Sống đức tin trong đức ái

74

Sống đức tin trong đức ái

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Thư Thánh Giacôbê viết: “Đức tin nếu không có những việc làm bác ái là đức tin chết” (2, 26). Carlo sống đức ái với Chúa: Carlo đi lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện mỗi ngày, nhưng đặc biệt Carlo sống đức ái với người chung quanh, những người không thuộc gia đình Carlo.

Có rất nhiều chuyện để nói về chuyện này, nhưng chúng tôi chọn một số chuyện để không vượt quá số trang cho phép. Tôi xin kể theo thứ tự thời gian, bắt đầu khi Carlo 5 tuổi rưỡi. Carlo biết các tu sĩ Dòng Phanxicô hèn mọn Capuxinô Viale Piave lo việc từ thiện ở giáo phận Milan. Carlo gặp cha Giulio Savoldi, phó cáo thỉnh viên và là cha giải tội của bậc đáng kính Cecilio Maria Cortinovis, người sáng lập công việc từ thiện này. Carlo đưa tất cả tiền tiết kiệm của em cho cha, em xin cha giúp cho các em gặp khó khăn. Nhiều năm sau, cha cho biết, cha cảm động khi thấy một em bé có lòng thương người như vậy. Carlo luôn làm việc bác ái, quan tâm đến nhu cầu của người khác, mong muốn xoa dịu nỗi đau của người kém may mắn.

Cô bảo mẫu Beata kể, từ khi còn rất nhỏ, mỗi khi Carlo gặp người vô gia cư, Carlo dừng lại chào, nói chuyện và cười với họ. Khi lớn hơn, Carlo thấy các nhà trọ cho người vô gia cư trú ngụ thường không đủ khả năng đón nhận họ, Carlo nói với chúng tôi Carlo muốn làm nhà cho người vô gia cư, một ngôi nhà lớn để mỗi người có một phòng riêng.

Chúng tôi biết một số việc bác ái Carlo làm, vì Carlo xin chúng tôi tiền mua một số dụng cụ cho người nghèo như túi ngủ, thức ăn, bình thủy để Carlo mang thức ăn đến cho họ. Carlo mua trái cây, bánh ngọt, bánh mì sandwich rồi đi với ông Rajesh, nhân viên của chúng tôi đến Công viên Sempione, hoặc trước giáo xứ Santa Maria Segreta để cho họ. Carlo xin phép chúng tôi dùng tiền túi để mua áo quần cho họ. Carlo thực hiện lời của Mẹ Têrêxa Calcutta hay nói: “Chúng ta có thể làm điều tốt ngay bên ngoài ngôi nhà của mình, chúng ta không cần phải đi đâu xa.”

Carlo giữ thói quen này khi chúng tôi đi nghỉ ở Assisi: khi đi dạo gần nhà thờ nhỏ Santo Stefano, Carlo thấy có người ngủ ở công viên, sau bữa ăn tối, Carlo mang phần ăn đến cho họ. Từ đó, Carlo luôn xin bà ngoại Luana làm thêm một món gì để Carlo mang đến cho họ. Đôi khi Carlo cho họ một ít tiền.

Khi đi chơi với các bạn Mattia và Jacopo ở Assisi, nếu Carlo gặp người nghèo, em sẽ dừng lại nói chuyện và nếu có tiền trong túi, em sẽ cho họ. Carlo cho họ áo quần, thức ăn, tiền bạc, nói chuyện với họ và cầu nguyện cho họ. Khi còn học ở trường trung học Léon-XIII, Carlo biết một người khuyết tật lớn tuổi ở trường: Carlo hứa thường xuyên đến thăm, mang thức ăn đến và an ủi họ.

Carlo gặp một người ăn xin nghèo 80 tuổi ở giáo xứ, ông bị bệnh tim và tiểu đường phải vào bệnh viện thường xuyên, Carlo xin phép chúng tôi đi thăm ông, mang cho ông những thứ ông cần trong thời gian ông ở bệnh viện.

Một lần nọ, Carlo điện thoại về nhà xin phép đi mua đồ cho hai đứa trẻ sống bất hợp pháp vì không có giấy tờ, chúng tôi cho phép và Carlo đưa hai em đi siêu thị.

