc thúc đẩy Thượng hội đồng vì Giáo hội phải phát triển. Nhưng để lớn lên, Giáo Hội phải làm thông qua đối thoại với chính mình, thúc đẩy mọi hoạt động trung gian, thúc đẩy giáo dân tham gia. Chính từ sự tham gia này mà nhiều thứ khác sẽ được sinh ra, nhưng chúng ta phải biến việc ở bên nhau là nguồn lực và chúng ta phải nhìn Giáo hội không phải theo kim tự tháp mà như một thân thể. Thượng Hội đồng sẽ giúp chúng ta thấy rõ điều này. Không phải chủ đề này hay chủ đề khác, chính sự tham gia và ơn gọi của những người được rửa tội đã mang lại cho Giáo hội bộ mặt đồng nghị, tôi nghĩ Thượng hội đồng sẽ có kết quả to lớn trong tương lai.
Hồng y José Tolentino de Mendonça, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục của Giáo triều Rôma
Khi cha hướng dẫn cuộc tĩnh tâm cho giáo triều Rôma ở Ariccia năm 2018, cha nói về tầm quan trọng của việc các linh mục xem phim. Vì sao?
Linh mục phải là chuyên gia về con người. Và kinh nghiệm của chúng ta về nhân loại có hạn. Chúng ta có một cuộc sống, chúng ta không có cuộc sống nào khác, và điện ảnh giúp chúng ta có những cuộc sống khác nhau, những mối quan hệ đồng cảm, lắng nghe với những nhân vật và tình huống rất khác với chúng ta. Điều này tuyệt đối cần thiết cho một linh mục, như bác sĩ sản khoa phải có tay nghề cao để đở đẻ, nếu không được huấn luyện sẽ không có khả năng hiểu được sự phức tạp của tinh thần con người, nhà văn Bồ Đào Nha Fernando Pessoa (1888-1935) nói đó là vực thẳm của những vực thẳm phức tạp, nếu chúng ta không có cái nhìn này với sự phức tạp và đa dạng của con người, chúng ta không thể phục vụ, Đức Phanxicô luôn nhắc đến vấn đề này.
Cha ở Vatican đã sáu năm, cha thường xuyên gặp Đức Phanxicô. Điều gì làm cha ấn tượng nhất về ngài?
Đây là một câu hỏi hay. Tôi rất ấn tượng về trí thông minh của ngài. Ngài thật xuất sắc. Khi ngài phản ứng, ngài phản ứng một cách thông minh và có chiều sâu. Nhiều khi tôi còn ngạc nhiên vì ngài đi xa hơn nhiều. Đó là điều làm tôi thích thú và tôi cố gắng học hỏi. Tôi còn ấn tượng với tinh thần đơn giản mang tính Phúc âm của ngài. Nơi ngài toát ra mùi Phúc Âm. Phúc âm di chuyển. Có người nói: “Tôi đối diện với người tin rằng sự thật là sự thật”. Và điều này không phổ biến lắm.
Cha đã đi Argentina lần nào chưa?
Tôi đã đi một lần và tháng 8 này tôi sẽ đi thăm Đại học Công giáo Argentina.
Như cha biết, Argentina là chủ đề còn chờ Đức Phanxicô, ngài chưa về thăm quê hương. Khi cha đi Argentina, người dân sẽ hỏi cha về chuyện này, cha nghĩ sao?
Tôi nghĩ ngài đi Argentina mỗi ngày, chắc chắn ngài đi Argentina mỗi ngày. Giống như tôi, dù không cố ý, nhưng ngày nào tôi cũng nghĩ về quê hương của tôi. Ai cũng vậy…
Câu hỏi cuối cùng: cha có biết có một số người nói cha có thể làm giáo hoàng không?
(Cười) Tôi nghĩ lúc này Giáo hội có một giáo hoàng phi thường, tất cả chúng ta nên ủng hộ ngài bằng mọi cách và biết ơn về mọi điều ngài làm để giúp Giáo hội trở nên truyền giáo hơn và mang tính tiên tri hơn.
Marta An Nguyễn dịch