Sau khi Carlo qua đời, chúng tôi gặp họ, vì không có việc nên họ đi ăn xin gần giáo xứ Milan, họ nói họ rất nhớ Carlo, họ ngạc nhiên trước nụ cười tươi của Carlo. Carlo tử tế với họ, nhiều khi không có gì để cho, Carlo dừng lại nói chuyện, quan tâm đến cuộc sống và tương lai của họ. Qua lời nói, Carlo an ủi và mang hy vọng đến cho họ. Một trong hai người cho Carlo biết, người kia bị trầm cảm và gần chết trên ghế công viên, Carlo xin phép chúng tôi giúp đưa ông này đi điều trị, Carlo thuyết phục ông vào bệnh viện Fatebenefratelli. Ông ở bệnh viện 40 ngày, trong thời gian này, chúng tôi thường đi thăm ông. Khi ra viện, ông ở nhà xã hội.

Một người đàn ông khác khoảng 50 tuổi bị mất việc, phải ăn xin ở giáo xứ Milan. Mỗi khi đi lễ gặp ông, Carlo cho ông tiền và nói chuyện với ông. Ông xin một chiếc xe đạp để có phương tiện đi lại, Carlo xin chúng tôi cho ông chiếc xe.

Carlo luôn quan tâm đến người vô gia cư, Carlo gặp họ trong những bếp ăn dành cho người nghèo của các nữ tu Mẹ Têrêxa. Trong số này có nhiều người theo đạo hồi, Carlo có mối quan hệ thân thiện với họ. Khi gặp nhau trên đường phố, họ thân tình chào nhau, Carlo mời họ ăn bánh mì sandwich.

Nơi người nghèo, người bệnh, người đau khổ, Carlo thấy Chúa nơi họ, như chương 25 Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa hiện diện trong tình trạng bị đóng đinh nơi người nghèo đói, người bất hạnh, người tù nhân.

Khi cho người nghèo chiếc chăn, túi ngủ hoặc một bữa ăn, Carlo nhớ lại khi Chúa Giêsu sinh ra, Ngài bị bỏ rơi. Carlo viết trong sổ tay:

Chúa Giêsu chọn cô gái trẻ nghèo 15 tuổi làm mẹ và người thợ mộc nghèo làm cha nuôi khi nhập thể. Khi sinh ra, Chúa Giêsu bị các chủ nhà trọ không cho trọ, cuối cùng Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ hang lừa. Về mọi mặt, máng cỏ hàng lừa ở Bêlem chắc chắn thích hợp hơn các ngôi nhà từ chối Chúa.

Một cô gái nghèo 15 tuổi, một người thợ mộc nghèo, đó là cha mẹ của một Thiên Chúa chọn khó nghèo, không chọn sang trọng.

Carlo đặc biệt kính mến Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Antôn Pađua, Carlo noi gương hai ngài. Và nhờ gương sáng của linh mục Oreste Benzi, người sáng lập Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII, một cộng đoàn lo cho người bệnh, cho phụ nữ rơi vào con đường mại dâm, người nghiện ma túy. Carlo xem ngài là “ánh sáng trong đại dương tối tăm dữ dội”, án phong thánh cho linh mục đang được tiến hành.

Bà ngoại Luana kể khi Carlo 6 tuổi, bà đi dạo với em ở Công viên Solari cùng với chú chó Chiara. Carlo thích ném một cái gì đó và con chó sẽ nhặt đem về. Carlo chơi với một bạn gặp ở công viên, hai em thành bạn của nhau, bà ngoại Luana kết bạn với cô bảo mẫu của em bé kia. Mấy hôm sau, khi ra công viên, Carlo thấy cô bảo mẫu khóc, lý do vì nhà của cô ở Phi Luật Tân bị cơn bão làm sập, mẹ của cô bị gãy xương. Cô rất lo vì không có tiền gởi về cho cha mẹ. Trước bữa ăn, Carlo lấy tiền tiết kiệm trong con heo đất, xin bà ngoại Luana thêm tiền và đem cho cô bảo mẫu, cô rất mừng khi nhận số tiền.

Khi là thiếu niên, Carlo gom các món tiền em nhận được để giúp các hội từ thiện. Mùa hè năm 2006, Carlo làm việc ở hồ bơi thành phố Assisi, em dùng tiền lương để giúp các em bé gặp khó khăn.

Không những giúp tiền bạc, Carlo còn nghĩ đến nhu cầu của các em. Khi còn nhỏ, Carlo thích chơi Lego, nhưng nếu Carlo biết có em nào không có tiền mua Lego, ngay lập tức Carlo tặng Lego của mình. Khi là thiếu niên, Carlo giúp các nhân viên ở hồ bơi để họ thay phiên nhau đi ăn.

Các bạn của Carlo biết Carlo đi lễ hàng ngày, thỉnh thoảng chế nhạo hoặc xúc phạm Carlo, nhưng từ nhỏ Carlo đã có thói quen không phản ứng trước những lời chế nhạo, Carlo chịu đựng, em cầu nguyện và dâng lên Chúa, em biết Chúa Giêsu là người sống khiêm nhường trong thinh lặng, trong cầu nguyện và dâng mình cho Chúa Cha.

Với Carlo, bác ái còn có nghĩa là giúp đỡ và bảo vệ kẻ yếu thế, vì thế việc Carlo đứng về kẻ yếu là chuyện đương nhiên. Cũng như giúp người vô gia cư, Carlo tế nhị giúp các bạn gặp khó khăn trong học tập, trong máy tính. Carlo luôn tươi cười nhiệt tình giúp đỡ, không bao giờ mất kiên nhẫn. Carlo không để mình bị hạn chế vì người khác phán xét hay chế nhạo, Carlo luôn đứng về phía các các bạn yếu kém.

Linh mục Dòng Tên Roberto Gazzaniga, hiệu trưởng trường trung học Lêô XIII ở Milan thời đó đã nói về Carlo trong tiến trình phong chân phước cho Carlo ở giáo phận Milan:

Từ nhỏ, Carlo đã quan tâm đến các bạn ở “ngoài lề”, các bạn này cần có thì giờ để làm quen với trường mới, bạn mới. Ngay từ những ngày đầu tiên, Carlo gần gũi với các bạn gặp khó khăn. Sau khi Carlo qua đời được vài tháng, chúng tôi hỏi các bạn của Carlo, họ mến Carlo ở những điểm nào, một số nhấn mạnh đến sự tế nhị và khả năng thông cảm của Carlo trong những ngày đầu niên học, Carlo tạo điều kiện để họ hòa nhập: Carlo luôn nhắc không nên làm trầm trọng thêm các tình huống khó khăn, Carlo cố gắng giải quyết mâu thuẫn và phá vỡ im lặng. Nhiều bạn biết ơn Carlo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ, tin tưởng, gần gũi và không xúc phạm họ.

Sự hiện diện của Carlo và khả năng làm cho người khác thoải mái thấy mình ở trong nhóm đã làm tôi có ấn tượng về Carlo. Carlo thích đi trên hành lang tầng hai vào giờ nghỉ, Carlo nói chuyện với các bạn, với giáo viên. Carlo thường đi với một bạn bị cô lập vì nếu Carlo không đem bạn đi thì bạn này sẽ ngồi trên ghế chờ hết giờ ra chơi. Carlo có rất nhiều sáng kiến, biết cách thu hút người khác, tôn trọng họ. Nhiều người vẫn còn ngạc nhiên trước khả năng chủ động và lịch sự bẩm sinh của Carlo, Carlo không chút e ngại. Người gác-dan của trường xúc động nhớ sự tinh tế của Carlo, bình thường Carlo đi qua hồ bơi để vào trường, Carlo chào ông, nhưng hôm nào Carlo không đi qua hồ bơi, đến giờ ra chơi Carlo đến chào ông. Một lời chào quen thuộc, tự nhiên và xúc động vì có những bạn chỉ chào khi họ vui.

Tính tình vui vẻ, luôn muốn tiếp xúc, không dửng dưng với ai. Là chàng thanh niên thân thiện, Carlo gần gũi với người chung quanh. Tôi luôn ngạc nhiên thấy khả năng bẩm sinh ngoại hạng này nơi Carlo, Carlo không là mục tiêu để bị bắt nạt, bị chế nhạo. Học sinh khi còn nhỏ, nếu có ai xuất sắc trong nhóm thì người này thường bị chế nhạo. Ở tuổi chỉ thích cạnh tranh, các bạn trẻ không dễ để công nhận giá trị của người khác. Theo tôi, đây là yếu tố nói lên sự cao cả của Carlo. Sự tốt lành và chân thật của Carlo vượt lên những tị hiềm muốn hạ những người giỏi bẩm sinh.

Minh bạch là giá trị Carlo theo đuổi. Khi nói chuyện và trao đổi với các bạn cùng lớp, Carlo không bao giờ che giấu mình chọn đức tin, Carlo luôn tôn trọng lắng nghe quan điểm của người khác, nhưng bao giờ cũng nói rõ và làm chứng cho các nguyên tắc sống của mình. Một ngày nọ, đồng nghiệp của tôi bước vào lớp của Carlo để đề nghị các em nên vào Cộng đoàn Đời sống Kitô hữu. Ngay sau đó, Carlo đi tìm bạn tôi và nói: “Con rất thích chương trình truyền giáo của giáo sư.” Carlo là người duy nhất trong lớp nói lên quan tâm này.

Marta An Nguyễn dịch